Phạm Bá Tuy

Phạm Bá Tuy sinh năm 1900 tại xã An Lạc, huyện An Dương (nay thuộc phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng). Là một thanh niên giàu lòng yêu nước, Phạm Bá Tuy sớm dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng. Năm 1927, anh được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại cơ sở Nhà máy Đèn Hải Phòng và được phân công về gây dựng cơ sở chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê hương. Cùng năm 1927, tại nhà Phạm Bá Hỗ (An Lạc)  Phạm Bá Tuy đã tổ chức kết nạp Trương Văn Lực, Phạm Bá Hỗ, Nguyễn Văn Yên vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, hợp thành 1 chi bộ do Trương Văn Lực làm Bí thư.


 


Dưới sự chỉ đạo của Phạm Bá Tuy, chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở An Lạc đã bí mật tuyên truyền, treo cờ đỏ búa liềm kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga (1929). Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930) Phạm Bá Tuy và 3 đồng chí chi bộ An Lạc đều trở thành đảng viên của Đảng. Trong cao trào cách mạng 1930-1932 tại Hải Phòng, đồng chí Tuy và chi bộ An Lạc đã lãnh đạo nông dân hai thôn An Lạc, Cam Lộ dẫy lên phong trào đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, phong trào đòi cải cách hương thôn, đòi bài phong phản đế.


 


Do ở Cam Lộ có kẻ làm tay sai cho Pháp nên từ cuối năm 1930 đến năm 1931 mật thám Pháp đã tiến hành hàng chục vụ vây bắt, lùng sục tại An Lạc, Cam Lộ hòng phá được chi bộ cộng sản ở đây, cuối cùng địch bắt được Trương Văn Lực và phá vỡ cơ sở Đảng, được nhân dân che chở, Phạm Bá Tuy thoát được và chuyển vào hoạt động tại nội thành Hải Phòng. Cuối năm 1931, mới bị địch bắt. Đến năm 1932, toà Nam án xử kết án 20 năm tù giam và đày đi Côn Đảo.


 


Năm 1936 Phạm Bá Tuy ra khỏi nhà tù đế quốc và tiếp tục hoạt động. Giữa năm 1940, bí mật trở về An Lạc, Cam Lộ gây dựng lại cơ sở. Cuối năm 1940, đã thành lập tại An Lạc Cam Lộ, 1 tiểu tổ phản đế gồm:  Phạm Bá Tường, Phạm Bá Hỗ và Phạm Thị Thiều. Năm 1942, tiểu tổ phản đế này chuyển thành chi bộ cứu quốc hội do Phạm Bá Tường làm Bí thư. Thời gian này theo sự phân công của Xứ uỷ  Bắc Kỳ đồng chí Tuy trực tiếp chỉ đạo gây dựng phong trào Việt Minh trên địa bàn huyện An Dương. Với cương vị đó cho đến đầu năm 1945 đồng chí Tuy đã gây dựng được mối liên hệ hoạt động chặt chẽ giữa cơ sở Việt Minh ở An Lạc, Cam Lộ, Vĩnh Khê với các cơ sở Việt Minh ở  ấp Phụng Dương (xã Hồng Phong), Lương Quy (Lê Lợi). Trên cơ sở đó, phong trào Việt Minh từng bước được lan rộng và dấy lên mạnh mẽ trên địa bàn An Dương tập hợp lực lượng quần chúng đông đảo, lập các tổ  tự vệ cứu quốc ở một số làng xã, thực hiện phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, cứu đói trong nạn đói tháng ba năm Ất Dậu (1945)  có hiệu quả.


 


Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) khí thế phong trào cách mạng trên địa bàn An Dương ngày càng phát triển. Để đáp ứng yêu cầu của phong trào, tháng 5/1954 Phạm Bá Tuy đã đứng ra triệu tập Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo Việt Minh huyện An Dương gồm 7 đồng chí do Phạm Bá Tuy làm trưởng ban. Từ đây Ban lãnh đạo Việt Minh huyện chỉ đạo thống nhất phong trào đấu tranh của quần chúng, là lực lượng lãnh đạo giành chính quyền ở An Dương (19/8/1945). Sau khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi đồng chí Phạm Bá Tuy được  cử giữ chức Chủ tịch Uỷ ban cách mạng lâm thời huyện. Sau đó theo yêu cầu của Đảng, đồng chí được cử đi nhận công tác mới.


 


Phạm Bá Tuy là người con ưu tú cửa  quê hương An Dương (An Hải ngày nay) có công gây dựng tổ chức cộng sản đầu tiên ở huyện và cũng là người lãnh đạo trực tiếp phong trào Việt Minh tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại huyện An Dương Tháng Tám 1945.


 

Phạm Xuân Thanh
Facebook zalo

Các tin đã đưa