Cô giáo Ngô Thị Phương, "người thắp lửa" giúp học sinh yêu môn Toán

Với nhiều kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy sáng tạo khiến học sinh rất hứng thú học tập, cô giáo Ngô Thị Phương – giáo viên bộ môn Toán, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên của Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, Hải Phòng) được đồng nghiệp tin yêu gọi là “người thắp lửa”.

Suốt nhiều năm công tác, cô luôn nỗ lực “thắp lửa” cho giáo viên trong tổ cũng như toàn trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đóng góp vào bảng vàng thành tích của trường.

Cô Lê Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, Hải Phòng) nhận xét: “Cô Phương là người đi đầu tập thể trường về đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học. Lan toả tinh thần ấy, cô còn nhiệt tình đưa giáo viên lên Hà Nội để tham gia tiết học đổi mới phương pháp. Năm 2020 – 2021, cô cùng tập thể giáo viên nâng kết quả ôn thi vào lớp 10 môn Toán của nhà trường đứng thứ nhất toàn quận Lê Chân. Hai lớp do cô Phương phụ trách giảng dạy cũng đứng thứ nhất toàn trường. Năm học 2021 – 2022, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động đóng góp bài giảng E-learning cho Kho Học liệu số, cô Phương lập tức đăng ký và động viên giáo viên trong tổ khoa học tự nhiên và tổ xã hội tham gia. Toàn trường có 9 giáo viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng khen vì đã có nhiều bài giảng E-Learning chất lượng”.

Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Năm nay, cô Phương đã 46 tuổi nhưng luôn chịu khó học hỏi, tích cực tham gia các lớp học đổi mới phương pháp giảng dạy, cách làm power point hay nhất, kỹ thuật phần mềm,…

Sự nhiệt huyết của cô Phương đã tạo động lực, thôi thúc các giáo viên khác cùng tham gia, hứng thú trau dồi kiến thức để vận dụng giảng dạy, học sinh hứng thú học tập hơn và phụ huynh tin tưởng”.

Có cơ hội gặp gỡ cô giáo Ngô Thị Phương, chúng tôi ấn tượng bởi những chia sẻ thể hiện sự nhiệt huyết, tận tâm và tình yêu của cô đối với nghề lái đò.

Cô giáo Phương chia sẻ: “Đối với môn Toán, giáo viên phải tạo được sự cuốn hút để học sinh ham học hỏi. Đầu tiên là các cháu phải ham học đã thì mới có hứng thú học tập. Để có được những tiết học như thế, giáo viên phải ưu tiên hàng đầu việc đổi mới phương pháp dạy học. Muốn tạo sự khích lệ tinh thần học tập của từng học sinh, thứ nhất tôi chia nhóm theo học lực để biết được các em cần hỗ trợ những gì và hỗ trợ như thế nào. Điển hình như năm nay, tôi được giao nhiệm vụ đón học sinh đầu cấp. Năm đầu tiên học chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có thay đổi rất nhiều và đặc thù của thế hệ học sinh bây giờ cũng khác biệt.

Bởi vậy, giáo viên phải cập nhập kiến thức để thay đổi phù hợp với học sinh. Ví dụ, bên cạnh việc dạy trực tiếp trên lớp, tôi có thể giao lưu với học sinh ở nhà thông qua các phần mềm khác, hướng dẫn học sinh làm power point, làm việc nhóm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học từ lâu đã trở thành xu thế nhưng việc tiếp cận và áp dụng nó không phải là điều dễ dàng. Đặc biệt, những giáo viên lớn tuổi gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình “chuyển đổi số”. Dù đã ngấp nghé cái tuổi ngũ tuần nhưng bản thân tôi lại rất yêu thích công nghệ thông tin. Khi được học hỏi, trau dồi và áp dụng vào thực tế, công nghệ thông tin đã giúp tôi truyền tải kiến thức cho học sinh tốt hơn. Với cương vị Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, tôi nhận thấy khi mình có sự thay đổi sẽ thúc đẩy mọi người trong tổ chuyên môn cùng thay đổi. Tôi mong muốn được thay đổi nhận định rằng bài giảng E-learning chỉ thiên về các môn xã hội. Thực tế cho thấy, khi tham gia góp bài giảng E-learning cho Kho Học liệu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động gần đây, nhiều thầy cô trong tổ Khoa học tự nhiên đã rất tích cực, làm được nhiều sản phẩm được đánh giá cao”.

Yêu thích và không ngừng trau dồi kiến thức công nghệ thông tin, khi ngành giáo dục đối diện với bối cảnh dịch bệnh, học sinh chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến, cô giáo Phương nhận định dạy trực tuyến là cơ hội để sáng tạo.

“Áp dụng nhiều phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến vừa đáp ứng được việc quản lý học sinh vừa hỗ trợ học sinh tiếp cận kiến thức nhanh hơn. Sắp tới, nếu học sinh chuyển sang học trực tuyến tôi sẽ có cơ hội sáng tạo hơn những lần trước. Ví dụ như phần mềm Class Point mà tôi mới ứng dụng bắt buộc học sinh phải tương tác liên tục với giáo viên, tránh trường hợp nhiều em vào lớp học nhưng ngủ, làm việc riêng không chú tâm vào bài giảng. Giáo viên có thể điểm danh, giám sát học sinh vào lớp và thao tác chữa bài ngay trên phần mềm. Để có thể tiếp cận với nhiều phần mềm dạy trực tuyến hay, tôi thường tham khảo các khoá học dạy miễn phí trên mạng và mua phần mềm về áp dụng cho học sinh” cô giáo Phương cho biết thêm.

Bên cạnh công tác giảng dạy, cô giáo Phương còn áp dụng thành công phần mềm Tablet hỗ trợ công tác quản lý của nhà trường.

Phần mềm Tablet giúp quản lý hồ sơ và công khai tất cả các thông tin như công văn của cơ quan quản lý, kế hoạch công tác của trường, công tác khảo thí, tuyên dương các giáo viên, học sinh có thành tích tốt,...

(Nguồn:Cô giáo Ngô Thị Phương, "người thắp lửa" giúp học sinh yêu môn Toán//Phạm Linh/  Báo Giaoduc.net.vn  .- Ngày  8/12/2021)

Facebook zalo

Các tin đã đưa