BÙI ĐÌNH ĐỔNG (1911 - 1973)

Bùi Đình Đổng sinh năm 1911 tại xóm Đình Hạ, làng Hạ Lý, thành phố Hải Phòng (nay thuộc phường Thượng Lý, Hải Phòng). Quê gốc ở Nam Định.


Cha là Bùi Đình Cương, một nghĩa quân của Đề Thám, trực tiếp làm quân lương cho Lãnh Nam, Lãnh Thiệu. Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế bị thất bại, Bùi Đình Cương về sống ở tại làng Đình Hạ, vào làm phu đào móng, san nền, xây dựng nhà máy Xi măng Hải Phòng.


Đất nhà bị lấn chiếm, ông Cương phát đơn kiện, bị chủ nhà máy cho tay sai đánh chết.


Mẹ là Mai Thị Khai, người Xuân Thủy, Nam Định, một phụ nữ dũng cảm, giàu tinh thần yêu nước, đã che chở, đùm bọc cho ông Cương trong những ngày bị thực dân Pháp truy bắt.


Sinh ra trong bối cảnh nước mất, nhà tan, đặc biệt được chứng kiến cuộc sống khổ cực của những người thợ Xi măng trong các xóm Đình Hạ, Chiêu Thương, phố Bàng đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng yêu nước, chống đế quốc thực dân của Bùi Đình Đổng sau này.


Năm 1925, sau khi học xong lớp nhất, Bùi Đình Đổng đã tham gia phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh, vận động anh em bãi khóa.


Năm 1930, ông xin vào học nghề và làm thợ nguội tại nhà máy Xi măng Hải Phòng. Tại đây ông đã tiếp xúc với phong trào đấu tranh của công nhân Xi măng và được giác ngộ cách mạng.


Năm 1936, Bùi Đình Đổng được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Thời kỳ này, ở nhà máy Xi măng chi bộ đảng đã bị pháp khủng bố, bắt bớ, được cấp trên đồng ý, ông và một số đồng chí đã tái lập Chi bộ nhà máy Xi măng và làm Bí thư chi bộ đến năm 1939.


Từ năm 1936 đến năm 1939, được sự phân công chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng, Bùi Đình Đổng đã cùng với các đồng chí trong chi bộ lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân Xi măng đòi chủ tăng lương, ngày làm việc 8 giờ, chống chế độ đánh đập, cúp phạt, thành lập hội Ái hữu Xi măng, vận động quyên góp ủng hộ công nhân Máy tơ Hải Phòng, dệt Nam Định đấu tranh.


Ngày 1- 12- 1939, Tô Hiệu, Ngô Minh Loan, Bùi Đình Đổng, Lý Thị Nhung (vợ Bùi Đình Đổng) bị thực dân Pháp bắt tại nhà. Ông Tô Hiệu bị kết


án 5 năm tù, Ngô Minh Loan, Bùi Đình Đổng mỗi người bị kết án 3 năm tù đều giam ở nhà tù Sơn La. Vợ ông bị kết án tù 2 năm tại căng Bắc Mê, Hà Giang.


                Trong thời gian bị địch giam cầm, Bùi Đình Đổng đã thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của người cộng sản, cùng một số đồng chí lãnh đạo các cuộc đấu tranh của tù nhân chống lại chế độ nhà tù hà khắc của thực dân Pháp.


                Ngày 19 - 3 - 1945, Bùi Đình Đổng cùng một số đồng chí tổ chức vượt ngục, vụ việc bị bại lộ, ông bị thực dân Pháp bắn bị thương và bắt lại, đưa về nhà thương Bạch Mai điều trị. Tổ chức và gia đình đã bố trí để ông trốn ra khỏi bệnh viện, trở về Hải Phòng tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại thành phố Cảng tháng 8 1945. Tháng 10 1945, Bùi Đình Đổng là thành ủy viên được phân công làm Chủ sự ty Liêm Phóng Hải Phòng, ông đã cải tạo bộ máy ty thật sự trở thành cơ quan an ninh của chính quyền cách mạng. Từ tháng 7 năm 1946 đến tháng 7 năm 1947, ông làm Trưởng ty công an tỉnh Hà Nam. Sau đó ông được tổ chức phân công làm Chánh thư ký Liên hiệp Công đoàn Liên khu 3, Trưởng ban dân công TW. Tháng 10 1954, ông về làm Phó giám đốc thuộc Bộ Lao động.


                Sau ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955), Bùi Đình Đổng được TW điều về làm Giám đốc nhà máy Xi măng Hải Phòng, một trong những trọng điểm kinh tế của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Ông đã lãnh đạo tập thể cán bộ công nhân viên nhà máy vượt qua mọi khó khăn, phục hồi đưa nhà máy Xi măng vào sản xuất. Tháng 7- 1964, ông được Bộ Xây dựng điều về giữ chức Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, sau đó được đề bạt làm thứ trưởng Bộ Xây dựng (từ 1966 đến 1973). Giai đoạn này, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá Hải Phòng, nhà máy Xi măng bị tàn phá nặng nề. Để phục hồi sản xuất, TW đã cử Bùi Đình Đổng về làm Giám đốc nhà máy Xi măng. Ông đã cho thực hiện chế độ khoán sản phẩm trong công nghiệp. Kết quả, các công trình sửa chữa, phục hồi đều hoàn thành vượt mức, sản lượng Xi măng tăng từ 26 vạn lên 33 vạn tấn. Lần đầu tiên ở miền Bắc, Chính phủ quyết định thưởng tháng lương thứ 13 cho cán bộ, công nhân viên Nhà máy Xi măng Hải Phòng.


                Tháng 5 1973, ông bị bệnh hiểm nghèo, qua đời tại bệnh viện Việt Xô. Trước khi mất, ông xin được đưa thi hài về với khu Xi măng Hải Phòng, nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng, rèn luyện ông trở thành một người cộng sản, suốt cuộc đời luôn chăm lo đến cuộc sống của giai cấp công nhân.


Đỗ Xuân Trung


Tài liệu tham khảo:


1. Sơ lược trích lý lịch loại A, khai ngày 10 1 1955 tại Bộ lao động, có nhận xét của Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo ký ngày 12.3.1955


2. Trích bản khai lý lịch Đảng viên tại Bộ xây dựng ngày 10/11.1969


Người trích: con trai cả Bùi Đức Quảng


3. Tư liệu 100 năm Xi măng Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 1999


4. Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng tập 1. Nxb Hải Phòng


5. Lịch sử Công an nhân dân Hải Phòng 1945 1955. Nxb Công an nhân dân 1994


6. Nhớ anh Tô Hiệu Hồi ký của bà Lý Thị Nhung in trong cuốn tinh thần Tô Hiệu Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. 1998


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa