Nguyễn Xiển

Nguyễn Xiển sinh ngày 27 tháng 7 năm 1907 tại Nghệ An. Xuất thân từ một gia đình nho học lâu đời như ông tự bộc bạch Thế hệ chúng tôi thuộc lớp con cháu các nhà nho yêu nước đã thất bại trong các phong trào 'Cần Vương' và 'Văn Thân'. Hồi còn học ở trường Quốc học Vinh (Nghệ An) ông đã là học sinh xuất sắc, đậu bằng Thành chung rồi ra Hà Nội học trường Bưởi. Năm 1926 do tham gia cuộc bãi khoá để tang Phan Chu Trinh cho nên ông đã bị đuổi học và bị cấm thi tú tài bản xứ, nhưng ông cùng một số bạn bãi khoá ở Nghệ An Hà Tĩnh quyết chí tự học, đỗ đầu tú tài Tây ở Hà Nội, được học bổng sang Pháp ở Trường đại học Toulouse (Pháp) khoa cơ điện. Ở Pháp ông đã gặp những nhà trí thức Việt Nam tiên tiến như Trần Văn Giầu, Phan Tử Nghĩa, đã được tiếp cận với sách báo cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Tuy không tham gia Đảng cộng sản, nhưng ông quyết tâm học giỏi khoa học để sau này phục vụ cách mạng. Sau khi có bằng cử nhân, năm 1932 ông về nước không nhận làm quan ở Huế, ra Hà Nội đi dạy học vì cho đó là một nghề trong sạch và có cốt cách truyền thống dân tộcccc (1). Từ năm 1937 ông chuyển sang ngành khí tượng với ý thức tận dụng cơ hội, xây dựng ngành khí tượng học Việt Nam mai sau. Năm 1941 ông Nguyễn Xiển phụ trách đài khí tượng Phù Liễn Kiến An. Trong thời gian này ông cùng hợp tác với Hoàng Xuân Hãn nghiên cứu về lịch và lịch Việt Nam, và cùng các ông Hoàng Xuân Hãn, Đặng Phúc Thông, Nguyễn Duy Thanh, Nguyễn Đình Thuỵ, Nguỵ Như Công Tum ra báo Khoa học phát hành cả Đông Dương, số đầu tiên vào 1/1942 với mục đích Truyền bá ý tưởng và phương pháp khoa học, xây dựng văn hoá mới cho quốc dân về phương diện khoa học (2) Nguyễn Xiển còn làm Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ tỉnh Kiến An, thường xuyên duy trì mối quan hệ với các nhà hoạt động xã hội giàu tâm huyết ở Hải Phòng như Nguyễn Hữu Tảo, Nguyễn Sơn Hà, ở Hà Nội liên hệ các ông Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Luyện.


 


Trong thời kỳ cách mạng tháng Tám ông rất tích cực tham gia các hoạt động chính trị xã hội: Nhận trách nhiệm với Hồ Chủ Tịch đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch Uỷ Ban hành hành chính Bắc bộ, tận tình với công tác chỉ đạo hàn đê, chống lụt, trong điều kiện đất nước đầy khó khăn: Thù trong, giặc ngoài, ngân khố tài chính kiệt quệ. Nhân dân Kiến An đã bầu ông là đại biểu Quốc hội đầu tiên năm 1946 và được tín nhiệm 7 khoá liền trong các  cương vị quan trọng: Phó chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam...


 


Tuy với cương vị chính trị xã hội quan trọng, nhưng ông Nguyễn Xiển vẫn ham mê công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học khí tượng. Rời khỏi cương vị phụ trách đài khí tượng Phù Liễn (Kiến An) ngày 30/8/1945 chính phủ cử ông làm Giám đốc nha khí tượng Việt Nam và từ đó ông gắn bó lâu dài với ngành khí tượng nước nhà cho đến mãi sau này. Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gian khổ, ông vẫn say mê công tác khoa học giáo dục. Từ năm 1947 1949, ông hoàn thành hai công trình: Toán học đại cương và cơ học thuần lý bằng tiếng Việt, hợp tác với các nhà khoa học nổi tiếng, giàu tâm huyết như tiến sĩ toán học cơ bản và trường sư phạm cao cấp là những trường đại học đầu tiên đào tạo nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.


 


Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi,  miền Bắc được hoàn toàn giải phóng Nguyễn Xiển trở lại công tác trong ngành khí tượng cho đến cuối đời. Ngoài ra ông còn cùng nhiều nhà trí thức ra tờ báo Khoa học thường thức để tuyên truyền, phổ biến khoa học kỹ thuật. Năm 1962 Bác Hồ giao cho ông thành lập Hội phổ biến khoa học, chủ yếu phục vụ nông nghiệp, được tổ chức rộng khắp các địa phương. Khi thành lập Uỷ ban khoa học kỹ thuật nhà nước do Trường Chinh làm chủ nhiệm đầu tiên, ông cùng với Tạ Quang Bửu, Bùi Công Trừng làm phó chủ nhiệm...


 


Sau hơn 60 năm, trải qua ít nhiều thăng trầm, Nguyễn Xiển vừa là nhà hoạt động chính trị xã hội có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, vừa là một nhà khoa học lớn, có công đầu xây dựng ngành khí tượng thuỷ văn Việt Nam, được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I).


 


Là một nhà khoa học lớn, đồng thời là một nhà hoạt động chính trị sôi nổi, nhưng ông Nguyễn Xiển vẫn sống giản dị, khiêm tốn theo gương Hồ Chủ Tịch. Tháng 9 năm 1995 khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Tạp chí Kiến thức ngày nay, ông hào hứng nói Bác Hồ bảo gì tôi làm nấy. Chẳng từ nan từ hàn đắp đê, dự báo thời tiết, chống lũ lụt, dạy học, nghiên cứu và phổ biến khoa học kỹ thuật... cho đến cứu tế xã hội, mặt trận, quốc hội, đối ngoại......


 


1.           Con đường nghiên cứu khoa học/Nguyễn Xiển.- Tạp chí khoa học và tổ quốc.- Tháng 2/1990.


2.           Việc nghiên cứu lịch và vấn đề cải cách lịch ở nước ta/Nguyễn Xiển.- Tạp chí Tổ quốc.- Số 365, Tháng 12/1984.


3.           Nguyễn Xiển người gây dựng ngành khí tượng thuỷ văn Việt Nam/Cát Uyên.- Tạp chí kiến thức ngày nay.- Nxb. Trẻ Kiến thức ngày nay, 1998.


4.           Nguyễn Xiển: Hồi ký về hoạt động ở Kiến An - Hải Phòng/Nguyễn Khắc Phòng.- Ngày 29/9/1991.


5.           Nhớ một nhà trí thức tiêu biểu/ G.S. Hoàng Như Mai.- Báo công an thành phố Hồ Chí Minh.- Ngày 27/11/1997.


6.           Giữ đê phòng lụt là công việc cực kỳ quan trọng đến dân sinh/Nguyễn Xiển.- Tạp chí Xưa và Nay tháng 5/1995.


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa