Nguyễn Chí Chử

Nguyễn Chí Chử quê gốc ở Thái Bình, nhưng được gia đình cho đi học tại Hải Phòng, sau đó làm công chức sở Bưu điện thành phố. Những năm 1925-1926, cả nước sôi nổi phong trào đòi thả Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh. Thực tế đó đã thúc đẩy một số thanh niên trí thức yêu nước lập ra tổ chức Nam Đồng Thư Xã tại Hà Nội. Trong cố gắng đi tới thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng yêu nước, cuối năm 1927, Nguyễn Thái Học đã bí mật về Hải Phòng để tập hợp lực lượng. Nguyễn Chí Chử được Nguyễn Thái Học tuyên truyền, vận động thời gian này. Do đó, ngay sau khi Việt Nam Quốc dân Đảng được thành lập (25/12/1927) Nguyễn Chí Chử đã gia nhập Đảng này và đầu năm 1928 được cử giữ chức Bí thư tỉnh bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Hải Phòng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Chí Chử, hai năm 1928 1929, tỉnh bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Hải Phòng đã tiến hành các hoạt động sau đây:


 


1. Gây dựng cơ sở Đảng trong giới học sinh, trí thức, công chức, nhà buôn, binh lính người Việt. Hoạt động này thu được kết quả nhất định, Việt Nam Quốc dân Đảng có cơ sở tại số nhà 96 và 80 phố Cầu Đất, trong trại lính khố đỏ Hải Phòng (do ông Đội Lung người làng Kha Lâm Kiến An phụ trách), các khu Lạc Viên, Hàng Kênh, Hạ Lý, Rế, An Dương; 1 chi bộ gồm cai ký nhà máy Xi măng Hải Phòng, một số cá nhân tham gia tại xưởng Tapis Hàng Kênh, xưởng Rôbe, nhà máy Carông xưởng sửa chữa tàu thông Vôi, Sở Bưu điện... Số lượng Đảng viên có khoảng trên 50 người.


 


2. Tuyên truyền gây ảnh hưởng cho Việt Nam Quốc dân Đảng. Tuy nhiên do đường lối không tập trung vận động công nhân, nông dân nên hoạt động này kết quả hạn chế. Đáng chú ý nhất là Tỉnh bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Hải Phòng ra được tờ báo: 'Hồn nước' để tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng, trong khi Trung ương Việt Nam Quốc dân Đảng chưa có cơ quan ngôn luận.


 


3. Đáng kể nhất là sau vụ ám sát tên mộ phu Bazin tại Hà Nội (2/1929) Nguyễn Chí Chử cùng Tỉnh bộ Việt Nam Quốc dân Đảng theo chủ trương của Đảng ráo riết chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Các hoạt động rèn dao, kiếm, làm bom xi măng được tiến hành tại cơ sở Đảng ở Lạc Viên, Hạ Lý, An Dương.v.v. Tuy nhiên, do hoạt động khá lộ liễu mà chỉ trong ngày 18/5/1929, mật thám Pháp đã phát hiện và bắt giam 15 đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, tiếp đó nơi cất dấu vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa tại làng Lạc Viên cũng bị mật thám Pháp khám phá.


 


Trước tình thế đó, Nguyễn Chí Chử đã triệu tập một cuộc họp tỉnh bộ tại cơ sở nhà số 96 phố Cầu Đất ngày 7/9/1929. Nhưng do khai báo của Nguyễn Văn Ngọc là uỷ viên Ban quân sự tỉnh bộ mà mật thám Pháp đã vây bắt được Nguyễn Chí Chử và toàn bộ số đại biểu dự họp. Sau đó cơ sở của Việt Nam Quốc dân Đảng ở nội thành Hải Phòng liên tục bị phá vỡ. Chính vì vậy mà khi bị giam giữ tại nhà lao Hải Phòng ngày 12/5/1930 Nguyễn Chí Chử cùng Phạm Văn Tỉnh đã trùm chăn đánh chết tên phản bội Nguyễn Văn Ngọc, vì thêm tội đó mà hội đồng đề hình của thực dân Pháp đã khép Nguyễn Chí Chử và Phạm Văn Tỉnh án tử hình. Ngày 12/2/1931, thực dân Pháp đã thi hành bản án tử hình hai người trước cửa nhà lao Hải phòng.


 


Là Bí thư tỉnh bộ Việt Nam Quốc dân Đảng yêu nước tại Hải Phòng, hoạt động của Nguyễn Chí Chử đã góp phần làm phong phú thêm nội dung của phong trào yêu nước Hải Phòng những năm 1928 1929.


 


Phạm Xuân Thanh


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa