Niềm tin vào văn hóa đọc từ một Hội chợ sách

Những người yêu sách và quan tâm đến tri thức nước nhà không thể kìm được cảm xúc sung sướng với thành công tốt đẹp của triển lãm quy mô này.


Điều đầu tiên không thể phủ nhận rằng đây là triển lãm sách lớn nhất tại Hà Nội từ trước đến nay. Việc chuẩn bị được tiến hành khá công phu, hấp dẫn, làm hài lòng những người đến tham quan và mua sách. Cá nhân tôi không chỉ vui vì những con số như ban tổ chức và các cơ quan báo chí đã công bố mà thấy ấn tượng về sự phát triển và đi lên của văn hóa đọc nước nhà.








Gian hàng sách Trung Quốc thu hút độc giả tham quan. Ảnh: Hòa Ca.

Tôi ấn tượng về sự xuất hiện của Trung tâm Hội chợ triển lãm sách quốc tế Frankfurt, Đức. Frankfurt đến với Hà Nội cùng hơn 800 đầu sách để trưng bày và giới thiệu, sau đó tặng lại cho Thư viện Quốc gia. Sự xuất hiện của các NXB Trung Quốc, Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương APPA và Hiệp hội Xuất bản ASEAN làm triển lãm sách thêm phong phú, hấp dẫn. Tôi ghé qua các khu vực này vài lần và thấy thu hút rất nhiều bạn đọc.


Lượng khách tham quan khá đông, đông hơn nhiều so với các triển lãm lần trước. Điều này khẳng định người quan tâm đến sách ngày càng nhiều. Nhiều gia đình cả nhà đi triển lãm. Tôi thấy có những cặp ông cháu, bà cháu, bố mẹ con cái đi tham quan. Có những gia đình đến với hội chợ 3 ngày liền! Ban tổ chức và các nhà xuất bản, các công ty sách đã thật sự biến triển lãm thành ngày hội.


Không chỉ tham qua và ngắm sách', đa phần bạn đọc đều mua sách. Tôi ít thấy ai đến ra về tay không. Cá nhân tôi chứng kiến có người đã mua đến hơn 1,2 triệu đồng tiền sách. Tin vui này muốn nói với chúng ta rằng, người dân đã biết đầu tư tiền bạc vào tri thức và tương lai của chính mình.


Triển lãm mở cửa từ 9h sáng đến 9h tối. Ngay khi vừa mở cửa, tôi đã thấy dòng người vào tấp nập. Còn đến khi bảo vệ xua đuổiiii, những người yêu thích sách mới chịu rời triển lãm. Tôi cứ thầm nghĩ: nếu như triển lãm mở cửa như tại Hội sách TP HCM, tức từ 7h sáng đến 10h đêm thì sẽ có thêm biết bao người được ngắm sách lâu hơn, chơi với sách nhiều hơn, mua được nhiều sách hơn.








Hội sách được tổ chức với nhiều hình thức độc đáo, thu hút độc giả. Ảnh: Hòa Ca.


Một vấn đề rất đáng quan tâm là các sự kiện, hội thảo, tọa đàm tại triển lãm. Cá nhân tôi ấn tượng nhất với chương trình Hoạt động xuất bản trong cơ chế thị trường ở CHLB Đức - Mô hình tổ chức và công nghệ sốốốố diễn ra ngày 18/9 với diễn giả là tiến sĩ Christoph Links đến từ Berlin. Diễn giả đã khái quát chung về hoạt động xuất bản ở Đức, những thay đổi so với thời CHDC Đức và trình bày về kỹ nghệ số hóa trong ngành xuất bản Đức. Trong phần trả lời cũng như tư vấn cho các nhà xuất bản Việt Nam, Christoph Links đã đưa ra nhiều thông tin rất hay, nhiều lời khuyên thú vị. Ví dụ như, ở Đức, tác giả có quyền kiểm tra sổ sách, giấy tờ của NXB để biết số lượng sách bán ra, các hợp đồng giữa các bên trong quá trình sản xuất kinh doanh đều có thể được các tổ chức pháp lý độc lập kiểm soát tính hợp lệ. Một thông tin cũng được các Công ty sách bất ngờ là hiện tại, kinh doanh sách điện tử là không sinh lời. Tuy nhiên đây là sự đầu tư cho tương lai, khi thị trường thiết bị đọc phát triển mạnh hơn nữa.


Tiến sĩ Christoph Links cũng cho biết, thường không có những cuốn best-seller bán được hàng trăm nghìn bản một năm. Chủ yếu những cuốn được yêu thích được bán trải dài trong nhiều năm, trong 10 - 15 năm. Sách giáo khoa cũng do các NXB tư nhân xuất bản, theo đặt hàng của Bộ Giáo dục, theo những quy tắc, hướng dẫn, giám sát của Bộ Giáo dục. Pháp luật có những quy định về tính minh bạch, công khai trong quy trình đấu thầu để đảm bảo không có tham nhũng trong đấu thầu.


Tôi ngậm ngùi khi triển lãm sách khép lại. Ai bảo rằng văn hóa đọc đang chết! Ai nói rằng văn hóa nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc! Lỗi nếu có là tại chính các nhà xuất bản, các công ty sách đã không cung cấp được những cuốn sách hay, có giá trị phục vụ bạn đọc mà thôi. Nếu thông qua triển lãm sách này, những người làm sách, những ai quan tâm đến sách chịu khó quan sát, nghiên cứu, lắng nghe bạn đọc chắc chắn chúng ta sẽ có một thị trường sách rất tốt. Vì tại triển lãm này, chúng ta đã thấy biết cơ man nào là sách, chỉ có sách với sách. Mà người tham quan ra về cũng túi lớn túi bé. Vẫn chỉ là sách với sách.


Tôi lấy lời của tiến sĩ Christoph Links để kết thúc bài viết. Ông cho biết, thị trường sách Đức với 90.000 đầu sách mới mỗi năm, trong đó khoảng 2.000 đầu sách dịch. Tiểu thuyết, sách văn học chỉ chiếm khoảng 15% số đầu sách, còn chủ yếu là sách khoa học, chuyên ngành, non-fiction. Mỗi năm có khoảng 100.000 e-book và thường tăng thêm 50.000 mỗi năm. Tôi biết rằng với trí thông minh, tinh thần hiếu học, sách sẽ mãi là món ăn tinh thần, là một phần không thể thiếu được của mỗi gia đình, mỗi cơ quan và mỗi người Việt Nam chúng ta.


Khảo sát của tôi tại triển lãm sách quốc tế HN lần thứ III


1. Bạn có thật sự yêu thích sách không? 67% khẳng định 'có'.


2. Bạn có đọc sách hàng ngày không? 31% khẳng định 'có'.


3. Bạn có mua sách hàng tháng không? 72% khẳng định 'có'.


4. Bạn có muốn tuyên truyền để càng ngày càng có thêm nhiều người đọc sách không? 81% nói 'có'.


Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thái Hà Books


(Theo Vnexpress.net)

Facebook zalo

Các tin đã đưa