Lê Chân

Lê Chân quê ở làng Vẻn (An Biên) huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Cha là Lê Đạo, một thầy thuốc nổi tiếng nhân từ. Mẹ là Trần Thị Châu, phúc hậu đảm đang. Thuở nhỏ, Lê Chân ham học, học đâu biết đó. Vì vậy, khi lớn lên, Lê Chân tinh thông cả văn lẫn võ. Vào độ tuổi 20, Lê Chân nổi danh tài sắc. Khi ấy, thái thú cai trị quận Giao Chỉ là một tên hết sức tham tàn bạo ngược. y ép Lê Chân làm tì thiếp. Nhưng bố mẹ Lê Chân và nàng không chịu. Lê Chân phải trốn về vùng ven biển An Dương. Tên thái thú tìm cớ giết cha nàng.


Sẵn mối thù nhà, lại thêm nợ nước, Lê Chân quyết không đội trời chung với giặc, xây dựng căn cứ đợi thời cơ. Một hôm phát hiện ra khu cồn cát ven biển, cây cối um tùm, thuận đường giao thông thủy, Lê Chân bèn trở về quâ nhà chiêu mộ bà con thân thích và dân làng đến khai phá đất mới làm ăn, chuẩn bị lực lượng. Khi đất mới thành trang ấp, Lê Chân lấy tên quê cũ đặt cho ấp mới. Lê Chân còn chiêu mộ những người căm ghét quân xâm lược Đông Hán về An Biên luyện tập chờ thời cơ.


Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Lê Chân đã đem quân về ứng nghĩa. Trưng Vương phong là 'Thánh Chân công chúa'.


Khi khởi nghĩa thắng lợi, Lê Chân được Trưng Vương tin cậy, giao cho chức 'Chưởng quản binh quyền nội bộ'. Lê Chân đã hết sức xây dựng đồn lũy, luyện tập sĩ tốt, tích trữ lương thảo.


Năm 42, Hán Quang Vũ sai tướng Mã Viện cùng bọn Lưu Long, Đoàn Chí sang trả thù. Lê Chân lại cùng các tướng lĩnh của Trưng Vương chiến đấu dũng cảm chống quân xâm lược. Cuối cùng, Lê Chân đã anh dũng hy sinh tại chiến trường vùng Lạt Sơn, Kim Bảng (Hà Nam ngày nay)


Nhân dân An Biên đã lập đền thờ Lê Chân ở khu ngõ Nghè, nên đền này gọi là đền Nghè.


(Theo thần phả làng An Biên


Trung học Việt sử toát yếu)

Facebook zalo

Các tin đã đưa