TRƯƠNG VĂN LỰC (1901 - 1946)

Trương Văn Lực sinh năm 1901 tại thôn Cam Lộ, xã Hùng Vương, huyện An Dương tỉnh Kiến An (nay là khu Cam Lộ, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng thành phố Hải Phòng)


                Tháng 5/1927, Trương Văn Lực cùng với các ông Phạm Bá Hỗ và Nguyễn Văn Yên được ông Phạm Bá Tuy kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí, hợp thành một nhóm, do ông Trương Văn Lực phụ trách.


                Tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí ở Cam Lộ là một trong số ít tổ chức cách mạng ra đời sớm nhất ở vùng nông thôn Hải Phòng. Sự ra đời của tổ chức này có ý nghĩa quan trọng khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng của nhân dân thôn Cam Lộ, xã Hùng Vương. Chi hội chỉ có ít hội viên song đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đứng lên đấu tranh chống lại bọn địa chủ, đòi chính quyền thực dân phong kiến thực hiện cải cách hương thôn...


                Ngày 7/11/1929 Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do ông Trương Văn Lực phụ trách đã bí mật tuyền truyền, treo cờ đỏ búa liềm kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga đã làm dấy lên không khí cách mạng sôi động chống bọn thực dân Pháp và phong kiến tay sai, chống cướp đoạt ruộng đất, chống sưu cao, thuế nặng, cường hào áp bức bóc lột...


                Tháng 4/1930, tổ chức Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí ở thôn Cam Lộ chuyển thành Chi bộ đảng cộng sản Việt Nam và ông Trương Văn Lực tiếp tục giữ chức Bí thư chi bộ. Đây là Chi bộ đảng cộng sản Việt Nam ra đời sớm nhất ở thôn Cam Lộ và cũng là một trong những chi bộ thành lập sớm nhất ở ngoại thành Hải Phòng.


                Từ cuối năm 1930 1931, thực dân Pháp đã tiến hành hàng chục cuộc lùng sục vây bắt cán bộ cách mạng hòng phá vỡ chi bộ đảng ở đây. Do có kẻ phản bội nên Trương Văn Lực đã bị địch bắt và kết án 5 năm tù giam. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ, thực dân Pháp ở Đông Dương buộc phải thả một số tù chính trị và ông Trương Văn Lực được ra khỏi nhà tù tong dịp này. Ông trở về quê hương và tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngày 23/12/1942, ông lại bị địch bắt và kết án tù lần thứ hai.


                Bị kẻ thù tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, trung thành với đảng, với cách mạng. Không khai thác được gì ở ông, chúng đầu độc ông thành điên dại, sau đó trả về địa phương. Ít ngày sau vết thương tái phát và ông qua đời vào tháng 2/1946.


                Tấm gương hy sinh và ý chí kiên cường của ông Trương Văn Lực, một đảng viên, một bí thư chi bộ đầu tiên được ghi vào sổ vàng truyền thống của quê hương Cam Lộ.


                Năm 2005, thành phố đã đặt tên một con đường mang tên Trương Văn Lực tại khu Cam Lộ, phường Hùng Vương, quê hương ông.


Trần Văn Khờ


                Tài liệu tham khảo:


- Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng tập 1 (1925 - 1955)


- Lịch sử Đảng bộ huyện An Hải


- Lịch sử Đảng bộ phường Hùng Vương.- Nxb. Hải Phòng, 2001


- Nhân vật lịch sử Hải Phòng tập 2.


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa