VĂN HÓA ĐỌC GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới.
Chủ tịch Hội thư viện VN
1. Xét về nội hàm du lịch.
Lâu nay, khi nói tới nội hàm du lịch, là nói tới nhu cầu tự nhiên của con người muốn khám phá vùng đất mới, hoặc những điều mới mẻ, hấp dẫn, kỳ thú, mà nơi mình ở, mình sinh sống, làm việc không có. Điều đó cũng nhằm để thỏa mãn một phần /hoặc toàn bộ trí tò mò, sự khám phá, sự ham hiểu biết của con người - vốn là đặc điểm mang yếu tố tích cực - đối với thiên nhiên và vũ trụ, phù hợp với quy luật vận động sống ngày càng đa dạng và phức tạp trong xã hội.
Có lẽ từ xa xưa, con người đã đi du lịch, tham quan và nhu cầu này ngày nay, khi mà xã hội ngày càng phát triển lên, điều kiện đường xá, phương tiện giao thông càng thuận tiện hơn, điều kiện tài chính càng dồi dào hơn, thì nhu cầu tất yếu ấy càng phát triển và trở nên cần thiết hơn đối với mỗi cá nhân, gia đình, tập thể, cộng đồng, xã hội. Những chuyến đi du lịch trong hoặc ngoài nước, thưởng ngoạn phong cảnh đẹp đó đây, hay tham quan di tích lịch sử, di tích văn hóa – cách mạng, hay đơn thuần chỉ là du lịch nghỉ dưỡng v.v... cũng đã đem lại cho con người những kỷ niệm tuyệt vời, những phút giây sảng khoái, những hiểu biết có giá trị không chỉ về mặt văn hóa – tư tưởng - tinh thần, mà còn cả về tình cảm, thẩm mỹ về mảnh đất mà nơi mình đã đặt chân tới, về những điều mắt thấy, tai nghe, hay cả những rung cảm trong tâm hồn chúng ta. Để rồi chính những thu nhận trực quan đó sau chuyến đi hoặc chuyến tham quan ấy, đã góp phần nuôi dưỡng/ bồi bổ tâm hồn, nhận thức và tri thức cho con người về những ước vọng sống cao đẹp hơn, tươi mới hơn, toàn vẹn hơn vì chân – thiện - mỹ, trong dòng chảy của cuộc sống đương đại hôm nay.
2. Văn hóa đọc và du lịch: Dưới góc nhìn biện chứng.
Có thể khẳng định rằng: Đối với nhiều người biết chữ hoặc như đa số người dân ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, văn hóa đọc từ lâu đã trở nên thân thuộc, một nhu cầu cần thiết nhu cơm ăn, nước uống hằng ngày. Văn hóa đọc là một phạm trù văn hóa tinh thần, nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết tri thức, nắm bắt quy luật sống, quy luật vận động của tự nhiên, con người và xã hội. Từ hàng ngàn năm nay, kho tàng tri thức của nhân loại thông qua sách vở (kể cả qua mạng interrnet hôm nay) ngày càng dầy dặn thêm, càng nhiều thêm, phong phú thêm. Và hiển nhiên là khi đi du lịch đó đây, con người ta sẽ tìm hiểu, ngắm nhìn hay cảm thụ bằng trực quan, giác quan những cảnh đẹp, những điều thú vị mà họ mắt thấy, tai nghe, tay sờ.... Song nếu họ được hiểu kỹ hơn, biết tường tận hơn sự vật, hiện tượng nào đó trong quá trình đi du lịch bằng việc được đọc /hiểu, nghe giới thiệu kỹ càng hơn, đầy đủ hơn về những gì mà mình vừa trải nghiệm – nhất là thông qua sách báo, văn hóa đọc thì sẽ thú vị biết bao, tuyệt vời biết bao.
Tuy nhiên lại thường xẩy ra tình trạng và có một thực tế là: ở nhiều khu du lịch, khu di tích cho khách tham quan, du lịch lại thiếu vắng nhiều sách báo có liên quan đến khu du lịch, di tích mà khách đang thưởng ngoại, đang quan tâm. Điều nay có thể lý giải ở các khía cạnh sau:
Một là, lâu nay chính quyền địa phương, khu du lịch, di tích... ít quan tâm đến văn hóa đọc cho du khách, mà thường chỉ chú trọng quan tâm đến việc quảng bá, kinh doanh các sản phẩm du lịch của địa phương như: ẩm thực, trang phục, tranh ảnh, quà lưu niệm v.v.... Tóm lại là chủ yếu chính quyền và người dân nơi ấy họ chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế là chính, còn lợi ích văn hóa – nhất là phục vụ hiểu biết đầy đủ hơn cho du khách về khu du lịch, về văn hóa đọc – thì còn hạn chế. Bởi 1 điều đơn giản, dễ hiểu: Văn hóa đọc có thể mang lại nhiều hiểu biết và tri thức hơn cho du khách khi tham quan, song lại ít mang lại lợi ích kinh tế và lợi nhuận cho địa phương sở tại.
Hai là, ở hầu hết quanh địa bàn khu du lịch, khu di tích hoặc danh lam thắng cảnh các địa phương đều có thư viện và phục vụ văn hóa đọc cho nhân dân trên địa bàn (từ cấp trung ương đến tỉnh, huyện, xã...). Song nhìn chung sự gắn kết phối hợp hoạt động thư viện, phục vụ văn hóa đọc cho người dân và du khách tham quan ở nhiều địa phương còn chưa được quan tâm, chú ý.
Thành ra có một điều có thể coi là bất cập và nghịch lý là: sách (nhất là nhiều sách báo có giá trị về địa phương /hoặc có liên quan đến di tích, đến thắng cảnh, đến du lịch tại địa phương) thì có trong thư viện và chưa được đem tới để phục vụ rộng rãi cho du khách. Còn ở nhiều khu du lịch – kể cả nổi tiếng hoặc ít nổi tiếng, kể cả cấp quốc gia hay cấp tỉnh, thành phố – lại thiếu sách báo, ấn phẩm, thông tin phục vụ du khách đọc, tìm hiểu hay đơn thuần chỉ để thư giãn, giải trí....
Rõ ràng là tình trạng trên đây đã xảy ra khá phổ biến và diễn ra nhiều năm nay ở nước ta – trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nơi còn:”đói cái bụng, đói cái chữ
và thiếu đói cả sách báo, tri thức” (ảnh Internet)
Là người công tác trong ngành thư viện Việt Nam đã hơn 30 năm nay, tôi đã có dịp đi công tác và kết hợp tham quan, du lịch ở rất nhiều nơi ở nước ta, khắp ba miền Bắc – Trung – Nam (cả những khu du lịch, khu di tích nổi tiếng và chưa nổi tiếng, tầm cỡ quốc gia hay cấp tỉnh, thành). Đi tới đâu, ngoài việc thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, di tích cách mạng và kháng chiến . .., tôi đều để tâm nghiên cứu, xem xét về văn hóa đọc và thư viện nơi mình đặt chân tới. Song có một điều đã làm cho tôi hơi thất vọng, là ở hầu hết những nơi du lịch ấy, ngoài quảng bá thương hiệu du lịch, sản phẩm du lịch, chỉ có rất ít sách, tranh ảnh và ấn phẩm được bày bán, giới thiệu; chứ hầu như chưa có thư viện- phòng đọc sách cho du khách (theo đúng nghĩa của từ này). Tôi cũng xin nêu ra một cách làm hay ở Công hòa Dân chủ nhân dân Lào, cách đây gần 10 năm, tôi có dịp đi công tác đến Luangphrabang (Cố cung của CHDC nhân dân Lào trước đây), thật ngạc nhiên và thú vị là ở rất nhiều khách sạn, nhà khách tư nhân bên đó, họ đều bố trí 1-2 giá sách (với nhiều sách tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Lào, tiếng Việt, tiếng Hoa... để ở phòng lễ tân cho du khách mượn và đọc, tìm hiểu phong tục tập quán của nước Lào, danh lam thắng cảnh đẹp ở nước Lào trong thời gian nghỉ ngơi, giải trí & tham quan ở Cố cung Luangphrabang.
Thực tình thì cũng chẳng dám trách ai-kể cả nhà chức trách chính quyền điạ phương hay người dân tham gia “làm du lịch”- bởi duy nhất một điều mà họ cần là quảng bá thương hiệu du lịch của địa phương, kết hợp kinh doanh kiềm tiền cái đã, còn làm gì/ làm như thế nào để cho du khách thực sự thích thú, ấn tượng mãi mãi với khu du lịch, với những gì mà mình mắt thấy, tai nghe, tâm hồn rung động đầy cảm xúc về nơi nào đó, điều gì đó, sự kiện nào đó v.v.....(hay nói chung là mua thêm sách-đọc thêm sách, tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn về nơi mình đã tới, để có thể “níu-giữ chân du khách” lâu hơn, hay sẽ làm cho du khách sẽ quay lại nhiều lần hơn) là câu chuyện của mai sau, chứ chắc không phải là chuyện của ngày hôm nay!
3. Làm gì để văn hóa đọc góp phần phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta?
Câu hỏi này là để nêu ra giải pháp quan trọng và khả thi, nhằm tăng cường, nâng cao văn hóa đọc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, haitr đảo-cụ thể hơn là phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch cộng đồng nước ta. Theo tôi cần chú trọng những nội dung cơ bản sau đây;
- Đổi mới tư duy, cách tiếp cận vấn đề. Ở đây, cần lưu ý, xem xét mối quan hệ biện chứng, khăng khít, khách quan giữa du lịch và bảo tàng, thư viện trong mối mối quan hệ hữu cơ, mật thiết. Bởi lẽ từ lâu, chúng ta đã coi mối quan hệ giữa du lịch và bảo tàng, giữa danh lam, thắng cảnh với di tích luôn có quan hệ hữu cơ, bổ sung và liên quan đến nhau, thì ngày nay, mối quan hệ ấy cần/ bắt buộc phải có thiết chế thư viện và hoạt động thư viện ở các khu du lịch, khu di tích. Bởi như trên vừa trình bày, hoạt động thư viện và văn hóa đọc trong hoạt động du lịch sẽ góp phần củng cố hiểu biết và tri thức cho du khách về những gì mà họ cần quan tâm.
- Ở Việt Nam, có rất nhiều khu du lịch, khu di tích lịch sử-văn hóa-cách mạng nổi tiếng như: Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), Nhà tù Sơn La (tỉnh Sơn La); Hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn); An toàn khu (tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên); Buôn Đôn – Hồ Lắc (tỉnh Đắc Lắc), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng); Thánh địa Mỹ Sơn, Phố Cổ Hội An (Quảng Nam) Chùa Dơi (tỉnh Sóc Trăng), Thánh địa Cao Đài (tỉnh Tây Ninh)… thì đa số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Nơi ấy đa phần điều kiện sống, điều kiện kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, văn hóa đọc thì càng khó khăn hơn. Họ vừa có ít tiền, ít chữ, lại ít cả thời gian. Vì thế, phát triển thư viện và văn hóa đọc ở những khu du lịch, khu di tích này là quan trọng không chỉ cho du khách, mà còn cần thiết hơn cho cả đồng bào dân tộc thiểu số của chúng ta. Đề nghị lãnh đạo chính quyền địa phương có khu du lịch-khu di tích quan tâm, đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới thư viện/ tủ sách cơ sở đến các điểm tham quan (đặc biệt quan tâm việc luân chuyển sách báo, bố trí người phục vụ ở những điểm khu du lịch ấy). “Trận địa” văn hóa đọc phục vụ du khách này, nhiều năm nay, hầu như chúng ta bỏ ngỏ, đề nghị phải bắt tay vào làm ngay từ hôm nay. Làm từng bước, đầu tư từng phần cho có kết quả, rồi sau đó có điều kiện thì nhân rộng và phát triển thêm lên.
Du khách trong và ngoài nước đến thăm Phố Cổ Hội An:
Hàng hóa và đồ lưu niệm thì rất nhiều, song thiếu vắng sách báo và thư viện phục vụ du khách?.
- Cần chú ý công tác tuyên truyền, quảng bá các thương hiệu du lịch, sản phẩm du lịch phục vụ kinh doanh; đồng thời quảng bá và tuyên truyền cho văn hóa đọc và thư viện ở những nơi này- nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tránh việc quảng bá ồn ào, ầm ĩ, mà nên làm có bài bản, khoa học, để công tác phát triển du lịch ở vùng đồng bào có hiệu quả, đI vào chiều sâu và thiết thực hơn. Đây cũng là cách để cho chúng ta đưa văn hóa đọc đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta.
- Đối với các địa phương, cơ sở: cần nghiên cứu, chỉ đạo sát sao, cụ thể về vấn đề này, để sao cho hợp lý và hiệu quả. Việc đầu tư, xây dựng các điểm đọc /thư viện ở các khu du lịch vùng đồng bào dân tộc cần căn cứ vào điều kiện, đặc thù từng vùng, miền, điều kiện kinh tế, văn hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người của mỗi địa phương (có thể sử dụng xe thư viện lưu động). Quan trọng là duy trì hoạt động văn hóa đọc phục vụ du lịch cộng đồng phải lâu dài, thiết thực, tránh bệnh hình thức, đại khái, chung chung. Việc đầu tư cán bộ thư viện, tăng cường sách báo mới cho thư viện, tuyên truyền cho du khách đọc, sách báo… phải được chú ý thường xuyên.
- Ở tầm vĩ mô, Vụ Thư viện cần tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, duy trì, phát triển hệ thống/ mạng lưới thư viện, tủ sách đặc thù này; sao cho việc phối, kết hợp, gắn bó mật thiết giữa các hoạt động Du lịch- Bảo tàng-Thư viện-góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta không chỉ là mô hình kết hợp về mặt lý thuyết/ trên giấy tờ, mà thực sự đi vào thực tiễn đời sống của cộng đồng 54 dân tộc anh em trong công cuộc đổi mới đất nước ngày hôm nay.
Rất mừng là ngày 16/01/2017, tại Nghị quyết số 08-NQ/TW; Bộ Chính trị đã ra “Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; nhằm phát triển ngành Du lịch Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời; thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017; Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến 2020, định hướng đến năm 2030”. Hy vọng các văn bản của Đảng và Chính phủ trên sẽ được triển khai mạnh mẽ vào cuộc sống; chắc chắn sẽ đẩy mạnh hoạt động của ngành du lịch Việt Nam và góp phần vào việc “Chấn hưng văn hóa đọc” trong công cuộc CNH, HĐH đất nước hôm nay./.