Lê Văn Thuyết

Tên thường viết trên sách báo là Già Thuyết, khi  ở Pháp mang tên Lêông Thuyết ( Léon Thuyết ) cũng là cách phiên  chuyển giữ lấy họ Lê. Không rõ năm sinh, nhưng trạc tuổi Bác Hồ hoặc hơn chút ít. Ông quê ở làng An Biên huyện An Dương, khi Pháp đô hộ, làng này bị cắt vào khu nhượng địa, thuộc Đệ nhị hộ ( quartier ) thuộc thành phố Hải Phòng. Thuở nhỏ học chữ Hán, chữ quốc ngữ. Khi đi làm thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp. Vào những năm 1910, 1911 ông làm thợ ảnh ở hiệu ảnh Khánh Ký, Sài Gòn. ở đây, ông gặp Nguyễn ái Quốc. Sau hai người cùng xin làm trên tầu thuỷ Đô Đốc Latouche Tréville để sang Pháp. Tại đây Lê Văn Thuyết và Nguyễn ái Quốc tiếp tục làm thuỷ thủ tầu viễn dương trên các tuyến khác nhau, rồi cả hai đều trở lại Pháp, định cự tại thủ đô Pari. ở đây hai người bắt đầu tham gia nhóm Việt kiều yêu nước như Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh... Lê Văn Thuyết làm nghề sửa ảnh cho hiệu Đuyboa (Dubois) ở phố Balagy (Balaguy). Quãng giữa năm 1921, ông đã đến số 9 ngõ cụt Côngpoanh (Componit) cùng Nguyễn ái Quốc một thời gian. Theo tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, vào những năm 1920 ở Pari, ông Thuyết là người giữ mối liên hệ giữa đồng chí Nguyễn ái Quốc và cụ Phan Chu Trinh. Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sưu tầm được báo cáo của mật thám Pháp các ngày 29/7/1921, 21/2/1922, 3/10/1922 ghi lại quan hệ thường xuyên của Lê Văn Thuyết với Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh ở ngôi nhà số 6 phố Gôbơlanh (Gobelin), nhất là với Nguyễn ái quốc. Năm 1923, Nguyễn ái Quốc bí mật đi Liên xô, Lê Văn Thuyết ở lại Pari, rồi trở lại đời thuỷ thủ nhưng vẫn tham gia các hoạt động yêu nước. Sau Lê Văn Thuyết về Hải Phòng kết duyên với một goá phụ - bà Trần Thị Sinh - là diễn viên cải lương. Bà Sinh có một con riêng, sau là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng ái Liên. Bà Sinh lại có em gái là Trần Thị Lượng cũng có chồng làm thuỷ thủ ở Hồng Công. Khi Nguyễn ái Quốc hoạt động cách mạng ở Hồng Công rồi bị mật thám Anh bắt thì thời gian này Lê Văn Thuyết cũng có mặt ở đây(1). Không rõ hai người có liên lạc với nhau không. Chỉ biết khi Nguyễn ái Quốc bị bắt thì mật thám Anh cũng truy lùng Lê Văn Thuyết, khám xét gắt gao gia đình người em vợ - bà Trần Thị Lượng. Do đó, Lê Văn Thuyết phải trốn khỏi Hồng Kông chạy sang Thượng Hải, cuối cùng cũng bị bắt ở đây, bị tra khảo, có người nói ông bị mù do hậu quả của đòn thù. Quãng năm 1940, ông trở về Hải Phòng trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, sống nhờ sự cưu mang của gia đình cụ Trần Thị Thanh ở dãy nhà Sơn Lâm, 21 ngõ Nghè gần Đền Nghè (nay là phố Lê Chân) là bác ruột vợ mình. Cụ Trần Thị Thanh đã sai con trai mình là Nguyễn Văn Sách đưa cháu rể đi tìm thầy, tìm thuốc để chữa mắt mà không khỏi. Tháng 10 năm 1946, Hồ Chủ Tịch từ Pháp về ghé qua Hải Phòng, ông Lê Văn thuyết đã khoác pađơxuy cũ của mình và thắt nơ nhờ ông Nguyễn Văn Sánh, dẫn sang trường Nữ học nay là trường Minh Khai, lúc ấy dùng làm nơi tạm nghỉ của Hồ Chủ Tịch. Cuộc gặp gỡ cảm động giữa ông già mù và vị Chủ tịch nước đã được đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong cuốn 'Những năm tháng không thể nào quên' và nhiều sách báo khác. Trong cuộc gặp gỡ này, Bác Hồ ngỏ ý đưa người bạn cũ về Hà Nội chữa mắt. Nhưng chỉ một tháng sau, Pháp gây hấn đánh chiếm Hải Phòng, rồi một tháng sau cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp tái xâm lăng bùng nổ. Lúc này vợ ông và con gái ái Liên đang lưu diễn ở Thanh hoá nên việc đưa ông về Hà Nội chữa mắt không thành. Ông già mù mắc kẹt ở nội thành Hải Phòng bị tạm chiếm, sống với  sự cưu mang của bà con xóm giềng. Mãi đến ngày hoà bình lập lại, ông Già Thuyết được đưa lên Hà Nội đoàn tụ với gia đình nghệ sĩ ái Liên ở 38 phố Huế để chạy chữa mắt. Sau ông lâm bệnh qua đời tại Hà Nội.


 


Thời gian cụ nằm bệnh viện, Hồ Chủ Tịch thường đến thăm người bạn cũ khiến gia đình cụ vô cùng cảm kích.


 


                                                                                                         N. Đ. L


 


1. Những chuyện kể về một người thuỷ thủ, Phan Huy Đông - Tạp chí Xưa và Nay


2. Bình minh trên sông Cấm/Vũ Quốc Uy. - Hải Phòng


3. Lời kể của ông Hà Quang Hiến, Hà Quang Tuyên - Con trai nghệ sĩ ái Liên

Facebook zalo

Các tin đã đưa