BA CHỊ EM NGUYỄN THỊ NHÂM (Chị Cả Khương) (1903 - 1937)

Tên thật là Nguyễn Thị Nhâm, khi tham gia cách mạng mang bí danh là Khương, khi ở tù do lớn tuổi nên chị em nữ tù tôn là chị Cả, lại đặt cho tên Phòng vì hoạt động ở Hải Phòng. Bà sinh năm 1903, người làng Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Tiên Sơn cùng tỉnh. Xuất thân trong một gia đình trung nông có nề nếp, giàu truyền thống hiếu học, yêu nước. Trong họ có người tham gia phong trào Cần Vương, Đông kinh nghĩa thục. Anh trai bà là Nguyễn Uy khi học trường Bưởi Hà Nội được giác ngộ cách mạng tham gia hoạt động Hội Thanh niên cách mạng đồng chí đã giác ngộ các em ruột Nguyễn Thị Nhâm, Nguyễn Thị Minh (tức Liên) và con chú ruột và dì ruột tên là Nguyễn Thị Thủy sớm mồ côi cha mẹ do bố mẹ bà Khương nuôi dạy. Ba chị em lại được nhóm chiến sĩ cách mạng lớp đầu tiên của Bắc Ninh, trong đó có Ngô Gia Tự quan tâm dìu dắt bồi dưỡng nên tích cực tham gia hoạt động cho đoàn thể và lôi kéo được một số thanh niên tiến bộ trong họ, trong làng tham gia tổ chức. Vì vậy, mùa hè năm 1927, cả ba chị em gái đều được kết nạp vào Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí. Tháng 1 năm 1929, tổ chức điều động Nguyễn Thị Nhâm về Hà Nội công tác. Chị phải bày ra cảnh 'tự tử' giả để bí mật thoát ly. Ít lâu sau, đoàn thể lại điều động Nguyễn Thị Thủy xuống công tác ở Hải Phòng, chị lại đánh tiếng chê người dạm hỏi trốn nhà theo trai. Việc con gái, cháu gái, người tự tử, người theo trai gây chấn động lớn trong một gia đình nền nếp,  khiến cha mẹ suy sụp tinh thần và sức lực. Nhưng do nhu cầu công tác, chỉ hai tháng sau, đoàn thể lại điều động Nguyễn Thị Minh (Liên) về công tác tại cơ quan Thành ủy Hà Nội. Lần này chị đành thú thực, tạ tội nói với cha mẹ, nói rõ chị Khương, em Thủy tham gia hoạt động cứu nước theo truyền thống gia đình, cả hai hiện đều đang công tác và xin phép cha mẹ cho mình được thoát ly theo quyết định của đoàn thể. Tin này tuy làm cho cha mẹ sửng sốt nhưng lại là nguồn an ủi lớn đối với hai cụ. Cụ ông đồng ý cho con đi chỉ căn dặn đã quyết định theo cách mạng thì phải kiên trì vững vàng tới đích.


                Trong thời gian hoạt động bí mật ở Hà Nội, cả ba chị em đều được chuyển thành đảng viên Đảng cộng sản khi Hội Việt Nam Thanh niên đồng chí cải tổ thành Đảng cộng sản. Đầu năm 1930, đoàn thể điều chị Cả Khương về công tác ở Hải Phòng. Thời kỳ này, tỉnh ủy cộng sản Hải Phòng phụ trách cả phong trào vùng mỏ than Đông Bắc, chị Cả Khương lúc ở Hải Phòng, khi ra Hòn Gai. Với kinh nghiệm dày dạn của một cán bộ dân vận, chị đã cùng một số đồng chí như Ngô Kim tài, Vũ Thị Mai,... người Hải Phòng vận động công nhân, tiểu thương, cùng tổ chức xây dựng nhiều cơ sở cách mạng ở Hòn Gai, Vàng Danh, Uông Bí, Cẩm Phả. Với vỏ bọc công nhân nhà máy Sàng than có gia đình ở Hải Phòng, chị đã che mắt được bọn mật thám chỉ điểm dày dạn ở Hải Phòng-Vùng mỏ. Khi thành lập Ban cán sự Đảng khu mỏ, chị được chỉ định tham gia Ban chấp hành. Do sự phản bội của tên Vương Văn, địch bủa vây nhà chị, biết bị lộ, chị còn kịp lấy súng ngắn để chống trả nhằm báo động cho đồng chí biết kẻ phản bội. Khi chúng giải qua chợ, chi kêu to tố cáo Vương Văn phản bội, dẫn địch đi phá cơ sở. Địch phải lấy giẻ nhét chặt miệng. Mật thám Hòn Gai tra tấn dữ dội ba ngày liền, không khai thác được gì bèn chuyển giao cho mật thám Hải Phòng với những đòn tra cùng thủ đoạn nham hiểm hơn nhưng vô hiệu hóa. Hôm ra tòa đề hình chị dấu được một lá cờ búa liềm, khi tên bồi thẩm đọc cáo trạng xong, chị rút cờ, giương cao rồi lớn tiếng lên án đế quốc, kêu gọi nhân dân làm cách mạng. Sau khi thành án, chúng chuyển chị lên nhà tù Hỏa Lò Hà Nội. Tại đây , chị gặp Nguyễn Thị Minh (Liên) đã bị bắt ở Hà Nội, vài tháng sau Nguyễn Thị Thủy bị bắt ở Hải Phòng cũng bị chuyển về nhà tù Hỏa Lò. Thế là ba chị em có dịp sum họp. Lúc này do địch khủng bố dữ dội, cơ sở cách mạng đổ vỡ nhiều nơi do vụ phản bội của Nghiêm Thượng Biền, ảnh hưởng đến không ít cán bộ, quần chúng cách mạng bị giam cầm. Chị Cả Khương cùng một số đảng viên trung kiên luôn đi sát chị em động viên mọi người giữ vững tinh thần bằng thái độ gương mẫu, lạc quan, dũng cảm của mình và tận tụy chăm sóc bạn tù. Vì thế không chỉ tù chính trị mà cả tù thường phạm đều mến phục, tin cậy. Khi phong trào mặt trận nhân dân Pháp thắng thế, chính phủ Pháp phải thả tù chính trị. Tháng 6/1936, chị Cả Khương và Nguyễn Thị Minh (Liên) được trả về quản thúc tại quê nhà. Chỉ ít lâu sau, hai chị em bắt liên lạc được với tổ chức  lại vội vàng từ giã người thân theo điều động của đoàn thể  về công tác tại tỉnh Nam Định. Trong phong trào xây dựng các đoàn thể cứu quốc, chị Cả Khương cùng với các đồng chí xây dựng phát triển tổ chức ở thành phố và khắp tỉnh Nam Định. Nhưng do hậu quả đòn tran tấn của địch, đời sống kham khổ, chị Cả Khương mắc bệnh nặng rồi qua đời ở Nam Định. Lúc hấp hối, người nữ chiến sĩ cộng sản vẫn lạc quan, tin ngày cách mạng thành công. Còn vợ chồng Nguyễn Thị Thủy cũng mất ở Hà Nội trước ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Chỉ còn Nguyễn Thị Minh (Liên) còn sống tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở huyện Thuận Thành và thị xã Bắc Ninh rồi tiếp tục hoạt động cho đảng, cho dân đến khi nghỉ hưu. Nguyễn Thị Minh (Liên) chính là chiến sĩ cách mạng nổi tiếng Nguyễn Thị Minh (tức Minh Lãng) đã tham gia Thường vụ Thành ủy Hải Phòng (1961-1962) và nhiều năm là Hội trưởng hội Phụ nữ Hải Phòng.


Ngô Đăng Lợi


                Tài liệu tham khảo:


- Hồi ký con đường giải phóng  của Nguyễn Thị Minh (Minh Lãng)/ Nguyễn Sinh ghi.- Hải Phòng: Nxb. Hải Phòng, 1976


- Hồi ký chặng đường nóng bỏng/ Hoàng Quốc Việt.- H: Lao động, 1985.- Tr. 103 - 104


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa