Nguyễn Danh Uy

Quê Nguyễn Danh Uy ở trang Quỳnh Hoàng thuộc xã Nam Sơn, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng. Khi Nguyễn Danh Uy lên 6 tuổi, cha mẹ đều mất.


Là người có nghị lực, lại thêm sức khỏe tốt, Nguyễn Danh Uy ngày đêm chăm lo học hành và luyện tập võ nghệ. Hiểu rõ tình cảm của Nguyễn Danh Uy, dân làng quý trọng, mến yêu và sẵn lòng giúp đỡ. Chẳng bao lâu Nguyễn Danh Uy văn võ đều giỏi hơn bạn bè cùng tuổi ở trong làng. Nguyễn Danh Uy mở lớp dạy võ cho thanh niên trong làng. Người quanh vùng cũng đến theo học rất đông.


Khi giặc Nguyên sang xâm lược nước ta, vua Trần kêu gọi người tài trong nhân dân ra giúp vua cứu nước. Được biết Danh uy là người tài giỏi, Hưng Đạo Vương đã tâu lên vua và được nhà vua chấp nhận gọi về triều thi tài. Sau cuộc đua sức, nhà vua vui mừng, tin dùng, phong cho Danh Uy quan chức.


Theo lệnh vua Trần, dưới sự tổng chỉ huy của Trần Hưng Đạo, Danh Uy đã cùng với các vương: Hưng Nhượng, Hưng Trí, Hưng Vũ và các tướng lĩnh khác đốc thúc 20 vạn quân tiến đánh giặc Nguyên. Hưng Đạo Vương giao cho Danh Uy một vạn quân, 30 chiến thuyền với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát các cửa khẩu và ven sông đề phòng và chặn đánh quân chi viện vủa giặc.


Danh Uy đã trở về làng Quỳnh Hoàng tuyển mộ 30 người có sức khỏe và giỏi võ nghệ lập thành một đội quân bảo vệ xóm làng quê hương.


Danh Uy đã tham gia vào nhiều trận đánh quân Nguyên và chiến đấu với các tướng giặc như Lý Hằng, Trương Hiển. Cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) chống quân Nguyên của nhân dân nhà Trần thắng lợi, Nguyễn Danh Uy được nhà vua ban tước là 'Danh tổng vương' lĩnh chức Đại tướng quân. Ông lo tổ chức đắp lũy, xây đồn, canh phòng cẩn mật, bảo vệ, giữ gìn cho làng xóm yên bình.


Trong trận phục kích ở sông Bạch Đằng năm 1288, Nguyễn Danh Uy đã tham gia từ việc cho quân sĩ chuẩn bị bãi cọc cho đến chiến đấu phá tan quân giặc.


Nguyễn Danh uy lại được vua Trần phong là Đại hành khiển Chưởng phủ sự, Đại tướng quân, Danh tổng vương.


Sau chiến thắng, do tuổi già sức yếu, Danh Uy tâu vua xin trở về làng nghỉ ngơi. Nhà vua chuẩn y và ban cho ông nhiều vàng bạc, châu báu.


Thời gian còn lại của mình, ông còn dùng các lá cây làm thuốc chữa bệnh cho dân làng.


Sau khi mất, dân làng lập miếu thờ để tưởng nhớ công lao. Vua Trần phái quan về tế lễ.


Theo Thần phả thôn Quỳnh Hoàng; Khảo sát điền dã địa phương.


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa