CẢM NHẬN VỀ MỘT MÁI NHÀ CHUNG

 Ths. Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam
 

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê Kinh Bắc, một vùng quê quan họ nằm trong lưu vực Đồng bằng sông Hồng. Qua nhiều năm tháng công tác và cũng nhiều lần thuyên chuyển đơn vị, đến đầu năm 1995, tôi được về làm việc tại Thư viện Quốc gia Việt Nam .

8 năm sau đó, mùa thu năm 2002, tôi được về nhận công tác tại Vụ Thư viện, Bộ Văn hoá - Thông tin. Ngày ấy Chị Nguyễn Thị Ngọc Thuần – Vụ trưởng Vụ Thư viện, sau khi giao nhiệm vụ trực tiếp cho tôi, có nói: “ Các Liên hiệp thư viện trong cả nước hiện đã có người theo dõi và phụ trách, riêng Liên hiệp thư viện Đồng bằng Sông Hồng thì anh Phạm Đình Hùng đang nghỉ ốm, chữa bệnh dài ngày, lãnh đạo Vụ muốn giao cho đồng chí theo dõi, phụ trách Liên hiệp này. Ý kiến của đồng chí thế nào ?”. Thú thật là khi được Lãnh đạo cơ quan giao việc này, tôi cũng mừng thầm trong bụng, bởi lẽ nhận theo dõi Liên hiệp này, bên cạnh những khó khăn, tôi cũng có nhiều thuận lợi: Vùng Đồng bằng sông Hồng cũng là quê hương của chúng tôi, tôi đã quen biết và yêu mến từ thở ấu thơ. Phần nữa là vì trong những năm tháng làm việc, tôi có dịp đi công tác và quen biết khá nhiều anh chị em trong ngành thư viện ở vùng này.

Bạn có biết chăng, vùng Đồng bằng châu thổ Sông Hồng quê tôi là một vùng quê tươi đẹp, trù phú, đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi. Nơi đây có khí hậu ôn hoà, có núi, có sông, có đồng, có ruộng, có những bãi mía, nương dâu xanh mướt, có con sông Hồng, Sông Đuống, sông Đáy, sông Cầu uốn lượn .... quanh năm chở nặng phù xa, bồi đắp cho bao cánh đồng lúa, ngô, khoai, đậu .... Nói đến vùng Đồng bằng sông Hồng cũng là nói tới một miền quê hương với nhiều di tích và danh lam thắng cảnh nên thơ, tuyệt đẹp, như: Vịnh Hạ Long; Yên Tử (Quảng Ninh); Đền Hùng (Phú Thọ), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), Hồ Gươm-Tháp rùa; Động Hương tích, Chùa Thầy (Hà Nội), Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên); Tràng An (Ninh Bình); Tam Chúc (Hà Nam); Phủ Giầy (Nam Định); Chùa Keo (Thái Bình) v.v.. và còn nhiều, còn nhiều danh lam, địa chỉ nổi tiếng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đồng bằng Sông Hồng còn là nơi ghi dấu bao truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông từ buổi khai sinh ra nước Việt, trải suốt nghìn năm Bắc thuộc, cho đến các triều đại phong kiến độc lập, tự chủ của dân tộc ta sau này như: Đinh, Lý, Trần, Lê ... và thời đại Hồ Chí Minh. Đồng bằng sông Hồng cũng là nơi có những con người một nắng, hai sương, luôn cần cù lao động, chắt chiu làm nên cuộc sống ấm no, làm nên thành quả của cuộc sống hôm nay - đặc biệt đã tạo dựng nên những nét văn hoá giàu bản sắc cho riêng mình: Ấy là những lễ hội dân gian, các công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Phật giáo và Nho giáo, đó là những câu hát Xoan, hát Ghẹo, hát Quan họ, hát Chèo, hát Trống quân v.v... tình tứ, đầm  ấm, mượt mà mà say đắm lòng người.

Tuy nhiên, ngoài những điều mà nhiều người đã biết, nói về Đồng bằng sông Hồng, tôi muốn nói về những cảm nhận của riêng mình về một ngôi nhà chung (hiện nay gồm 12 thư viện tỉnh, thành phố), đó là Liên hiệp thư viện Đồng bằng sông Hồng mà hơn hai thập kỷ qua (1997-2019) đã nối rộng vòng tay lớn, đoàn kết bên nhau, chung tay xây dựng và kiến tạo Liên hiệp ngày càng vững mạnh, để lại một dấu ấn rõ nét cũng như bản sắc của riêng mình trong tiến trình xây dựng, phát triển sự nghiệp thư viện Việt Nam.

Tôi còn nhớ như in những ngày ấy, hè năm 1997, những người tâm huyết nhất, cốt cán nhất và giàu kinh nghiệm hoạt động thư viện của các thư viện tỉnh: Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phú, Hải Dương như: Chị Nguyễn Thị Doanh, Anh Trần Quang Bảo, Chị Nguyễn Thị Minh Thư, Chị Phạm Bích Phương... đã nhóm họp để bàn về việc thành lập Liên hiệp thư viện của khu vực Sông Hồng (hồi đó gồm có 8 tỉnh/Thành phố) theo chủ trương chung của Vụ Thư viện, Bộ Văn hoá-Thông tin. Ngày ấy cả 8 thư viện tỉnh, thành phố trong Liên Hiệp (sau này Thư viện tỉnh Bắc Giang tách ra, về sinh hoạt với Liên hiệp thư viện miền núi phía Bắc) cũng rất phấn khởi và hồ hởi khi thành lập, với nhiều dự định tốt đẹp, nhiều cái bắt tay rất chặt, hứa hẹn những sinh hoạt chuyên môn phong phú và bổ ích. Và quả đúng như trong kế hoạch, trong đường hướng, ngay sau khi thành lập, Ban lãnh đạo Khoá I của Liên hiệp đã phát động và triển khai kế hoạch công tác, lập tức đi khảo sát các thư viện thành viên, tìm hiểu những thuận lợi và nhất là khó khăn của các thư viện, trong đó có 3 thư viện mới chia tách là: Bắc Ninh, Hưng yên và Vĩnh Phúc. Rồi thì những giá sách và kho sách, tài sản của thư viện cũng đã được sẻ chia cho nhau, cả cán bộ cũng được tăng cường cho những thư viện mới được tái thành lập. Những năm tiếp theo Liên hiệp cũng đã tổ chức được nhiều hoạt động chung, đó là các hội thi cán bộ thư viện giỏi, liên hoan thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách, các hội nghị, hội thảo chuyên đề, bàn thảo về những vấn đề bức xúc, những trọng tâm của hoạt động thư viện trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước v.v... Có thể nói, có được những thành tích nổi bật của Liên hiệp đồng bằng sông Hồng thời gian hơn 20 năm qua, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan, Ban, ngành ở Trung ương như Vụ Thư viện, TVQGVN, sở VHTT (nay là sở VHTTDL) các tỉnh, thành phố, còn có sự cố gắng, nỗ lực của các thư viện thành viên, có sự chung tay đóng góp của hàng ngàn cán bộ thư viện từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở, và nhất là sự đóng góp rất tích cực của Ban lãnh đạo Liên hiệp các khoá, từ khoá I đến các khoá sau này. Hình ảnh của các anh, các chị tham gia lãnh đạo các khoá của Liên hiệp và các đồng chí giám đốc, phó giám đốc 12 thư viện tỉnh, thành phố như: Chị Doanh, chị Nga, chị Trang, chị Liên (Hà Tây cũ), anh Bảo, anh Lâm, anh Hội (Hà Nội), chị Thư, anh Hoan, chị Sinh (Phú Thọ), chị Chiến, anh Thực (Bắc Ninh), chị Phương, anh Thiêm, anh Quyện (Hải Dương), anh Tiến, anh Các (Vĩnh Phúc), anh Thị; chị Cẩm (Hưng Yên); anh Tới, chị Hà (Quảng Ninh); chị Tiến, chị Giang, chị Hương (Hải Phòng), anh Chương, anh Tuấn (Nam Định); Chị Thắng (Hà Nam); chị Hà (Ninh Bình); anh Trung, Anh Quang (Thái Bình) luôn là những người đầy tâm huyết với nghề, có kinh nghiệm trong công tác quản lý và rất giàu kiến thức chuyên môn. Trong nhiều hội nghị, hội thảo, hội thi, mặc dầu có thể còn có ý kiến tranh luận gắt gao, các quan điểm đôi lúc còn chưa nhất quán, song tựu trung lại, vẫn đi đến thống nhất cao trong chủ trương và hành động của Liên hiệp, đều hướng về việc xây dựng và đóng góp nhiều nhất cho Liên hiệp thư viện Sông Hồng ngày càng phát triển đi lên.

Về tình cảm, trách nhiệm chung, qua năm tháng, tôi thực sự rất cảm động chứng kiến những tấm lòng và con người với nhau trong Liên hiệp. Có những hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, các thư viện ở xa đã phải đi từ 4-5 giờ sáng, trời đông rét mướt, mà vẫn cố gắng đến với nhau; sưởi ấm cho nhau bằng tình đồng nghiệp; hay nhiều hội thi cán bộ thư viện, liên hoan thiếu nhi giới thiệu sách cấp tỉnh, cấp Liên hiệp, chúng ta vẫn dành cho nhau nhiều tình cảm chân thành, những bó hoa tươi thắm và nhất là đều có mặt đông đủ để động viên nhau, động viên cho phong trào từng tỉnh và phong trào chung. Rồi nhiều cuộc giao lưu, tham quan, trao đổi kinh nghiệm công tác giữa các tỉnh hay với các Liên hiệp thư viện khác trong cả nước, đã tạo cho cán bộ của chúng ta có điều kiện gần gũi, thân mật, gắn bó với tình cảm nghề nghiệp sâu sắc, mà nếu thiếu hoạt động mang dấu ấn của Liên hiệp, chưa chắc chúng ta đã có được những kết quả ấy.

Là một trong những Liên hiệp thư viện mạnh của cả nước, qua 4 lần Chung kết Hội thi cán bộ thư viện giỏi và Liên hoan thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu sách, thì có 3 lần, đội tuyển của Liên hiệp chúng ta đều vinh quang đạt giải xuất sắc nhất toàn quốc. Có những năm xét Cờ thi đua xuất sắc nhất của Bộ VHTT (cho ngành thư viện), cả nước chỉ có 4 đơn vị dẫn đầu thì riêng Liên hiệp của các thư viện Đồng bằng Sông Hồng đã vinh dự giành được 2 lá cờ. Và còn nhiều nữa, nhiều nữa thành tích của các đơn vị mà qua bao năm tháng hoạt động đã đạt được - trong đó có nhiều phần thưởng cao quí của Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ VHTT, Bộ VHTTDL và của UBND các tỉnh, thành phố v.v.. và v.v....

Thấm thoát mà hơn 20 năm trôi qua. Chặng đường hơn 2 thập kỷ, Liên hiệp Thư viện đồng bằng sông Hồng cũng đã trải qua nhiều gian nan, thử thách; đã không ngừng phát triển, lớn mạnh. Hiện tại cơ sở vật chất của các thư viện thành viên đã mạnh hơn, có nhiều trụ sở thư viện tỉnh, thư viện huyện khang trang, đẹp đẽ hơn (trong đó có trụ sở Thư viện Quảng Ninh được xây dựng số tiến gần 480 tỷ đồng); nhiều trụ sở thư viện tỉnh được xây dựng trên/ dưới 100 tỷ đồng; đội ngũ cán bộ thư viện của chúng ta ngàng càng đông hơn, trình độ chuyên môn được nâng lên một bước, việc hiện đại hoá công tác thư viện (với nhiều dự án thư viện điện tử-thư viện số, có dự án hàng chục tỷ đồng), xã hội hoá thư viện đang được triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt các hoạt động chung của Liên hiệp đã dần đi vào nề nếp, ổn định và ngày càng có có chiều sâu, sức lan tỏa lớn. Nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo của các thư viện tỉnh, thành phố, của Liên hiệp Đồng bằng sông Hồng dần đã nghỉ hưu, như: Anh Bảo, Anh Lâm, anh Hội, chị Doanh, chị Liên, Chị Trang; chị Thư, chị Phương, chị Nga, chị Chiến; anh Hoan; anh Tiến; anh Trung, anh Quang, chị Hà, anh Thị, anh Tới, Chị Thắng; anh Chương, Anh Thực, Chị Hương v.v... và đang có một thế hệ sau dồi dào, sung sức (Anh Triển, anh Tuấn, anh Hà, anh Phương, chị Mai, anh Minh, anh Cảnh, chị Luyên, chị Thơm, anh Quyến, chị Hồng, chị Chiên v.v.. ) kế tục vững chắc sự nghiệp của lớp người đi trước, hứa hẹn những kết quả của những mùa thu hoạch sau.

Tuy vậy, cũng phải nói thật một điều: Trong suốt hơn 2 thập kỷ qua (1997-2019), hoạt động của các thư viện thành viên-nhất là của Liên hiệp sông Hồng-còn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mình. Mà nhẽ ra nếu cố gắng hơn, phát huy tốt hơn mọi điều kiện về vật chất, trí tuệ và tài nguyên, huy động mọi nguồn lực mà mình đã có và đang có, chắc chắn Liên hiệp chúng ta đã đạt được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa, toàn diện hơn nữa.

Là con em của vùng đồng bằng sông Hồng, lại có may mắn được lãnh đạo Vụ Thư viện giao cho phụ trách Liên hiệp này một thời gian- thật đúng là “ta về ta tắm ao ta” - tôi thầm ao ước và mong muốn một điều hết sức giản dị rằng: Thời gian qua, Liên hiệp của chúng ta đã phát huy được truyền thống tốt đẹp, đã gặt hái được khá nhiều thành tích khả quan, để lại một dư âm và dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè và đồng nghiệp thư viện cả nước. Trong chặng đường sắp tới, chúng ta cần đoàn kết, phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn nữa, hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, để xây dựng và phát triển Liên hiệp thư viện mình trở thành một Liên hiệp mạnh nhất của cả nước, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp thư viện Việt Nam. Bởi vì chúng ta là những cư dân của vùng Đồng bằng sông Hồng, đã được thừa hưởng đầu tiên và trọn vẹn nhất một nền văn minh Sông Hồng – khởi thuỷ từ đây hàng ngàn năm trước, rồi sau này dần trở thành nền văn minh Đại Việt - cội rẽ của nền văn minh, văn hiến của đất nước Việt Nam hôm nay.

Chính niềm tự hào, truyền thống tốt đẹp và vinh dự to lớn ấy đã liên tục trao truyền cho các thế hệ con cháu người Việt Nam, qua nhiều thế hệ tiếp nối và cho đến thế hệ chúng ta ngày hôm nay – trong đó có đội ngũ những người làm công tác thư viện của vùng Đồng bằng sông Hồng./.                                                            

                                                                                           Hà Nội, những ngày đầu Xuân 2020     

                                                        

Liên hoan Cán bộ thư viện tuyên truyền, giới thiệu sách, chủ đề “Âm vang Điện Biên” do Liên hiệp Thư viện Đồng bằng sông Hồng tổ chức (tại Hải Dương, tháng 8 -2013) 


Hội nghị-Hội thảo Liên hiệp thư viện Đồng bằng sông Hồng tháng 9 năm 2019

(tại tỉnh Hưng Yên)

Facebook zalo

Các tin đã đưa