Cuốn sách "Không gục ngã"

Cuốn sách "Không gục ngã"

 

Không gục ngã là tiêu đề của cuốn sách, cũng là lời tác giả Bích Lan tự nói với bản thân cũng như với tất cả những ai cần động lực để đối mặt với những rủi ro, những thử thách khó khăn nhất trong cuộc sống. Tất cả đều toát lên những nghị lực đáng tự hào và những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Không gục ngã ra đời với niềm hy vọng như chính tác giả chia sẻ: “Không gục ngã là câu chuyện của tôi và tôi thật lòng mong khi bạn khép lại cuốn sách này, bạn cũng sẽ bắt đầu viết lên những câu chuyện không gục ngã trong hành trình sống có một không hai của mỗi người”.

Với tự truyện Không gục ngã, Bích Lan muốn đưa đến cho cuộc sống này những thông điệp tốt đẹp nhất: “Hy vọng không ở đâu xa, hy vọng ở ngay trong mỗi chúng ta. Vậy nên hãy tạo ra hy vọng cho chính mình để truyền hy vọng cho những người chúng ta yêu thương. Trong những lúc khó khăn, gian nguy, nếu không có niềm hy vọng, chúng ta sẽ gục ngã”

Nghe sách Không gục ngã” để có những cảm nhận sâu sắc hơn về nghị lực, tài năng của một con người, để thấy được mạch nguồn sự sống mãnh liệt đang ẩn sâu trong một cơ thể yếu ớt, mong manh, để càng thêm tin và càng yêu quý cuộc sống của mỗi chúng ta hơn”.

Anh Nguyễn Văn Đức-Phó Chủ tịch Hội Người mù Quận Cầu Giấy, Hà Nội- người khiếm thị bị cụt cả hai tay cũng rất cảm động khi nghe cuốn sách này, anh viết:

“Cuốn sách tôi đã nghe và thấy ấn tượng nhất là cuốn sách “Không gục ngã” của nhà văn Nguyễn Bích Lan. Khi nghe cuốn sách này tôi thấy mình như được trở lại những ngày tuổi thơ vô tư với những trò chơi tinh nghịch của thời ấu thơ. Ngày đó chúng tôi cũng thường rủ nhau đi bắt cua, tát cá. Cũng từng đốt lửa để sưởi, và cũng thường xuyên phải nhận những hình phạt từ bố mẹ nhưng rồi chúng tôi vẫn không thể bỏ được những thú vui bất tận đó…”.

Anh Trương Phước Khải tại Quận 9, Tp. Hồ Chí Minh cũng đã tìm được động lực khi nghe cuốn sách, anh viết:

“Quyển sách tôi đã nghe và thích nhất trên kênh là “Không gục ngã”. Tác phẩm này là tự truyện của tác giả, dịch giả Nguyễn Bích Lan. Tôi thấy tự truyện này giúp tôi có thêm động lực trong cuộc sống. Hơn nữa, tác giả là một tấm gương phấn đấu vượt lên trở ngại về khuyết tật vận động để trở thành người có ích cho xã hội và tạo động lực cho người khác….

Bằng giọng văn trong sáng, “Không gục ngã” đã kể lại tất cả hành trình của chị Bích Lan từ lúc nhỏ tuyệt vọng trong bệnh tật và chiến đấu với số phận nghiệt ngã từng bước vươn lên để trở thành nhà văn, dịch giả và là một trong tám phụ nữ đương đại được vinh danh tại phần trưng bày mới của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Cuốn sách này giống như một hạt giống tâm hồn có tác dụng truyền tinh thần, ý chí vượt lên số phận cho người lành lặn nói chung và những người khuyết tật nói riêng. Sau khi nghe xong tự truyện “Không gục ngã” này đã giúp cho tôi và gia đình có thêm động lực, tinh thần phấn đấu không khuất phục trước khó khăn. Qua đó tôi nhận thấy rằng khiếm khuyết cơ thể không phải là số phận mà là khó khăn trở ngại lúc ban đầu mà thôi. Nếu chúng ta có ý chí thì sẽ vượt qua được tất cả. Tục ngữ Việt Nam ta có câu “Có chí thì nên”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Khả năng của con người là vô hạn, không có lực nào ngăn cản con người vượt lên. Khi cánh cửa này khép lại, thì sẽ có cánh cửa khác mở ra cho chúng ta. Tuy tôi bị khiếm khuyết về mắt, còn tác giả thì về vận động nhưng cùng chung khó khăn là bất tiện trong cuộc sống. Tôi quan niệm rằng khuyết tật không phải là bất hạnh mà chỉ là bất tiện mà thôi”.

Mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận nhưng khi nghe giới thiệu, nghe đọc cuốn sách đều đã được tiếp thêm nghị lực để sống và vươn lên trong cuộc sống còn bao khó khăn, thách thức. Đó là điều kì diệu mà tác giả của cuốn sách “Không gục ngã” và kênh “Cùng bạn đọc sách” đã mang lại. Chính tấm gương của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan đã trở thành một biểu tượng giúp những người khiếm thị vượt lên số phận để hướng tới một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

 

Facebook zalo

Các tin đã đưa