CÁCH MẠNG THÁNG TÁM – XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN 1945 – 1946 (VĂN KIỆN ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC)

 

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với dân tộc Việt Nam bởi nó đã lật đổ chế độ quân chủ phong kiến, đánh tan xiềng xích thực dân, giành chính quyền về tay Nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; nước Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới, trở thành chủ thể trong quan hệ quốc tế với tư cách và vị thế của một quốc gia - dân tộc có độc lập, có chủ quyền, là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á… mà còn là sự kiện đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thực dân kiểu cũ, thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc chống lại sự đô hộ của các cường quốc khắp các quốc gia ở Á, Phi, Mỹ Latinh.

Đây không chỉ là cuộc cách mạng có tầm vóc và sức ảnh hưởng lớn trong thế kỷ XX mà còn là cuộc cách mạng ít đổ máu nhất trong lịch sử. Có được thành công đó là nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức cùng quá trình tập dượt cho quần chúng đấu tranh trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. V.I. Lênin từng tổng kết: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền khó hơn”. Đối với Việt Nam còn khó hơn gấp bội bởi trong bối cảnh sau cách mạng, đất nước kiệt quệ dưới ách đô hộ của thực dân - phong kiến, ngân sách trống rỗng, nhân dân đa số bị mù chữ, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, nạn đói triền miên,… cùng lúc phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, theo sau là sự liên kết chống lưng của các cường quốc. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đối sách vô cùng sáng suốt, linh hoạt, mềm dẻo nhưng cũng rất kiên quyết. Riêng trong việc xây dựng và củng cố chính quyền, vấn đề được coi là cơ bản, cốt yếu của mọi cuộc cách mạng xã hội, đã được thực hiện rất quyết liệt và đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần giữ vững thành quả cách mạng, gây dựng tiền đề tạo nên những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc về sau.

Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 – 2023) Thư viện KHTH thành phố trân trọng giới thiệu cuốn sách “ Cách mạng tháng Tám xây dựng và củng cố chính quyền 1945-1946 (Văn kiện Đảng và Nhà nước)” . Cuốn sách tập hợp các văn kiện của Đảng và Nhà nước bao gồm các chỉ thị, nghị quyết, lời kêu gọi… cùng hàng loạt sắc lệnh và biên bản họp Hội đồng Chính phủ. Đặc biệt, các biên bản họp Hội đồng Chính phủ được chọn đưa vào cuốn sách là những tài liệu lần đầu tiên được công bố dưới dạng toàn văn, tái hiện chân thực sự việc, sự kiện, diễn biến từng phiên họp lúc bấy giờ, trong không khí vô cùng gấp rút để xây dựng, củng cố và hoàn thiện bộ máy chính quyền nhà nước. Nội dung các văn kiện lịch sử được đề cập trong cuốn sách là cơ sở mang lại góc nhìn đối chiếu với thành công của các sự kiện lịch sử dân tộc thời kỳ này, đồng thời là nền tảng minh chứng cho những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam và vai trò lãnh đạo duy nhất đúng của Đảng ta.

Phần 1: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, giới thiệu những tài liệu về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với văn kiện mở đầu là Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta.

Phần 2: “Xây dựng và củng cố chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945”. Đây là thời kỳ đầu khó khăn nhất sau cách mạng, Đảng và Chính phủ mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành hàng loạt sắc lệnh, đồng thời, tiến hành liên tục các cuộc họp Hội đồng Chính phủ, nhanh chóng, kịp thời đối phó với thù trong giặc ngoài, khắc phục khó khăn về kinh tế, tài chính, xây dựng và phát triển văn hóa, giáo dục, củng cố an ninh, quốc phòng và ngoại giao…, từng bước củng cố, xây dựng chính quyền, tổ chức bộ máy nhà nước, giữ gìn nền độc lập.

Phần 3: “Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I và Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, giới thiệu những tài liệu về việc chuẩn bị, tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trên phạm vi cả nước, bầu ra Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất: sự ra đời của Quốc hội khóa I; Tuyên ngôn của Quốc hội Việt Nam; hồ sơ một số phiên họp, nghị quyết của Quốc hội về thành lập chính phủ mới, chủ quyền thuế quan và ngoại thương, phát hành giấy bạc… khẳng định tính pháp lý của chế độ mới.

Phần 4: Kháng chiến, kiến quốc, bảo vệ nền độc lập (1946), tập hợp những tài liệu về chủ trương, đường lối của Đảng, các sắc lệnh, biên bản họp của Chính phủ trong việc tiếp tục củng cố chính quyền cách mạng, ứng phó khôn khéo với quân đội Tưởng và thực dân Pháp, hạn chế tối đa những thiệt hại, thể hiện sự yêu chuộng hòa bình và khát vọng chính nghĩa của dân tộc Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc và chính sách ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo là điểm nổi bật của thời kỳ này, cho thấy khả năng lãnh đạo tài tình của Đảng nhằm tận dụng mọi khả năng cần thiết củng cố nền độc lập, đồng thời tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho đất nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến với tư thế chủ động, bảo đảm cho những thắng lợi về sau.

Phần phụ lục giới thiệu một số hình ảnh lịch sử trước, trong và sau khi khởi nghĩa giành chính quyền, xây dựng, củng cố chính quyền, kháng chiến, kiến quốc và bảo vệ nền độc lập.

Đây là cuốn sách được biên soạn, biên tập công phu, dày 664 trang với 175 văn kiện, biên bản họp Hội đồng Chính phủ, cung cấp nhiều tài liệu có giá trị từ kho lưu trữ của Đảng và Nhà nước, qua đó giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể, toàn diện, khách quan và có hệ thống về một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.

Thư viện KHTH thành phố Hải Phòng trân trọng giới thiệu./.

 

 “Cách mạng Tháng Tám – Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 - 1946 (Văn kiện Đảng và Nhà nước)”/ Hoàng Anh Tuấn, Đặng Thanh Tùng, Hoàng Thị Thinh… - H. : Chính trị Quốc gia sự thật, 2020. – 663tr. : ảnh ; 24cm

Kí hiệu kho: TC.001513

Facebook zalo

Các tin đã đưa