NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA (Phương Huê) (1913 - 1995)

Nguyễn Thị Phương Hoa sinh năm 1913 tại một làng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mồ côi mẹ từ nhỏ, nhà nghèo, Phương Hoa phải đi làm con nuôi, rồi được anh trai, chị dâu nuôi nấng. 17 tuổi bị ép lấy chồng, Phương Thoa không thuận nên trốn vào Sài Gòn và cũng chính từ đây, cuộc đời thay đổi. Bà đi theo cách mạng.


                Ở Sài Gòn cùng với người chị, ngoài giờ đi làm, bà dạy những anh, chị em không biết chữ và thường hay dự những buổi họp do ông Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai nói chuyện. Đầu năm 1932, cùng với một số anh chị em thân thiết, bà lập Phòng đọc sách báo bình dân với mục đích để người lao động nghèo đến đọc, trao đổi tin tức,... Phòng đọc sách báo Bình dân thu hút khá đông người đến đọc, được các báo khen ngợi. Tiếng tăm lan ra ngoài Bắc. Học sinh, sinh viên Hà Nội hưởng ứng, quyên góp sách báo gửi tặng.


                Cũng trong thời gian này, bà quen biết Vũ Văn Tân (tức Tấn, tức Tố Lang), người làng Vĩnh Khê, An Dương, tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên từ năm 1927. Sau vụ ám sát Thị Nhu, Thị Uyểnnnn, ông bị hội đồng đề hình tỉnh Kiến An xử tử hình vắng mặt. Ông trốn vào Sài Gòn hoạt động. Vũ Văn Tân và Nguyễn Thị Phương Hoa, người con của quê hương Quảng Ngãi  nên duyên vợ chồng.


                Những năm 1930 1931, Sài Gòn cũng như cả nước sôi động các cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân, công nhân phản đối chính sách bóc lột hà khắc của thực dân Pháp, phản đối hội đồng đề hình, đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống. Thực dân Pháp ra tay đàn áp, bắt bớ. Phòng đọc sách bình dân bị theo dõi. Bà Phương Hoa và một số chị em bị bắt. Sau một tháng bị giam giữ, bà được thả vì không có chứng cớ. Trở về nhà thì bà biết tin ông Tân đã bị bắt và bị đưa ra ngoài Bắc.


                Tại Sài Gòn, ngày đêm thương nhớ chồng, bà quyết định ra Bắc tìm kiếm tin tức ông. Năm 1936, ra Hà Nội, bà được các bạn của chồng giúp đỡ. Bà đi làm thuê kiếm sống, giành tiền vào thăm chồng và em gái chồng là Vũ Thị Mai, tham gia cách mạng bị thực dân kết án tù chung thân. Qua Vũ Thị Mai, bà quen với chị Bích Hợp.


                Thời kỳ mặt trận Dân chủ, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Ông Tân được ra tù. Hai ông bà sum họp ở tại Hà Nội. Ông xin làm việc ở hãng hàng không Air France.


                Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Trong một chuyến bay Hà Nội - Mácxây, ông Tân bị kẹt phải ở lại Pháp hoạt động.


                Sống tại Hà Nội với ba con thơ trong buổi loạn lạc, cuộc sống khó khăn, bà Phương Hoa đưa con về quê chồng, nhờ bố mẹ chồng và bà con láng giềng giúp đỡ. Năm 1943 tại Vĩnh Khê, An Dương, bà lại tiếp tục dạy học cho dân làng. Qua phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, bà Phương Hoa gặp được Phạm Bá Tuy, Phạm Bá Tường, cán bộ Việt Minh huyện An Dương. Bà dự những cuộc họp do Việt Minh tổ chức, nghe giảng giải về Việt Minh, chủ trương đánh Pháp đuổi Nhật của đảng và mặt trận và được kết nạp vào Việt Minh.


                Bà xây dựng cơ sở Việt Minh ở xã. Bà tích cực vận động các gia đình giúp đỡ nhau qua nạn đói, hô hào nhân dân ủng hộ sắt thép để rèn vũ khí cho tự vệ. Chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, bà Phương Hoa được giao nhiệm vụ điều tra số lượng vũ khí của lính huyện An Dương. Bà chưa quen nơi này nên tìm cách làm quen với vợ viên tri huyện rồi cùng với bà huyện nấu cơm phát chẩn cho trẻ đói. Từ đó bà làm quen với binh lính, nắm chắc số lượng súng đạn và tinh thần của họ. Kết quả điều tra này đã giúp cán bộ huyện chuẩn bị tốt kế hoạch tước vũ khí của lính huyện. Bà còn được giao việc may cờ đỏ sao vàng dùng trong ngày khởi nghĩa. Cũng thời gian này, bà được kết nạp vào đảng cộng sản Việt Nam.


                Ngày 21/8/1945, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện, bà được phân công làm ủy viên phụ trách văn hóa xã hội. Sau một thời gian ngắn, bà được bổ nhiệm làm Bí thư Việt Minh huyện.


                Tháng 3/1946 bà trúng cử Hội đồng nhân dân tỉnh Kiến An khóa I, là Ủy viên dự khuyết UBHC tỉnh. Tháng 6/1946 bà được cử đi học lớp hành chính Bắc Bộ. Bà là học viên nữ duy nhất. Kết thúc lớp học, bà được phân công làm bí thư phụ nữ thị xã Kiến An. Bà đã hòa mình cùng chị em, đi sâu tìm hiểu, nắm tình hình, tiến hành sắp xếp lại tổ chức, vận động các mẹ, các chị tham gia công tác xã hội, củng cố phong trào phụ nữ, đưa hoạt động vào nề nếp.


                Ngày 20/11/1946, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, bà được cử về huyện An Dương, tham gia ủy ban hành chính kháng chiến huyện. Bà tích cực tham gia các hoạt động, nhất là hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa 1000 người dân An Dương di cư tới Yên Mô - Ninh Bình, ổn định chỗ ở và việc làm cho họ.


                Những năm kháng chiến, bà để lại ba con nhỏ và bố mẹ chồng ở lại nơi tản cư (Ninh Bình) đi kháng chiến. Bà đảm nhiệm nhiều việc khác nhau, đi nhiều địa phương như: Hội phụ nữ huyện Yên Mô; hội Phụ nữ tỉnh Ninh Bình; Phó trưởng ban phụ vận Liên khu II (các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình); Phó ban cứu tế xã hội liên khu III; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Ban mẫu giáo trung ương...Tháng 9/1953 bà nhận nhiệm vụ đưa hơn 1000 thiếu nhi sang Lư Sơn (Trung Quốc) học tập, làm Hiệu trưởng trường thiếu nhi Việt Nam tại Trung Quốc. 9 năm tham gia kháng chiến chống Pháp, bà rất ít lần gặp con, bố mẹ, xa chồng từ năm 1939. Nén chặt nối nhớ thương, bà dồn tình cảm vào công việc, được nhân dân, bạn bè, đồng chí tin yêu. Ở cương vị nào bà vẫn vượt qua mọi gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.


                Hòa Bình lập lại, bà công tác trong Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.


                Bà mất năm 1995 tại Hà Nội để lại niềm tiếc thương, kính mộ của đồng chí, đồng nghiệp, học sinh và là tấm gương sáng về đức hạnh  tài năng của người phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà.


Tô Khuyên


                Tài liệu tham khảo:


- Theo tài kiệu lưu trữ tại Ban tuyên giáo Thành ủy.


- Hồi ký của ông Vũ Văn Tân và Nguyễn Thị Phương Hoa.


 


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa