Bản tin "Hải Phòng qua những trang báo" - Tháng 11/2016

Bản tin "Hải Phòng qua những trang báo" - Tháng 11/2016


LỜI NÓI ĐẦU


    Với mục đích cung cấp những thông tin liên quan đến thành phố Hải Phòng, có tính chọn lọc, theo chuyên đề riêng biệt đến với người dùng tin, Thư viện KHTH Thành phố biên soạn Bản tin “Hải Phòng qua những trang báo”. Trong đó chọn lọc và giới thiệu những tin tức tóm tắt hoặc toàn văn được đăng tải trên báo, tạp chí Trung ương và địa phương nói về Hải Phòng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, giáo dục, đời sống…vv.
Do điều kiện thời gian và tính thời sự của tư liệu nên bản tin sẽ còn nhiều khiếm khuyết, Ban biên tập “Hải Phòng qua những trang báo” rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc giúp chúng tôi hoàn thiện những Bản tin tiếp theo nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu nắm bắt tin tức của bạn đọc.
Ý kiến và thư góp ý xin gửi về Ban biên tập bản tin “Hải Phòng qua những trang báo”, địa chỉ: thuvienhaiphong@gmail.com.



I. Chính trị - chính sách
1. Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh tiếp dân định kỳ
Ngày 3/11, tại Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã tiếp ông Vũ Đức Hòe, đại diện 48 hộ dân phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng, khiếu nại (KN) liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tái định cư tại phường Đằng Giang và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông Khê 2, giai đoạn 1 do UBND quận Ngô Quyền làm chủ đầu tư.
Trình bày nội dung KN tại buổi làm việc, ông Vũ Đức Hòe cho biết, tháng 12/2011, UBND TP Hải Phòng có thông báo thu hồi trên 5 ha đất tại phường Đằng Giang thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng
tuyến đường Đông Khê 2.
Thực hiện việc kê khai, kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong
chỉ giới thu hồi đất để thực hiện dự án, ngày 18/5/2012, UBND quận Ngô Quyền có Văn bản số 240 gửi UBND TP Hải Phòng đề nghị cho phép chủ đầu tư được áp dụng hỗ trợ bằng 40% giá đất ở trung bình của khu vực có các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi.
Phương án này được UBND TP Hải Phòng chấp thuận về mặt chủ trương và được người dân có đất bị thu hồi đồng tình.
Tuy nhiên, khi thực hiện trả tiền đền bù cho người dân thì quận Ngô Quyền lại cắt xuống còn 20% (từ trên 1,4 triệu đồng xuống còn trên 700 ngàn đồng/m2). Không những vậy, quận Ngồ Quyền còn tính sai mức hỗ trợ giá đất ở trung bình, đồng thời tính sót cả khoản hỗ trợ vượt hạn mức khiến các hộ dân có đất bị thu hồi bức xúc.
Các công dân kiến nghị 7 nội dung liên quan đến việc điều chỉnh mức hỗ trợ 20% theo giá đất ở trung bình lên 40%; đưa 3 vị trí 2, 3, 4 của tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để xác định giá đất ở trung bình; hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp đủ điều kiện bồi thường về đất vượt 5 lần hạn mức giao đất ở mới tại địa phương; kiến nghị UBND TP nâng mức giá đất nông nghiệp tại khu vực dự án; áp dụng đơn giá hỗ trợ với hệ số điều chỉnh K +1,7 để tính toán hộ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân có công tôn tạo, san lấp trong quá trình khai thác, sử dụng đất; giải quyết chỗ ở tại chỗ cho những hộ có nhà trên đất nông nghiệp nhưng không còn nơi ở nào khác; tính toán bồi thường, hỗ trợ về đất trực tiếp cho những hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp.
Tại buổi tiếp dân, đại diện các ngành chức năng TP Hải Phòng đã trình bày kết quả giải quyết KN của các công dân trên.
Theo đó, kiến nghị của các công dân đã được xem xét giải quyết theo đúng quy định và đề xuất phương án xem xét giải quyết đối với những nội dung cụ thể.
Tuy nhiên, các hộ dân vẫn không đồng tình và tiếp khiếu lên Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Thanh Sơn cho biết, vụ việc KN của ông Vũ Đức Hòe cùng các công dân phường Đằng Giang liên quan đến việc thực hiện 2 dự án trên, UBND TP đã tổ chức đối thoại nhiều lần và đã giao các ban, ngành liên quan có văn bản trả lời các kiến nghị của công dân.
“Về các kiến nghị của công dân tại buổi làm việc này có những nội dung được xem xét lại nhưng phải căn cứ vào các quy định của pháp luật. Các ý kiến kiến nghị của công dân tại buổi làm việc sẽ được ghi nhận và triển khai thực hiện trên tinh thần tất cả dựa vào cơ sở pháp luật và làm cái gì có lợi cho nhân dân nhất”, ông Sơn khẳng định.
Phát biểu kết luận tại buổi tiếp dân, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đánh giá cao các ý kiến tham gia của đại diện các ngành liên quan tại buổi làm việc cũng như ghi nhận thái độ nghiêm túc của công dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Phó Tổng Thanh tra khẳng định dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông Khê 2 là chủ trương đúng được nhân dân đồng tình cao. Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng được các cấp, ngành quan tâm và có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, việc hỗ trợ 40% giá đất trung bình trên toàn bộ diện tích đất là không phù hợp, nên công dân KN. Quá trình giải quyết KN kéo dài đến 4 năm vẫn không giải quyết dứt điểm; việc tổ chức đối thoại của các cấp chính quyền với công dân có nhiều vấn đề, dẫn đến công dân không đồng tình, tiếp khiếu lên T.Ư.
“Việc giải quyết đều tuân thủ theo pháp luật, tuy nhiên, khi giải quyết cần xem lại tính lịch sử và cụ thể của vụ việc để giải quyết. UBND TP Hải Phòng cần rút kinh nghiệm trong việc giải quyết KN của công dân, cần bình tĩnh, kiên nhẫn và tăng cường đối thoại; cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để công dân đồng tình”, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh nhấn mạnh.
Phó Tổng Thanh tra đề nghị Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chỉ đạo các ngành chức năng rà soát lại nguồn gốc đất của các hộ dân có KN; xem lại việc sử dụng đất để lập phương án bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân theo đúng quy định của pháp luật, trong đó chú ý đến những trường hợp mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật.
Liên quan đến việc xác định giá đất ở, mức hỗ trợ, UBND TP cần căn cứ vào tình hình
thực tế tại địa phương để lập phương án bồi thường hỗ trợ theo tinh thần đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là phải theo hướng có lợi cho người dân. Kết quả thực hiện báo cáo Thanh tra Chính phủ trước 10/12/2016.
Buổi tiếp công dân kết thúc với kết quả giải quyết hợp tình hợp lý, các công dân ra về mang trong mình niềm vui khôn xiết khi được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trực tiếp tiếp và có những chỉ đạo giải quyết cụ thể. Hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thanh tra Chính phủ, kết luận của Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh sẽ được các cấp, ngành và UBND TP Hải Phòng thực hiện nghiêm túc, hợp lòng dân.
(Nguồn: Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh tiếp dân định kỳ//Báo Thanh tra. - ngày 04/11/2016)

2. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Hải Phòng đang đi đầu trên nhiều lĩnh vực
Sáng 4- 11, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác của Chính phủ thăm và làm việc tại Hải Phòng. Cùng đi có các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, một số doanh nghiệp…
Đón tiếp và làm việc với đồng chí Phó thủ tướng, về phía thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Phó chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các ngành thành phố.
4 kiến nghị của Hải Phòng với Chính phủ:
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố báo cáo đồng chí Phó thủ tướng một số kết quả nổi bật của thành phố Hải Phòng 10 tháng năm 2016. Theo đó, Hải Phòng có nhiều đột phá, đạt kết quả toàn diện với mức tăng trưởng cao trong nhiều lĩnh vực như tăng trưởng GRDP, phát triển sản xuất công nghiệp, sản lượng hàng qua cảng, thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư, thực hiện các dự án lớn, cải cách hành chính, đối ngoại… 2 tháng cuối năm 2016, toàn thành phố tập trung cao triển khai quyết liệt nghị quyết đại hội Đảng các cấp, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, kế hoạch hành động để phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu phát triển KTXH, giữ vững QPAN, tạo tiền đề tốt cho những năm tiếp theo.
Để thực hiện các mục tiêu đó, Hải Phòng đề nghị đồng chí Phó thủ tướng và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho phép triển khai ngay thủ tục đầu tư các bến cảng tiếp theo tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sau khi 2 bến khởi động hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ Hải Phòng di dời các bến cảng khu vực Hoàng Diệu, Lê Thánh Tông để xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Nguyễn Trãi kết nối khu trung tâm thành phố cũ với trung tâm hành chính mới bắc sông Cấm; đồng ý về mặt chủ trương để Tập đoàn Vingroup hợp tác với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đầu tư xây dựng các bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Thành phố Hải Phòng mong muốn Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt cao tốc Hà Nội- Hải Phòng.
Tập trung đầu mối đầu tư xây dựng Cảng:
Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND
thành phố phân tích, làm rõ hơn định hướng phát triển của thành phố Hải Phòng, lấy cảng làm trung tâm và tiến mạnh ra phía biển. Đồng chí nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải đầu tư các bến cảng tiếp theo sau 2 bến khởi động tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đáp ứng yêu cầu tăng nhanh sản lượng hàng thông qua Cảng Hải Phòng. Để tránh đầu tư manh mún, khó kiểm soát, đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề xuất Chính phủ cho phép các nhà đầu tư lớn được thành phố lựa chọn tập trung đầu tư khu vực Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, từ đó có biện pháp quản lý, khai thác phù hợp các loại hình kinh tế, các loại hình dịch vụ, phát huy thế mạnh của Cảng và hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng. Đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng khẳng định, việc di dời bến cảng Hoàng Diệu là cần thiết, tuy nhiên phải có phương pháp, lộ trình phù hợp, thành phố Hải Phòng sẽ cùng Công ty CP Cảng Hải Phòng bàn bạc, thống nhất các giải pháp thực hiện. Trước mắt, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch di dời sớm cầu cảng số 9, 10, 11 bến cảng Hoàng Diệu đáp ứng yêu cầu xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ ngay trong thời gian tới. Đồng chí cũng mong muốn Chính phủ quan tâm triển khai sớm dự án đường sắt cao tốc Hà Nội- Hải Phòng.
Xác định vị trí chiến lược của Hải Phòng để tập trung đầu tư:
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thống nhất cao với các đề xuất, kiến nghị của Hải Phòng. Các ý kiến đều khẳng định, Hải Phòng là trọng điểm phát triển
của cả vùng và Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là điểm đột phá lớn nhất kéo theo sự phát triển
của cả vùng và miền Bắc, do đó cần được ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao kết quả phát triển KTXH, giữ vững QPAN của Hải Phòng và khẳng định Hải Phòng là một trong những điểm sáng của cả nước, luôn đi đầu trên nhiều lĩnh vực, nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư với sự hiện diện của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài. Phó thủ tướng khẳng định, Hải Phòng đang “cất cánh”, tuy nhiên cần cố gắng nhiều hơn mới có thể “bay cao” hơn. Theo đó, thành phố cần tiếp tục đổi mới, xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đầu tư, tăng trưởng, phát triển với ổn định xã hội, nâng cao đời sống người dân. Thời gian tới, Hải Phòng tập trung cao cho công tác quy hoạch và thực hiện ngay các quy hoạch; tập trung tái cấu trúc kinh tế thành phố, tạo ra những sản phẩm chủ lực, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tạo thêm nhiều nguồn thu ngân sách và tạo thêm nhiều việc làm. Trong đó, cũng cần quan tâm tới tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Hải Phòng cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng kế hoạch cụ thể để thu hút đầu tư phù hợp định hướng phát triển của thành phố. Thực hiện thật tốt và hiệu quả cao kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, chú trọng xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Về cảng biển, đồng chí Phó thủ tướng khẳng định vị trí không thể thay thế của cảng biển Hải Phòng đối với khu vực phía bắc và nhấn mạnh phải tập trung đầu tư hiện đại, bài bản, tránh manh mún và tổ chức khai thác hiệu quả. Phó thủ tướng cơ bản nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của thành phố Hải Phòng và yêu cầu các bộ, ngành liên quan theo sát, hướng dẫn cụ thể và phối hợp chặt chẽ với Hải Phòng để thực hiện, cụ thể là di dời khu vực cảng Hoàng Diệu, thực hiện các bước đầu tư các bến cảng tiếp theo tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; cho phép tập trung một đầu mối đầu tư xây dựng Cảng… Về tuyến đường sắt cao tốc, Phó thủ tướng cơ bản đồng tình và
(Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Hải Phòng đang đi đầu trên nhiều lĩnh vực//Báo Thanh tra. - ngày 05/11/2016)

3. Chủ tịch Hội luật gia làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng
Sáng 8/11,Đoàn công tác Hội Luật gia Việt Nam do ông Nguyễn Văn Quyền-Bí thư Đảng Đoàn-Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng.
Buổi làm việc tập chung vào hoạt động của Hội luật gia TP. Hải Phòng trong nhiệm kỳ vừa qua và chuẩn bị đại hội cho nhiệm kỳ VIII (2016 – 2021) tháng 12 tới.
Theo báo cáo của cho thấy, nhiệm kỳ VII (2011-2016), Hội Luật gia thành phố Hải Phòng đã hoàn thành các nhiệm vụ - chỉ tiêu, phát triển củng cố tổ chức hội. Đến nay Hội đã có 1.457 hội viên sinh hoạt tại các Quận, Huyện Hội và các chi hội trực thuộc HLG TP. Trình độ chuyên môn có 5 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 95% hội viên có trình độ cử nhân luật trở lên.
Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã tư vấn 13.010 vụ việc cho trên 36.000 lượt người. Tổ chức 1.754 hội nghị, tọa đàm, tuyên truyền trực tiếp cho trên 100.000 lượt người, 550 tin bài gửi báo, tạp chí, phát hành 4.900 bản tin, 26.000 sổ tay pháp luật, 150 phóng sự phát thanh truyền hình về vi phạm ATGT, đất đai, hôn nhân và gia đình…
Tại buổi làm việc, ông Trần Ngọc Vinh – Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hải Phòng đã kiến nghị một số vấn đề như: Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc phát triển các tổ chức hội, chi hội tại các quận huyện, đề nghị xem xét tiếp tục bổ sung đủ 4 biên chế của Hội luật gia thành phố đã được cấp trước đây, nay đã có người nghỉ công tác để đảm bảo cán bộ thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao và nếu được thì chỉ đạo thống nhất có định biên cho các tại quận, huyện Hội để có nhân lực làm việc, nhằm phát huy sức mạnh của tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp đặc thù, đồng thời hỗ trợ xuất bản bản tin pháp luật của Hội, kinh phí tổ chức Đại Hội và hoạt động của Hội hàng năm.
Đề nghị Trung ương Hội tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn phòng…
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự phiên họp, ông Nguyễn Văn Quyền cảm ơn, ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo nghiêm túc, kịp thời và có hiệu quả của thành ủy, UBND TP. Hải Phòng đối với Hội Luật gia và đề nghị trong thời gian tới, cấp ủy chính quyền tiếp tục giành sự quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa, bảo đảm về cơ sở vật chất và con người để hết năm 2017 trên địa bàn Hải Phòng 100% các quận, huyện thành lập Hội Luật gia theo Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri của Thành ủy đã ban hành.
Thay mặt Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng, ông Nguyễn Xuân Bình, Thường vụ Thành ủy - Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đánh giá cao hoạt động của Hội Luật gia TP. Hải Phòng trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu Hội Luật gia Hải Phòng cần chủ động xây dựng các chương trình, đề xuất cụ thể để thành ủy, UBND TP. Hải Phòng có thể tạo điều kiện, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ của Hội, phấn đấu đến tháng 6/2017 thành lập thêm 8 tổ chức Hội Luật gia tại quận, huyện, đảm bảo 100% các quận huyện có Hội luật gia.
Lãnh đạo TP. Hải Phòng cũng mong muốn Đại hội nhiệm kỳ VIII diễn ra vào tháng 12 sắp tới sẽ bầu ra được những đồng chí lãnh đạo có tâm huyết đối với nghề và sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa về kinh phí tổ chức Đại hội cũng như hoạt động tổ chức Hội. Đề nghị Hội Luật gia TP. Hải Phòng xây dựng website của Hội để cập nhật tin tức và những chính sách mới về luật pháp để nhân dân kịp thời nắm bắt tình hình.
(Nguồn: Chủ tịch Hội luật gia làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng//Báo ĐT “Người đưa tin” 10/11/2016)

4. Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc thăm Hải Phòng
Sáng 10/11, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 46305 cùng 101 cán bộ và thủy thủ cập cảng Chùa Vẽ, bắt đầu chuyến thăm Hải Phòng từ ngày 10-13/11.
Đón tàu và thủy thủ đoàn tại cảng có đại diện Sở Ngoại vụ Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Vùng Cảnh sát biển 1, Cục Đối ngoại-Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng và đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
Chuyến thăm của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quân đội hai nước Việt Nam và Trung Quốc nói chung, giữa Lực lượng Cảnh sát biển hai nước nói riêng.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Cảnh sát biển Trung Quốc tới Việt Nam, là hoạt động cụ thể hóa những nội dung trong kế hoạch hợp tác giữa Cảnh sát biển hai nước đã ký kết.
Trong thời gian ở thăm Việt Nam, sĩ quan và thủy thủ tàu đến chào xã giao lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng, Hội đàm với Cảnh sát biển Việt Nam; thăm và giao lưu thể thao với cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 1; tham quan Vịnh Hạ Long và một số danh lam thắng cảnh tại Hải Phòng.
(Nguồn: Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc thăm Hải Phòng//Đài truyền hình kỹ thuật số “VTC News”. - ngày 11/11/2016)

5. Đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp
Sáng 10- 11, đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố chủ trì hội nghị đối thoại doanh nghiệp tháng 11. Dự hội nghị có đại diện 130 doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng.
Qua 2 kỳ đối thoại giữa UBND thành phố với các doanh nghiệp, nhiều vướng mắc được tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển thành phố. Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp bày tỏ hài lòng và cảm ơn lãnh đạo thành phố cùng các sở ban, ngành, địa phương đã quan tâm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách, pháp luật của nhà nước. Các doanh nghiệp kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc cấp đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã năm 2012; xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 10 vào khu đất dự án của Công ty TNHH đóng tàu Damen Sông Cấm; việc GPMB thực hiện dự án đường bao thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các HTX và bến xe Thượng Lý cùng một số vấn đề về cơ chế, chính sách…
Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn và lãnh đạo các sở, ngành giải đáp trực tiếp, nêu rõ phương án, thời gian giải quyết những nội dung doanh nghiệp kiến nghị thuộc thẩm quyền của thành phố. Đối với những vấn đề cần tổng hợp, bổ sung thông tin, các sở, ngành, địa phương sẽ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để tìm hiểu cụ thể, báo cáo UBND thành phố giải quyết, sớm thông tin đến doanh nghiệp và trả lời trong kỳ đối thoại tới. Các sở ngành, đơn vị cũng tập trung hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt quy định của pháp luật trong hoạt động.
Kết luận hội nghị, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn yêu cầu sau khi có chỉ đạo của UBND thành phố, các sở, ngành cần đẩy mạnh giải quyết kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật và theo tinh thần dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 2. Phó chủ tịch UBND thành phố đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp ý kiến để các kỳ đối thoại tới đạt hiệu quả cao hơn.
(Nguồn: Đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp//Báo Hải Phòng. - ngày 11/11/2016)

6. Hơn 69 nghìn bài tham dự cuộc thi tìm hiểu 70 năm truyền thống Lực lượng vũ trang thành phố
Sáng 10-11, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tổ chức tổng kết, trao thưởng liên hoan nghệ thuật quần chúng và cuộc thi tìm hiểu “Lực lượng vũ trang thành phố Hải Phòng- những chặng đường lịch sử”. Đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng vũ trang thành phố (20-11-1946 - 20-11-2016).
Cuộc thi được tổ chức phát động, tuyên truyền rộng khắp, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tham gia. Sau 5 tháng phát động, Ban tổ chức nhận được hơn 69 nghìn bài dự thi thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều giới. Nhiều bài dự thi được đầu tư công phu nội dung, hình thức trình bày có nhiều sáng tạo. Không ít tác giả kỳ công sưu tầm nhiều hình ảnh đẹp, sinh động về truyền thống Trung dũng-Quyết thắng của Lực lượng vũ trang, sự phát triển của thành phố.
Liên hoan văn nghệ thuật quần chúng có 28 đơn vị được chia thành 5 cụm, với trên 750 diễn viên, nhạc công tham gia. Các đơn vị mang tới liên hoan 109 tiết mục với đa dạng thể loại, tập trung ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, quân đội anh hùng, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Tiêu biểu là các đơn vị như: lực lượng vũ trang quận Ngô Quyền, Hải An, Lê Chân, Hồng Bàng, Trung đoàn 50, Trung đoàn 836…có nhiều tiết mục được đầu tư, dàn dựng công phu để lại dấu ấn tốt đẹp với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Ban tổ chức trao giải xuất sắc tặng 8 tập thể, 3 cá nhân; giải A tặng 10 cá nhân; giải B tặng 15 cá nhân và 15 cá nhân đoạt giải khuyến khích cuộc thi tìm hiểu “Lực lượng vũ trang thành phố Hải Phòng- những chặng đường lịch sử”. 8 chương trình và 29 tiết mục xuất sắc tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng được tặng giấy khen.
* Trung đoàn 50 (Bộ Chỉ huy quân sự thành phố) vừa tổ chức tổng kết, trao giải cuộc thi
tìm hiểu “Lực lượng vũ trang thành phố Hải Phòng- những chặng đường vẻ vang” trên địa bàn quận Đồ Sơn:
Cuộc thi thu hút 1.510 bài dự thi từ các tầng lớp nhân dân quận Đồ Sơn. Nhiều bài thi được chuẩn bị, đầu tư công phu.
Ban tổ chức trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba tặng các tập thể, cá nhân.
(Nguồn: Hơn 69 nghìn bài tham dự cuộc thi tìm hiểu 70 năm truyền thống...// Báo Hải Phòng. - ngày11/11/2016)

7. Tưng bừng ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hải Phòng
Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam
(18.11.1930-18.11.2016), sáng 14.11.2016 tại làng văn hóa thôn Trí Yếu, xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP.Hải Phòng tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” để ôn lại truyền thống đoàn kết của dân tộc ta từ ngàn xưa, đồng thời đánh giá kết quả triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đến dự và chung vui có ông Lê Bá Trình phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị, đông đảo nhân dân địa phương và đại biểu các xã, huyện trên địa bàn thành phố.
Phát biểu trong ngày hội của toàn dân, ông Lê Bá Trình đề nghị mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư không ngừng phát huy truyền thống, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, cùng cấp ủy Đảng và chính quyền phấn đấu thực hiện thắng lợi các kế hoạch kinh tế-xã hội của xã, huyện, thành phố và của cả nước.
Bên cạnh phát triển nông nghiệp, đưa các giống cây con mới, đưa mô hình kỹ thuật vào sản xuất, nhân dân đã chú trọng phát triển làng nghề trồng hoa tại địa phương – một nghề truyền thống đang cho thu nhập khá, đẩy lùi không còn hộ nghèo trên địa bàn. Thôn Trí Yếu luôn đi đầu trong vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Chính phủ và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Năm 2016, nhân dân và cán bộ các thôn của làng văn hóa Trí Yếu đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thực hiện có hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, giữ vững danh hiệu làng văn hóa liên tục nhiều năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong thôn Trí Yếu từng bước được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững; mối quan hệ giữa bà con trong thôn ngày càng gắn bó, đoàn kết.
Tổng kết hội thi có 5 gia đình tiêu biểu được tặng giấy khen và phần thưởng của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 12 gia đình được tặng quà và giấy khen của thành phố Hải Phòng. Làng văn hóa thôn Trí Yếu tiếp tục kí kết giao ước thi đua giữ vững danh hiệu “làng văn hóa tiêu biểu” trong những năm tiếp theo.
(Nguồn: Tưng bừng ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hải Phòng//Báo ĐT “Dân Việt”. – ngày 15/11/2016)

8. Hải Phòng: Hạ thủy 4 tàu cá được đóng bằng nguồn vốn vay của nhà nước
Chiều 15.11, Hợp tác xã Đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) tổ chức lễ bàn giao 4 tàu cá được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ cho 4 ngư dân trên địa bàn xã.
4 tàu cá được bàn giao cho người dân nằm trong số 15 chiếc tàu mà HTX Đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Lập Lễ đang triển khai đóng mới. Cả 4 chiếc đều lắp máy trên 800 mã lực , đảm bảo đúng thiết kế và yêu cầu kỹ thuật.
Ông Đinh Khắc Nhân – Giám đốc HTX Đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Lập Lễ cho biết: thời gian để hoàn thiện 1 chiếc tàu cá thường được đóng trong khoảng 6 tháng đến 1 năm.
Trong thời gian gần đây, với trang thiết bị hiện đại , cơ sở sản xuất được mở rộng, năng suất của HTX ngày một tăng.
Anh Đinh Hữu Dũng (SN 1974), một trong 4 ngư dân được bàn giao tàu cá chia sẻ: Tàu đóng mới có trang thiết bị hiện đại, chắc chắn hơn so với tàu cũ gia đình anh đang sử dụng, phù hợp với nhu cầu đánh bắt xa bờ của các ngư dân. Được biết, một tàu cá được đóng mới mất khoảng 15 tỷ đồng, trong đó, nhà nước hỗ trợ cho vay 70%, ngư dân sẽ phải hoàn trả trong vòng 10 năm.
Theo đó, từ khi Nghị định 67 của Chính Phủ về chính sách phát triển thủy sản được triển khai, số lượng tàu đánh bắt xa bờ của Thủy Nguyên ngày một tăng, cơ cấu nghề khai thác cũng có sự thay đổi, những nghề mang tính chất làm cạn kiệt nguồn lợi như lưới kéo, giã cào có xu hướng giảm, thay vào đó là nghề lưỡi rê, chụp mực, bẫy lồng giúp cho ngư dân khai thác hiệu quả hơn, duy trì nguồn lợi khai thác đồng thời các tàu cá luôn được trang bị đầy đủ thiết bị liên lạc, cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện tham gia khai thác thủy sản.
(Nguồn: Hải Phòng: Hạ thủy 4 tàu cá được đóng bằng nguồn vốn vay của nhà nước//Báo Lao động. - ngày 16/11/2016)

9. Sau hàng loạt vụ học viên trốn trại cai nghiện: Phải tính toán lại mô hình cai nghiện
Sau hàng loạt vụ học viên quấy rối tại các cơ sở cai nghiện, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, cần phải tính toán, xây dựng lại mô hình cai nghiện. Xu hướng chung là giảm tối đa cai nghiện bắt buộc, chỉ áp dụng hình thức này khi đối tượng không thể cai nghiện ở cộng đồng hoặc không có nơi cư trú ổn định.
Sàng lọc, phân loại đối tượng cai nghiện:
Vừa qua, tại các cơ sở cai nghiện ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai liên tiếp xảy ra việc học viên đập phá cửa, tường rào, gây náo loạn để trốn ra ngoài. Đáng chú ý, các vụ việc phá trại liên tiếp xảy ra ở Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai (3 lần trong vòng 2 tuần) gây bất an cho người dân địa phương. Tình trạng này cũng khiến dư luận hoang mang, lo ngại về việc sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền tới những cơ sở điều trị cai nghiện khác. Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến các vụ bỏ trốn liên tiếp xảy ra do cơ sở vật chất chật hẹp, số lượng học viên quá đông nhưng chưa được sàng lọc, tâm lý chưa ổn định, dễ bị kích động.
Theo thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay, cả nước có khoảng 200.000 người nghiện ma túy được quản lý bằng hồ sơ, với 123 cơ sở cai nghiện. Ngoại trừ Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng có điều kiện cai nghiện tương đối tốt (có cả nơi vui chơi giải trí và môi trường làm việc), các cơ sở ở các địa phương còn lại đều không đáp ứng được yêu cầu, có nơi quá tải 30 -40%, cá biệt có nơi số lượng học viên vượt quá 3 lần. Việc quá tải cùng với cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp khiến học viên nảy sinh tâm lý phá trại đòi về.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội xung quanh những vấn đề bất cập trong công tác quản lý cai nghiện sau các vụ việc học viên cơ sở cai nghiên liên tiếp bỏ trốn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, phải tính toán, xây dựng lại mô hình cai nghiện, trong đó xác định đối tượng cai nghiện tự nguyện và bắt buộc là khác nhau. Xu hướng chung là giảm tối đa cai nghiện bắt buộc, chỉ áp dụng hình thức này khi không thể cai nghiện ở gia đình, cộng đồng hoặc người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Bên cạnh đó, về lâu dài phải đầu tư xây dựng, mở rộng trung tâm cai nghiện trên cơ sở đầu tư đến nơi đến chốn và phải áp dụng cơ chế đặc thù....
(Nguồn: Sau hàng loạt vụ học viên trốn trại cai nghiện: Phải tính toán lại mô hình cai nghiện//Báo An ninh Thủ đô. - ngày 16/11/2016)

10. Quyết định triệu tập kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa XV
Thường trực HĐND thành phố vừa có quyết định triệu tập kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo đó, nội dung chủ yếu của kỳ họp là xem xét kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016; quyết định các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố năm 2017; quyết định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ điều tiết giữa các cấp ngân sách; ban hành hệ thống chế độ định mức chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017; quyết định về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng; kế hoạch đầu tư công và danh mục các dự án đầu tư cần thu hồi đất, mức vốn ngân sách nhà nước cấp cho việc bồi thường GPMB trên địa bàn thành phố năm 2017.
Đồng thời, HĐND thành phố cũng xem xét, thông qua các đề án quan trọng, gồm: kế hoạch xây dựng nông thôn mới và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 – 2020; quy hoạch tổng thể phát triển ngành Văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; kế hoạch tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ thành phố giai đoạn 2017 – 2021; xem xét các báo cáo hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND TP và báo cáo của TAND, VKSND; chất vấn và trả lời chất vấn…
Theo kế hoạch, kỳ họp sẽ tiến hành trong 4 ngày (từ ngày 6 đến 9-12) tại trung tâm hội nghị thành phố.
(Quyết định triệu tập kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa XV//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 17/11/2016)

II. - Pháp luật, an ninh, trật tự
11. Nhức nhối bạo lực học đường
Bạo lực học đường đang trở thành mối lo lắng và quan tâm lớn của toàn xã hội. Những hành vi bạo lực không chỉ xảy ra ở các học sinh nam mà còn ở không ít học sinh nữ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh…
Vấn nạn bạo lực học đường:
Trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng từng xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau và đã có những hậu quả đau lòng để lại. Đó là 2 vụ án mạng đau lòng xảy ra tại 2 trường trung học trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo mà hung thủ là học sinh đã dùng dao sát hại bạn ngay sau giờ tan trường cách đây chưa lâu. Tại một trường trung học khác trên địa bàn huyện Thủy Nguyên cũng xảy vụ ẩu đả giữa 2 nam học sinh khiến một người thiệt mạng...
Chứng kiến ẩu đả, nhiều học sinh sẵn sàng rút điện thoại quay clip để đưa lên mạng thay vì quan tâm giúp đỡ nạn nhân. Thậm chí, đám đông còn “cổ vũ” khiến những người lớn nhìn thấy cảnh đó mà đau lòng.
Thực tế cho thấy, bạo lực học đường ngày càng có xu hướng gia tăng ở tất cả các cấp học, hình thức đa dạng và đặc biệt tính chất nghiêm trọng hơn. Việc đánh nhau hoặc bị “đánh hội đồng” ở lứa tuổi học đường không chỉ gây thương tích, tổn hại về thể chất mà còn gây tổn thương về tinh thần, tâm lý cho nạn nhân.
Kinh nghiệm từ một mô hình hay:
Đó là mô hình “Phòng, chống bạo lực học đường” ở Trường THPT An Dương (huyện An Dương). Với sự tích cực và chủ động mà từ nhiều năm nay nhà trường đã xây dựng rèn luyện cho học sinh thực hiện nề nếp, kỷ cương, không để xảy ra vụ việc xô xát.
Hiệu trưởng nhà trường, ông Phạm Hoàng Hưng cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đạo đức của học sinh ngày càng xuống cấp. Trong đó có thể kể đến những nguyên nhân xuất phát từ ngay bản thân các em, cùng với đó là nguyên nhân từ gia đình, hay tác động của nhà trường và ảnh hưởng từ xã hội.
Ông Phạm Hoàng Hưng phân tích: Tuổi từ 12-17 là giai đoạn các em có những chuyển biến tâm lý rất phức tạp, thường tỏ ra ương bướng, thích làm theo ý mình và có cái tôi rất cao. Đôi khi chỉ vì một xích mích nhỏ với bạn bè đồng trang lứa nhưng các em đã tỏ ra rất tức giận, căng thẳng và tìm cách dằn mặt bạn mình. Cùng với đó là sự thiếu quan tâm của cha mẹ đối với các em, thậm chí gia đình xuất hiện tình trạng bạo lực ngay trong nhà mình, vô hình trung làm tổn thương tinh thần cũng như gieo rắc vào đầu trẻ các em mầm mống bạo lực.
Ông Hưng cũng không phủ nhận công tác giáo dục hiện nay thường tập trung dạy về kiến thức văn hóa, chạy theo căn bệnh thành tích là chủ yếu mà chưa quan tâm việc đào tạo kỹ năng sống, thiếu sự theo dõi sát sao. Và đặc biệt là sự tác động của mặt trái xã hội, như hàng ngày các em phải chứng kiến những vụ ẩu đả, đánh nhau tại nơi mình sinh sống hoặc trên phim ảnh, game bạo lực...
Ông Hưng cho biết thêm, từ những phân tích trên, nhà trường đã xác định phải làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, xây dựng được nề nếp kỷ cương thì mới có thể nâng cao được chất lượng dạy học. Theo đó nhà trường kết hợp cùng với các lực lượng Cảnh sát hình sự, ma túy tuyên truyền kiến thức pháp luật cho các em bằng hình thức nói chuyện, thảo luận. Lồng ghép vào các nội dung giáo dục ý thức pháp luật, sống nhân ái trong học sinh, nêu tác hại của việc bỏ học lêu lổng, hoặc nghiện game… vào các bài dạy để nâng cao nhận thức, giáo dục giá trị, kỹ năng sống và ý thức trách nhiệm cho học sinh; thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, ngoại khóa tránh để các em có khoảng thời gian trống, tránh bị cuốn hút bởi các hoạt động không lành mạnh. Nhà trường thường xuyên phối hợp với Công an địa phương kiểm tra nội vụ đột xuất những lớp có học sinh cá biệt để kịp thời phát hiện, ngăn chặn học sinh mang theo vũ khí, chất nổ, chất cháy vào trong trường học. Cùng với sự giáo dục, động viên, giúp đỡ từ Ban giám hiệu, Đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm và tập thể học sinh đối với những học sinh mắc khuyết điểm, nhà trường cũng kiên quyết xử lý nghiêm khắc trên cơ sở có lý có tình những trường hợp vi phạm khuyết điểm, có biểu hiện mất đoàn kết, xích mích, kịp thời ngăn chặn được hiện tượng đánh nhau trong học sinh.
Từ năm học 2016-2017, Trường THPT An Dương đã xây dựng mô hình “Phòng, chống bạo lực học đường” với nhiều biện pháp cụ thể và thiết thực hơn. Đáng chú ý là việc nhà trường xây dựng mỗi lớp học sinh, mỗi tổ chuyên môn có một “Tổ tự quản an ninh” kết hợp cùng với Đội thanh niên xung kích tham gia theo dõi, đánh giá các cá nhân và tập thể lớp trong bảo đảm nề nếp, đầu và cuối mỗi buổi học. Kịp thời phát hiện báo cáo Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và lực lượng bảo vệ xử lý hiện tượng tụ tập, gây mất trật tự, ngăn ngừa bạo lực phát sinh từ bên ngoài và từ trong nội bộ học sinh nhà trường.
Nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc phối hợp và phát huy hiệu quả thực chất của 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình, xã hội trong quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ngăn ngừa bạo lực trong học sinh nhà trường. Theo đó ngoài việc gặp gỡ trao đổi trực tiếp thông qua các buổi họp phụ huynh thì còn phải hàng ngày cập nhật thông tin về tình hình học tập của các em qua website của nhà trường, qua điện thoại, sổ liên lạc và cả mạng xã hội.
(Nguồn: Nhức nhối bạo lực học đường//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 04/11/2016)

12. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy - cựu Tổng giám đốc PVtex
Sau khi nhận được báo cáo của Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) về việc ông Vũ Đình Duy, Thành viên HĐQT Vinachem, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và
Xơ sợi Dầu khí (PVtex) có đơn xin nghỉ để đi chữa bệnh, lãnh đạo Bộ Công Thương đã cho hay, không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Vũ Đình Duy.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu Vinachem có trách nhiệm xem xét chấp hành pháp luật của cán bộ tập đoàn và xử lý theo thẩm quyền và thủ tục đúng quy định của Nhà nước.
Ông Vũ Đình Duy nguyên là Tổng giám đốc PVtex, chủ đầu tư Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Sau khi rời khỏi PVtex, ông Duy đã từng giữ vị trí Phó giám đốc Sở Công thương Hải Phòng, Phó cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), tiếp đó được cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm vào vị trí Thành viên hội đồng quản trị Vinachem ngay trước ngày rời khỏi vị trí Bộ trưởng.
Các thông tin cho hay, ông Duy đã có giấy xin phép nghỉ ốm sau đó tiếp tục có giấy xin phép nghỉ tiếp và trong đó nói có thể phải đi chữa bệnh nước ngoài.
PVtex cũng là 1 trong 5 đại dự án nhức nhối của ngành công thương khi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xong không vận hành được như mong đợi.
Theo kết quả thanh tra việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ được Thanh tra Chính phủ công bố mới đây, quá trình đầu tư Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã có dấu hiệu cố ý làm trái, và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án; lựa chọn nhà thầu; ký kết, thực hiện hợp đổng với nhà thầu, gây ra thất thoát, lãng phí lớn vốn đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư 324,8 triệu USD, tương đương khoảng hơn 5.400 tỷ đồng, tính theo tỷ giá năm 2008 (1 USD = 16.740). Trong đó, 30% số vốn đầu tư này là của chủ sở hữu, 70% còn lại đi vay.
Dự án đã nghiệm thu sơ bộ vào 19/8/2013 và bàn giao đi vào sản xuất kinh doanh. Tại thời điểm thanh tra ngày 31/5/2015, giá trị nghiệm thu công trình là 363,5 triệu USD.
Nhà máy đã chính thức vận hành thương mại từ tháng 5/2014, nhưng đến năm 2015 đã phải dừng sản xuất để tiêu thụ sản phẩm tồn kho do sản phẩm không cạnh tranh được trên thị trường. Cho đến thời điểm này, Nhà máy vẫn đang dừng hoạt động.
Tại thời điểm 31/12/2014, lỗ lũy kế của Nhà máy đã lên tới 1.472 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra cũng khẳng định rằng, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ không có hiệu quả về kinh tế.
(Nguồn: Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy...//Báo Đầu tư. - ngày 04/11/2016)

13. Cựu Tổng giám đốc PVTex “đi nước ngoài trị bệnh”: Bị giáng chức, ai điều động làm PGĐ Sở Công Thương Hải Phòng?
Nguyên giám đốc Sở Công thương Hải Phòng vừa thông tin về việc nguyên cựu Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy được luân chuyển, bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở này trong một thời gian ngắn.
Sáng 4/10, trả lời phỏng vấn PV VTC News qua điện thoại, ông Phạm Văn Phương – Nguyên Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng (hiện đã sang công tác tại HĐND TP Hải Phòng) cho biết, việc luân chuyển, điều động bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) - chủ đầu tư nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ (Hải Phòng) là do Bộ Công Thương và Thành ủy, UBND TP Hải Phòng điều động, Sở chỉ tiếp nhận cán bộ về công tác.
“Đây là cán bộ luân chuyển từ nơi khác về chứ không phải nhân sự tại chỗ nên phải hỏi Ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng” – ông Phương cho biết.
Trong khi đó, một Phó giám đốc Sở Công thương Hải Phòng cho biết, thời điểm bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy về giữ chức Phó giám đốc sở này là do một vị phó giám đốc Sở chuyển công tác khác nên thiếu cán bộ, vì vậy Thành ủy, UBND TP Hải Phòng đã điều động, bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy về Sở công tác.
Ngay sau đó, PV VTC News đã liên hệ với lãnh đạo Ban Tổ chức Thảnh ủy Hải Phòng để tìm hiểu về quy trình bổ nhiệm cán bộ đối với ông Vũ Đình Duy. Vị lãnh đạo này cho biết, Ban tổ chức Thành ủy đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy Hải Phòng về vụ việc này và đề nghị phóng viên liên hệ làm việc với lãnh đạo Thành ủy.
Cũng trong sáng nay, thông tin với PV VTC News, ông Phạm Bá Cường – Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Sở Công thương Hải Phòng cho biết, khoảng tháng 8-9/2015, UBND TP Hải Phòng có quyết định điều động, bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy từ PVTex về làm Phó Giám đốc Sở Công thương, phụ trách lĩnh vực công nghiệp của Sở.Tuy nhiên, khi liên hệ với Chánh Văn phòng Thành ủy Hải Phòng, vị này cho biết hiện đang đi công tác và nói "do mới được bổ nhiệm về công tác tại Văn phòng Thành ủy nên chưa nắm được thông tin về vụ việc này".
Trong thời gian ngắn làm việc tại Sở, ông Duy công tác tốt, sống vui vẻ, hòa đồng, được
đồng nghiệp trong cơ quan quý mến.
Như thông tin đã đưa, ngày 3/11, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương Trần Duy Linh xác nhận Bộ này đã biết thông tin ông Vũ Đình Duy (uỷ viên Hội đồng thành viên Tập đoàn
Hoá chất Vinachem, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí PVTex) vắng mặt nhiều ngày qua mà không nhận được sự đồng ý của lãnh đạo Vinachem.
"Lãnh đạo Bộ nhận được báo cáo từ Vinachem và đã chỉ đạo không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Vũ Đình Duy, yêu cầu Vinachem triệu tập ông Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật", ông Linh nói.
(Nguồn: Cựu Tổng giám đốc PVTex “đi nước ngoài trị bệnh”: Bị giáng chức...//Báo ĐT “VTC News”. - ngày 04/11/2016)

14. Dự án 325 triệu USD “đắp chiếu”, nguyên Tổng giám đốc xin đi nước ngoài chữa bệnh
Ông Vũ Đình Duy từng giữ chức Tổng giám đốc PVTex - dự án gần 7.000 tỷ vừa được kết luận có nhiều sai phạm..
Bộ Công Thương vừa phát đi thông tin xác nhận về ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xơ sợi Dầu khí (PVTex)
Cụ thể, ngày 2/11, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã có công văn gửi Bộ Công Thương thông báo việc ông Duy có đơn xin nghỉ để đi chữa bệnh.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông này, và cho biết Bộ đã chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Vinachem có trách nhiệm xem xét chấp hành pháp luật của cán bộ tập đoàn, xử lý theo thẩm quyền và thủ tục đúng quy định của Nhà nước.
Ông Vũ Đình Duy sinh năm 1975, có học vị thạc sỹ công nghệ hóa học. Ông mới được điều động về Vinachem hồi giữa tháng 4 năm nay, chỉ một ngày trước khi Bộ Công Thương có Bộ trưởng mới thay ông Vũ Huy Hoàng.
Trước đó, ông Vũ Đình Duy từng giữ nhiều chức vụ như Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn.
Từ 15/7/2009 -2/2014, ông Vũ Đình Duy giữ chức Tổng giám đốc PVTex. Đây cũng là khoảng thời gian PVTex đầu tư xây dựng phát triển dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ.
Năm 2008, Hội đồng Quản trị PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD (5.437 tỷ đồng tính theo tỷ giá đương thời). Trong đó, chủ đầu tư chỉ có 30% vốn còn lại toàn bộ đều đi vay.
Dự án ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh về dệt may, và nguyên liệunhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Khi đó, với tham vọng tự chủ nguồn nguyên liệu xơ sợi, dự án được thành lập với mục tiêu tận dụng nguyên liệu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế
biến thành xơ sợi.
Ngày 29/5/2014, nhà máy đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Kết quả sản xuất của dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ.
Sau hai năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.
Tổng mức đầu tư cho dự án từ dự kiến ban đầu khi triển khai trên thực tế đã phải điều chỉnh từ 325 triệu USD lên thành hơn 359 triệu USD. Thời gian thu hồi vốn của dự án đã nhảy lên 22 năm 10 tháng, cao hơn tuổi thọ trung bình một dự án là 22 năm. Do đó dự án này được đánh giá là không có hiệu quả kinh tế.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ phát hiện trong quá trình triển khai thực hiện dự án, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí…
Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu không tuân thủ quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhiều thiết bị.
Nhiều thiết bị khác sau khi nhập về sử dụng đã bị trục trặc, hỏng hóc cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhà máy thử nghiệm kéo dài, sản phẩm không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ cao.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý do phát
hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà
thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư tại PVTex.
(Nguồn: Dự án 325 triệu USD “đắp chiếu”, nguyên Tổng giám đốc xin đi nước ngoài chữa bệnh//Tạp chí ĐT “Vneconomy.vn” (kinh tế Việt Nam). - 04/11/2016)

15. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai: Cần đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực ở cơ sở
Theo Thanh tra thành phố, hơn 70% số đơn, thư KN, TC trên địa bàn thành phố liên
quan đến quản lý, sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản. Trong đó, chủ yếu phát sinh trong quá trình tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), giải phóng mặt bằng (GPMB)… thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp huyện và cấp cơ sở.
Khiếu kiện do sai sót từ cơ sở:
Thời gian qua, Báo Hải Phòng nhận được hàng loạt đơn kiến nghị của công dân xã
Quang Phục (huyện Tiên Lãng) phản ánh việc cấp GCNQSDĐ không đúng quy định pháp luật. Quá trình điều tra, xác minh cho thấy hầu hết phản ánh của người dân là có cơ sở. Việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn xã không bảo đảm quy trình, thủ tục, nhất là việc xác định nguồn gốc đất, dẫn đến tranh chấp, khiếu nại. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một số địa phương do cán bộ địa chính tắc trách trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định, dẫn đến sai sót. Ví dụ như vụ ông Nguyễn Văn Vui ở thị trấn Vĩnh Bảo, bà Bùi Thị Bến ở xã Đồng Minh, vụ tranh chấp ngõ đi số 420, đường Đà Nẵng phường Đông Hải 1 (quận Hải An)… đã được Báo Hải Phòng phản ánh.
Việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn các quận được thực hiện chặt chẽ hơn. KN, TC chủ yếu liên quan đến công tác đền bù, GPMB, tái định cư... để phục vụ các dự án. Một số khiếu kiện do kiểm kê, định giá tài sản, áp dụng khung giá đất chưa hợp lý, sai sót hoặc cấp đất tái định cư không đúng đối tượng… Chẳng hạn KN kéo dài của người dân về mức hỗ trợ đền bù GPMB phục vụ dự án đường Đông Khê 2 (quận Ngô Quyền), tái định cư dự án Công viên cây xanh Tam Bạc (quận Lê Chân), khu đô thị Xi măng (quận Hồng Bàng)… đang được các cấp, ngành thành phố tích cực giải quyết.
Theo đánh giá của Thanh tra thành phố, nguyên nhân phát sinh KN,TC liên quan đất đai do một số địa phương chưa tích cực tiếp nhận và giải quyết kịp thời. Nhất là cấp xã còn thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý về đất đai trong thời gian dài. Một phần các vụ việc KN, TC phát sinh do năng lực hạn chế và sự thiếu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Nhiều xã, thị trấn có các vụ việc KN, TC, tranh chấp đất đai do lỗi tắc trách của cán bộ địa chính; lãnh đạo địa phương thiếu kiểm tra, sâu sát.
Nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng hệ thống dữ liệu:
KN, TC liên quan đến đất đai tăng mạnh trong thời gian qua còn do nguyên nhân khách quan, chính sách pháp luật của Nhà nước về đền bù, thu hồi đất thay đổi liên tục, có sự chồng chéo giữa các văn bản nên khi áp dụng vào thực tế dễ dẫn đến thắc mắc, kiến nghị. Trong khi đó, việc giải quyết của các cơ quan chức năng còn nặng về hành chính, chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, giải thích và thuyết phục để người dân nhận thức được vấn đề. Các địa phương chưa phát huy vai trò của luật sư, trợ giúp pháp lý trong quá trình giải quyết KN,TC. Sự thiếu hiểu biết của người dân về quản lý và sử dụng đất, những hạn chế về trình độ nhận thức, am hiểu luật pháp, cũng là nguyên nhân phát sinh nhiều vụ việc KN, TC.
Để hạn chế KN,TC liên quan đến đất đai, vấn đề quan trọng là năng lực, trình độ, phẩm chất, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức công tâm, thạo việc để giải quyết các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. UBND quận Hồng Bàng là địa phương đi đầu trong công tác đối thoại và có sự tham gia của luật sư tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho người dân, tạo được sự đồng thuận cao, góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án. Tuy nhiên, công tác này ở một số địa phương khác chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Tại cuộc họp tổng kết 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình chỉ rõ thành phố đang phát triển nhanh với nhiều dự án đầu tư quan trọng. Quá trình thu hồi đất, GPMB phục vụ các dự án đầu tư dễ phát sinh KN, TC. Vấn đề mấu chốt để giải quyết tình trạng nói trên chính là trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp cơ sở. Lãnh đạo cần biết lắng nghe và giải quyết kịp thời, dứt điểm các vướng mắc của người dân; công khai, minh bạch, thực hiện đúng các quy định của pháp luật; trung thực trong kiểm tra, thẩm tra, xác minh, giải quyết KN, TC.
Các ngành chức năng cần xây dựng hệ thống dữ liệu và hồ sơ quản lý đất đai đầy đủ, đồng bộ làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề phát sinh. Có như vậy mới hạn chế
được các KN, TC liên quan đến đất đai đang ngày càng phức tạp hiện nay.
(Nguồn: Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai: Cần đội ngũ cán bộ, công chức...// Báo Hải Phòng. - ngày 05/11/2016)

16. Hải Phòng: Khó bảo vệ chim di cư bị săn bắt trái phép
Hiện nay đang bắt đầu mùa của chim di cư nhưng lượng chim di cư đến quần đảo Cát Bà đang bị giảm sút nghiêm trọng.
Theo Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, hiện nay đang bắt đầu mùa của chim di cư nhưng lượng chim di cư đến quần đảo Cát Bà đang bị giảm sút nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do người dân săn bắt bằng nhiều hình thức.
Theo Ban quản lý khu sinh quyển thế giới Cát Bà, hiện nay lượng chim di cư đến quần đảo Cát Bà giảm rõ rệt. Nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu nhưng nguyên nhân trực tiếp làm lượng chim di cư đến đây giảm là do người dân bẫy, bắt.
Trong 2 tháng 9, 10 vừa qua, lực lượng chức năng của huyện Cát Hải đã thu giữ, tiêu hủy gần 5.000 m lưới do người dân chăng để bẫy, bắt chim di cư. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm huyện Cát Hải còn phát hiện nhiều trường hợp săn bắt động vật hoang dã như voọc, khỉ, linh dương.
Ông Vũ Văn Thành, hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Cát Hải cho biết: Để bảo vệ sự đa dạng sinh học trong khu vực sinh quyển thế giới Cát Bà, lực lượng kiểm lâm địa phương thực hiện biện pháp tuyên truyền đến từng người dân tuy nhiên do không có chế tài xử phạt nên việc tái diễn săn bắt chim di cư vẫn gia tăng.
Theo ông Thành, để thực hiện tốt việc bảo vệ chim di cư, ngoài sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thì vấn đề luật pháp cũng cần phải có chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi này.
“Ví dụ một hành động săn bắt chim di cư thì trong Nghị định 157 không điều chỉnh mà
săn bắt động vật rừng thì mới được điều chỉnh. Chúng tôi căn cứ vào 12 điều Luật bảo vệ rừng trong đó có điều cấm săn bắt động vật hoang dã để xử lý. Chúng tôi ngăn chặn bằng phương pháp tuyên truyền, thu giữ các phương tiện chứ không có căn cứ để xử phạt hành chính”.
(Nguồn: Hải Phòng: Khó bảo vệ chim di cư bị săn bắt trái phép//Đài tiếng nói Việt Nam “vov.vn”. - ngày 10/11/2016)

17. Huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cưỡng chế thu hồi đất 18 hộ dân thuộc dự án VSIP
Chiều 10.11, UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) tổ chức họp báo về việc cưỡng chế thu hồi đất của 18 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng.
Theo đó, trong số 18 hộ dân chưa bàn giao đất nằm trong dự án VSIP đã có 10 hộ dân nhận tiền đền bù từ năm 2010- 2011 song vẫn chưa bàn giao đất. Nguyên nhân là do các hộ dân kiến nghị phải được thoải thuận với Chủ đầu tư, hỗ trợ thêm ngoài chính sách quy định của Nhà nước tuy nhiên, theo UBND huyện Thủy Nguyên, những kiến nghị của các hộ là không có cơ sở giải quyết.
Sau khi thoải thuận, đối thoại, tuyên truyền cho người dân nhưng không có kết quả, UBND huyện Thủy Nguyên đã thành lập Ban cưỡng chế thu hồi đất đồi với 18 hộ dân. Ông Bùi Doãn Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, dự kiến huyện sẽ cưỡng chế đối với 18 hộ dân từ ngày 15.11 tới đây. Công tác cưỡng chế sẽ đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật, hạn chế tối đa không để xảy ra mất trật tự, an sinh xã hội.
Theo đó, trước một số ý kiến về việc giải quyết việc làm cho các hộ gia đình có đất nằm trong dự án VSIP, đại diện UBND huyện Thủy Nguyên cho biết sẽ tạo công ăn việc làm cho con em các hộ trong KCN VSIP, ngoài ra cũng bố trí các công việc phù hợp với những chủ hộ có nhu cầu.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng
có tổng diện tích là 129,8ha, trong đó, tổng diện tích đất các hộ chưa bàn giao là 4ha.
(Nguồn: Huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cưỡng chế thu hồi đất 18 hộ dân thuộc dự án VSIP//Báo Lao động. - ngày 11/11/2016)

18. Hải Phòng: Nhiều quán karaoke không đạt yêu cầu phòng cháy chữa cháy
Theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hải Phòng, qua kiểm tra tổng số 228 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố, nhiều cơ sở không đáp ứng được yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt 54 cơ sở với số tiền gần 80 triệu đồng.
Đại tá Phạm Viết Dũng, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hải Phòng, cho biết cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã kiểm tra và yêu cầu các cơ sở vi phạm quy định phải đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy theo đúng nội dung Thông tư số 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn như: đảm bảo yêu cầu thoát nạn, bảo dưỡng thiết bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động và tuyên truyền, tập huấn cho nhân viên phương án chữa cháy…Song việc đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường chưa cao do ý thức chủ quan của các chủ kinh doanh.
Khi có các buổi tuyên truyền, tập huấn kiến thức về phòng cháy chữa cháy, họ thực hiện một cách đối phó, không xây dựng lực lượng chuyên trách mà chỉ đưa lao động thời vụ tham gia.
Đến lúc xảy ra sự cố người được đào tạo đã chuyển việc, còn người mới vào chưa được đào tạo nên không biết cách nào xử lý tình huống.
Cũng theo Đại tá Phạm Viết Dũng, để đẩy lùi nguy cơ xảy ra cháy, ngoài biện pháp tuyên truyền, giáo dục cho các cơ sở kinh doanh nhận thức đầy đủ về chữa cháy, cơ quan chủ quản phải có biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Đặc biệt đối với những cơ sở kinh doanh đã được Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khuyến nghị, yêu cầu khắc phục trang thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy mà không chấp hành, gây nguy hiểm, các cấp chính quyền có biện pháp mạnh như tước giấy phép kinh doanh, phạt số tiền lớn và nghiêm trọng thì đề nghị đóng cửa.
(Nguồn: Hải Phòng: Nhiều quán karaoke không đạt yêu cầu phòng cháy chữa cháy//Báo ĐT Thông tấn xã Việt Nam. – ngày 11/11/2016)

19. Thu hồi mặt bằng cho thuê tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt -Tiệp và Cung Văn hóa Thanh niên
Sáng 14-11, Thường trực Thành ủy kiểm tra các chung cư nguy hiểm trên địa bàn quận Ngô Quyền và một số công trình xây dựng trên địa bàn thành phố. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì. Tham gia kiểm tra có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố; Dương Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND thành phố; đại diện các ngành, địa phương liên quan.
Trực tiếp kiểm tra các chung cư nguy hiểm trên địa bàn quận Ngô Quyền gồm: chung cư U1, U2, U3 Lê Lợi (phường Máy Tơ); nhà A, B, D ngõ 47 phố Lê Lai (phường Máy Chai), đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ cải tạo, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành xây dựng, sửa chữa các khu chung cư xuống cấp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần chỉnh trang đô thị.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành phê bình một số sở, ngành liên quan chậm triển khai thực hiện chủ trương của Thành ủy về việc xây dựng, cải tạo các khu nhà chung cư xuống cấp. Đồng chí nêu rõ: Thành ủy chủ trương cải tạo các chung cư cũ từ năm 2015 và bố trí vốn, nhưng các đơn vị triển khai chưa đạt yêu cầu. Gần 1 năm qua mới có một công trình khởi công là quá ít. Nguyên nhân do tư duy cứng nhắc, máy móc, lúng túng trong thực hiện thủ tục đầu tư. Trước thực trạng các chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu các sở ngành, địa phương liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, thấy rõ trách nhiệm của mỗi đơn vị, địa phương. Theo đó, các ngành, đơn vị cần khẩn trương triển khai xây dựng các chung cư cũ; thống kê các hộ dân trong diện di dời, bố trí tạm trú, tạm lánh. Các chung cư xây dựng mới phải bảo đảm khang trang, hiện đại. Quá trình thực hiện, các đơn vị cần linh hoạt vận dụng chính sách, những chung cư riêng lẻ, diện tích hẹp có thể phá dỡ để làm công viên cây xanh; dồn lại xây dựng chung cư nhiều tầng, nhằm khai thác hiệu quả cao trong sử dụng đất. Mục tiêu từ nay đến năm 2020, phải cơ bản hoàn thành xây dựng, cải tạo các chung cư cũ, trên cơ sở huy động các nguồn lực để thực hiện. Theo đó, các Sở Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính. Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Kiến An di chuyển dân đến các khu nhà tạm cư , không đợi có dự án đầu tư, nhà thầu, để bảo đảm an toàn về người và tài sản cho các hộ dân đang sinh sống.
Theo rà soát của ngành Xây dựng, thành phố Hải Phòng hiện có 169 khu chung cư xuống cấp, trong đó 64 chung cư ở cấp độ D-cấp đặc biệt nguy hiểm cần phá dỡ, xây dựng lại, không bảo đảm cho người sử dụng. Năm 2015, Thành uỷ có chủ trương cải tạo các khu chung cư xuống cấp: HĐND, UBND thành phố có các quyết định triển khai, trong đó, bố trí vốn năm 2016 là 150 tỷ đồng cải tạo chung cư cũ. Đến đầu tháng 11 này, mới có chung cư U19 Lam Sơn, quận Lê Chân được khởi công. Khảo sát của Công ty Quản lý và kinh doanh nhà, toàn thành phố hiện còn hơn 800 căn hộ tái định cư. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Hoàng Huy cho biết, nếu có mặt bằng sạch, trong 2 năm, doanh nghiệp có thể “xóa” được khoảng 50% số chung cư nguy hiểm.
Kiểm tra tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp, Cung Văn hóa Thanh niên và khu vực sau Nhà triển lãm thành phố (dải trung tâm thành phố), đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ đạo: phải hoàn thành thu hồi toàn bộ mặt bằng cho thuê tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Tiệp vào 31-12-2016 để chỉnh trang; dừng các hoạt động trên mặt bằng cho thuê tại Cung Văn hóa Thanh niên. Các ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố, trước mắt dừng hoạt động các dịch vụ chung quanh, xây dựng quy hoạch chung, hướng tới mục tiêu chỉnh trang xây dựng toàn bộ khu vực thành công viên để nơi đây thật sự là công trình phúc lợi công
cộng phục vụ nhân dân thành phố.
Đối với dải trung tâm thành phố, quan điểm của thành phố là không kinh doanh dịch vụ, mà xác định là công trình phúc lợi phục vụ nhân dân. Theo đó, cần giữ lại Nhà triển lãm cũ, khu vực phía sau triển lãm thu hồi giao UBND quận Hồng Bàng là chủ đầu tư để chỉnh trang, tháo dỡ các công trình cơi nới; mặt trước nhà triển lãm sớm được chỉnh trang. Yêu cầu các ngành, địa phương tập trung cao bảo đảm hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2017, cùng với đó triển khai quyết liệt, hoàn thành Dự án công viên cây xanh Tam Bạc. Đối với khu vực Công viên Rồng Biển, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp với doanh nghiệp thực hiện thu hồi (đồng thời bố trí địa điểm mới cho doanh nghiệp) để hoàn chỉnh dải trung tâm thành phố khang trang, sạch đẹp, văn minh.
(Nguồn: Thu hồi mặt bằng cho thuê tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt -Tiệp và Cung Văn hóa Thanh niên//Báo Hải Phòng. - ngày 15/11/2016)

20. Hải Phòng dán tem niêm phong đồng hồ tổng các cột bơm xăng
Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-UBND ngày 1/11/2016 của UBND TP Hải Phòng về tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Cục Thuế Hải Phòng cùng Sở Công thương, Sở Khoa học & Công nghệ đã phối hợp chuẩn bị đủ các điều kiện để triển khai việc dán tem các đồng hồ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ 14/11, Đoàn liên ngành của TP Hải Phòng chia thành 3 tổ công tác tiến hành dán tem niêm phong đồng hồ tổng (công-tơ) của 674 cột bơm xăng dầu tại 232 cửa hàng của 169 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, phấn đấu đến hết tháng 11/2016 sẽ hoàn thành.
Trên cơ sở đó, hàng tháng, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chốt số liệu trên công-tơ tổng nhằm xác định số lượng xăng dầu bán ra, đối chiếu với số liệu khai thuế của cơ sở sản xuất, kinh doanh để quản lý thu đúng, đủ thuế cho ngân sách nhà nước theo quy định.
Ông Lê Ngọc Trữ, Cục trưởng Cục thuế Hải Phòng, Trưởng đoàn Liên ngành dán tem niêm phong cho biết: Việc dán tem các phương tiện đo lường xăng dầu nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, ngăn ngừa các hành vi kinh doanh xăng dầu bất hợp pháp (xăng dầu nhập lậu, trôi nổi, không bảo đảm chất lượng), bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần làm trong sạch thị trường, tạo môi trường kinh doanh xăng dầu lành mạnh cho các doanh nghiệp chấp hành đúng quy định của pháp luật...
(Nguồn: Hải Phòng dán tem niêm phong đồng hồ tổng các cột bơm xăng//Báo Xây dựng. - ngày 15/11/2016)

21. Tiếp tục kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủy lợi phí tại Hải Phòng
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình liên quan đến việc kiểm tra phản ánh của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo; việc quản lý, sử dụng thủy lợi phí tại các xã Vĩnh Phong, Tam Cường thuộc huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
Liên quan đến việc cấp và trao GCNQSDĐ tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, Phó Thủ tướng giao UBND TP Hải Phòng chủ trì, phối hợp với VTV tiếp tục kiểm tra, xác minh, giải quyết và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng giao UBND TP Hải Phòng chủ trì, phối hợp với VTV làm rõ phản ánh của người dân liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ thủy lợi nội đồng từ ngân sách và kinh phí do người dân đóng góp ở các xã Vĩnh Phong, Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/2/2017.
(Nguồn: Tiếp tục kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủy lợi phí tại Hải Phòng//Tạp chí Thanh tra. - ngày 15/11/2016)

22. Tàu cảnh sát biển cứu 6 ngư dân gặp nạn ở Bạch Long Vỹ
Sáng 16/11, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển vùng 1 cho biết: 6h30 sáng nay (16/11), tàu CSB 8003 đã đưa người và phương tiện gặp nạn trên vùng biển Bạch Long Vỹ bàn giao cho cơ quan chức năng huyện Bạch Long Vỹ (Hải Phòng). Hiện các thuyền viên này đang được chăm sóc y tế tại đảo Bạch Long Vỹ, sức khỏe đã ổn định.
Trước đó, hồi 16h ngày 15/11, tàu cá mang số hiệu NĐ - 92647 TS do anh Nguyễn Văn
Thạch (27 tuổi, quê ở xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, Nam Định) làm thuyền trưởng cùng 5 ngư dân khác bất ngờ gặp nạn. Nước tràn vào buồng máy khiến tàu không thể hoạt động, tàu đối diện nguy cơ bị chìm ngoài khơi ở vị trí cách đảo Bạch Long Vỹ.
Nhận được tin báo, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển vùng 1 lập tức điều động tàu cảnh sát biển 8003 thuộc Hải đội 101 đang làm nhiệm vụ trên vùng biển này tham gia tìm kiếm, cứu nạn tàu cá gặp nạn. Tàu 8003 chính là một trong những con tàu tham gia tích cực nhất trong chiến dịch ngăn cản Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Hoàng Sa
của Việt Nam.
Đến 21h ngày 15/11, tàu cảnh sát biển 8003 đã tiếp cận được tàu cá bị nạn, các ngư dân nhanh chóng được đưa lên tàu cảnh sát biển, được kiểm tra, chăm sóc y tế; đồng thời được cung cấp các nhu yếu phẩm. Lực lượng cảnh sát biển đã hỗ trợ hút khô khoang máy, kiểm tra sự cố máy móc, sau đó tiến hành lai dắt tàu cá về đảo Bạch Long Vỹ.
(Nguồn: Tàu cảnh sát biển cứu 6 ngư dân gặp nạn ở Bạch Long Vỹ//Báo Giao thông. - ngày 16/11/2016)

23. Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng: Phát hiện 15 đơn vị sai phạm, xử phạt 195 triệu đồng
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao (VHTT) TP Hải Phòng đã tiếp nhận 12 đơn. Các đơn đều được giải quyết theo trình tự pháp luật đúng quy định không để đơn thư tồn đọng.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP, Giám đốc Sở VHTT, Thanh tra Sở đã tiến hành 2 cuộc thanh tra hành chính tại Trung tâm Văn hóa TP và Trung tâm Khai thác các công trình thể thao; kiểm tra chuyên ngành tại 463 tổ chức, cá nhân kinh doanh các dịch vụ văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật... Qua đó, phát hiện 15 đơn vị, sai phạm xử phạt 195 triệu đồng, nộp vào ngân sách Nhà nước; tịch thu, tiêu hủy 2.685 băng đĩa không có tem nhãn, khiêu dâm, đồ trụy và 215 ấn phẩm có tính chất mê tín dị đoan; buộc tháo dỡ, chỉnh sửa lại kích cỡ biển hiệu, quảng cáo của 12 cá nhân hoạt động quảng cáo không đúng quy định theo Luật Quảng cáo.
Thực hiện Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo để phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời, Thanh tra Sở đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông,
Sở Công thương, Phòng PA 83 Công an TP kiểm tra và vận động các cá nhân, tổ chức kinh doanh, không buôn bán, vận chuyển các loại pháo và sử dụng đèn lồng có xuất xứ nước ngoài, nhắc nhở chủ các karaoke, các cửa hàng kinh doanh băng đĩa phải chấp hành đúng các quy định của luật về cửa phòng hát, nghĩa vụ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, trước và trong dịp Tết Nguyên đán.
Đối với việc quản lý tổ chức lễ hội, di tích và cơ sở tín ngưỡng, Thanh tra Sở đã phối hợp với Phòng Nghiệp vụ văn hóa, Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình và PA83, Công an TP tăng cường kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại các quận, huyện trên địa bàn. Qua kiểm tra đã chấn chỉnh kịp thời các cơ sở vi phạm và yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ, công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, di tích ở các cơ sở tín ngưỡng ngày càng được nâng cao, được nhân dân tham gia, hưởng ứng, phát huy, truyền thống, văn hóa dân tộc.
(Nguồn: Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng: Phát hiện 15 đơn vị sai phạm...//Báo Thanh tra. - ngày 17/11/2016)

24. Tư lệnh Hải quân thăm và kiểm tra Viện Kỹ thuật Hải quân
Sáng 17.11, chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên TƯ Đảng, Tư lệnh Hải quân đã đến thăm và kiểm tra các mặt công tác tại Viện Kỹ thuật Hải quân (Hải Phòng).
Cùng đi với chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam còn có thủ trưởng Cục Kỹ thuật và đại diện một số cơ quan chức năng Bộ Tư lệnh Hải quân.
Sau khi đi thăm, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế thử… đoàn kiểm tra đã nghe chỉ huy Viện Kỹ thuật Hải quân báo cáo kết quả công tác năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017.
Chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam ghi nhận và biểu dương kết quả công tác của Viện Kỹ thuật Hải quân trong năm 2016. Tư lệnh Hải quân lưu ý trong thời gian tới, toàn đơn vị cần tự lực, tự cường đổi mới tư duy, vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Viện phải xây dựng được kế hoạch trung hạn về khoa học công nghệ, sát với yêu cầu, nhiệm vụ của Quân chủng… Viện cần phải phối hợp và giải tốt mối quan hệ hiệp đồng công tác với các cơ quan, đơn vị, nhất là với các cơ quan, nhà máy của Cục Kỹ thuật Hải quân, Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân để biên dịch tài liệu, cải hoán, đồng bộ một số thiết bị trên tàu của các đơn vị trong Quân chủng.
(Nguồn: Tư lệnh Hải quân thăm và kiểm tra Viện Kỹ thuật...//Báo Thanh niên. - ngày 18/11/2016)

25. Hoạt động tổ quản lý đô thị phường : Sớm thống nhất mô hình mới, đáp ứng yêu cầu quản lý
Sau 5 năm thực hiện thí điểm Tổ quản lý đô thị phường theo Đề án 4709 của UBND thành phố, đến nay, mô hình tạo chuyển biến nhất định trong công tác quản lý đô thị (QLĐT), góp phần giữ gìn trật tự đô thị, từng bước xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tuy nhiên, quá trình thực hiện bộc lộ những hạn chế, hiệu quả hoạt động chưa cao, chồng chéo về nhiệm vụ... là những vấn đề đòi hỏi cần có mô hình mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Giữ vai trò chủ công trong quản lý đô thị ở phường:
Từ 26 tổ QLĐT phường thành lập cuối năm 2011 ở 26 phường trên địa bàn 5 quận (Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Đồ Sơn) theo Đề án 4709, đến cuối năm 2012, 4 quận (trừ Đồ Sơn) thành lập thêm 18 tổ QLĐT, với 220 tổ viên và khoảng 450-500 cộng tác viên là tổ trưởng tổ dân phố, bảo vệ dân phố, các đoàn thể phường. Hầu hết tổ được trang bị ô tô, đồng phục, văn phòng phẩm, được bồi dưỡng kiến thức về QLĐT phục vụ hoạt động.
Tại phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền), hằng năm, tổ QLĐT phường tham mưu kế hoạch xuyên suốt trong năm, bám sát chương trình công của UBND phường, cũng như các đợt cao điểm, các sự kiện chính trị lớn của thành phố và quận. Tổ QLĐT tham gia tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý trong công tác trật tự xây dựng đô thị, trật tự đường hè và vệ sinh môi trường đô thị. Đáng chú ý, khu vực chợ tạm Đồng Quốc Bình có nhiều hộ kinh doanh nhỏ hàng rong bám chung quanh chợ, nên tổ QLĐT phường phải thường xuyên hướng dẫn, sắp sếp bảo đảm gọn gàng trên toàn tuyến đường Nguyễn Bình. Bảo đảm trật tự đường hè tại tuyến đường Lạch Tray (tuyến đường kiểu mẫu). Đồng thời, tham gia kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm trái phép, sai phép, chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh; giải tỏa các trường hợp xây dựng, cơi nới trái phép, nhất là khu vực thành phố đang triển khai thực hiện dự án đầu tư cải tạo kênh An Kim Hải. Tổ QLĐT còn thực hiện nhiệm vụ khác khi được Chủ tịch UBND phường phân công...
Hạn chế lớn của tổ QLĐT phường đó là, thời gian hoạt động của tổ chủ yếu vào giờ hành chính; vào ngày nghỉ, ngày lễ gần như lực lượng này không hoạt động, nên trật tự đô thị chỉ được thiết lập chủ yếu trong giờ hành chính, hoặc vào thời điểm các lực lượng chức năng đi “tua”. Còn lại các hàng quán trở về sự lộn xộn. Hoạt động của tổ QLĐT chỉ phát huy hiệu quả cao khi có sự phối hợp với công an phường, quận... Cùng với những bất cập nói trên, tính pháp lý của mô hình thí điểm này là điều đáng quan tâm. Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, thí điểm thành lập mô hình tổ QLĐT là việc làm mới, liên quan đến biên chế sự nghiệp, các chế độ chính sách của người lao động, khả năng cân đối ngân đối của địa phương theo Luật Ngân sách. Nếu tiếp tục triển khai mô hình đề nghị UBND thành phố xây dựng đề án hoàn chỉnh trình HĐND.
Ý kiến của lãnh đạo của một số quận khẳng định sự cần thiết của lực lượng QLĐT
chuyên trách để QLĐT trong điều kiện thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh và đề nghị duy trì mô hình, đồng thời đề nghị chỉnh sửa, bổ sung đề án để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như quy định pháp luật.
(Hoạt động tổ quản lý đô thị phường : Sớm thống nhất mô hình mới...//Báo Hải Phòng. - ngày 18/11/2016)

III – Kinh tế - xã hội

26. Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quận Ngô Quyền Lựa chọn phương án phát triển tăng trưởng cao
Hôm nay, 2-11, UBND quận Ngô Quyền tổ chức công bố Quyết định của UBND thành phố phê duyệt Dự án “ Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quận Ngô Quyền đến năm 2025”. Quy hoạch với những điều chỉnh lớn là cơ sở để quận lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch xây dựng, đô thị, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm, kế hoạch sử dụng đất của quận và các dự án đầu tư trên địa bàn.
Xây dựng quận theo mô hình kinh tế dịch vụ-công nghiệp:
Phó chủ tịch UBND quận Ngô Quyền Trần Hữu Xuân cho biết, theo quy định pháp luật, cùng các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, thành phố, quan điểm chỉ đạo Thành ủy đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch (QH) tổng thể kinh tế - xã hội quận. Cùng với đó, những năm gần đây, quận trở thành trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo tiêu chí đô thị loại 1.
Đáng chú ý, quận có các tiềm năng và lợi thế về giao thông đường thủy, sắt, bộ và hàng không như : đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; các dự án cải tạo tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng,… Các tuyến phố, đường trục chính và một số trên địa bàn quận được cải tạo, đầu tư mới như: đường Đông Khê 2, cầu Nguyễn Trãi, cầu Hoàng Văn Thụ hoàn thành sẽ mở ra khả năng gắn kết trực tiếp với vùng Bắc sông Cấm... tạo cho Hải Phòng nói chung và quận Ngô Quyền nói riêng một vị thế mới, tạo ra không gian phát triển kinh tế và giao lưu hàng hoá ngày càng rộng lớn và thuận tiện. Quận hình thành các tuyến phố thương mại như Lê Hồng Phong, Lạch Tray, Lê Lợi..., góp phần mở rộng thị trường. Quận có thể khai thác các cơ sở văn hoá, thể thao của thành phố trên địa bàn; các di tích lịch sử văn hóa và cảnh quan thiên nhiên dọc sông Cấm cho phép phát triển hoạt động vui chơi giải trí và du lịch trong vùng và liên vùng. Việc di dời các doanh nghiệp và cảng ra khỏi địa bàn theo quy hoạch sẽ tạo không gian để mở mang các khu công viên, cây xanh,…
5 điều chỉnh lớn:
Với việc lựa chọn phương án phát triển là tăng trưởng cao, điều chỉnh bổ sung QH phát triển các ngành kinh tế xác định là một trong 5 điều chỉnh lớn trong QH lần này, trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất quận quản lý tăng từ 12,5% giai đoạn 2016-2020 lên 13,5% giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, phát triển đa dạng và tăng tốc độ phát triển các loại hình dịch vụ, chú trọng nâng cao chất lượng các loại dịch vụ. Tập trung xây dựng và khai thác các tuyến đường mới như: Đông Khê 2, tuyến đường trục đô thị hướng Bắc-Nam...để phát triển tuyến phố thương mại chuyên ngành, thương mại tổng hợp và các loại hình dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại. Định hướng phát triển các ngành dịch vụ chủ yếu là : vận tải, kho bãi, thương mại, bất động sản, lưu trú và ăn uống, khuyến khích phát triển dịch vụ phục vụ hoạt động giáo dục-đào tạo.
Đáp ứng yêu cầu trên, sẽ điều chỉnh, bổ sung QH phát triển hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, về giao thông, tiếp tục xây dựng tuyến đường Đông Khê 2; cải tạo nâng cấp đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, các tuyến đường trục chính, đường trục đô thị Hải Phòng, xây dựng cầu Nguyễn Trãi, Hoàng Văn Thụ để kết nối với Khu đô thị Bắc sông Cấm, đại lộ 13-5.... Xây dựng 4 nút giao thông khác mức giữa các đường: Nguyễn Bỉnh Khiêm-Lê Hồng Phong, Nguyễn Trãi-Lê Thánh Tông, nút giao Cầu Rào và nút giao Chùa Vẽ. Phát triển hệ thống giao thông ven sông Cấm. Nâng cấp đường sắt Hà Nội-Hải Phòng thành đường đôi, đoạn từ ga Thượng Lý đến ga Hải Phòng được chạy trên cao. Bố trí bến tàu khách du lịch tại Cảng Hoàng Diệu khi các cảng ven sông Cấm tại trung tâm thành phố được di chuyển. Triển khai QH tuyến cáp treo nối trung tâm thành phố với công viên đảo Vũ Yên. Bổ sung mạng lưới cấp điện, cấp nước và thoát nước.
QH phát triển các lĩnh vực xã hội được điều chỉnh, bổ sung. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, quận đạt hoặc vượt hơn 70% số trường đạt chuẩn quốc gia; mỗi cấp học mầm non, tiểu học và THCS có ít nhất 1 trường đạt chất lượng cao. QH các vấn đề về tài nguyên và môi trường được điều chỉnh, bổ sung, theo hướng giãn dân ra các khu đô thị mới của quận hoặc các quận lân cận; đôn đốc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện di dời theo kế hoạch; tăng cường các điều kiện bảo đảm vệ sinh môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, phấn đấu 100% số cơ sở sản xuất mới thành lập áp dụng công nghệ sạch, hoặc trang bị thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn đô thị loại 1. QH trên cũng thực hiện điều chỉnh, bổ sung QH phát triển không gian KT-XH. Theo đó, đến năm 2025, quận hình thành 3 tiểu vùng. Đến năm 2020 tách phường Máy Chai thành 2 phường mới, cuối giai đoạn 2021-2025 có thể thành lập thêm 1 phường mới, nâng tổng số đơn vị cấp phường là 15 phường. Nghiên cứu mở rộng không gian lãnh thổ quận theo hướng Đông Nam...
(Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quận Ngô Quyền...//Báo Hải Phòng. - ngày 03/11/2016)

27. Công ty TNHH Knauf Việt Nam: Khánh thành nhà máy tấm thạch cao Knauf Việt Nam
Nhà máy Tấm Thạch cao Knauf là một trong những dự án FDI lớn nhất tại Hải Phòng, sau hơn 1,5 năm xây dựng sản phẩm tấm thạch cao đầu tiên đã ra đời, đáp ứng các nhu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam như chịu ẩm, chống cháy….
Chiều 30/10 tại KCN Đình Vũ, Công ty TNHH Knauf Việt Nam (thuộc Tập đoàn Knauf của Đức) đã chính thức Khánh thành Nhà máy Tấm thạch cao Knauf Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 35 triệu Euro, được khởi công năm 2014 và đi vào hoạt động từ tháng 03/2016 với công suất thiết kế 20 triệu m2 tấm thạch cao mỗi năm.
Tới dự buổi lễ có đồng chí Lê Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố; Tiến sỹ Frank-Walter Steinmeier – Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa liên bang Đức; ngài Christian Berger – Đại sứ quán Đức tại Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương thành phố.
Tại Lễ khánh thành, Phó Chủ tịch cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp đến từ châu Âu đã và đang tăng cường đầu tư vào thành phố Hải Phòng với trên 40 dự án, Dự án Nhà máy sản xuất tấm thạch cao Knauf là dự án thứ 6 của CHLB Đức tại thành phố Hải Phòng. Tthành phố cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Công ty TNHH Knauf Việt Nam thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh thành công tại thành phố.
(Nguồn: Công ty TNHH Knauf Việt Nam: Khánh thành nhà máy tấm thạch cao Knauf Việt Nam//Báo Bảo vệ pháp luật. - ngày 04/11/2016)

28. Quản lý tốt hoạt động cảng biển và dịch vụ liên quan, tăng thu ngân sách
Chiều 2-11, Tổ giám sát số 2 HĐND thành phố giám sát tại Sở Tài nguyên-Môi trường
(TNMT) về tình hình quản lý sử dụng đất, mặt nước phục vụ mục đích phát triển cảng và dịch vụ liên quan; tình hình kết quả thu từ đất đã giao, cho thuê sử dụng đất phát triển cảng, bến bãi và dịch vụ liên quan, công tác bảo vệ môi trường tại các đơn vị hoạt động cảng, bến bãi và dịch vụ liên quan. Đồng chí Phạm Văn Phương, Trưởng Ban Kinh tế-ngân sách HĐND thành phố chủ trì cuộc làm việc.
Theo Sở TNMT, trên địa bàn thành phố hiện có 109 tổ chức đang sử dụng đất vào mục đích phát triển cảng và dịch vụ liên quan; trong đó có 45 tổ chức thuộc đối tượng được giao đất không thu tiền và thuê lại đất các khu công nghiệp; 64 tổ chức ký hợp đồng thuê đất; đơn giá thuê trung bình từ 2,4 - 15 triệu đồng/năm. Hầu hết các cơ sở lập và được cơ quan chức năng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, công tác quản lý doanh nghiệp (DN) kinh doanh cảng và dịch vụ liên còn hạn chế, DN sử dụng đất chưa đúng mục đích, lấn chiếm đất đai, vi phạm hành lang ATGT, hành lang thoát lũ....Đáng chú ý, nguy cơ ô nhiễm môi trường ở các cảng biển, khu bến bãi còn lớn, do công-ten-nơ chứa hàng hóa tồn đọng, các chủ cảng chưa quan tâm thu gom, xử lý nước thải, nước dằn tàu. Hoạt động phối hợp quản lý, bảo vệ môi trường ở khu vực cảng và dịch vụ liên quan giữa các đơn vị thiếu chặt chẽ.
Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố ghi nhận cố gắng của ngành TNMT, để đáp ứng yêu cầu quản lý DN, tăng nguồn thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh cảng biển và dịch vụ liên quan, Sở TNMT cần chủ động rà soát, đánh giá hoạt động của các DN trong lĩnh vực này báo cáo thành phố định hướng trong quản lý hiệu quả hơn.
(Nguồn: Quản lý tốt hoạt động cảng biển và dịch vụ liên quan, tăng thu ngân sách//Báo Hải Phòng. - ngày 04/11/2016)

29. Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách thành phố: Đôn đốc thu nộp ngân sách gần 1.000 tỷ đồng
Sáng 9-11, Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách tổ chức họp đánh giá kết quả hoạt động 10 tháng qua, bàn triển khai kế hoạch hoạt động những tháng cuối năm 2016. Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách thành phố Nguyễn Văn Tùng chủ trì cuộc họp. Cùng dự có Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Sơn và các thành viên Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách thành phố.
Trong 10 tháng, các Tổ công tác chống thất thu ngân sách thành phố đã đôn đốc thu nộp
trên 955 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 243 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 712 tỷ đồng; thực hiện ghi thu, ghi chi 1.250 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Ngoài số thu của các tổ công tác, ngành thuế đã chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Kết quả 10 tháng đã thanh tra, kiểm tra 2.028 doanh nghiệp, kiến nghị tăng thu 232,553
tỷ đồng; thu hồi nợ thuế 824 tỷ đồng, thu thuế 959 nhà thầu nộp ngân sách 648 tỷ đồng, tăng thu phí lề đường, bến bãi ước trên 200 tỷ đồng.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng ghi nhận và hoan nghênh sự nỗ lực của các Tổ công tác chống thất thu của thành phố. Cùng với việc thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch đề nghị các Tổ chống thất thu ngân sách tập trung cao chống thất thu trong các lĩnh vực: du lịch, kinh doanh xăng dầu, thực hiện dán tem đồng hồ đo (công tơ) trong tháng 11-2016; đồng thời yêu cầu ngành thuế nghiêm túc thực hiện việc luân chuyển cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác thu thuế...
(Nguồn: Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách thành phố: Đôn đốc...//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 11/11/2016)

30. Hải quan Hải Phòng với mục tiêu nước rút thu gần 168 tỷ đồng/ngày
Đây được xem là nhiệm vụ rất nặng nề vì tăng tới 30% so với mức trung bình thực hiện của 10 tháng đầu năm nay.
Theo thông tin mới nhất của Cục Hải quan Hải Phòng, tính đến hết tháng 10, tổng thu ngân sách toàn Cục đạt 38.527 tỷ đồng, tương đương 79,29% chỉ tiêu được giao.
Như vậy, để hoàn thành chỉ tiêu dự toán 48.590 tỷ đồng, trong 2 tháng cuối Cục Hải quan Hải Phòng phải thu 10.063 tỷ đồng, tương đương 5.031,5 tỷ đồng/tháng hay gần 168 tỷ đồng/ngày.
Nhiệm vụ thu 2 tháng cuối năm tại Hải quan Hải Phòng tăng 30% so với kết quả thực hiện trong 10 tháng đầu năm (trung bình số thu 10 tháng đầu năm là 3.852 tỷ đồng/tháng, hay
128 tỷ đồng/ngày).
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, Cục Hải quan Hải Phòng vừa phát động phong trào thi đua nước rút 2 tháng cuối năm, trong đó giao Phòng Thuế XNK đánh giá các tác động ảnh hưởng đến thu ngân sách và tham mưu các giải pháp đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thu.
Đáng chú ý, thứ 2 hàng tuần Phòng Thuế XNK thông báo số thu trong toàn Cục và thực hiện đôn đốc các chi cục thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách.
Bên cạnh đó, Hải quan Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế.
(Nguồn: Hải quan Hải Phòng với mục tiêu nước rút thu gần 168 tỷ đồng/ngày//Báo Hải quan. - ngày 16/11/2016)

31. Chống thất thu ngân sách: Tập trung lĩnh vực thương mại, dịch vụ
10 tháng năm 2016, dưới sự chỉ đạo của BCĐ chống thất thu ngân sách thành phố, các tổ chống thất thu ngân sách đã đôn đốc thu nộp ngân sách hơn 955 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 243,7 tỷ đồng; thu thuế xuất nhập khẩu là 712 tỷ đồng. Ngoài số thu của các tổ công tác, ngành Thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại hơn 2000 doanh nghiệp, kiến nghị tăng thu 232,5 tỷ đồng. Đây là yếu tố quan trọng góp phần tăng thu ngân sách năm 2016 nhưng BCĐ chống thất thu ngân sách thành phố vẫn cho rằng, còn nhiều lĩnh vực đang thất thu...
Rà soát, chống thất thu:
Tuy đánh giá công tác thu hồi nợ đọng thuế là cần thiết và quan trọng, nhưng BCĐ chống thất thu ngân sách của thành phố cũng chỉ rõ, thời gian tới, không chỉ thu hồi nợ đọng mà tập trung rà soát, chống thất thu trong từng lĩnh vực.
Cụ thể, đó là tìm các giải pháp ngăn chặn tình trạng thất thu thuế ở một số lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, chuyển giá… Tại cuộc họp mới đây của BCĐ chống thất thu ngân sách, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ: phải nhận rõ các yếu tố gây thất thu để có biện pháp phù hợp. Chẳng hạn, trong lĩnh vực du lịch, mặc dù Hải Phòng thu hút lượng khách du lịch khá lớn, nhưng số thu ngân sách lại chưa tương ứng hoặc nói cách khác là không thấm tháp gì. Huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn chỉ thu được vài chục tỷ đồng/năm từ hoạt động du lịch là điều đáng suy nghĩ và cần phân tích rõ vì sao, cần làm rõ có thể tăng thu từ khu vực này hay không. Trên địa bàn thành phố hiện có 656 chi nhánh, các kho xăng dầu kinh doanh, nhưng chỉ có số ít đăng ký nộp thuế tại Hải Phòng, còn lại không kê khai hoặc kê khai nộp thuế ở nơi khác, cần có biện pháp khắc phục ngay trong thời gian tới. Đáng lo ngại là tình trạng buôn bán, sử dụng hóa đơn trái phép đang làm thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Theo báo cáo của Công an thành phố, đây là tình trạng diễn ra từ nhiều năm nay nhưng đấu tranh ngăn chặn rất khó khăn, phức tạp. Có đối tượng lập tới 20 doanh nghiệp với mục đích buôn bán hóa đơn là chính, có những hóa đơn giá trị tới hàng trăm tỷ đồng. Chiểu theo số thuế tương ứng phải nộp, việc buôn bán, sử dụng hóa đơn trái phép sẽ làm thất thu ngân sách những khoản khá lớn. Cùng với đó là hiện tượng chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI chưa được phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Thất thu thuế trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản cũng rất đáng lưu tâm…
Được biết, ngành Thuế đã triển khai ngay việc dán niêm phong đồng hồ ( công tơ ) tổng trên các thiết bị đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố và làm việc với nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để quyết tâm ngăn chặn các hành vi gian lận trốn thuế. Cùng với đó, ngành Công an và các ngành liên quan đang tích cực vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hóa đơn trái phép. Các hành vi chuyển giá khá tinh vi, cần có sự đầu tư nhiều hơn về chuyên môn, nghiệp vụ của các ngành chức năng, chủ yếu là ngành Thuế, để làm rõ và ngăn chặn. Ngoài ra, cần tiếp tục phối hợp rà soát việc kê khai nộp thuế của các nhà thầu đang thi công các công trình, dự án để tăng thu thuế nhà thầu và
kiểm soát tốt hoạt động xây dựng tư nhân để quản lý thu thuế.
(Nguồn: Chống thất thu ngân sách: Tập trung lĩnh vực thương mại, dịch vụ//Báo Hải Phòng. - ngày 18/11/2016)

IV – Lao động, sản xuất – kinh doanh
32. Cảng Hải Phòng lãi quý III/2016 giảm 36% so với cùng kỳ
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, PHP lãi sau thuế 417,5 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận trước thuế là trên 490 tỷ đồng (giảm 14%) và hoàn thành 82% kế hoạch cả năm 2016.
Công ty cổ phần (CTCP) Cảng Hải Phòng (mã PHP - HNX) đã công bố BCTC hợp nhất quý III/2016, với doanh thu thuần đạt hơn 584 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Kỳ này, giá vốn hàng bán của công ty tăng 6,6% nên lợi nhuận gộp của PHP đạt gần 192 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ.
Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của công ty chỉ đạt 5,4 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 46% và đạt 21 tỷ đồng. Công ty có hơn 2,5 tỷ đồng phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết, giảm 28% so với quý III/2015. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 17% lên mức 42,7 tỷ đồng.
Kết quả, PHP lãi sau thuế quý III/2016 là gần 120 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, phần lãi của cổ đông công ty mẹ là 81,4 tỷ đồng (giảm 42%).
Việc lợi nhuận quý III/2016 giảm mạnh so với cùng kỳ là do lợi nhuận của công ty mẹ và công ty giảm. Cụ thể, lãi sau thuế của công ty theo BCTC công ty mẹ là hơn 20,4 tỷ đồng, giảm mạnh 83% do từ ngày 1/2/2016, PHP thực hiện giải thể Chi nhánh Cảng Hoàng Diệu và Chi nhánh Cảng Bạch Đằng, thành lập Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu.
Công ty chuyển Trung tâm y tế thành Công ty TNHH MTV Trung tâm y tế Cảng Hải Phòng, chuyển trường trung cấp nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Cảng thành Công ty TNHH MTV Đào tạo Kỹ thuật nghiệp vụ Cảng Hải Phòng. Vì vậy, các chỉ tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, giá vốn hàng bán trong BCTC riêng quý III/2016 không bao gồm doanh thu và giá vốn của các công ty TNHH MTV nêu trên. Bên cạnh đó, PHP đã phải áp dụng cơ chế để thu hút khách hàng do cạnh tranh gay gắt do thị trường vận tải biển rất khó khăn.
Ngoài ra, chi phí quý III/2016 của PHP theo BCTC riêng cũng tăng do trích khấu hao bổ sung đối với một số tài sản thuộc vốn vay ODA được bộ GTVT quyết toán giá trị.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, PHP lãi sau thuế 417,5 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận trước thuế là trên 490 tỷ đồng (giảm 14%) và hoàn thành 82% kế hoạch cả năm 2016.
Hết quý III/2016, tiền và tương đương tiền của PHP đạt hơn 629,9 tỷ đồng, gấp 14,8 lần số đầu năm. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm từ 1.340 tỷ đồng xuống còn 886 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn cũng giảm mạnh 35% và đạt hơn 471,7 tỷ đồng.
(Nguồn: Cảng Hải Phòng lãi quý III/2016 giảm 36% so với cùng kỳ//Báo ĐT Người Đồng Hành. - ngày 03/11/2016)

33. Giúp nhau cải thiện cuộc sống
Anh Nguyễn Đức Văn, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên) là một trong số những hội viên nông dân tiêu biểu được thành phố biểu dương tại hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị 03 về học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh.
40 tuổi, hiện, anh Văn là chủ trang trại nuôi trồng thủy sản nước lợ quy mô hơn 4ha với giá trị hàng tỷ đồng.
Trước đó, năm 2006, anh xây dựng trại nuôi gà đẻ quy mô 5000 con/lứa trên 3400m2 đất dồn đổi được. Nhờ chịu khó học hỏi, cộng với vốn kiến thức và kinh nghiệm học được trong thời gian bán thức ăn gia súc, mô hình nuôi gà của anh sớm mang lại hiệu quả. Suốt thời gian dài, mô hình nuôi gà của anh trở thành mô hình mẫu của nông dân trong toàn huyện, được nhiều người đến học tập kinh nghiệm và nhân rộng.
Năm 2009, khi các mô hình trang trại gà nở rộ, thị trường bão hòa, anh trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế mới. Thời gian này, anh tham gia cùng một số hộ dân ở địa phương khai thác vùng cửa sông để nuôi trồng thủy sản theo phương thức quảng canh. Sau một thời gian nuôi trồng, tuy có thu nhập nhưng hiệu quả theo phương thức này không cao. Anh suy nghĩ tìm cách nâng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Theo đó, anh đề xuất với chính quyền địa phương thay vì để 1 ô thửa lớn nhiều người làm chung, nên chia nhỏ vùng nuôi trồng để các hộ thuê lại nuôi theo phương thức công nghiệp. Cách làm này là động lực để các hộ đầu tư khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, nâng cao giá trị sản xuất. Sau đó, địa phương thực hiện chia nhỏ diện tích nuôi trồng thủy sản giao cho các hộ, hình thành vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ tập trung. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn xã đạt 210 ha, trong đó, gia đình anh nhận hơn 4ha trong thời gian 20 năm. Nuôi trồng thủy sản nước lợ, nhất là nuôi cá vược của địa phương ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên thu hút nhiều hộ nuôi. Song, thực tế này dẫn đến, thiếu đầu ra nên cá vược tiêu thụ chậm và bị tiểu thương ép giá. Trước thực trạng này, tháng 7-2015, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Liên minh hợp tác xã thành phố, hơn 60 hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã cùng tham gia và thành lập HTX nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng và anh được tín nhiệm bầu làm giám đốc. Dưới sự điều hành của anh, HTX giúp các thành viên tiếp cận các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, nhờ đó, sản lượng cá ngày càng tăng, từ 13-14 tấn/ha/ năm lên 20 tấn/ha/năm. Các thành viên HTX ý thức hơn trong việc nuôi trồng thủy sản sạch và xây dựng thương hiệu sản phẩm để mọi người biết đến. Cùng với đó, nếu như trước đây, mọi người tranh nhau bán cá dẫn đến tình trạng tư thương ép giá thì nay, các thành viên trong HTX có thể “bảo” được nhau để bán cá ra thị trường, không xảy ra tình trạng cùng bán ồ ạt nên giá cá vược thời gian gần đây ổn định hơn. Hiện, các thành viên trong HTX hoàn thiện các thủ tục để cá vược được chứng nhận bảo đảm sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.
Anh Văn khiêm tốn cho biết: “Những bài học về tấm gương đạo đức của Bác tạo cho tôi động lực để theo đuổi hướng đi đã xác định”.
(Nguồn: Giúp nhau cải thiện cuộc sống//Báo Hải Phòng. - ngày 03/11/2016)
34. Công ty CP Cảng Hải Phòng Đề nghị được đầu tư 6 bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng
Sáng 3-11, đồng chí Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố chủ trì giám sát tại Công ty CP Cảng Hải Phòng về việc thực hiện cơ chế, chính sách và thu ngân sách từ hoạt động dịch vụ cảng, bến bãi, tiền thuê mặt đất, mặt nước. Cùng dự có đại diện các cơ quan liên quan.
9 tháng năm 2016, sản lượng hàng qua Cảng Hải Phòng đạt hơn 19 triệu tấn, doanh thu 1.412 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 94 tỷ đồng, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển thành phố. Mặc dù công ty có sự đầu tư lớn tại khu vực Đình Vũ, song hoạt động tại bến cảng Chùa Vẽ chững lại, trước sự phát triển đô thị Hải Phòng, tới đây bến cảng Hoàng Diệu phải di dời. Vì vậy, đơn vị đề nghị thành phố quan tâm cơ chế, chính sách về mặt bằng mới để Cảng tiếp tục phát triển, tạo điều kiện cho đơn vị được đầu tư 6 bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Bên cạnh đó, lãnh đạo Cảng Hải Phòng mong muốn cấp có thẩm quyền ban hành quy định mức giá sàn dịch vụ cho khối cảng biển, khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá cước tại khu vực cảng biển Hải Phòng như hiện nay.
Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Đình Bích ghi nhận Cảng Hải Phòng duy trì tốc độ phát triển, đóng góp tích cực vào ngân sách và sự phát triển chung của các ngành kinh tế khác. Để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của Cảng Hải Phòng nói riêng và khu vực cảng biển Hải Phòng nói chung, cần thiết điều chỉnh quy hoạch cảng và bổ sung các chính sách về thu thuế, phí, lệ phí, xây dựng mức giá sàn dịch vụ cảng hợp lý, không để ảnh hưởng đến lợi ích chung của các doanh nghiệp cảng biển và thành phố.
(Nguồn: Công ty CP Cảng Hải Phòng Đề nghị được đầu tư 6 bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng//Báo Hải Phòng. - ngày 04/11/2016)

35. SCIC chào bán cạnh tranh 45 triệu cổ phiếu Nhiệt điện Hải Phòng
Thời gian đăng ký tham gia, công bố thông tin và nộp tiền đặt cọc từ ngày 3/11 đến 11/11/2016. Ngày tổ chức chào bán cạnh tranh vào 14/11/2016.
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thông báo chàobán cạnh tranh 45 triệu cổ phần (tương đương 9% vốn điều lệ) tại CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND - UPCoM).
Theo đó, giá khởi điểm là 12.800 đồng/CP, số lượng cổ phần tối thiểu mỗi nhà đầu tư được đăng ký mua là 20.000 cổ phiếu, bước giá là 100 đồng và bước khối lượng là 100 cổ phần.
Thời gian đăng ký tham gia, công bố thông tin và nộp tiền đặt cọc từ ngày 3/11 đến 11/11/2016. Ngày tổ chức chào bán cạnh tranh vào 14/11/2016.
Được biết, cổ phiếu HND mới chỉ giao dịch trên UPCoM thừ ngày 5/10/2016 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 12.300 đồng/CP và tính đến hết phiên giao dịch ngày 3/11/2016, HND chỉ còn ở mức 11.000 đồng/CP.
HND được thành lập vào ngày 17/9/2002 bao gồm 5 cổ đông sáng lập với vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng của các đơn vị góp vốn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (77,5%), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (10%), Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (2,5%), Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (5%), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) (5%).
HND cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2016, với doanh thu thuần quý III/2016 đạt 1.752 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 192,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu HND giảm 215 tỷ đồng nhưng lỗ ít hơn 247 tỷ đồng so với quý III/2015 (lỗ gần 440 tỷ đồng).
Tuy nhiên, với số lỗ trong quý III/2016 là 192,6 tỷ đồng, HND đã "ăn mòn" 92% lợi nhuận có được nửa đầu năm (trong 6 tháng đầu năm HND lãi gần 209 tỷ đồng).
Theo giải trình của HND, quý III hàng năm là thời điểm mùa mưa, do đó thị trường huy động chủ yếu sản lượng từ nhà máy Thủy điện dẫn tới sản lượng điện thực phát của Công ty rất thấp. Doanh thu cố định từ sản lượng điện hợp đồng không đủ bù đắp chi phí dẫn đến HND bị thua lỗ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, HND đạt doanh thu 6.885 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 16,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 139,4 tỷ đồng.
(Nguồn: SCIC chào bán cạnh tranh 45 triệu cổ phiếu Nhiệt điện Hải Phòng//Báo ĐT Người Đồng Hành. - ngày 04/11/2016)

36. Báo động xuống cấp hệ thống cảng cá
Đứng trong tốp đầu cả nước về sản lượng nuôi trồng, khai thác, xuất khẩu thủy sản, vừa qua Hải Phòng đã được Chính phủ phê duyệt triển khai lập quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường vịnh Bắc Bộ. Để ngành thủy sản khẳng định được vị thế của mình thì hơn bao giờ hết, các vấn đề bất cập nội tại bên trong ngành cần phải được nhanh chóng khắc phục, mà bức thiết hơn cả là thực trạng hoạt động của hệ thống cảng cá, bến cá hiện nay.
Xuống cấp, bồi lắng nghiêm trọng:
Mối lo ngại lớn nhất đặt ra đối với hệ thống cảng cá, bến cá của thành phố hiện nay là tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp, hệ thống luồng lạch ra vào cảng bị bồi lắng nghiêm trọng khiến tàu thuyền không thể ra vào cảng khi thủy triều xuống, gây thất thoát lớn về mặt kinh tế. Nguy hại hơn là khi mưa bão, tàu thuyền không thể cập bến tránh trú an toàn, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người dân.
Trước hết phải kể đến cảng cá Cát Bà. Cảng được ví là căn cứ của đội tàu đánh bắt xa bờ, cơ sở triển khai các lực lượng quốc phòng toàn dân, bảo vệ lãnh hải, tài nguyên biển, giữ vững ANQP thành phố. Cảng được xây dựng từ năm 1999, rộng 3ha, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2001 bằng nguồn vốn ngân sách và ADB. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, cảng được đầu tư chưa đồng bộ, quá trình khai thác chịu sự tác động mạnh của các điều kiện môi trường khắc nghiệt như nước mặn, sóng to, bão gió... nên phần lớn các hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.
Cụ thể, hiện hệ thống kè của cảng nhiều đoạn đã bị sụt lún, đệm chống va cho các phương tiện tàu thuyền đã hư hỏng, không bảo đảm an toàn khi tàu thuyền cập cảng. Hệ thống đường nội bộ dẫn vào khu dịch vụ hậu cần, điểm báo, phao tiêu, đường cấp nước, điện đã xuống cấp không bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ lớn trong mùa mưa bão.
Tại khu neo đậu tránh trú bão, dịch vụ hậu cần thủy sản Trân Châu theo công suất thiết kế có năng lực tiếp nhận 1.000 tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão. Nhưng hiện nay, khi có thiên
tai xảy ra, tàu không thể neo đậu vào các trụ neo dưới nước.
Đã vậy, hệ thống phao tiêu, biển báo đã bị xuống cấp, dịch chuyển ra khỏi vị trí định vị ban đầu; có 2 phao đã bị đứt xích, trôi ra khỏi luồng. Tính từ cầu cảng ra ngoài luồng khoảng 30m, khu mặt nước neo đậu tránh trú bão, quay tàu của hệ thống luồng lạch đã bị bồi lắng nghiêm trọng.
... Thiệt hại lớn:
Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Ngọc Hải (Đồ Sơn) cũng không nằm ngoài thực trạng trên. Hiện theo quan sát, tìm hiểu của PV, toàn bộ bề mặt bến cảng số 2, 3 đã bị xuống cấp. Khu vực cửa luồng cảng cá số 2 đến ngoài kè chắn sóng chống sa bồi khu vực đền Bà Đế, kè đá phía Bắc cảng do bị sóng đánh, tàn phá từ các cơn bão trước dẫn đến sạt lún nghiêm trọng.
Hiện, mật độ ra vào cảng cá Ngọc Hải rất tập nập, buôn bán nhộn nhịp. Trung bình mỗi ngày, có đến hàng trăm tàu cá các loại ra vào cảng. Đặc biệt, những ngày mưa, bão, sức chứa của cảng lên đến 1.000 tàu thuyền cho ngư dân địa phương và các tỉnh bạn vào tránh trú.
Nhưng đáng quan ngại là 4,5 năm trở lại đây, hệ thống cảng cá xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng bồi lắng luồng lạch ra vào cảng ngày càng gia tăng, gây khó khăn rất lớn cho tàu thuyền ra vào cảng neo đậu tránh trú bão cũng như bốc dỡ hàng hóa sau những chuyến vươn khơi. Tàu cá bị mắc cạn ngày một nhiều, gây thiệt hại lớn đến hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm. “Tàu ra không được, vào không xong. Bà con muốn vào bán tôm cá là phải chờ nước, ra khơi cũng phải chờ nước. Cảng sắp thành cái ao...”, người dân than vãn.
Cũng theo ngư dân địa phương, hiện 8/10 con tàu mỗi lần “cố” cập cảng sẽ bị hỏng chân vịt. Mà mỗi chân vịt có giá từ 20 đến 40 triệu đồng, tàu to chân vịt có giá lên đến cả trăm triệu đồng. Để đưa hàng (tôm cá...) cập bến bảo đảm chất lượng, ngư dân phải chi thêm 200 đến 500 nghìn đồng/chuyến thuê đò vận chuyển hàng vào bờ hoặc mất thêm 2 đến 5 tạ đá/chuyến để bảo quản thủy sản trong khoảng thời gian chờ nước lên để cập bến. Đấy là chưa kể lúc vào cửa cảng, mắc cạn lại gặp sóng to tàu sẽ bị đánh chìm..
Được biết, từ năm 2013 đến nay, tại cảng cá Ngọc Hải đã có 3 tàu bị đắm, thiệt hại toàn bộ tài sản; 120 phương tiện bị cong vênh chân vịt, hàng loạt tàu thuyền bị mắc cạn không đưa được sản phẩm vào bến kịp thời, gây thiệt hại lớn cho bà con ngư dân. Bên cạnh đó còn phải kể đến nạn ô nhiễm môi trường đang “hoành hành” ở hầu hết các cảng cá, bến cá.
Chồng chéo trong quản lý:
Được biết, hiện cơ sở vật chất của hệ thống bến cá, cảng cá thành phố chủ yếu phục vụ cho mục đích công ích, bảo đảm hậu cần cho người dân yên tâm bám biển, không đặt lợi ích kinh tế lên đầu nên nguồn thu thấp. Vốn tái đầu tư không đủ, trong khi nguồn thu nhà nước lại khó khăn nên tình trạng xuống cấp khó được khắc phục.
Ngoài ra, ông Đỗ Đức Trung - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần thủy sản cho biết: Hiện Hải Phòng có 5 cảng cá, 8 bến cá nhưng chia ra các chủ thể quản lý khác nhau. Trung tâm được giao quản lý 3 đơn vị, số còn lại do các địa phương hoặc doanh nghiệp quản lý. Cơ chế quản lý không đi vào một mối khiến cho việc ban hành các văn bản, quy phạm phát luật rất khó được triển khai thực hiện đồng bộ.
Thiết nghĩ, trước những diễn biến bất thường của khí hậu và những yêu cầu thiết yếu để xây dựng Hải Phòng thành trung tâm nghề cá lớn của cả nước, nên chăng thành phố cần sớm thống nhất cơ chế, các chủ thể quản lý cho đi vào một mối; xây dựng các văn bản, quy phạm pháp luật mang tính quản lý nhà nước và chú trọng kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá, bến cá.
(Nguồn: Báo động xuống cấp hệ thống cảng cá//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 04/11/2016)

37. Biến ruộng hoang thành thảm hoa hướng dương rực rỡ
Từ năm 2014 trở về trước, toàn bộ hoa hướng dương tiêu thụ trên địa bàn Hải Phòng phải nhập từ Đà Lạt về với giá thấp nhất là 12 nghìn đồng/bông. Hai năm nay, nông dân Hải Phòng đã trồng được hoa hướng dương với chất lượng không hề thua kém hoa Đà Lạt. Hơn nữa, hoa sản xuất tại chỗ, không phải trải qua quá trình vận chuyển, tươi lâu hơn và giá thành rẻ hơn đến một nửa…
Ngày đầu vỡ đất trồng hoa:
Anh Đỗ Văn Xanh, ở thôn Minh Kha, xã Đồng Thái, huyện An Dương, là người tiên phong mang giống hoa hướng dương về trồng với quy mô lớn tại Hải Phòng. Điều đáng nói là 5,5ha trồng hoa của anh ở cánh đồng thôn Nam Bình, xã An Hưng, huyện An Dương, là đất ruộng mà 80 hộ dân trong thôn đã bỏ hoang nhiều năm nay, cỏ lút đầu người, trở thành “thiên đường” cho chuột bọ sinh sống.
Khi đi qua nơi này, cái tình cảm gắn bó với đất đai, đồng ruộng trong Đỗ Văn Xanh trỗi dậy. Phát hiện cánh đồng bằng phẳng, nằm sát QL5, ngay khu vực cửa ngõ vào thành phố Cảng mà lại bị bỏ hoang cho cỏ mọc, thế là anh xin chính quyền địa phương và các hộ có ruộng ở đây cho thuê để trồng hoa. Thời gian đầu, gia đình anh phản đối bởi để phục hóa cánh đồng hoang cần đổ ra rất nhiều công sức, tiền của, mà không biết đồng đất nơi này có phù hợp cho trồng hoa không. Nhưng với kinh nghiệm của người xuất thân trong gia đình có nghề trồng hoa gia truyền, anh Xanh quyết tâm thực hiện.
Kể về những ngày đầu gian nan, anh Xanh nhớ lại: “Khi ấy chỉ có một mình tôi đối mặt với cánh đồng chẳng có gì ngoài cỏ dại, không bờ thửa, không đường, không kênh mương dẫn nước… Tôi đã thuê máy đào kênh dẫn và thoát nước, đắp bờ vùng bờ thửa, làm đường đi lối lại. Mất nửa năm mới cải tạo xong. Rồi tôi bắt tay vào trồng các loại hoa cao cấp, trong đó có hoa hướng dương Nhật Bản - loài cây mới trồng ở Hải Phòng”.
Anh nhập hạt giống hướng dương từ Đà Lạt, khi trồng thử nghiệm thấy chất đất pha cát vùng này phù hợp nên tiếp tục thuê thêm diện tích ruộng hoang bên cạnh để cải tạo, trồng hoa. Theo anh Xanh, hướng dương Nhật Bản là giống hoa dễ chăm sóc, có sức sống mạnh với bộ rễ chùm khỏe. Cây 1 tuần tuổi thì bón phân, 2 tuần thì bón thúc. Sau khi trồng khoảng 25-30 ngày, cây hướng dương cao 25-30cm, anh làm giàn lưới để bảo vệ cây khi mưa gió bởi loại cây này tốt lá nên dễ đổ. Tuy nhiên hướng dương ít sâu bệnh, chỉ cần chú ý sâu xanh lúc cây ra nụ và bệnh nấm thối nhũn, phải phun phòng trước.
Lợi nhuận cao, thời gian thu hoạch ngắn:
60-70 ngày sau trồng, khi bông hướng dương he hé màu vàng là có thể thu hoạch. Mỗi sào anh Xanh trồng được 5.000 cây, thu khoảng 4.500 cây đạt tiêu chuẩn (cây cao 80-120cm, bông nở đều, đẹp). Ông chủ trại hoa chia sẻ, hướng dương Nhật Bản có thể trồng quanh năm, cứ 2 tháng/lứa, một năm có thể trồng đến 5 vụ. Nhưng trồng liên tục như vậy, đất sẽ bị chai,
cằn cỗi, nhiều sâu bệnh nên cần luân canh với lúa vụ Mùa để cải tạo đất, giúp đất tơi xốp, diệt
bớt sâu bệnh.
Sản phẩm hoa hướng dương Nhật Bản của trang trại anh Xanh không đủ cung cấp cho thị trường. Mấy năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ hoa hướng dương tăng đáng kể, đặc biệt là dùng trang trí tại các sự kiện, hội nghị, hội thảo…
Đến nay, anh Xanh đã tìm kiếm được nhiều mối hàng ổn định. Với giá bán buôn trong ngày thường là 5-7 nghìn đồng/bông, còn các dịp lễ lên tới 18-20 nghìn đồng/bông, lợi nhuận thu về từ 20-75 triệu đồng/sào/2 tháng. Thời gian tới, trung bình mỗi ngày anh Xanh trồng 1.000 cây hướng dương để có hoa cung cấp cho thị trường hằng ngày. Riêng các dịp lễ, tết, con số này sẽ tăng lên nhiều vạn cây. Hiện trang trại đang chăm sóc đợt hoa mới để kịp thu hoạch vào dịp 20-11.
Được biết, trang trại hoa của anh Xanh tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên, 20 lao động mùa vụ. Đặc biệt, trang trại còn tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật ở HTX Người tàn tật Tự Lực đóng trên địa bàn xã An Hưng.
Có tinh thần dám nghĩ dám làm, niềm đam mê hoa cùng đầu óc tính toán nhạy bén với thị trường, anh Xanh có thể làm giàu với nghề trồng hoa.
(Nguồn: Biến ruộng hoang thành thảm hoa hướng dương rực rỡ//Báo An ninh Hải Phòng . – ngày 11/11/2016)

38. Nhân rộng các câu lạc bộ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Các cấp bộ Đoàn, Hội thanh niên thành phố tích cực triển khai các mô hình câu lạc bộ (CLB) thanh niên làm kinh tế giỏi, CLB hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Qua đó, góp phần tập
hợp lực lượng thanh niên chung sức phát triển kinh tế tại địa phương, cũng như tạo cơ hội việc
làm ổn định cho thanh niên.
Theo Phó bí thư Thành Đoàn Đào Phú Dương, thành phố hiện có hàng trăm CLB thanh niên làm kinh tế giỏi. Các CLB này góp phần động viên, giúp đỡ thanh niên tham gia phát triển kinh tế, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, xóa đói giảm nghèo, giúp thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ cho thanh niên hoạt động có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho đoàn viên, thanh niên.
Trong đó, nhiều CLB không chỉ tạo việc làm cho thanh niên mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Điển hình như CLB Thanh niên sống tích cực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam phường Anh Dũng (quận Dương Kinh). Thông qua CLB tạo việc làm cho hơn 150 đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh không may mắn như nhiễm HIV, người thân người nhiễm HIV và người cai nghiện ma túy thành công. Hay CLB Làn sóng mới (New wave) thuộc Hội LHTN Việt Nam phường Lê Lợi (quận Ngô Quyền), các thành viên tham gia tuyên truyền tư vấn giới thiệu việc làm, chọn trường, chọn nghề cho 248 lượt đoàn viên thanh niên và giới thiệu được 32 đoàn viên có việc làm ổn định. Có những CLB còn tích cực hỗ trợ vốn cho hội viên, như CLB Thanh niên lập thân, lập nghiệp làng văn hóa Hội Am thuộc Hội LHTN Việt Nam xã Cao Minh (huyện Vĩnh Bảo), CLB thường xuyên có vốn quỹ lưu động từ 60 triệu đồng trở lên để cấp vốn cho các hội viên có nhu cầu cần vốn để phát triển kinh tế…
Các cấp bộ Đoàn, Hội thành phố khuyến khích phát triển các mô hình thanh niên phát triển kinh tế, sản xuất, chuyển giao công nghệ… giúp đoàn viên, thanh niên tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong sản xuất kinh doanh, cũng như tiết kiệm được chi phí, nhân công lạo động. Bí thư Đoàn xã Dũng Tiến (huyện Vĩnh Bảo) Vũ Viết Hải cho biết: CLB thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi của xã với 17 thành viên là chủ của 17 mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả trên các lĩnh vực chăn nuôi, cơ khí, nuôi trồng thủy sản... và tạo việc làm gần 100 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 3 đến 4,5 triệu đồng/ tháng.
Được thành lập từ tháng 3 năm 2016, CLB hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) gồm 10 thành viên, trong đó Ban chủ nhiệm CLB có 5 thành viên. Mặc dù mới được chính thức thành lập nhưng trước đó CLB tổ chức được hai lớp dạy nghề miễn phí cho hơn 50 thanh niên với những nghề cơ bản như: nấu ăn, cắm tỉa hoa, cắt may, hàn... CLB còn phối hợp với Trường cao đẳng nghề VMU (Trường đại học Hàng hải Việt Nam) và một số doanh nghiệp tổ chức hai chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 200 lượt thanh niên, trong đó có gần 50 thanh niên tìm được việc làm với thu nhập ổn định. Theo Bí thư Đoàn phường Quán Toan Lê Thị Bồn, một số thành viên trong CLB là chủ các doanh nghiệp tư nhân vì vậy các bạn tạo điều kiện tiếp nhận lao động, tạo việc làm hơn 20 lao động là thanh niên địa phương. Tiêu biểu như đoàn viên Vũ Tân Dương, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại xây dựng Hoa Dương. Công ty của gia đình Dương tạo việc làm 10 thanh niên làm việc thời vụ và 3 thanh niên lao động cố định. Hay chị Nguyễn Thị Thảo, Giám đốc công ty TNHH Thời trang Thảo Nguyên, tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định gần 10 thanh niên. Ngoài ra, CLB hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phường Quán Toan còn thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh giữa các thành viên CLB. Chính nhờ sự tương trợ của các thành viên trong CLB, người khá tạo điều kiện cho thành viên khó khăn có cơ hội làm ăn nên đời sống của thành viên trong CLB ổn định hơn. Hiện nay, CLB đang nhân rộng, phát triển thêm hội viên.
Việc nhân rộng các CLB hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là cần thiết nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh và mối liên kết về kinh tế giữa đoàn viên, thanh niên có ý chí vươn lên làm giàu. Để làm được điều này, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn, Hội trên địa bàn thành phố cần thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu giữa thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế giỏi nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị những kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cần thiết cho thanh niên. Giới thiệu các chương trình đào tạo và tư vấn cho thành viên CLB phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo xuyên suốt trong toàn bộ quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức các hoạt động tham quan, học tập thực tế các mô hình kinh tế, làm ăn hiệu quả cho thanh niên…
(Nguồn: Nhân rộng các câu lạc bộ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp//Báo Hải Phòng. - ngày 11/11/2016)

39. Cấp nước Hải Phòng lên UPCoM với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phần
Ngày 21/11 tới đây, hơn 74.2 triệu cp của CTCP Cấp nước Hài Phòng (HPW) sẽ được giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 10,500 đồng/cp.
CTCP Cấp nước Hài Phòng được chính thức thành lập từ năm 1967, trực thuộc sở Xây dựng quản lý, hoạt động trong lĩnh vực chính là khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch; bán buôn vật liệu, thiết bị, lắp đặt khác…
Ở thời điểm hiện tại, HPW có vốn điều lệ hơn 742 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn duy nhất là UBND TP Hải Phòng nắm giữ 80.58% vốn (tương đương gần 60 triệu cp) và 1,244 cổ đông khác sở hữu 19.42% vốn (hơn 14.4 triệu cp).
Về tình hình tài chính, tính đến 30/06/2016, tổng tài sản của HPW ở mức 1,104 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm; tập trung chủ yếu ở tài sản dài hạn với hơn 916 tỷ đồng (tài sản cố định 775 tỷ đồng).
Cũng tính đến cuối quý 2/2016, HPW có hơn 124 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, chiếm 66% tài sản ngắn hạn. Bên cạnh đó, HPW cũng đang có 33.7 tỷ đồng hàng tồn kho và 121 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Về các khoản nợ, HPW đang vay nợ thuê tài chính gần 160 tỷ đồng, trong đó vay và nợ ngắn hạn 34 tỷ đồng và hơn 125 tỷ đồng vay nợ dài hạn.
Trong nửa đầu năm 2016, HPW đạt doanh thu thuần 321.5 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Theo đó, Công ty đạt lợi nhuận ròng gấp 3.5 lần cùng kỳ, hơn 28 tỷ đồng. Trước đó, tính cả năm 2015, HPW đạt doanh thu thuần 660 tỷ đồng, cùng với khoản lãi ròng gần 60 tỷ đồng.
Năm 2016, HPW dự kiến doanh thu thuần riêng công ty mẹ sẽ đạt 590 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế 64 tỷ đồng.
(Nguồn: Cấp nước Hải Phòng lên UPCoM với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phần//Trang TTĐT “Vfpress.vn”. – ngày 15/11/2016)

40. Khai mạc "Tháng khuyến mại Hải Phòng 2016"
Tối 15-11 tại Trung tâm triển lãm mỹ thuật thành phố, Sở Công thương đã tổ chức khai mạc “Tháng khuyến mại Hải Phòng 2016”. Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Bình đến dự.
Với chủ đề “Hải Phòng với niềm tin hàng Việt”, tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tháng khuyến mại năm nay được triển khai tới hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Nổi bật là 11 đơn vị đăng ký là “điểm vàng khuyến mại”, đồng loạt thực hiện 2 chương trình: “Ngày vàng khuyến mại” nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam; “Ngày hội mua sắm” với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn.
Để chuẩn bị cho tháng khuyến mại, các “điểm vàng” đã tập trung hàng chục nghìn sản phẩm, trong đó 74% là hàng hóa do Việt Nam sản xuất, được giảm giá từ 5 đến 50%. Ngoài ra còn nhiều hình thức khuyến mại khác được áp dụng như: tặng quà, chiết khấu trên hóa đơn, mua hàng tặng hàng, bốc thăm trúng thưởng… Bên cạnh đó, các đại lý và các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng cam kết thực hiện 425 chương trình khuyến mại phối hợp, kéo dài hết năm 2016.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Bình khẳng định, đây là cơ hội để các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kích cầu tiêu dùng, là dịp để người tiêu dùng hưởng thụ các chương trình mua sắm hấp dẫn. Đồng chí cũng lưu ý, các doanh nghiệp tham gia phải tuân thủ nghiêm túc chương trình khuyến mại, bảo đảm cung ứng đủ lượng hàng hóa, giữ đúng cam kết chất lượng để phục vụ hiệu quả nhất cho người tiêu dùng, góp phần tích cực bình ổn thị trường trước thềm tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
“Tháng khuyến mại Hải Phòng 2016” sẽ kéo dài đến hết ngày 15-12-2016.
(Nguồn: Khai mạc "Tháng khuyến mại Hải Phòng 2016"//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 17/11/2016)

V – Văn hóa, nghệ thuật
41. Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố ủng hộ đồng bào miền Trung
Hưởng ứng lời kêu gọi của TƯ MTTQVN và phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc, sáng 2-11, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố tổ chức quyên góp, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt các tỉnh miền Trung.
Ngay sau khi vận động, hội đã quyên góp được số hàng cứu trợ với tổng trị giá 35 triệu
đồng gồm: tiền mặt, 100 thùng mỳ tôm, quần áo, lương thực và nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm khác như: sách vở, thuốc chữa bệnh...
Đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin thành phố, thành viên của Đoàn nghệ thuật nhân đạo sẽ vận chuyển số hàng cứu trợ tới tận tay nhân dân vùng lũ, góp phần chia sẻ khó khăn, giúp đồng bào nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất.
(Nguồn: Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố ủng hộ đồng bào miền Trung//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 04/11/2016)

42. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hải Phòng phát động chiến dịch Tình nguyện
Sáng 3-11, Thành đoàn Hải Phòng và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố đã phát động chiến dịch Tình nguyện mùa Đông 2016 và mùa Xuân tình nguyện 2017 trong toàn thể đoàn viên thanh niên và tuổi trẻ thành phố.
Theo đó, các hoạt động tình nguyện mùa Đông 2016 và mùa Xuân tình nguyện 2017 được triển khai tại các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, các địa phương biên giới, hải đảo và hoạt động tình nguyện tại chỗ,... nhằm thu hút đông đảo hội viên, thanh niên và các lực lượng xã hội cùng tham gia các hoạt động thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, rét đậm, rét hại..., góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới...
Nhân dịp này, Ban chỉ đạo Chiến dịch thanh niên tình nguyện thành phố tặng cờ thi đua cho sáu tập thể; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen cho 14 tập thể và 36 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè vừa qua.
(Nguồn: Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hải Phòng phát động chiến dịch Tình nguyện//Báo Công an nhân dân. - ngày 04/11/2016)

43. Lập quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Trọng Nhưỡng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa đồng ý chủ trương giao UBND thành phố chủ trì lập quy hoạch tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tại thôn Trung Am, xã Lý Học (huyện Vĩnh Bảo).
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử năm 1991. Năm 2016, đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Quần thể khu di tích bao gồm: đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, đền thờ thân phụ - thân mẫu Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu mộ thân phụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Am Bạch Vân. Ngoài ra, còn có các di tích đơn lẻ liên quan tới danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm như: Trung Tân Quán, chùa Song Mai, tháp bút Kính Thiên.
(Nguồn: Lập quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm//Báo Hải Phòng. - ngày 06/11/2016)

44. Đoàn đại biểu thanh thiếu niên Liên bang Nga giao lưu hữu nghị tại Hải Phòng
Chiều 6-9, tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hải Phòng, Thành Đoàn tổ chức chương trình giao lưu thanh thiếu niên thành phố Hải Phòng và Đoàn đại biểu thanh
thiếu niên Liên bang Nga.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Đoàn đại biểu thanh thiếu niên Liên bang Nga sang thăm và làm việc tại Việt Nam (từ ngày 31-10 đến ngày 11-11-2016).
Trong không khí giao lưu thắm tình đoàn kết, đại diện tuổi trẻ thành phố Hải Phòng và đại biểu thanh thiếu niên Liên bang Nga cùng chung vui, trao đổi, chia sẻ những tình cảm thắm thiết qua những lời ca, tiếng hát, những điệu nhảy thắm tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga. Với các tiết mục hát, múa: múa Belgorodxkaya Oblast, múa “Vẻ đẹp miền bắc nước Nga”; các ca khúc Triệu đóa hồng, Thư pháp, Bến cảng quê hương tôi và các tiết mục nhảy hiện đại trẻ trung mang đậm văn hóa, con người nước Nga, như: nhảy Sudaruska, dân vũ Nga, nhảy Krymxkye motivy và nhảy Ruskii duet do giảng viên, sinh viên Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hải Phòng; thanh thiếu nhi thành phố và thanh thiếu niên Liên bang nga biểu diễn.
(Nguồn: Đoàn đại biểu thanh thiếu niên Liên bang Nga giao lưu hữu nghị tại Hải Phòng//Báo Hải Phòng. - ngày 06/11/2016)

45. Phổ biến, phát hành các ca khúc mới về sự kiện Bác Hồ thăm Hải Phòng
Lần đầu việc đặt bài các nhạc sĩ sáng tác ca khúc về sự kiện Bác Hồ 9 lần về thăm Hải Phòng được tổ chức, đạt kết quả khả quan với 5 ca khúc chất lượng tốt và 4 ca khúc đạt chất lượng. Vấn đề được quan tâm là việc phổ biến, phát hành các ca khúc này.
Thêm 9 ca khúc mới về Hải Phòng:
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu về thăm Hải Phòng, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố về việc đặt các nhạc sĩ sáng tác ca khúc về sự kiện Bác Hồ 9 lần về thăm Hải Phòng, Sở Văn hoá và Thể thao tiến hành ký kết đặt bài sáng tác ca khúc với các nhạc sĩ trên cơ sở giới thiệu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc thành phố. Trong đó có 5 nhạc sĩ Hà Nội, 4 nhạc sĩ Hải Phòng. Sau thời gian ngắn “đặt hàng”, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp nhận 9 ca khúc mới của các nhạc sĩ. Hội đồng chuyên môn nghiệm thu ca khúc được UBND thành phố quyết định thành lập do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn nghiệm thu ca khúc tổ chức đánh giá nghiệm thu.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Chính, đánh giá các ca khúc của các nhạc sĩ Hải Phòng, các thành viên Hội đồng chuyên môn nghiệm thu ca khúc đều nhận xét các ca từ trong bài Phút thiêng liêng có Bác của nhạc sĩ Duy Thái có ca từ hay, dễ đi vào lòng người: “Trên Bến Ngự Hải Phòng năm ấy/Giây phút thiêng liêng mừng đón Bác về/Nô nức cờ hoa trong tiếng hò reo/Hồ Chí Minh muôn năm/Hồ Chí Minh muôn năm…”. Ca khúc Ngày Bác về thăm của Xuân Trí nhẹ nhàng, tình cảm với: “Hải Phòng ơi còn nhớ khi xưa bom đạn xé trời/Lời thề năm xưa vang câu bất tử/Bóng cờ Đảng soi lối ta điNgày hôm nay cánh hải âu bayĐem tin mừng Người về đây9 lần đợi chờ, 9 lần nghẹn ngào đón Bác về thăm”. Trong khi đó, bài hát Ngày Bác về Hải Phòng của nhạc sĩ Đàm Hường có ca từ khá hay nhưng âm nhạc hơi đơn giản, còn ca khúc Hải Phòng đón Bác của Đồng Dương Triều mang âm hưởng của một hợp ca hoành tráng.
Hội đồng chuyên môn nghiệm thu ca khúc đánh giá cao sáng tác của các nhạc sĩ Hà Nội với ca từ độc đáo, giàu cảm xúc. Đó là nhạc sĩ Vũ Thiết, thơ Trịnh Công Lộc với ca khúc Hải Phòng đón mặt trời từ biển: “Biển ấm dâng tràn gió sóngBiển nơi Bác điBiển nơi Bác vềDân ấm no, nước vững vàngBác gửi Hải Phòng niềm tin như thếNiềm tin vững bước đi lênHải Phòng đón mặt trời từ biểnMỗi ngày càng đẹp hơn, càng rạng rỡ hơn…”. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Cường trong Chín lần đó Hải Phòng vẫn kể: “Em có nghe con sóng nào chín lần rạo rựcEm có nghe con nước nào chín lần náo nứcChín lần đó Hải Phòng không ngủThành phố reo lên: Bác Hồ, Bác Hồchín lần đó Hải Phòng vẫn kểThành phố reo lên: Bác về, Bác về…”. Cũng với tựa đề Hải Phòng đón Bác, âm hưởng sáng tác của nhạc sĩ Trọng Đài da diết, dìu dặt: “Thành phố chào bình minh sóng nhấp nhôNhớ khi xưa Bác về thăm nơi đâyLời dặn gì ân cần luôn in đậm trong mỗi chúng ta…”. Hay nhạc sĩ Tuấn Phương với Vang tiếng Bác giữa mùa thu đất Cảng, Trương Ngọc Ninh với Hải Phòng neo đậu dấu chân Người.
Phổ biến, phát hành các ca khúc:
9 ca khúc mới viết về những lần Bác Hồ về thăm Hải Phòng được Sở Văn hóa và Thể
thao tiến hành thu âm, in đĩa giới thiệu với giọng hát của các ca sĩ trẻ giàu nội lực, được đào tạo bài bản như: Xuân Hảo, Viết Danh, Bích Ngọc, Thắng Lợi, Văn Viết, Hồng Duyên, Hồng Ngọc…Đồng thời, lựa chọn một số ca khúc tiêu biểu để trình bày tại Hội nghị tổng kết Chỉ thị 03 và triển khai Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao) Nguyễn Văn Long, việc phổ biến, phát hành rộng rãi các ca khúc mới này trong đời sống nhân dân chưa thực hiện được. Lý do vì từ khi “đặt hàng” đến nghiệm thu, giới thiệu ca khúc thời gian gấp. Hơn nữa, kinh phí thu âm, in đĩa eo hẹp nên chưa thể phát tặng đĩa CD đến các cơ quan, đơn vị, địa phương như mong muốn.
Việc phát hành, phổ biến các ca khúc mới được ví như tạo bệ phóng, điều kiện thuận lợi để các ca khúc đi vào cuộc sống. Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Chính, nhiều năm nay, Hải Phòng không phát động cuộc thi, vận động sáng tác nào về mảnh đất, con người Hải Phòng. Vì vậy, ông mong 9 ca khúc về sự kiện Bác Hồ về thăm Hải Phòng sẽ được lựa chọn để biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật chào mừng các sự kiện lớn của thành phố trong thời gian tới như chương trình nghệ thuật mừng xuân, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ…Làm thế nào để các ca khúc này “sống” được như cách làm của quận Ngô Quyền, quận Hồng Bàng, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an thành phố) trong việc phối hợp với Hội Âm nhạc thành phố tổ chức đợt sáng tác về các địa phương, đơn vị kể trên và in ấn, phát hành hàng chục nghìn đĩa CD gửi tặng các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ và dàn dựng tiết mục biểu diễn trong các hội thi, hội diễn. Mặt khác, có sự đầu tư lớn hơn với Hội Âm nhạc Hải Phòng để phổ biến, phát hành ca khúc mới của các nhạc sĩ thay vì chỉ giới thiệu 3 tháng/lần tại Nhà hát thành phố như hiện nay.
(Nguồn: Phổ biến, phát hành các ca khúc mới về sự kiện Bác Hồ thăm Hải Phòng//Báo Hải Phòng. - ngày 05/11/2016)

46. Hải Phòng trở lạnh, nhớ bát cháo "khoái" trăm tuổi
Hình ảnh những nồi cháo “khoái” đặt gọn gàng trong thúng tre được các bà, các mẹ đội trên đầu đi bán rong qua các phố xưa, đến những gánh hàng cháo được bày bán trên vỉa hè ở các góc phố nay đã trở nên quá quen thuộc với người Hải Phòng. Trong cái gió lạnh đầu mùa, những bát cháo khoái nóng hổi, thơm mùi hành mỡ, béo ngậy hấp dẫn đến lạ kỳ…
Bát cháo sánh mịn với màu xanh man mát rắc đầy hành mỡ được người dân thành phố bao năm nay vẫn quen gọi là cháo “khoái”. Người ta không biết ai là người sáng tạo ra món ngon này và cũng không thể tìm được một lý giải thấu đáo về cái tên đặc biệt, rất ấn tượng đó của cháo. Nhưng có rất nhiều ý kiến cho rằng: có lẽ khi thưởng thức món cháo này, người ăn cảm thấy ngon miệng, thích thú vô cùng nên đặt tên là cháo “khoái”.
Cháo khoái ở Hải Phòng đã có từ bao giờ, có thể ít nhất cũng cả trăm năm nhưng cũng có thể “tuổi đời” của nó còn “già” hơn nữa. Theo lời kể của chị Phạm Thị Yên, một người bán cháo khoái gần 20 năm nay ở một góc phố Chợ Hàng cũ cho biết: Nấu và bán cháo khoái là nghề gia truyền của gia đình chị. Bà nội chồng chị từ hơn trăm năm trước đã truyền dạy cho mẹ chồng chị bí quyết nấu nồi cháo khoái ngon để kiếm sống. Nay mẹ chồng chị lại “thừa kế” cho chị vốn gia sản đáng quý này.
Theo tìm hiểu, ở Hải Phòng xưa kia có rất nhiều người biết nấu và bán cháo khoái, nhất là trong thời bao cấp. Ngày đó, chỉ với 1 nồi cháo khoái đặt gọn gàng trong các thúng, các bà, các mẹ đội lên đầu đi bán rong khắp các phố phường. Còn nay là những gánh hàng được bày bán ở vỉa hè bên góc phố hay một góc chợ quen thuộc nào đó. Theo thời gian, cuộc sống của con người có nhiều thay đổi với mức sống ngày càng nâng cao, các món ngon hàng ngày cũng vô cùng phong phú. Có lẽ vì thế mà hàng cháo khoái ở Hải Phòng cũng thưa dần đi, nhưng vẫn luôn là một món ăn ngon quen thuộc, mang đậm ký ức đẹp của người dân thành phố.
Nấu được nồi cháo khoái ngon cũng thật lắm công phu. Từ khâu chọn gạo tẻ dẻo thơm, sau đó đem xay nhuyễn thành bột mịn, hòa tan cùng nước xương ninh. Tỉ lệ bột gạo và nước hầm xương phải đạt “chuẩn” mới tạo nên độ sánh dẻo, mịn màng của cháo. Nếu cháo quá loãng hay quá đặc đều khó “trôi” khi thưởng thức. Cháo phải được nấu với lửa nhỏ, quấy cho đều tay, liên tục để cháo không bị vón cục, cháy, khê. Khi nấu xong, nồi cháo phải giữ được lâu, không bị “vữa” ra khi đụng thìa… Đó là nhờ vào sự khéo léo, cũng như kinh nghiệm của người nấu.
Màu xanh mướt cũng là nét rất đặc trưng của cháo khoái. Nó được tạo thành từ thứ nước được chắt lọc của lá rau ngót hoặc lá dứa sau khi đem giã hay xay nhuyễn. Nhờ vậy cháo khoái còn có mùi vị rất riêng, không lẫn với các loại cháo khác.
Khi thưởng thức, cháo khoái được múc ra bát, rắc thêm chút đậu xanh đã tán mịn màng cùng hành phi vàng rộm, thơm phức. Vị ngọt đậm đà của nước xương hầm hòa quyện với hương thơm thanh mát của gạo cùng lá rau ngót, lại thêm vị bùi bùi của đậu xanh, thơm lừng, giòn tan của hành phi đã tạo nên cho cháo khoái một phong vị dân dã, ngọt ngào đến níu lòng. Vì vậy, dù đã có hàng trăm năm nay nhưng bát cháo khoái xanh xanh, lạ mà quen, giản dị mà tinh khiết luôn có sức quyến rũ đối với những tín đồ ẩm thực.
Bà Quỳnh, một người con mới trở về thành phố sau mấy chục năm xa cách chia sẻ: Năm nay bà ngoài 70 tuổi. Bà đã đi Sài Gòn 40 năm rồi, khi trở về Hải Phòng là phải tìm ngay đến hàng cháo khoái. Đó là món ngon, thanh đạm, dễ ăn, đủ để ấm lòng qua cơn đói. Nhất là hương vị ấm nồng của cháo khoái, làm bà rất nhớ Hải Phòng trong những ngày trở gió, đầu đông…
(Nguồn: Hải Phòng trở lạnh, nhớ bát cháo "khoái" trăm tuổi//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 11/11/2016)

47. Hai học sinh tô thêm nét đẹp ngôi trường
Niềm hân hoan của thầy và trò Trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng) như được nhân lên bội phần trong Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập khi được ghi dấu thêm bằng việc làm cụ thể, thiết thực của hai nam sinh.
Việc nhỏ, ý nghĩa lớn:
Câu chuyện về văn hóa ứng xử nơi công cộng, gần đây, đâu đó có những sự việc làm cho người chứng kiến cảm giác hụt hẫng và mất niềm tin... Và hành động của hai nam sinh đã nổi lên thành một điểm sáng.
Nhân vật chính là em Nguyễn Thế Tùng - Học sinh lớp 11B1, niên khóa 2015-2018 và Nguyễn Hữu Chung - Cựu học sinh lớp 12A3, niên khóa 1992-1995.
Đó là hai học sinh bình thường như bao học sinh khác của Trường THPT Trần Nguyên Hãn. Và thật tự hào khi cả hai "chú - cháu", hai thế hệ học sinh đã tô đẹp thêm truyền thống của ngôi trường vừa tròn 40 năm tuổi.
Trưa 11/11, sau giờ học, em Nguyễn Thế Tùng đi xe đạp điện cùng các bạn về nhà. Khi ra khỏi cổng trường một đoạn, em đã vô tình va chạm và làm vỡ chiếc gương ô tô đỗ cùng chiều.
Do không biết ai là chủ của chiếc ôtô này nên em đã viết lại lời nhắn: “Do vô tình cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi. Liên hệ với cháu qua số điện thoại…để cháu đền ạ. Do cháu
không biết chủ ô tô là ai”.
Sau khi được chia sẻ trên Facebook, hành động của em Tùng đã nhận được nhiều chia sẻ, động viên, cảm phục từ cộng đồng mạng, nhanh chóng trở thành tâm điểm về tấm gương thật thà, trung thực, dám chịu trách nhiệm của học sinh.
Đáng chú ý hơn, sau khi nhận được lời nhắn của cậu học sinh, "khổ chủ" không những không "bắt đền", không ấm ức mà còn cảm thấy rất vui, đồng thời gọi điện nhắn em học sinh "không phải lo đền gương mà cứ yên tâm học tập".
Trái ngọt của giáo dục đạo đức trong trường học:
Chia sẻ về niềm vui bất ngờ trước ngày hội trường, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý cho rằng, có nhiều nguyên nhân tạo nên một hành động đẹp của 2 thế hệ học sinh nhà trường, như giáo dục của gia đình, quá trình tự giáo dục nhưng không thể không kể đến vai trò của giáo dục trong nhà trường.
Cựu học sinh Nguyễn Hữu Chung có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn khi bố mất sớm, mẹ làm công nhân của xí nghiệp thảm len, đã phấn đấu học tập, rèn luyện và hiện đang là một bác sỹ tận tâm, uy tín trong nghề.
Còn em Nguyễn Thế Tùng là học sinh giỏi, ngoan ngoãn, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường, hòa đồng, thân thiện, luôn được thầy cô và bạn bè cảm mến.
Từ nhiều năm nay, Trường THPT Trần Nguyên Hãn đã chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó có việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa, được đánh giá là một những trường thực hiện có hiệu quả việc giáo dục đạo đức và bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, kỹ năng sống cho học sinh.
"Học sinh THPT Trần Nguyên Hãn hằng ngày được rèn luyện trong một môi trường giáo dục thân thiện, đề cao tính trung thực, nâng cao chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc).
Nhà trường quan tâm dạy học sinh kỹ năng cảm nhận cuộc sống một cách nhạy bén và giàu trắc ẩn để từ những điều học được ở nhà trường sẽ có những ứng xử phù hợp với những tình huống muôn hình vạn trạng phía bên ngoài cổng trường" - Thầy Nguyễn Minh Quý chia sẻ.
"Quan điểm giáo dục của nhà trường trong việc giáo dục đạo đức học sinh là: Không hình thức, không hô khẩu hiệu mà phải bằng việc làm cụ thể để thuyết phục học sinh. Giáo dục nhân cách phải bằng nhân cách, bằng những tấm gương sáng của thầy cô và những người xung quanh" - Thầy Nguyễn Minh Quý nhấn mạnh.
(Nguồn: Hai học sinh tô thêm nét đẹp ngôi trường//Báo Giáo dục & Thời đại. - ngày 15/11/2016)

48. Bảo tồn nghệ thuật múa rối nước Hải Phòng: Thiếu về vật chất, nhân lực
Tại Hải Phòng hiện chỉ còn 2 cơ sở biểu diễn nghệ thuật múa rối nước là Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng và Phường rối Nhân Hòa (xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo). Đoàn Rối Hải Phòng đang từng ngày “lặn lội” sinh nhai, phường rối Nhân Hòa cũng đứng trước nỗi lo “thất truyền”vì không có người kế cận. Bởi thế, câu chuyện bảo tồn nghệ thuật rối nước luôn canh cánh trong lòng những người nghệ nhân, diễn viên trong nghề.
“Lặn lội” sinh nhai:
Một ngày cuối tháng 10, nghe tin có đoàn khách Pháp đến tham quan đình và thưởng “rối”, những người nông dân hối hả trút bỏ chiếc áo nâu sòng để trở thành nghệ sĩ. 3 nghệ nhân điều khiển rối bó toàn thân trong bộ quần áo nhựa chuyên dụng lội xuống hồ chuẩn bị hậu trường… Trên bờ, người chuẩn bị nhạc cụ, người chỉnh âm thanh, người bê ghế nhựa xếp cho khách ngồi. Chốc chốc, vài vị khách lại giật mình bởi âm thanh rè rè chói tai của chiếc loa cũ. Khoảng 20 phút sau, tiếng nhạc tiếng nhị, tiếng kèn réo rắt nổi lên, tiếng trống thì thùng giục giã, những con rối ngộ nghĩnh lắc lư “vén màn” đi ra và nhảy múa trên mặt nước. Một loạt tiết mục được biểu diễn như "Đơm cá", "Tát nước", "Cày bừa", "Bơi chồng người", "Chọi trâu"...
Nhộn nhịp là thế, song bức tranh tổng thể về màn biểu diễn nghệ thuật dân tộc lại chưa đáp ứng kỳ vọng người xem. Nhà thủy đình xây dựng từ năm 1994 xuống cấp xập xệ, mái đình có nhiều vết nứt trơ lõi sắt. Nước hồ nhuộm màu xanh đen, ô nhiễm. Hệ thống loa đài, nhạc cụ lạc hậu nên những làn điệu quan họ nghe không còn mượt mà, da diết; lời thoại nhân vật nghe lõm bõm câu được, câu không. Thêm vào đó, “rối” có kích thước quá nhỏ so với sân khấu, người xem không nhìn rõ sự chuyển động linh hoạt trong hình thể của chú rối, làm giảm sự tinh tế, độc đáo của loại hình nghệ thuật này. Chị A-phi-đa 45 tuổi, đến từ thành phố Lyon cho biết, quê hương chị là nơi khai sinh ra nghệ thuật múa rối tay Guignol đặc trưng của nước Pháp, nên chị hào hứng đến thăm và tìm hiểu nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam. Các chú rối và cách biểu diễn của người Việt Nam rất sinh động và độc đáo. Tuy nhiên, thực sự chị xem, nghe không hiểu gì do âm nhạc hơi nhanh, nội dung vụn vặt, không liên kết được.
Ông Trần Đức Thịnh 70 tuổi, nhạc công kéo nhị chia sẻ: “Trừ chi phí, sau buổi diễn mỗi người được 30- 40 nghìn đồng tiền công. Tháng cũng chỉ có đôi ba suất diễn, sao đủ chi phí đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng biểu diễn. Thành viên Phường Rối bươn trải đủ nghề với đồng ruộng, chăn nuôi, buôn bán để duy trì cuộc sống”.
Tại Đoàn Nghệ thuật múa Rối Hải Phòng, các diễn viên múa rối chuyên nghiệp cũng “lặn lội” sinh nhai với nghề. Trụ sở Đoàn Rối Hải Phòng tại Nhà hát sông Cấm nay dành phân nửa làm địa điểm cho thuê bán cà phê. Các hàng bán xe đạp, xe máy điện dựng xe tràn lan phía trước nhà hát. Thậm chí, nhiều người dân còn không biết Đoàn Rối Hải Phòng hiện vẫn trong Nhà hát sông Cấm đìu hiu. Hiện hoạt động của đoàn rối chỉ cầm chừng với vài ba suất diễn. Do cơ sở vật chất tại Nhà hát Sông Cấm không phù hợp với nghệ thuật múa rối nước, nên hiện Đoàn biểu diễn múa rối nước chủ yếu tại đình Hàng Kênh phục vụ khách du lịch và trong các dịp lễ hội giới thiệu tới người dân địa phương.
Giữ “hồn cốt dân tộc”:
Trên thực tế, trong những năm qua, chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan có nhiều nghiên cứu và không ít cuộc tọa đàm, hội thảo về việc bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này. Như việc quy hoạch Phường Rối Nhân Hòa là một trong những điểm thuộc tuyến du lịch “du khảo đồng quê”, hay việc khôi phục không gian văn hóa sân đình, khôi phục đình Hàng Kênh trở thành địa chỉ sân khấu múa rối nước của Đoàn Rối Hải Phòng nhằm đem “rối” đến gần công chúng cũng chưa đem lại hiệu quả thiết thực.
Trưởng Phường Rối Nhân Hòa Trần Văn Phước tâm sự: Tuyến “du khảo đồng quê” hoạt động không hiệu quả. Từ lâu, khách nước ngoài tới thăm quan do các doanh nghiệp lữ hành chủ động liên hệ với Phường Rối, không qua tuyến và các cấp chính quyền. Do đó, hoạt động của phường không thường xuyên. Hiện cả phường có 16 diễn viên đều là nông dân, người trẻ nhất ngoài 40 tuổi. Trong khi lớp trẻ chẳng thiết tha gì với nghề cha ông truyền lại, bởi thu nhập mỗi buổi diễn kéo dài mấy giờ khá cực nhọc chỉ được vài ba chục nghìn đồng. Chưa kể đến việc theo nghề đòi hỏi kỳ công, học lời, học làn điệu hát, học nghệ thuật điều khiển con rối... Ông Phước thở dài: “Với đà này, chỉ 5 năm nữa Phường Rối ngừng hoạt động”.
Quyền Trưởng Đoàn Rối Hải Phòng, NSƯT Đỗ Thế Ban phân tích, để bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối nước truyền thống, cũng như xây dựng đội ngũ kế cận, cần có kế hoạch lâu dài từ các ban, ngành chức năng. Trước hết, mỗi người nghệ sĩ cần sống được với nghề. Như vậy, “rối” cần nhiều đất diễn. Để có nhiều suất diễn, đưa rối đến với người xem, cần sự đầu tư từ cơ sở vật chất, quảng bá tuyên truyền, xúc tiến du lịch... Điều này đòi hỏi sự đầu tư dài hơi, có kế hoạch từ các ban, ngành chức năng. Nếu để các đoàn nghệ thuật tự “ngụp lặn” trong cơ chế thị trường hiện nay, việc tồn tại và duy trì là rất khó.
Gắn du lịch với việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc là hướng đi đúng đắn của các ngành chức năng. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc tạo cơ chế đầu từ, xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật rối sao cho xứng “hồn cốt dân tộc” mới là điều thực sự khiến nhiều người trăn trở. Điều này cần cái tâm và sự cống hiến hết mình của các nghệ sĩ.
(Nguồn: Bảo tồn nghệ thuật múa rối nước Hải Phòng: Thiếu về vật chất, nhân lực//Báo Hải Phòng. - ngày 15/11/2016)

49. Trường Tiểu học Hải Thành khánh thành "thư viện xanh" trị giá 700 triệu đồng
Sáng 16-11, Trường tiểu học Hải Thành (quận Dương Kinh) tổ chức khánh thành, tiếp nhận công trình “thư viện xanh”. Đây là công trình thiết thực chào mừng kỷ niệm 34 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.
Dự án “thư viện xanh” được xây dựng trên diện tích gần 200m2, hoàn thành sau 4 tháng thi công với tổng giá trị hơn 700 triệu đồng; trong đó, Công ty Damco Việt Nam, Công ty CP xây dựng và công trình giao thông và cơ giới hỗ trợ 500 triệu đồng; giáo viên cùng Hội phụ huynh học sinh tham gia đóng góp trên 200 triệu đồng.
Thư viện được trang bị gần 1 nghìn đầu sách và các trang thiết bị cần thiết như: máy vi tính, bàn, ghế…giúp các em học sinh có thêm những thông tin bổ ích qua các cuốn sách tại đây. Thư viện là môi trường học tập mở từ đó khuyến khích, bồi dưỡng thói quen đọc sách đối với học sinh.
Năm học 2016-2017, Trường tiểu học Hải Thành có 794 học sinh/ 21 lớp. Trường hiện đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nhiều năm qua, chất lượng dạy và học nhà trường luôn dẫn đầu khối tiểu học trên địa bàn quận Dương Kinh.
(Nguồn: Trường Tiểu học Hải Thành khánh thành "thư viện xanh" trị giá 700 triệu đồng//Báo Hải Phòng. - ngày 17/11/2016).

50. Học trò THPT Trần Nguyên Hãn hát tặng trường tròn 40 tuổi
Cựu học sinh THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) vừa ra mắt ca khúc mang tên "Mái trường trong tôi" nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập trường.
MV được dàn dựng công phu với gần 4.000 người tham gia bao gồm các thế hệ thầy, trò ở trong và ngoài nước, cùng sự tham gia của nhóm The Wings - Á quân The X Factor 2016, Đinh Quang Đạt - top 3 Vietnam Idol 2016.
Bắt nguồn từ cảm xúc rất đỗi tự nhiên từ những người đã và đang gắn bó với ngôi trường, MV khiến cho người xem không khỏi bồi hồi, nhớ về mái trường cũ của mình với lớp học, hành lang , sân trường đầy kỷ niệm của một thời áo trắng tinh khôi vô tư, tinh nghịch.
40 năm - một chặng đường dài nối tiếp những ước mơ, khát vọng, cảm xúc của tình yêu thương, sự sẻ chia và kết nối trái tim đang cùng chung nhịp đập.
Lời bài hát Mái trường trong tôi mang ý nghĩa đặc biệt, ghi dấu những khoảnh khắc đẹp về tình bạn, tình thầy trò và niềm tự hào về mái trường đã từng gắn bó biết bao thế hệ.
Video gần 7 phút như bản tình ca tuổi học trò đầy ý nghĩa, khiến cho bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể tìm thấy những ký ức ngọt ngào và hình ảnh đâu đó của mình khuất sau khoảnh khắc về một thời tuổi trẻ.
(Nguồn: Học trò THPT Trần Nguyên Hãn hát tặng trường tròn 40 tuổi//Trang thông tin ĐT “Zing.vn”. - ngày 17/11/2016)

51. Khai mạc triển lãm “70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng vũ trang thành phố Hải Phòng”
Tối 16-11, tại Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật Hải Phòng, triển lãm hình ảnh, tư liệu “70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của LLVT TP Hải Phòng” khai mạc với sự tham dự của đông đảo các tầng lớp nhân dân và LLVT trên địa bàn. Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 70 năm Hải Phòng kháng chiến và Ngày truyền thống LLVT TP Hải Phòng (20-11-1946 - 20-11-2016)
Với 211 tác phẩm ảnh tư liệu, 11 bản thống kê, bản trích, cùng nhiều pa-nô và các hiện vật, sách báo..., triển lãm đã tái hiện quá trình 70 năm xây dựng, trưởng thành và lớn mạnh của LLVT thành phố; tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường với truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng” của quân và dân TP Cảng qua các cuộc kháng chiến, cứu nước và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải đất nước...
Triển lãm cũng mang đến cho người xem hiểu thêm về thời khắc lịch sử cách đây vừa tròn 70 năm, quân và dân TP Cảng đã kiên cường cùng nhân dân cả nước nhất tề đứng lên kháng chiến, cứu nước theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và những chiến công vang dội của LLVT và nhân dân thành phố. Đây cũng là dịp để các thế hệ hôm nay học tập, hun đúc thêm truyền thống yêu nước vẻ vang, đoàn kết, vững vàng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tích cực xây dựng và bảo vệ vững chắc thành phố và Tổ quốc.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 26-11.
(Nguồn: Khai mạc triển lãm “70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng...//Báo Nhân dân. - ngày 17/11/2016)

VI – Du lịch, thể thao

52. Trường đại học Hải Phòng vô địch Giải Bóng đá sinh viên toàn quốc 2016
Chiều 1-11, tại Trường đại học Hải Phòng diễn ra lễ bế mạc và trao giải vòng chung kết Giải Bóng đá sinh viên toàn quốc 2016 - Cup Viettel.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-
ĐT); Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD-ĐT); Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Mạnh Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Thể thao Viettel cùng hơn 1.000 sinh viên thành phố.
Sau 10 ngày tranh tài sôi nổi với 31 trận đấu kịch tính, hấp dẫn, hai đội tuyển Trường đại
học Hải Phòng và Trường đại học Dân lập Hải Phòng bước vào trận chung kết. Trận đấu hấp dẫn ngay từ những phút đầu, với liên tiếp các pha uy hiếp khung thành đối phương nhưng không có bàn thắng nào được ghi. Bước sang hiệp thứ hai, đội Trường đại học Hải Phòng chủ động tấn công từ hai bên cánh và đến phút thứ 60, cầu thủ mang áo số 3 Nguyễn Bá Đạo mở tỷ số từ một pha đánh đầu cận thành đầy kỹ thuật. Bị dẫn trước, các cầu thủ Trường đại học Dân lập Hải Phòng mất tập trung và chỉ 3 phút sau tiếp tục bị gia tăng cách biệt sau tình huống đá phản lưới nhà của cầu thủ số 17 Phạm Văn Lộc. Ở những phút cuối, dù hai đội tổ chức nhiều đợt tấn công nhưng không có thêm bàn thắng nào được ghi.
Kết quả, Trường đại học Hải Phòng giành cúp vô địch với số tiền thưởng 80 triệu đồng; Trường đại học Dân lập Hải Phòng giành giải nhì; hai đội tuyển Trường đại học Hàng hải Việt Nam và Trường đại học Nông-lâm TPHCM cùng giành giải ba.
Ban tổ chức cũng trao các giải phụ: Vua phá lưới (Phan Quốc Anh), cầu thủ xuất sắc nhất (Đào Văn Tuyến); thủ môn xuất sắc nhất (Vũ Hoàng) đều đến từ Trường đại học Hải Phòng; giải phong cách trao tặng Trường đại học Bách khoa Hà Nội; tổ trọng tài xuất sắc nhất…
(Nguồn: Trường đại học Hải Phòng vô địch Giải Bóng đá sinh viên toàn quốc 2016//Báo Hải Phòng. - ngày 03/11/2016)

53. Kết thúc giải vô địch cử tạ quốc gia 2016 Cử tạ Hải Phòng hoàn thành chỉ tiêu
Giải vô địch cử tạ quốc gia 2016 tổ chức tại Đà Nẵng từ 29-10 đến 1-11. Đội tuyển cử tạ Hải Phòng chỉ giành 3 HCV, hoàn thành chỉ tiêu giao mà không thể làm hơn khi giải đấu chất lượng không cao như mong đợi. Ông Đỗ Đình Kháng, Phó vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT đánh giá như vậy.
Sau thất bại nặng nề ở Olympic Rio, cử tạ cũng không thể hiện sự tiến bộ ở giải đấu lớn nhất quốc nội. Các VĐV ngôi sao cứ rơi tạ, nhất là ở các hạng cân thế mạnh như 56kg nam, 62kg nam, 48kg nữ và 53kg nữ. Thế nên, Trần Lê Quốc Toàn, Anh Tuấn… cũng chẳng thể giành nổi tấm huy chương nào.
Với đội tuyển cử tạ Hải Phòng, hai ngôi sao nữ ở đội tuyển quốc gia là Lâm Thị Bích và Phạm Hồng Thủy không mang về 6 HCV như mọi lần mà cả hai chỉ mang về 3 HCV. Ở ngày thi đấu cuối cùng, Phạm Hồng Thủy giành 1 HCV ở hạng 75kg khi nâng thành công mức tạ 92kg động tác cử giật. HCV cử đẩy và tổng cử thuộc về Nguyễn Thị Vân (Hà Nội). Hai tấm HCV còn lại của cử tạ Hải Phòng thuộc về Lâm Thị Bích ở hạng 58kg (cử đẩy và tổng cử).
Kết thúc giải, với 12 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ, TP Hồ Chí Minh giành giải nhất toàn đoàn. Vị trí thứ nhì về tay Hà Nội với 10 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ, xếp thứ ba toàn đoàn là Hải Phòng với 3 HCV, 4 HCB, 6 HCĐ.
(Kết thúc giải vô địch cử tạ quốc gia 2016 Cử tạ Hải Phòng hoàn thành chỉ tiêu//Báo Hải Phòng. - ngày 03/11/2016)

54. HLV Trương Việt Hoàng tiếp tục dẫn dắt CLB Hải Phòng thêm 3 năm
Lãnh đạo CLB Hải Phòng cho biết vào chiều ngày 3.11 HLV Trương Việt Hoàng đã chính thức đặt bút ký vào bản hợp đồng tiếp tục dẫn dắt CLB Hải Phòng với thời hạn 3 năm
Sau 2 mùa giải vô cùng thành công cùng Hải Phòng, HLV Trương Việt Hoàng đã chiếm trọn niềm tin của người hâm mộ đất cảng. Trong bối cảnh khó khăn về tài chính cũng như lực lượng, HLV Trương Việt Hoàng đã xây dựng một Hải Phòng thành một đội bóng vô cùng mạnh mẽ, đoàn kết. Hàng loạt kỳ tích mà HLV gốc Hà Nội này đã cùng học trò làm lên ở V-League 2016. Mặc dù không thể giành ngôi vô địch nhưng Hải Phòng đã khiến người hâm mộ đất cảng vô cùng tự hào.
Chính vì vậy, khi mùa giải V-League 2016 kết thúc, nhiều CĐV Hải Phòng lo lắng HLV Trương Việt Hoàng sẽ rời đội bóng. Tuy nhiên, bỏ qua rất nhiều “điểm đến” hứa hẹn, cựu danh thủ của Thể Công vẫn gắn bó với đất cảng. Việc ký hợp đồng có thời hạn 3 năm với HLV Trương Việt Hoàng sau khi thành phố dành một khoản ngân sách 40 tỉ/năm trong 5 năm cho CLB Hải Phòng đã giúp đội chủ sân Lạch Tray hoạch định được một kế hoạch dài hơi hơn.
(Nguồn: HLV Trương Việt Hoàng tiếp tục dẫn dắt CLB Hải Phòng thêm 3 năm//Báo Thanh niên. - ngày 04/11/2016)

55. Đua thuyền Việt Nam chuẩn bị sớm cho Olympic 2020
Phó Chủ tịch Liên đoàn đua thuyền Việt Nam ông Lâm Quang Thành khẳng định
Rowing và Canoeing sẽ được đầu tư nhiều hơn để hướng tới SEA Games, ASIAD và đặc biệt là Olympic 2020.
Giải đua thuyền Rowing và Canoeing VĐQG 2016 sẽ do Trung tâm huấn luyện đua thuyền Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) tổ chức. Đây cũng là địa điểm tổ chức giải vô địch Đông Nam Á 2016 vừa kết thúc vào ngày 8/11.
Giải đấu năm nay có 292 VĐV đến từ 25 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó giải Rowing có 111 VĐV thuộc 13 đoàn (74 nam, 37 nữ), tranh tài tại 20 nội dung thi đấu cự ly 2.000m cho nam và nữ. Giải Canoeing có 181 VĐV/23 đoàn (108 nam, 73 Nữ), tranh tài ở 36 nội dung Canoeing và Kayak với 3 cự ly 200m, 500m và 1.000m cho nam và nữ. Giải diễn ra từ ngày 10 đến 19/11.
Đây là giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia của Tổng cục TDTT và Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam giúp các nhà chuyên môn tuyển chọn những gương mặt xuất sắc bổ sung vào các đội tuyển quốc gia tập huấn chuẩn bị lực lượng thi đấu các giải quốc tế năm 2017, Asiad năm 2018, SEA Games năm 2019, vòng loại Olympic năm 2020 và những năm tiếp theo.
Năm 2016, Việt Nam là một trong các nước đầu tiên có 2 thuyền được thi đấu vòng loại và vượt qua vòng loại Olympic. Bên cạnh đó, VĐV Trương Thị Phương vô địch Châu Á nội dung Canoeing C1 và huy chương bạc C4. Trước những thành tích tốt của Rowing và Canoeing, Tổng cục TDTT sẽ có những đầu tư lớn sắp tới.
(Nguồn: Đua thuyền Việt Nam chuẩn bị sớm cho Olympic 2020//Báo ĐT “Vietnamnet.vn”. - ngày 11/11/2016)

56. 300 golf thủ tham dự Giải golf Hải Phòng mở rộng 2016
Để đẩy mạnh và phát triển phong trào golf tại Hải Phòng, Hội Golf Hải Phòng bảo trợ cho các tay golf trẻ Hải Phòng tổ chức giải “Haiphong Open Golf Championship 2016” từ ngày 18 đến 19-11 tại sân golf Sông Giá, huyện Thủy Nguyên.
Đây là giải golf được tổ chức thường niên và có quy mô lớn nhất Hải Phòng và khu vực lân cận. Giải đấu năm nay quy tụ gần 300 golf thủ xuất sắc nhất từ các CLB golf: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Bình Dương, Thái Nguyên, Hà Tĩnh và các tay golf Việt Kiều tại Anh, Mĩ, Châu Âu.
Giải được chia ra làm 3 bảng: bảng A, bảng B, bảng nữ và khách mời. Bảng A thi đấu trong 2 ngày 18 và 19-11. Sau ngày thi đấu đầu tiên sẽ chọn 20 người có điểm số cao nhất vào vòng chung kết tìm ra nhà vô địch, những người còn lại sẽ đánh bảng Net.
Bảng B thi đấu trong 1 ngày 19-11 theo thể thức đấu gậy tính điểm Net 18 hố. Bảng nữ và khách mời thi đấu trong 1 ngày 19-11 theo hệ thống HDC ngày System 36.
Tiếp nối truyền thống của những năm trước, ban tổ chức giải đấu sẽ tham gia các hoạt động từ thiện đối với những người khó khăn và trẻ em nghèo trên địa bàn thành phố.
(Nguồn: 300 golf thủ tham dự Giải golf Hải Phòng mở rộng 2016//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 17/11/2016)

57. Hải Phòng: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Là vùng đất giàu tiềm năng, Thành phố Hải Phòng xác định đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời từng bước đưa Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Đây là định hướng cụ thể của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng tại cuộc họp ngày 10/11 nhằm chuẩn bị cho việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Thành ủy khóa XII về phát triển du lịch giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020; cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.
Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thống nhất đánh giá sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09, công tác quy hoạch về du lịch đạt kết quả khá; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chuyển biến tích cực; hai trọng điểm du lịch Đồ Sơn, Cát Bà thu hút thêm các dự án đầu tư; kết cấu hạ tầng du lịch được nâng cấp, mở rộng...
Giai đoạn 2011-2015, du lịch Hải Phòng đã tạo được điểm nhấn với Lễ hội Hoa phượng Đỏ và nay đã trở thành lễ hội thường niên; năm 2013 tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng; năm 2016, khánh thành Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và mở hàng loạt đường bay nội địa và quốc tế mới kết nối với các thành phố du lịch trên thế giới... Đây là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển du lịch.
Mặc dù vậy, du lịch Hải Phòng phát triển chưa được như mong đợi, nhất là hiệu quả
kinh tế du lịch thấp; cơ sở hạ tầng du lịch chưa đủ điều kiện tổ chức các hội nghị, sự kiện, hoạt động du lịch lớn ở cấp tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Thành phố cũng còn thiếu những khu giải trí tổng hợp lớn và cao cấp…
Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030, các Ủy
viên Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất quan điểm xây dựng du lịch Hải Phòng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và từng bước đưa Hải Phòng trở thành trọng điểm du lịch quốc gia; phát triển du lịch kết hợp với giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc địa phương; phát triển du lịch trên cả thị trường khách nội địa và khách quốc tế.
Về chỉ tiêu cụ thể, Hải Phòng phấn đấu đến năm 2020, lượng khách tăng trung bình 8,2%/năm; tổng doanh thu du lịch tăng trung bình 8,9%/năm… Đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố, khu du lịch Cát Bà trở thành khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban cán sự đảng UBND Thành phố bổ sung 2 nhóm giải pháp mang tính đột phá vào dự thảo Nghị quyết phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.
Một là, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc phát triển du lịch, trong đó Sở Du lịch làm nòng cốt trong quảng bá du lịch, kết nối các nhà đầu tư chiến lược; có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch mang tính chuyên nghiệp. Hai là, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất cho du lịch; có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao và khu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.
(Nguồn: Hải Phòng: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn//Báo điện tử Chính phủ. - ngày 11/11/2016)

58. Du lịch Hải Phòng nhiều cơ hội “cất cánh”
... Cùng với sự thuận lợi về hạ tầng giao thông, sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý hành chính trong lĩnh vực du lịch, sự vào cuộc của các nhà đầu tư lớn đã đưa Hải Phòng trở thành điểm du lịch được nhiều du khách biết tới. Năm 2016 là năm Sở Du lịch Hải Phòng tách khỏi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng trước đây.
Để nhận định được điểm mạnh, điểm yếu của mình, Sở Du lịch Hải Phòng đã tổ chức hội thảo “Du lịch Hải Phòng - Thực trạng và giải pháp”. Tại hội thảo này, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực du lịch của cả nước đã đóng góp cho Hải Phòng những ý kiến quý báu về quảng bá du lịch thông qua truyền thông xã hội và xây dựng sản phẩm du lịch đẳng cấp, đặc thù. Huyện Cát Hải, đơn vị quản lý hành chính quần đảo Cát Bà - điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Hải Phòng hiện nay đã có nhiều buổi giới thiệu, quảng bá điểm đến hấp dẫn trong mùa đông như các hoạt động nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Cát Bà… Nhiều nhà đầu tư chiến lược lớn như tập đoàn Vingroup, Sungroup, Him Lam đều đã đầu tư những dự án nghỉ dưỡng cao cấp tại Cát Bà và Đồ Sơn. Dự kiến, khi những dự án này đi vào hoạt động sẽ là nơi lý tưởng thu hút du khách trong nước, quốc tế.
Đánh giá về tiềm năng của du lịch Hải Phòng, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định: “Hải Phòng có quá trình phát triển du lịch từ sớm, đặc biệt là khu vực Đồ Sơn có kinh nghiệm đón các đoàn khách các cơ quan về nghỉ dưỡng. Hiện nay, Hải Phòng đón lượng khách du lịch hàng năm khá cao. Năm 2016, Hải Phòng dự kiến đón 5,7 triệu lượt khách. Đây là con số không hề xa vời vì năm 2015, Hải Phòng đã đón 5,6 triệu khách, đứng sau Quảng Ninh (đón 7,7 triệu lượt khách)". ..
Tập trung phát triển sản phẩm có thế mạnh:
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, thành phố cần có quan điểm bứt phá, coi phát triển du lịch như một ngành kinh tế động lực. Các nội dung trong công tác quản lý nhà nước phải được đẩy mạnh làm căn cứ triển khai đồng bộ hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố.
Theo đó, về tổ chức, quản lý, Hải Phòng chú trọng kiện toàn Sở Du lịch, trong đó phải đảm bảo đủ nguồn nhân lực có năng lực để triển khai thực hiện các chủ trương, quy hoạch lớn về du lịch của thành phố. Về phát triển sản phẩm, Hải Phòng hoạch định rõ hướng phát triển của các dòng sản phẩm có thế mạnh như sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo cao cấp tại khu vực đảo Cát Bà với quan điểm phát triển lâu dài, bền vững.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Viettravel Hải Phòng cho rằng, sản phẩm du lịch là yếu tố
tiên quyết quyết định sự thành công khi giới thiệu điểm đến tới khách hàng. “Thành phố Hải Phòng nên triển khai kết nối với các địa phương trong việc xây dựng sản phẩm kết nối vùng cho khu vực duyên hải Bắc Bộ. Trên cơ sở đó, các công ty lữ hành sẽ triển khai giới thiệu quảng bá tới khách hàng. Thành phố cần chú trọng xây dựng hình ảnh Hải Phòng là điểm đến hấp dẫn, an toàn, khác biệt về văn hóa và cảnh quan. Kênh thông tin chính thức về du lịch cần được xây dựng, thường xuyên cập nhật về cơ chế, chính sách mới, thông tin điểm đến, kế hoạch liên kết của Hải Phòng với các địa phương khác trong nước và quốc tế. Thông tin về đường bay quốc tế Cát Bi cần cập nhật thường xuyên, liên tục hơn nữa để đối tác và du khách thuận lợi tiếp cận”.
Bà Trần Thị Kim Quy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Hùng Vương, doanh nghiệp sở hữu những thương hiệu du lịch quốc tế như Flamingo Đại Lải, Cát Bà Resort đánh giá: “Quần đảo Cát Bà có lợi thế vượt trội về du lịch như chứa đựng các giá trị nổi bật về đa dạng sinh học gồm rừng nguyên sinh, rừng kim giao, rừng ngập nước trên núi đá vôi. Tuy nhiên, du lịch Cát Bà vẫn mang tính mùa vụ, chưa quy mô. Để khắc phục nhược điểm này, Hải Phòng cần kéo dài thời gian hoạt động cho các dự án trên địa bàn; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư. Đồng thời, khẩn trương xây dựng hạ tầng du lịch, hạ tầng kỹ thuật cho đảo Cát Bà”.
(Nguồn: Du lịch Hải Phòng nhiều cơ hội “cất cánh”//Thông tấn xã Việt Nam. - ngày 17/11/2016)

59. Tổng cục Du lịch quán triệt và kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú tại Hải Phòng
Tại Hải Phòng, TCDL vừa phối hợp cùng Sở Du lịch Hải Phòng tổ chức hội nghị quán
triệt chủ trương nâng cao chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn. Tham dự có lãnh đạo Vụ Khách sạn, Vụ Lữ hành (TCDL); đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Hải Phòng; Sở VHTTDL Hải Dương, Hưng Yên; đại diện Hiệp hội Du lịch Hải Phòng; cùng các doanh nghiệp khách sạn từ 1- 5 sao thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng, các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: Ngành Du lịch muốn nâng cao chất lượng, thì cần phải nâng cao nhận thức, tầm quan trọng về du lịch ngay từ nội bộ. Hải Phòng có đầy đủ các yếu tố như: Hàng không, đường biển, đường bộ và góc độ nào đó, Cát Bà có những vẻ đẹp mà ít nơi sánh bằng. Nhưng cần có cơ chế chính sách, quyết định mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra môi trường đầu tư tốt và bước phát triển du lịch tốt.
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh 3 vấn đề chính trong phát triển du lịch là: môi trường cảnh quan sạch sẽ; người làm du lịch thân thiện, lễ phép; đồng bộ về cơ
sở vật chất, bộ máy chuyên nghiệp.
Ngay sau hội nghị, trong các ngày 11 – 12/11, đoàn công tác do Tổng cục Du lịch (TCDL) chủ trì phối hợp với Thanh tra Bộ VHTTDL, Sở Du lịch Hải Phòng tiến hành kiểm tra đột xuất 10 khách sạn 3-5 sao trên địa bàn Hải Phòng.
Qua kiểm tra, chỉ có 5 trong tổng số 10 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đợt kiểm tra này giữ được hạng sao đã công nhận là: Sông Giá golf resort, 5 sao (huyện Thủy Nguyên); Cat Ba Island resort and spa, 4 sao (thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải); Hùng Long Habour, 3 sao ( thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải); Level, 3 sao ( quận Ngô Quyền); Princess, 3 sao (quận Ngô Quyền).
3 khách sạn được cho thời hạn 3 tháng để khắc phục những hạn chế là: AVANI Hải Phòng Habour View, 4 sao ( quận Ngô Quyền); Làng quốc tế Hướng Dương, 4 sao ( quận Ngô Quyền); Khách sạn Sea Pearl, 3 sao ( thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải).
Đồng thời, đoàn kiểm tra kiến nghị Tổng cục trưởng TCDL ra quyết định thu hồi quyết định công nhận hạng lưu trú của 2 khách sạn không đạt chuẩn là: Khách sạn Hữu Nghị, 4 sao (quận Hồng Bàng); Khách sạn Holiday View, 3 sao (thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải).
(Nguồn: Tổng cục Du lịch quán triệt và kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú tại Hải Phòng//Dulichvn.org.vn. - ngày 17/11/2016)

Giáo dục-đào tạo; Khoa học-công nghệ
60. Công tác tuyển sinh và thu đầu năm học 2016-2017: Vi phạm đã giảm
Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức 3 đoàn thanh tra công tác tuyển sinh, công tác thu đầu năm học 2016-2017. Kết quả cho thấy, hầu hết trường học có nhiều chuyển biến trong việc thu đầu năm học. Tuy nhiên, tình trạng thu, chi chưa đúng quy định vẫn diễn ra.
Công khai, đúng quy định:
Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Trần Văn Độ cho biết, các đoàn tiến hành thanh tra tại 11 Phòng GD-ĐT, trực tiếp làm việc tại 31 trường gồm 5 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 9 trường THCS và 9 trường THPT trên địa bàn thành phố, với cả 2 nội dung thanh tra: về công tác tuyển sinh và công tác thu đầu năm học. Kết quả cho thấy công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2016-2017 được các trường công khai cụ thể về chỉ tiêu, thời gian, phương thức tuyển sinh và việc xếp lớp, hạn chế tình trạng chạy trường, chạy lớp. Công tác tuyển sinh vào lớp 10, THPT công lập hạ “nhiệt” đáng kể, sau khi Sở GD-ĐT thực hiện công khai hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường và cho phép thí sinh được thay đổi nguyện vọng dự thi vào các trường phù hợp với học lực và điều kiện kinh tế của gia đình.
Dịp hè vừa qua, hầu hết trường học cho học sinh nghỉ đủ 2 tháng, không tổ chức dạy thêm, học thêm. Nhiều trường tổ chức các CLB dạy kỹ năng sống cho học sinh trên tinh thần tự nguyện. Tình trạng “lạm thu” đầu năm học hạn chế nhiều so với những năm học trước đây. Các khoản thu vô lý như tiền vệ sinh, tiền lao động, tiền chăm sóc cây cảnh hầu như không còn. Tình trạng thu dồn tất cả các khoản cũng giảm nhiều, giúp các gia đình hoàn cảnh khó khăn không phải chạy vạy lo tiền đóng học cho con đầu năm học. Sau khi các trường học tổ chức thu các khoản đầu năm học, người dân tại các địa phương không có đơn, thư phản ánh đến Sở GD-ĐT. Các khoản thu xã hội hóa giáo dục để tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất trường học ngày càng thiết thực, hiệu quả, có sự đồng thuận cao của phụ huynh học sinh. Một số Phòng GD-ĐT quận, huyện: Dương Kinh, Hải An, An Lão có cách làm sáng tạo khi phối hợp với Phòng Tài chính các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá, xác định các hạng mục cần xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Trên cơ sở đó, các đơn vị cho phép các trường thực hiện xã hội hóa giáo dục. Nhờ đó, việc sử dụng nguồn kinh phí huy động đúng mục đích, công khai và minh bạch.
Chấn chỉnh vi phạm trong thực hiện xã hội hóa:
Chánh Thanh tra Trần Văn Độ cho rằng, bên cạnh những chuyển biến nói trên, còn một số trường chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của Sở GD-ĐT về hoạt động hè, trong việc thu và chi. Trong đó, Trường tiểu học thị trấn Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo) chưa phối hợp với Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tổ chức các hoạt động hè cho học sinh. Mặc dù Sở GD-ĐT nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm trong dịp hè nhưng cá biệt có 1 trường THPT ở huyện An Lão vẫn tổ chức dạy thêm, học thêm. Thậm chí, giáo viên 1 trường tiểu học ở huyện Thủy Nguyên còn đưa học sinh lớp 1 về nhà để dạy thêm.
Việc thu, chi trong một số trường học thiếu chặt chẽ, không rõ ràng, chưa phù hợp và chưa đúng mục đích, cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Tình trạng này xảy ra ở một số trường tiểu học, THCS ở các huyện: Vĩnh Bảo, An Dương, An Lão và huyện Kiến Thụy. Trong số này, các trường: THCS Thắng Thủy (Vĩnh Bảo); THPT An Hải, THCS Lê Lợi (An Dương) không xây dựng kế hoạch thu, chi cho các hoạt động của nhà trường như hoạt động ngoại khóa, phô tô tài liệu học tập, hoạt động hè. Trong công tác xã hội hóa giáo dục, còn tình trạng đầu tư mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất dàn trải, chưa đúng quy trình, chưa thiết thực và quản lý thiếu chặt chẽ. Việc này diễn ra ở các trường: tiểu học Bàng La (Đồ Sơn), THCS Đoàn Xá (Kiến Thụy), THCS Lê Lợi (An Dương) và THCS Vĩnh Long (Vĩnh Bảo).
Để chấn chỉnh những hạn chế trên, nhất là trong việc thu đầu năm học, chi cho các hoạt động trong nhà trường và công tác xã hội hóa giáo dục, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh, Sở yêu cầu các đơn vị, trường học khi thực hiện xã hội hóa giáo dục cần chú trọng đến “sức dân”, tránh việc huy động theo kiểu “bổ đầu”, đổ đồng, quan tâm những trường hợp học sinh nghèo, con em gia đình chính sách và các thủ tục pháp lý theo quy định. Việc huy động cần trên tinh thần tự nguyện, có dự toán chi tiết, bảo đảm hiệu quả, coi trọng quyền lợi thụ hưởng của học sinh đối với các công trình sau khi thực hiện. Đối với các trường học ngoài công lập, tuyệt đối không thu tiền xã hội hóa để xây dựng các công trình lớn như lớp học, nhà đa năng, phòng chức năng, thiết bị phòng học, phòng làm việc.
(Nguồn: Công tác tuyển sinh và thu đầu năm học 2016-2017: Vi phạm đã giảm//Báo Hải Phòng. – ngày 07/11/2016)

61. Năm học 2016-2017 - Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh
UBND thành phố vừa có Chỉ thị số 28 ngày 31-10-2016 về thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017, yêu cầu các cấp, ngành, cơ sở giáo dục trong toàn thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của năm học.
Theo đó, các cấp, ngành, đơn vị, trường học từ bậc mầm non đến bậc phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp tăng cường kỷ cương, nền nếp trong hoạt động giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ; giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của công dân với xã hội, cộng đồng. Ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) phấn đấu giữ vững vị trí tốp đầu ngành GD-ĐT cả nước; duy trì thành tích nhiều năm có học sinh đoạt giải học sinh giỏi khu vực và quốc tế; hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu công tác, trong đó có 16 lĩnh vực được đánh giá dẫn đầu cả nước, được Bộ GD-ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố yêu cầu các cấp, ngành, trường học thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp cơ bản. Trong đó, tập trung rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục toàn thành phố; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp; đẩy mạnh phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong các cấp học; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT; tăng cường hội nhập quốc tế và tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
(Năm học 2016-2017 - Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống...// Báo Hải Phòng. - ngày 06/11/2016)

62. Tự học 2 năm, nữ thí sinh đạt giải Nhất thi tiếng Nhật ở Hải Phòng
Ngày 6/11 tại Hải Phòng, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức cuộc thi chung kết tiếng Nhật lần thứ IV với chủ đề “Tình hữu nghị Hải Phòng-Nhật Bản.”
Ban Tổ chức đã trao giải Nhất tặng thí sinh Hoàng Thị Chăm, Công ty Jika Jika với bài dự thi “Mối duyên giữa tôi và tiếng Nhật," giải Nhì tặng thí sinh Lê Thị Thu Trang với bài dự thi “Động cơ cho sự trưởng thành của tôi” đồng thời trao 1 giải 3, 5 giải khuyến khích cho các thí sinh khác. Cuộc thi dành cho các thí sinh dưới 35 tuổi, chưa từng đến Nhật Bản, đang học tập và sinh sống tại Hải Phòng với mục tiêu để các thí sinh có cơ hội học tập, trao đổi ngôn ngữ, giao lưu với người bản địa, chia sẻ những hiểu biết của mình về hai nền văn hóa, cùng chung tay vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Cuộc thi nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và thành phố Hải Phòng với bạn bè quốc tế thông qua các phong trào học tập và ứng dụng ngoại ngữ, đồng thời tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương của Nhật Bản.
Các thí sinh tham dự cuộc thi bằng cách gửi bài luận 300-500 chữ, chủ đề tập trung vào nội dung “Tình hữu nghị Hải Phòng-Nhật Bản” về Ban Tổ chức.
Từ các vòng loại, Ban Tổ chức đã chọn 8 thí sinh xuất sắc nhất. Trong vòng chung kết, thí sinh trình bày bài thuyết trình trực tiếp trước Ban Giám khảo. Mỗi thí sinh đều thể hiện sự
hiểu biết, tình yêu của mình đối với nước Nhật, tiếng Nhật.
Thí sinh Hoàng Thị Chăm cho biết: “Em tự học tiếng Nhật từ năm 2014. Do làm việc tại công ty Nhật Bản, em muốn tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa Nhật. Muốn học tốt tiếng Nhật, ngoài chăm chỉ luyện tập theo các video hướng dẫn trên mạng internet, điều quan trọng nhất đó là lòng say mê, sự kiên trì.”
Phát biểu tại cuộc thi, ông Đỗ Trung Thoại, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản thành phố Hải Phòng khẳng định: “Tiếp nối thành công của các cuộc tiếng Nhật các năm trước, cuộc thi năm nay bước sang năm thứ tư, tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhân dân thành phố Hải Phòng. Các thí sinh tham gia các cuộc thi là nhân tố nòng cốt góp phần thúc đẩy phong trào học tiếng Nhật trong thành phố, nhiều thí sinh bước ra từ cuộc thi đã trưởng thành, góp phần truyền tải thông điệp hữu nghị giữa nhân dân thành phố Hải Phòng với các tỉnh, thành phố của Nhật Bản.
Các thí sinh đã tự tin trình bày những hiểu biết về hai nền văn hóa tuy cách xa về mặt địa lý nhưng có nhiều điểm tương đồng, đang cùng nhau kiến tạo sự phồn vinh và hòa bình cho hai dân tộc.”
Trong 5 năm trở lại đây, Hải Phòng liên tục nằm trong top đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó 2 đất nước có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Hải Phòng là Nhật Bản, Hàn Quốc.
Riêng Nhật Bản có hơn 100 công ty đầu tư, kinh doanh, tại Hải Phòng, trong đó có những tập đoàn hàng đầu thế giới như Bridgestone, Kyocera Mita. Những thí sinh bước ra từ các cuộc thi tiếng Nhật do thành phố Hải Phòng tổ chức trở thành ứng viên sáng giá được tuyển chọn vào các công ty của Nhật Bản hoặc tiếp tục phát huy thế mạnh của mình ở đơn vị đang công tác.
(Nguồn: Tự học 2 năm, nữ thí sinh đạt giải Nhất thi tiếng Nhật ở Hải Phòng//Báo ĐT Thông tấn xã Việt Nam. - ngày 06/11/2016)

63. Trường THPT Hải An 10 năm vượt khó, khẳng định vị thế, chất lượng
Trường THPT Hải An thành lập cách đây 10 năm (tháng 8-2006), trên cơ sở phân hiệu 2 Trường THPT Lê Quý Đôn cùng địa bàn quận Hải An. Trải qua 10 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định vị thế, chất lượng giáo dục trong hệ thống các trường THPT tại thành phố.
Hành trình vượt khó:
Nhắc lại những ngày đầu mới thành lập, thầy giáo Vũ Văn Huy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: đây là quãng thời gian thử thách sự cố gắng, nỗ lực của thầy và trò nhà trường. Năm học đầu, trường có 16 lớp, 794 học sinh và 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học tiếp theo, số học sinh tăng thêm 7 lớp. Do chưa có phòng học, thầy trò nhà trường tiếp tục học nhờ tại Trường THPT Lê Quý Đôn và thuê dãy nhà cấp 4 của 1 công ty tư nhân trên địa bàn để dạy và học. Năm học thứ ba, số lớp tăng gần gấp đôi so với ngày thành lập, buộc nhà trường phải thuê thêm 1 địa điểm để duy trì hoạt động. Việc dạy và học tại nhiều nơi khiến công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý học sinh, nhất là tổ chức các hoạt động tập thể của trường gặp không ít khó khăn.
3 năm sau ngày thành lập, nhờ sự quan tâm của thành phố, Sở Giáo dục- Đào tạo, quận Hải An và cha mẹ học sinh, thầy và trò nhà trường được khai giảng và học tập trong ngôi trường mới, tại số 1177 đường Ngô Gia Tự, phường Nam Hải, địa điểm của trường hiện nay. Ngôi trường mới chỉ gồm 12 phòng học, trong khi trường có quy mô 30 lớp với hơn 1 nghìn học sinh, vì vậy niềm vui của thầy và trò chưa trọn vẹn, nhà trường vẫn duy trì hoạt động tại 2 cơ sở. Đầu năm học 2016-2017, nhà trường được khởi công xây dựng công trình khu lớp học gồm 9 phòng học, dự kiến đưa vào sử dụng năm học 2017-2018. Có thêm công trình mới này, khó khăn của thầy, trò nhà trường vơi đi rất nhiều. Hiện trường có quy mô 24 lớp với gần 1 nghìn học sinh. Như vậy, với cơ sở vật chất hiện có, trường còn thiếu 5 phòng học để giảng
dạy và học tập.
Làm theo lời dạy của Bác Hồ, thi đua dạy tốt-học tốt:
Trong hành trình 10 năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Hải An luôn khắc ghi và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Dù “sinh sau, đẻ muộn”, dù nhà trường vẫn “một chốn đôi nơi” nhưng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường luôn đoàn kết, nhiệt huyết và sáng tạo. Để rồi cứ mỗi khi mùa hè về, hoa phượng nở báo hiệu một năm học kết thúc, thầy, trò nhà trường lại viết thêm những kết quả mới, thành tích mới.
Theo thầy Vũ Văn Huy hiệu trưởng, với quãng thời gian chưa dài nhưng nhà trường đã có nhiều đổi thay đáng tự hào. Đó là sự chuyển biến, nâng lên về chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục toàn diện. Từ chỗ chỉ có 34 cán bộ, giáo viên, hiện trường có 83 cán bộ, giáo viên, 100% có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Trong số này, có 18 thạc sĩ, 7 giáo viên đang học thạc sĩ. Hầu hết giáo viên của trường ham học hỏi, yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao. Trong các giáo viên của trường hiện nay, 39 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 1 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia, nhiều người từng đạt điểm cao nhất các hội thi giáo viên dạy giỏi do Sở GD-ĐT tổ chức. Đáng mừng là, nhà trường đã hoàn thành việc kiểm định chất lượng giáo dục, được Sở GD-ĐT công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 2 vào năm 2014.
Cùng với chăm lo, nâng cao chất lượng đội ngũ, nhà trường đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 10 năm qua, kết quả giáo dục toàn diện hằng năm được nâng lên đáng kể, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, học lực giỏi ngày càng tăng. Trong 10 năm, học sinh của trường đoạt 330 giải học sinh giỏi thành phố và 1 giải ba học sinh giỏi quốc gia. Ba năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh của trường thi đỗ tốt nghiệp THPT năm nào cũng đứng trong tốp các trường THPT dẫn đầu thành phố. Tỷ lệ học sinh đạt điểm sàn đại học trở lên đạt hơn 80%. Điểm tuyển sinh vào lớp 10 của trường tăng dần qua từng năm, khẳng định uy tín, chất lượng giáo dục của nhà trường trong khối các trường THPT trên địa bàn và thành phố.
(Nguồn: Trường THPT Hải An 10 năm vượt khó, khẳng định vị thế, chất lượng//Báo Hải Phòng. - ngày 11/11/2016)

64. Đồng hành cùng sinh viên lập nghiệp
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Microsoft Việt Nam và Trường đại học Hàng hải Việt Nam vừa tổ chức chương trình “VCCI và Microsoft đồng hành
cùng sinh viên Trường đại học Hàng hải Việt Nam để lập nghiệp thành công”.
Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của dự án “Youthspark Career Readiness - Tăng cường kỹ năng làm việc, khởi nghiệp cho thanh niên và kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa” nhằm nâng cao tinh thần khởi nghiệp, giới thiệu các giải pháp công nghệ để cải tiến hiệu suất cho các doanh nghiệp và kết nối cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên trong môi trường làm việc hiện đại, toàn cầu hóa.
Đến với chương trình, sinh viên được giới thiệu về kỹ năng làm việc, khởi nghiệp cho thanh niên, kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa; làm sao có quãng đời sinh viên ý nghĩa và chuẩn bị kỹ năng bước vào thị trường lao động; kỹ năng mềm sinh viên cần có; nhu cầu và yêu cầu của kỹ sư hệ thống đối với thị trường nhân lực IT Hải Phòng; cơ hội cho các công ty khởi nghiệp trên địa bàn Hải Phòng.
Chương trình còn là dịp sinh viên được đối thoại với các chuyên gia, các doanh nghiệp về các vấn đề quan tâm.
(Nguồn: Đồng hành cùng sinh viên lập nghiệp//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 11/11/2016)

65. Ngành GD & ĐT quận Lê Chân: Áo dài đến trường - nét đẹp văn minh
Chúng tôi đến Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Lê Chân, vào một buổi sáng đầu tuần. Đúng 7h10 phút, cả sân trường, hàng trăm cán bộ, giáo viên và học sinh đã xếp hàng thẳng tắp, nghiêm trang tham gia lễ chào cờ.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu Nguyễn Thị Kim Viên cho biết: Hoạt động chào cờ, hát quốc ca vào các sáng thứ hai hàng tuần được nhà trường duy trì nhiều năm nay. Tuy nhiên, điểm nhấn đặc biệt của buổi lễ là 100% giáo viên của trường đều mặc áo dài, thể hiện nét văn hóa truyền thống và văn minh công sở. Tại buổi chào cờ, toàn thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh được Ban giám hiệu trường phổ biến tình hình hoạt động trong tuần, các thành tích đạt được và đề ra phương hướng, chương trình công tác trong tuần mới sao cho đạt kết quả tốt hơn.
Cô giáo Trần Thị Minh Hường chia sẻ: Vào mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, được mặc bộ áo dài dân tộc, lại đứng trước hàng trăm học sinh thân yêu và các đồng nghiệp, tôi cảm thấy bản thân cần có trách nhiệm nhiều hơn với nghề nghiệp, thấy mình cần học tập và rèn luyện nhiều hơn nữa để làm tấm gương sáng cho các em học sinh”. Là người được vinh dự nhiều lần chỉ huy dàn trống đội trong các nghi lễ chào cờ, em Nguyễn Hồng Hạnh, lớp 5C1, chia sẻ: "Mỗi sáng thứ hai, chúng em được tham gia nghi lễ chào cờ, nhìn các cô giáo của mình mặc áo dài, hát quốc ca, em thấy rất tự hào, thấy yêu cô, yêu trường, yêu quê hương đất nước mình hơn và cũng nhủ lòng phải phấn đấu học tập và rèn luyện để xứng đáng với công ơn dạy dỗ của các cô”.
Không chỉ ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu, mà ở tất cả các trường học trên địa bàn quận Lê Chân đều triển khai chào cờ vào sáng thứ 2 hàng tuần và yêu cầu 100% giáo viên trong trường mặc trang phục áo dài truyền thống. Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Trưởng phòng GD & ĐT quận - cho biết: Thực hiện chủ đề năm của quận Lê Chân là “Kỷ cương công vụ - Văn minh đô thị”, ngay từ đầu năm, Phòng giáo dục - Công đoàn ngành giáo dục quận đã chỉ đạo và phát động trong toàn bộ cán bộ, CNVC mặc áo dài vào thứ 2 hàng tuần. Bên cạnh đó, Phòng GD & ĐT quận còn tổ chức nhiều cuộc vận động và phong trào thi đua khác như: đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; cuộc vận động “Hai không”; phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn...Cô Trần Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền cho hay: “Vào các buổi sáng thứ hai, cán bộ giáo viên nhà trường đều chuẩn bị trang phục chỉnh tề, học sinh mặc đồng phục, giáo viên mặc áo dài dân tộc tập trung tại sân trường để thực hiện nghi lễ chào cờ. Hòa với tiếng nhạc là tiếng hát Quốc ca do chính các thầy cô và các em học sinh thể hiện lại vang lên hào sảng. Hoạt động này đã được nhà trường thực hiện trên 2 năm và sẽ được duy trì tiếp”.
Cô Thùy Trang - giáo viên khối 7 Trường THCS Ngô Quyền, chia sẻ: "Được mặc áo dài đến trường, tôi thấy mình đẹp và tự tin hơn nhiều, đặc biệt khi đứng trước học sinh. Khi tinh thần hào hứng thì bài giảng cũng hay hơn và hiệu quả công việc sẽ tốt hơn”.
Nghi thức mặc áo dài truyền thống vào các buổi chào cờ đầu tuần đã trở thành nét văn hóa riêng, đặc trưng của toàn ngành GD & ĐT quận Lê Chân. Hy vọng thời gian tới, nét đẹp văn hóa này sẽ được triển khai, nhân rộng đến nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố.
(Nguồn: Ngành GD & ĐT quận Lê Chân: Áo dài đến trường - nét đẹp văn minh//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 16/11/2016)

66. Khẳng định kết quả công tác dạy và học trong phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt”
Nhiều điểm sáng trong phong trào thi đua:
... Dẫn đầu các Phòng GD-ĐT khối huyện, ngành GD-ĐT huyện Thủy Nguyên thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh chất lượng phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt”. Từ chỗ là đơn vị phải tập trung chống điểm “liệt” trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, đến năm học 2015-2016, điểm trung bình 2 môn Toán, Ngữ văn của học sinh địa phương này đạt 13,02 điểm. Tại kỳ thi học sinh giỏi thành phố lớp 9, chất lượng học sinh của huyện trong tốp dẫn đầu thành phố.
Mặc dù là địa phương ở xa trung tâm thành phố nhưng phong trào thi đua “Dạy tốt-Học
tốt” trong các trường học ở huyện Vĩnh Bảo không thua kém các đơn vị, trường học ở nội thành. Nổi bật là kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2016-2017, 2 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và THCS Tam Cường xếp vị trí thứ nhất và thứ hai trong số 185 trường THCS tại thành phố về điểm trung bình 2 môn Toán, Ngữ văn. Kết quả này phản ánh sinh động về chất lượng phong trào thi đua của thầy và trò ngành GD-ĐT huyện Vĩnh Bảo. ..
Theo Sở GD-ĐT, năm 2015, hơn 90% số giáo viên tự học, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Từ đầu năm 2016 đến nay, 23% số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của thành phố tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý do Sở GD-ĐT tổ chức.
Đến nay, 99,9% số cán bộ quản lý và giáo viên của thành phố đạt chuẩn đào tạo. Trong đó, tỷ lệ trên chuẩn ở bậc học mầm non là 59,3%, bậc tiểu học 98,6%, bậc THCS 76%, bậc THPT 19,2%. Năm học 2015-2016, có 1285 giáo viên học tập trên chuẩn, 245 cán bộ giáo viên học thạc sĩ và 12 cán bộ, giáo viên nghiên cứu sinh.
Giám đốc Nguyễn Xuân Trường cho rằng, để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội, cán bộ, giáo viên thành phố Cảng cần học tập, tu dưỡng thường xuyên hơn nữa. Trong đó, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là “tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Có như vậy, trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm của các thầy giáo, cô giáo mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới, thời kỳ toàn ngành tích cực đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.
(Khẳng định kết quả công tác dạy và học trong phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt”//Báo Hải Phòng. - ngày 17/11/2016)
67. Trường Trung học Phổ thông An Lão, Hải Phòng: Phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2016-2017
Năm học 2015-2016 là năm thầy và trò Trường trung học phổ thông An Lão nô nức hướng về sự kiện trọng đại kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường (15/11/2015). Phát huy thành tựu 50 năm xây dựng và trưởng thành, ngay từ đầu năm học 2016-2017 toàn trường đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm học đề ra.
Nhìn lại năm học 2015-2016 mặc dù còn gặp những khó khăn nhất định. Song cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng vươn lên đạt được những thành tích đáng khích lệ, về kết quả hai mặt giáo dục: Toàn trường có 1.085/1.155 em đạt hạnh kiểm tốt, 69 em khá, không có học sinh hạnh kiểm yếu; 408 em đạt học lực giỏi, 660 đạt khá, 86 em trung bình.
Kết quả thi học sinh giỏi luôn là điểm nổi bật của trường, năm học này trường đạt 02
giải Nhất, 11 giải Nhì, 14 giải Ba, 12 giải Khuyến khích thi học sinh giỏi cấp thành phố. Tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đạt 98,47% (tăng 7 bậc), thi đỗ đại học nguyện vọng 1 đạt 83%; có 02 học sinh đạt giải thành phố cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn”, 04 giải cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp, thầy giáo Vũ Văn Dụng đạt giải Quốc gia, 10 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, trong đó 01 Thủ khoa môn Tin học là thầy giáo Nguyễn Đức Hoàng, 01 Á khoa môn Giáo dục công dân là cô giáo Nguyễn Thị Hương Lan.
Với thành tích, kết quả đạt được Chi bộ Đảng nhà trường tiếp tục đạt “Chi bộ trong sạch vững mạnh”, trường được Sở Giáo dục công nhận “Tập thể lao động tiên tiến”, Đoàn trường được Thành đoàn Hải Phòng tặng bằng khen, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, nhà trường vinh dự được đón nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và UBND thành phố, giấy khen của Sở Giáo dục và UBND huyện cho nhiều tập thể, cá nhân.
Hiện tại trường có 82 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn, trong đó 15 thạc sỹ, hơn 10 đồng chí đang học cao học. Năm học 2016-2017 trường có 27 lớp, 1.159 học sinh; các phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng được đầu tư xây dựng và lắp đặt trang, thiết bị khá đồng bộ, hệ thống camera giám sát, các công trình phụ trợ như sân chơi, bãi tập cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập của nhà trường. Phát huy truyền thống Dạy tốt-Học tốt gắn liền với những thành tựu đáng tự hào của ngôi trường qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành nên ngay từ đầu năm học, thầy và trò Trường trung học phổ thông An Lão đã hăng hái thi đua sôi nổi, quyết tâm đạt nhiều thành tích mới, tiếp tục góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của nhà trường.
Thầy giáo Trần Văn Nhường, Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Những năm qua nhà trường luôn được sự quan tâm của Thành ủy, UBND thành phố, sự quan tâm chỉ đạo của Sở Giáo dục cũng như Huyện ủy, UBND huyện, sự ủng hộ của Ban đại diện cha mẹ học sinh, các bậc phụ huynh và nhân dân trong huyện, các đơn vị kết nghĩa, những nhà hảo tâm nên việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cũng như chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Năm học 2016-2017, trước yêu cầu về “Đổi mới căn bản, toàn diện” giáo dục và đào tạo, cũng như thực trạng nguyện vọng của nhân dân về chọn thầy, chọn lớp, chọn trường đang và sẽ là thách thức không nhỏ đối với nhà trường. Song cho dù đứng trước khó khăn thách thức nào chúng tôi cũng vững vàng vượt qua, nỗ lực xây dựng trường trở thành môi trường giáo dục toàn diện, đẩy mạnh phát triển theo hướng “chuẩn hóa hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập”. Lấy đổi mới công tác quản lý làm giải pháp đột phá; Xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên là giải pháp then chốt; Lấy đổi mới căn bản phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, phát triển năng lực cá nhân và phẩm chất người học làm cốt lõi; Lấy hiệu quả bền vững làm mục tiêu. Không ngừng vươn lên đạt nhiều thành tựu mới trong sự nghiệp trồng người.
(Nguồn: Trường Trung học Phổ thông An Lão, Hải Phòng: Phấn đấu hoàn thành thắng lợi...//Nhà Báo & Công luận. - ngày 17/11/2016)

68. Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng: Đào tạo đội ngũ công nhân xây dựng lành nghề
Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng theo Quyết định số 529/QĐ-BXD ngày 14/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ TCty XD Bạch Đằng; Bộ Xây dựng, UBND TP, Sở GD&ĐT, Sở LĐTB&XH Hải Phòng và các ban ngành đoàn thể, địa phương; tập thể CBVC nhà trường đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Bộ Xây dựng giao trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Ngành và xã hội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế -xã hội của TP Hải Phòng và đất nước.
Với tiêu chí đã làm nghề phải thật giỏi nghề, nhà trường đã và đang thực hiện mục tiêu đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Mở rộng liên kết với các trường, các trung tâm giáo dục Nhà nước và giáo dục thường xuyên, các DN để phối hợp mở các lớp đào tạo TCCN, TCN, SCN, tổ chức bồi dưỡng và thi nâng bậc thợ cho công nhân, huấn luyện ATLĐ-VSLĐ; liên kết đào tạo CĐ, ĐH hệ VLVH, đào tạo liên thông từ TCCN lên ĐH... với quy mô trung bình 1.500 HSSV/năm, phục vụ cho nhu cầu học tập, hoàn thiện và nâng cao trình độ của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khu vực...
Mặc dù công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên tập thể CBVC và học sinh, sinh viên (HSSV) nhà trường, năm học đã tuyển sinh và đào tạo TCCN đạt 519/500 học sinh, đạt 104% kế hoạch năm; tốt nghiệp ra trường: 46 học sinh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp giỏi, khá đạt 48%. Hệ TCN: 635/600 HS, đạt 106% kế hoạch năm; tốt nghiệp ra trường: 216 HS, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp giỏi, khá đạt 30%; đào tạo SC: 245/200 HS, đạt 122% kế hoạch năm; bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, huấn luyện ATLĐ-VSLĐ và liên kết đào tạo đại học: 550/600 học viên, đạt 92% kế hoạch năm.
Với nỗ lực giới thiệu việc làm cho học sinh; 85% HS tốt nghiệp TCN, SCN và trên 80% HS tốt nghiệp TCCN ra trường có việc làm ngay;
Bên cạnh đó chương trình giảng dạy được đổi mới theo hướng giỏi về tay nghề-vững về kiến thức và gắn với thực tế sản xuất; trong năm học vừa qua đã tổ chức xây dựng và bổ sung chỉnh sửa 4 chương trình đào tạo TCCN, 12 chương trình đào tạo TCN, 22 chương trình đào tạo SC. 100% giáo viên nhà trường đã đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học, thiết kế gia công thiết bị giảng dạy, viết giáo trình giảng dạy lưu hành nội bộ; cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ làm việc được đầu tư mới, giảng dạy và học tập của giáo viên và HS; trong năm học vừa qua đã đầu tư gần 600 triệu đồng để mua sắm thiết bị giảng dạy ở các nghề: Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Kỹ thuật xây dựng, Cấp thoát nước đáp nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và HS; 100% giáo viên nhà trường có trình độ ĐH trở lên, trong đó gần 40% có trình độ thạc sỹ (15/38 GV), hiện có 4 giáo viên đang đi học sau đại học, phấn đấu đến hết năm 2017, trên 50% giáo viên nhà trường có trình độ thạc sỹ; 11 giáo viên đã thi và đạt yêu cầu trình độ kỹ năng nghề quốc gia bậc 2 trở lên. Tổ chức tốt Hội giảng giáo viên hàng năm với 100% giáo viên tham gia; với mục tiêu đổi mới cách dạy theo hướng lấy HS làm trung tâm, đồng thời thực hiện giảng dạy theo phương pháp tích hợp, qua đó tăng thời gian thực hành để hình thành kỹ năng nghề cho người học; Việc tổ chức hội giảng, hội thi thiết bị dạy nghề tự làm các cấp, nhà trường đã chọn 2 thiết bị tham gia là: Thiết bị thực hành điện tử ứng dụng và Bàn thực hành điện tử công suất; kết quả đạt: 1 giải nhất và 1 giải ba tại Hội thi thiết bị tự làm TP; 2 giải khuyến khích (KK) tại hội thi thiết bị tự làm toàn quốc. Với các giáo viên tiêu biểu như: Thầy Nguyễn Văn Thành, thầy Nguyễn Viết Bồi giáo viên Khoa Điện; Học sinh Hội thi tay nghề các cấp đoạt: 2 giải KK tại Hội thi tay nghề do Bộ Xây dựng tổ chức, 3 giải nhất tại hội thi tay nghề TP, 2 giải KK tại Hội thi tay nghề quốc gia ở các nghề: Lắp đặt điện, xây gạch và ốp lát tường sàn. Với các học sinh tiêu biểu như: HS Phạm Tấn Tài nghề Lắp đặt điện, HS Phạm Thăng Long nghề Xây gạch, HS Nguyễn Đăng Bảo nghề ốp lát tường sàn.
Các trương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo và giới thiệu việc làm; đang phối hợp với Trường Đại học Jeonju-VISION Hàn Quốc xây dựng chương trình đào tạo chung trình độ cao đẳng nghề Điện công nghiệp, HS học tại trường 1,5 năm và học tại Hàn Quốc 1,5 năm, sau khi tốt nghiệp được Trường Đại học Jeonju-VISION giới thiệu làm việc tại Hàn Quốc. Đồng thời phối hợp với Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng trong đào tạo và cung ứng lao động cho các DN Hàn Quốc trên địa bàn Hải Phòng.
Với những nỗ lực của toàn thể nhà trường trong năm 2015 - 2016, Trường đã được Bộ Xây dựng công nhận danh hiệu tập thể lao động tiên tiến xuất sắc; UBND TP tặng bằng khen cho tập thể nhà trường và 1 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015; Liên đoàn lao động TP tặng 2 bằng khen về thành tích đoạt giải nhì toàn đoàn tại Hội thi tay nghề trẻ và Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm TP 2016; Công đoàn ngành Xây dựng tặng bằng khen cho 05 cá nhân; qua bình bầu có 39 CBVC đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, 5 cá nhân được đề nghị công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở...
(Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng: Đào tạo đội ngũ công nhân...//Báo Xây dựng. - ngày 18/11/2016)

VIII – Tài nguyên, môi trường
69. 10 tháng trồng được 530.000 cây phân tán các loại
Tính đến hết tháng 10, trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, bảo vệ rừng, ngành nông nghiệp thành phố đã trồng được 530.000 cây phân tán các loại; tiến hành chăm sóc thường xuyên 305ha rừng, đạt 100% kế hoạch và trồng mới 336ha rừng, đạt gần 85% kế hoạch.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng vẫn tái diễn. Từ đầu năm đến nay, ngành đã phát hiện, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với 7 trường hợp vi phạm. Nghiêm trọng hơn, toàn thành phố đã xảy ra 22 vụ cháy rừng, diện tích gần 36ha.
Trong đó, tại 2 huyện An Lão, Cát Bà, mỗi địa phương xảy ra 1 vụ; quận Đồ Sơn xảy ra 3 vụ; huyện Thủy Nguyên xảy ra tới 14 vụ cháy rừng..., làm ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái.
Ngoài ra, ngành còn tiến hành chuyển giao 3 cá thể Culi, 1 cá thể khỉ đuôi dài cho đơn vị có chức năng nuôi giữ; vận động thả 1 cá thể baba Nam Bộ nặng 17,5kg về môi trường tự nhiên.
(Nguồn: 10 tháng trồng được 530.000 cây phân tán các loại//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 04/11/2016)

70. 65% mẫu môi trường thủy sản không đạt yêu cầu
Đó là kết quả vừa được ngành nông nghiệp thành phố công bố. Điều đáng quan ngại
hiện nay là theo kết quả phân tích của cơ quan chức năng thì tỷ lệ mẫu thủy sản nhiễm bệnh,
môi trường có các chỉ tiêu vi sinh vượt ngưỡng cho phép rất đáng báo động.
Cụ thể, ngành nông nghiệp đã tiến hành lấy 1.138 mẫu thủy sản nuôi giám sát tình hình dịch bệnh (trong đó có 90 mẫu môi trường), kết quả phân tích phát hiện 99 mẫu nhiễm bệnh, chiếm 10% trên tổng số mẫu xét nghiệm; 59 mẫu môi trường không đạt yêu cầu, có các chỉ tiêu vi sinh vượt ngưỡng cho phép, chiếm 65%.
Ngành đã tiến hành tiêu hủy 17,85 triệu tôm giống nhiễm bệnh, hướng dẫn khử trùng tiêu độc theo quy định.
(Nguồn: 65% mẫu môi trường thủy sản không đạt yêu cầu//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 10/11/2016)

71. Hải Phòng: Tăng cường đầu tư nước sinh hoạt cho bà con vùng nông thôn
Để đáp ứng nhu cầu người dân về việc cung cấp nguồn nước sạch trong sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo (huyện ngoại thành cách nằm xa trung tâm thành phố), công ty CP cấp nước Hải Phòng đã đầu tư gần 20 tỷ đồng vào việc xây dựng tuyến ống và mạng lưới cấp nước.
Giải cơn khát nước sạch cho người dân huyện Vĩnh Bảo:
Nhà máy nước Vĩnh Bảo do Công ty CP Cấp nước Hải Phòng quản lý hiện đang cấp nước cho toàn bộ thị trấn Vĩnh Bảo, xã Nhân Hòa, Tân Hưng, Tân Liên, Tam Đa và một phần các xã Việt Tiến, Trung Lập, Vinh Quang với khoảng 10.000 hộ dân tương ứng 32.000 dân. 22 xã còn lại, người dân đang sử dụng nguồn nước từ những nhà máy nước mini và những nguồn nước có sẵn từ thiên nhiên như nước mưa, nước giếng khoan, để sinh hoạt. Những nguồn nước này có chất lượng chưa đảm bảo và ngày một xấu đi do ô nhiễm từ các hoạt động phát triển đô thị hóa của khu vực huyện Vĩnh Bảo.
Thực tế hiện nay, Nhà máy nước Vĩnh Bảo có thể cung cấp 5.000 m3/ngđ, nhưng mới chỉ khai thác khoảng 3.500 m3/ngđ, trong khi đó các xã lân cận thì đang thiếu nước sạch để sử dụng. Vì vậy, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng lên kế hoạch và đã triển khai xây dựng tuyến ống cấp nước D300 từ cầu Nhân Hòa tới xã Vinh Quang nối tiếp với tuyến ống D300 hiện có để phục vụ cấp nước cho các hộ dân xã Vinh Quang, Thanh Lương, Cộng Hiền, Đồng Minh, Vĩnh Phong.
Tổng mức đầu tư của công trình là 7.382.961.000 đồng và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 3.2016; đầu tư xây dựng tuyến ống truyền tải D300 Vĩnh Bảo (Quốc lộ 37 – Hùng Tiến) đoạn từ ngã ba Thanh Lương đến cầu Đòng nối tiếp với tuyến D300 nói trên để cải thiện điều kiện sống, điều kiện môi trường cho nhân dân các xã phía Bắc của huyện với tổng mức đầu tư của công trình là 3.920.375.000 đồng; xây dựng hệ thống mạng lưới đường ống đường ống cấp nước tại địa bàn xã Vinh Quang với tổng mức đầu tư của công trình là 8.525.785.000 đồng trong đó, nguồn vốn đầu tư của Công ty là 30% và vốn vay thương mại là 70% để thực hiện công trình. Các cụm dân cư chỉ phải chi trả phần lắp đặt đấu nối đồng hồ D15 vào nhà. Nguồn nước cấp cho xã Vinh Quang là từ nhà máy nước Vĩnh Bảo thông qua tuyến ống chuyên tải D300 từ cầu Nhân Hòa.
Nguồn nước đạt tiêu chuẩn quốc tế:
Theo ông Trần Việt Cường, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng cho biết: Công ty CP Cấp nước Hải Phòng đưa vào sử dụng công trình bể lọc tiếp xúc sinh học (bể lọc BCF) 5.000m3/ngày tại Nhà máy nước Vĩnh Bảo. Đây là công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường của Nhật Bản lần đầu ứng dụng tại Việt Nam trong việc xử lý ô nhiễm chất hữu cơ trong nguồn nước tại Vĩnh Bảo. Với công nghệ này, Công ty Cấp nước Hải Phòng thể hiện sự nỗ lực trong việc cung cấp cho người tiêu dùng toàn thành phố nguồn nước sạch, an toàn nhất. Trong đó, nước của Nhà máy nước Vĩnh Bảo sản xuất có chất lượng tốt nhất thành phố, người sử dụng có thể uống trực tiếp tại vòi.
Sau một thời gian triển khai bể lọc sinh học U-BCF tại nhà máy nước Vĩnh Bảo, hoạt động của nhà máy có hiệu quả tốt hơn. Hiện nay, hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, công ty xây tăng cường đầu tư cung cấp nước sạch tới người dân vùng nông thôn. Đơn vị thành lập nhiều tổ thi công, kiểm tra giám sát tiến độ một cách thường xuyên để công trình trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo sớm đi vào hoạt động, người dân các xã còn lại sớm được sử dụng nguồn nước sạch.
(Nguồn: Hải Phòng: Tăng cường đầu tư nước sinh hoạt cho bà con vùng nông thôn//Báo ĐT “Dân Việt”. - ngày 15/11/2016)

72. Lắp đặt camera giám sát việc xả thải: Thêm "tai mắt" bảo vệ môi trường
Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) đang triển khai lắp đặt camera giám sát xả thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN), cơ sở sản xuất có lượng xả thải lớn, vị trí nhạy cảm môi trường. Giải pháp này nhằm tăng cường thêm “tai mắt” giám sát, kiểm soát bảo vệ môi trường.
Đưa vào “tầm ngắm” hơn 45 cơ sở sản xuất:
Giám đốc Sở TNMT Phạm Quốc Ka cho biết: Trên địa bàn thành phố, một số nhà máy xây dựng từ nhiều năm trước, hệ thống xử lý nước thải xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu. Nhiều DN lắp đặt công trình xử lý chất thải, nhưng không vận hành, cùng với đó do việc vận hành xử lý chất thải tốn kém, nên nhiều DN tìm cách xả trộm để giảm bớt chi phí gây ảnh hưởng môi trường chung của thành phố. Cơ quan chức năng phát hiện một số doanh nghiệp (DN) xả trộm, như Công ty cổ phần xi-măng Tân Phú Xuân, Nhà máy gang thép Vạn Lợi, Nhà máy giấy Hapaco,... Để khắc phục tình trạng này, Sở TNMT đề xuất giải pháp lắp đặt camera giám sát xả thải. Hệ thống này được xem là “tai mắt” theo dõi liên tục 24/24 giờ việc xả thải của cơ sở sản xuất.
Theo đó, Sở TNMT rà soát, xác định một số DN, cơ sở sản xuất phải sớm lắp đặt hệ
thống quan trắc tự động và hệ thống camera giám sát nguồn thải. Căn cứ Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải, phế thải, các khu công nghiệp (KCN), cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có quy mô xả nước thải từ 1000 m3/ngày, đêm trở lên; Các chủ nguồn khí thải xi-măng, nhiệt điện, sản xuất phôi thép có sản lượng hơn 200 nghìn tấn/năm; cơ sở hóa chất, phân bón hóa học có sản lượng hơn 10 nghìn tấn/năm, lò hơi công nghiệp có sản lượng hơn 20 tấn hơi/giờ,...phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải, nước thải tự động liên tục. Hệ thống camera giám sát có khả năng xem và giám sát hình ảnh trực tuyến các hoạt động tại doanh nghiệp. Bên cạnh những DN chấp hành theo quy định trên, Sở TNMT đề nghị, khuyến khích những DN nằm ở vị trí nhạy cảm môi trường như gần khu dân cư, vị trí đầu hướng gió, hoạt động có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như sản xuất thép, xi-măng... phải lắp đặt camera giám sát xả thải. Trong đó, nhóm DN cần tập trung làm ngay gồm: Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, DAP Đình Vũ, Công ty xi măng Hải Phòng, Chinfon, cụm DN sản xuất thép khu vực Quán Toan, các KCN Đồ Sơn, Nam Cầu Kiền, Tràng Duệ, Đình Vũ, Nomura, CCN Tân Liên. Giải pháp này nhận được sự hưởng ứng của nhiều cơ quan quản lý và DN.
Hỗ trợ thiết bị, lực lượng kiểm soát xả thải:
Phó giám đốc trung tâm quan trắc môi trường (Sở TNMT) Nguyễn Văn Quỳnh cho biết: Thiết bị này góp phần đáng kể vào nỗ lực theo dõi, phòng chống tình trạng xả trộm nước thải, khí thải chưa qua xử lý ra môi trường. Để phục vụ hoạt động giám sát xả thải, Sở TNMT hoàn thành lắp đặt các thiết bị tại Trung tâm tích hợp và xử lý dữ liệu camera giám sát nguồn thải. Sau khi các DN lắp đặt hệ thống camera giám sát nguồn thải mà chủ yếu là các điểm đặt ống khói, khu vực xử lý nước thải, cửa xả… tất cả hình ảnh được truyền trực tiếp về Trung tâm tích hợp và xử lý dữ liệu của Sở TNMT. Căn cứ hình ảnh thu được lực lượng giám sát kiểm tra xem hệ thống xử lý khí thải, nước thải của DN có vận hành thường xuyên hay không. Đặc biệt, qua đó dễ dàng phát hiện DN có hành vi xả trộm khí thải, nước thải vào ban đêm hay không để kịp thời có biện pháp xử lý.
Ví dụ việc giám sát xả thải ở KCN Nomura, camera được lắp đặt tại điểm xả thải của KCN, người quản lý có thể trực tiếp giám sát các hoạt động xả thải, đưa ra các phương án và giải pháp kịp thời, đối phó với các tình huống diễn ra một cách chính xác. Camera giám sát có độ nét cao, truyền tải hình ảnh tốt, có thể quét, phóng to, thu nhỏ và lưu lại hình ảnh tại trung tâm. Nhìn vào hệ thống màn hình, nhân viên kỹ thuật trực theo dõi hệ thống có thể nắm bắt, kiểm soát ô nhiễm tại từng thời điểm hoặc diễn biến trong quá khứ.
Giải pháp này được DN ủng hộ thực hiện. Vừa qua, Sở TNMT có cuộc gặp gỡ hướng dẫn các DN thực hiện chủ trương này. Tại cuộc làm việc giữa Sở TNMT với doanh nghiệp, Công ty thép SSE (cụm công nghiệp thép Quán Toan), thực hiện chủ trương trên cho biết, việc lắp đặt có thể tăng chi phí cho DN, nhưng bảo đảm các quy định bảo vệ môi trường. Đồng thời, giúp DN hoạt động ổn định, thân thiện với môi trường mang lại những lợi ích, giúp DN kiểm soát chi phí, phát triển thương hiệu và kinh doanh có trách nhiệm hơn với xã hội và cộng đồng. Đặc biệt, nếu xảy ra những khiếu kiện về môi trường, DN có chứng cứ thuyết phục để bảo vệ mình.
Hy vọng với hệ thống này, tình trạng xả trộm nước thải, khí thải chưa xử lý đưa ra môi trường sẽ hạn chế nâng cao hiệu quả kiểm soát, bảo vệ môi trường hơn.
(Lắp đặt camera giám sát việc xả thải: Thêm "tai mắt" bảo vệ môi trường/Nguyên Mai// Báo Hải Phòng. - ngày 16/11/2016)

73. Hải Phòng tích cực khuyến khích kinh doanh và sử dụng xăng E5
Tích cực thực hiện thông báo số 19/2016/TB – VPCP của Văn phòng Chính phủ về lộ
trình sản xuất và kinh doanh xăng E5 trên toàn quốc, UBND TP Hải Phòng đã đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng sinh học E5.
UBND TP Hải Phòng chỉ đạo, Sở Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ xây dựng nội dung về đặc điểm, tác dụng, lợi ích và các lưu ý trong việc sử dụng xăng E5, phối hợp cùng các các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức tuyên truyền, phổ biến tác dụng của xăng sinh học E5, khuyến khích doanh nghiệp tham gia kinh doanh và sử dụng. Sở Công Thương có nhiệm vụ làm việc và triển khai tới các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để phổ biến về lộ trình phân phối xăng sinh học trên địa bàn thành phố.
Đến nay, trên địa bàn Hải Phòng có hơn 200 cửa hàng xăng dầu. Trong đó, số lượng cửa hàng đang kinh doanh xăng E5 là 35 cửa hàng (khoảng 19%) tập trung chủ yếu trong nội thành, do đó sản lượng tiêu thụ xăng E5 là khá tốt, khoảng 2.300m3/tháng. Trong tổng số 7 thương nhân đầu mối xăng dầu trên địa bàn Hải Phòng có 2 thương nhân đầu mối phân phối xăng E5 là Công ty CP xăng dầu dầu khí PVOIL Hải Phòng và Công ty Xăng dầu khu vực III với công suất trung bình từ 85 - 90m3, đảm bảo 100% việc cung cấp xăng E5 cho địa bàn thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành lân cận.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn một số khó khăn trong việc triển khai chủ trương khuyến khích sử dụng xăng E5 như: hệ thống các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố do lịch sử để lại, diện tích nhỏ, khó mở rộng để xây lắp thêm bồn bể, cột bơm, dẫn đến việc triển khai còn nhiều khó khăn, đồng thời do giá xăng dầu thế giới giảm, lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu mối giảm, các doanh nghiệp chưa mặn mà xây dựng các trạm trộn xăng E5, cùng với đó nhiều người sử dụng cũng chưa có được thông tin đầy đủ về việc sử dụng và lợi ích khi sử dụng xăng E5 đối với động cơ cũng như môi trường.
Theo kế hoạch, trong những năm tới Sở Công Thương dự kiến sẽ có 100% các cửa hàng xăng dầu khu vực nội thành kinh doanh xăng E5, sau đó là 100% các cửa hàng xăng dầu khu vực ngoại thành kinh doanh xăng E5.
Xăng sinh học E5 là hỗn hợp của xăng không chì và ethanol, là loại nhiên liệu được chế
xuất từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật (mỡ động vật, dầu dừa, lúa mỳ, ngô, sắn…). Xăng sinh học E5 đúng tiêu chuẩn là năng lượng thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến độ bền động cơ.
(Nguồn: Hải Phòng tích cực khuyến khích kinh doanh và sử dụng xăng E5//Báo Công Thương. - ngày 16/11/2016)

74. Tiếp tục nghiên cứu dự án xử lý chất thải Gyps
Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng tại cuộc làm việc với
Cty TNHH Ngọc Linh về đề xuất dự án đầu tư xây dựng tổ hợp 5 nhà máy (NM) xử lý chất thải Gyps của Cty CP DAP Đình Vũ. Cùng dự có Phó chủ tịch Lê Thanh Sơn và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
Theo báo cáo của Cty TNHH Ngọc Linh, tổ hợp gồm: NM sản xuất thạch cao nhân tạo với công suất 1,5 triệu tấn/năm; xưởng nâng cao hàm lượng dinh dưỡng của DAP từ 61% lên 64%; NM xử lý axit trong nước thải; NM xử lý nước róc từ gyps; phân xưởng sản xuất màu dùng cho phân bón và NM sản xuất phân NPK một hạt. Dự kiến, tổng đầu tư dự án khoảng 800-900 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 70ha, gần mặt bằng của Cty CP DAP hiện nay tại khu CN Đình Vũ.
Sau khi nghe ý kiến tham gia của các ngành, địa phương, Cty Ngọc Linh và DAP Đình Vũ làm rõ một số vấn đề của dự án, Chủ tịch UBND TP hoan nghênh doanh nghiệp đã lập dự án để giải quyết nhu cầu bức thiết của thành phố về việc xử lý bãi thải Gyps.
Để tiếp tục triển khai dự án, Chủ tịch UBND TP giao Sở KH&CN phối hợp với các ngành xem xét công nghệ của dự án; giao Sở TNMT xác định lại và đề xuất phương án bố trí quỹ đất cho doanh nghiệp; Cty CP DAP có văn bản báo cáo thành phố về khối lượng Gyps cung cấp và phần diện tích có thể bàn giao cho dự án; Cty Ngọc Linh tạo điều kiện để các ngành tiếp cận và nghiên cứu sâu, đầy đủ, tính khả thi của dự án; BQL khu kinh tế tổng hợp toàn bộ những thông tin liên quan để báo cáo thành phố vào cuối tháng 11 này.
(Nguồn: Tiếp tục nghiên cứu dự án xử lý chất thải Gyps//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 17/11/2016)

75. Hải Phòng tích cực khuyến khích kinh doanh và sử dụng xăng E5
Tích cực thực hiện thông báo số 19/2016/TB – VPCP của Văn phòng Chính phủ về lộ trình sản xuất và kinh doanh xăng E5 trên toàn quốc, UBND TP Hải Phòng đã đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng sinh học E5.
UBND TP Hải Phòng chỉ đạo, Sở Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ xây dựng nội dung về đặc điểm, tác dụng, lợi ích và các lưu ý trong việc sử dụng xăng E5, phối hợp cùng các các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức tuyên truyền, phổ biến tác dụng của xăng sinh học E5, khuyến khích doanh nghiệp tham gia kinh doanh và sử dụng. Sở Công Thương có nhiệm vụ làm việc và triển khai tới các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để phổ biến về lộ trình phân phối xăng sinh học trên địa bàn thành phố.
Đến nay, trên địa bàn Hải Phòng có hơn 200 cửa hàng xăng dầu. Trong đó, số lượng cửa hàng đang kinh doanh xăng E5 là 35 cửa hàng (khoảng 19%) tập trung chủ yếu trong nội thành, do đó sản lượng tiêu thụ xăng E5 là khá tốt, khoảng 2.300m3/tháng. Trong tổng số 7 thương nhân đầu mối xăng dầu trên địa bàn Hải Phòng có 2 thương nhân đầu mối phân phối xăng E5 là Công ty CP xăng dầu dầu khí PVOIL Hải Phòng và Công ty Xăng dầu khu vực III với công suất trung bình từ 85 - 90m3, đảm bảo 100% việc cung cấp xăng E5 cho địa bàn thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành lân cận.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn một số khó khăn trong việc triển khai chủ trương khuyến khích sử dụng xăng E5 như: hệ thống các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố do lịch sử để lại, diện tích nhỏ, khó mở rộng để xây lắp thêm bồn bể, cột bơm, dẫn đến việc triển khai còn nhiều khó khăn, đồng thời do giá xăng dầu thế giới giảm, lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu mối giảm, các doanh nghiệp chưa mặn mà xây dựng các trạm trộn xăng E5, cùng với đó nhiều người sử dụng cũng chưa có được thông tin đầy đủ về việc sử dụng và lợi ích khi sử dụng xăng E5 đối với động cơ cũng như môi trường.
Theo kế hoạch, trong những năm tới Sở Công Thương dự kiến sẽ có 100% các cửa hàng xăng dầu khu vực nội thành kinh doanh xăng E5, sau đó là 100% các cửa hàng xăng dầu khu
vực ngoại thành kinh doanh xăng E5.
Xăng sinh học E5 là hỗn hợp của xăng không chì và ethanol, là loại nhiên liệu được chế xuất từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật (mỡ động vật, dầu dừa, lúa mỳ, ngô, sắn…).
Xăng sinh học E5 đúng tiêu chuẩn là năng lượng thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến độ bền động cơ.
(Nguồn: Hải Phòng tích cực khuyến khích kinh doanh và sử dụng xăng E5//Báo Công Thương. – ngày 17/11/2016)

76. Chi hội Cấp nước miền Bắc: Đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương
Sáng 16-11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố diễn ra Đại hội Chi hội Cấp nước miền Bắc nhiệm kỳ 2016-2018. Đến dự có các đồng chí : Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố; Cao Lại Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt
Nam, 86 hội viên thuộc các công ty cấp nước và các nhà cung cấp.
Phát biểu tại đại hội, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình và Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của Chi hội Cấp nước miền Bắc, với những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Chi hội Cấp nước miền Bắc với các hội viên hoạt động ở các lĩnh vực : sản xuất cung cấp nước sạch; tư vấn thiết kế; thi công xây lắp; sản xuất và cung ứng vật tư, thiết bị ngành nước. Là thành viên của Chi hội Cấp nước miền Bắc, những năm qua, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng không ngừng nâng cao năng lực hoạt động, mạnh dạn áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất-kinh doanh, đưa Hải Phòng trở thành địa phương có chất lượng và dịch vụ cấp nước tốt nhất cả nước.
Đại hội Chi hội Cấp nước miền Bắc nhiệm kỳ 2016-2018 bầu 23 đại biểu vào ban chấp hành; Chủ tịch HĐQT Công ty CP cấp nước Quảng Ninh Nguyễn Văn Thanh được bầu là Chủ tịch chi hội.
Nhân dịp này nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển hội được khen thưởng.
(Chi hội Cấp nước miền Bắc: Đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội...//Báo Hải Phòng. - ngày 17/11/2016)

77. Khu tập kết rác thải tập trung quận Đồ Sơn: Sắp phải đóng cửa vì quá tải
Khu tập kết rác thải tập trung quận Đồ Sơn (bãi rác Đồ Sơn) nằm trên địa phận phường Ngọc Xuyên, giáp ranh phường Bàng La và phường Minh Đức, do Công ty CP Công trình công cộng và dịch vụ du lịch Hải Phòng quản lý, vận hành. Theo công suất được thiết kế và thực tế rác thải đang chứa tại đây, đến hết năm 2016, bãi rác này quá tải và phải đóng cửa. Tuy nhiên, đến nay, chưa có phương án thay thế nào được cấp có thẩm quyền quyết định.
Hết năm 2016, bãi rác hết công suất:
Đến thời điểm giữa tháng 11-2016, còn hơn một tháng nữa là bãi rác Đồ Sơn vượt quá công suất chứa theo thiết kế, quan sát mắt thường dễ dàng nhận thấy chiều cao bãi rác gần vượt phần bạt che chắn chung quanh. Đường lên đỉnh bãi rác dốc cao, vì lượng rác quá lớn hằng ngày đưa về xử lý. Các xe rác vẫn đều đặn chở mỗi ngày hàng trăm m3 rác thải về bãi, trong khi cách duy nhất là chôn lấp, nên chiều cao bãi rác vì thế không ngừng tăng.
Ông Hoàng Đăng Nghiệp, cán bộ phụ trách kỹ thuật xử lý rác thải bãi rác Đồ Sơn cho biết, do lượng rác lớn, sức chứa của bãi rác sắp hết, công ty bố trí máy xúc cào rác lên cao để mở lối cho xe chở rác di chuyển lên cao và tăng thêm diện tích chứa rác. Ông Nghiệp cũng thừa nhận, đây là giải pháp tình thế vì làm thế ảnh hưởng quá trình xử lý rác, gây mùi vì xe xúc phải móc rác kéo lên cao.
Trực tiếp leo lên đỉnh bãi rác, phóng viên Báo Hải Phòng chứng kiến đường vào và chung quanh được quét dọn sạch sẽ, duy trì cây xanh. Đại diện đơn vị quản lý cho biết, Đoàn giám sát HĐND quận Đồ Sơn vừa giám sát, kiểm tra bãi rác. Chủ tịch UBND phường Bàng La Cao Văn Bé (thành viên đoàn giám sát) thừa nhận, không có mùi hôi thối bốc ra từ bãi rác nhờ được xử lý tốt. Đây là kết quả từ nỗ lực triệt để tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, từ khâu tiếp nhận rác, san ủi, đầm nén rác, đến phun chế phẩm khử mùi hôi, xịt nước chống bụi, phủ lớp đất, rắc vôi bột, hóa chất diệt trừ ruồi muỗi... được đơn vị thực hiện. Quy trình vận hành trạm xử lý nước rỉ rác cũng được thực hiện bảo đảm đúng quy định, quan trắc môi trường thường xuyên bãi xử lý rác thải sinh hoạt, kiểm soát chất lượng nước rác.
Tuy nhiên dù xử lý tốt, bảo đảm quy trình chặt chẽ, nhưng nếu bãi rác quá tải không còn chỗ chứa, chắc chắn ảnh hưởng khâu xử lý, khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tuy điều này chưa xảy ra, nhưng cần được xem xét nghiêm túc và phải triển khai sớm nhất bởi công suất bãi rác sắp đến thời điểm quá tải.
Sớm có giải pháp thay thế:
Theo Phó tổng giám đốc Công ty CP Công trình công cộng và dịch vụ du lịch Hải Phòng Nguyễn Quang Khải, đơn vị đảm nhiệm thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn quận Đồ Sơn, phường Tân Thành, khu đô thị Anh Dũng, Sao Đỏ (quận Dương Kinh): Hiện mỗi ngày công ty thu gom, vận chuyển 111 tấn, tương đương 265m3/ngày; trong mùa hè, hoạt động du lịch tăng cao, lượng rác thu gom là hơn 300 m3/ngày. Do nhu cầu phát triển KTXH địa phương, lượng rác ngày càng tăng, trung bình tăng 10-15%/năm. Trong khi đó, theo Quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày 5-11-2012 của UBND thành phố phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật nâng công suất bãi rác Đồ Sơn, tổng diện tích bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt là 3,1ha; công suất thiết kế là 350m3/ngày, tương đương 127.800m3/ năm. Chiều cao chứa rác thải sinh hoạt được tính từ độ cao hiện trạng là 5,7m, chỉ cho phép vận hành và xử lý rác tại đây đến hết năm 2016.
Trước thực tế này, việc sớm xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt cho quận Đồ Sơn, một phần quận Dương Kinh, huyện Kiến Thụy là yêu cầu cấp thiết. Theo đó, ngành chức năng thành phố cho phép xây dựng nhà máy để bảo đảm yêu cầu xử lý rác thải theo hướng lâu dài, thân thiện môi trường, kết hợp tái chế như các địa phương đang thí điểm triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, giải pháp này cần thời gian và số kinh phí lớn, do áp dụng thiết bị hiện đại, công nghệ cao, tiên tiến. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công trình công cộng và dịch vụ du lịch Hải Phòng Hoàng Đăng Hưng, trước mắt, giải pháp hợp lý và khả thi là thành phố, ngành chức năng cho phép công ty mở rộng diện tích bãi rác Đồ Sơn sang khu vực liền kề, trước khi dự án nhà máy xử lý rác được phê duyệt và triển khai.
Cùng với giải pháp về mở rộng công suất bãi rác và xây dựng nhà máy xử lý rác thải, quận Đồ Sơn lãnh đạo sớm có giải pháp tăng cường tổ chức thực hiện công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; vận động các hộ ký hợp đồng thu gom; nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân và du khách đến Đồ Sơn. Giải pháp này giúp khắc phục thực trạng hiện nay khi còn gần 34% số hộ dân (trong đó 20% ở vùng sâu vùng xa, trên núi) công ty chưa thể thực hiện thu gom rác được, cũng như khó khăn do một số đơn vị, doanh nghiệp ở quận Đồ Sơn chưa ký hợp đồng và nộp phí vệ sinh môi trường.
(Nguồn: Khu tập kết rác thải tập trung quận Đồ Sơn: Sắp phải đóng cửa vì quá tải//Báo Hải Phòng. - ngày 17/11/2016)

IX – Y tế - sức khỏe
78. Hội nghị quốc tế: Năng lực sức khoẻ và chất lượng dịch vụ y tế
Từ ngày 7 đến ngày 9/11, tại Hải Phòng diễn ra Hội nghị Năng lực sức khỏe quốc tế châu Á lần thứ IV với chủ đề “Năng lực sức khỏe và chất lượng dịch vụ y tế”. Hội Năng lực sức khỏe châu Á (AHLA) được thành lập tại Geneva, Thụy Sĩ từ năm 2004, được hỗ trợ bởi hơn 40 trường và viện sức khỏe tại hơn 30 quốc gia trên thế giới đã trao cho Trường Đại học Y Dược TP. Hải Phòng, một trong những thành viên chính thức đầu tiên của AHLA mời Bộ Y tế Việt Nam chủ trì hội nghị lần này. Hội thảo có sự tham gia của khoảng 400 đại biểu trong nước và quốc tế nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các đối tác hướng tới cải thiện chất lượng giao tiếp, chăm sóc, thúc đẩy nâng cao sức khỏe tại các nước châu Á. Hiện tại, năng lực của người dân Việt Nam trong tiếp cận, áp dụng thông tin sức khỏe, đánh giá và quyết định liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật trong cuộc sống còn ở mức thấp, do đó Hội nghị còn là diễn đàn quan trọng để trao đổi, học tập kinh nghiệm tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả của các nước châu Á, từ đó thúc đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Hội nghị hướng tới mục tiêu cụ thể như: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và giảm chênh lệch về sức khỏe giữa các nhóm cộng đồng và các quốc gia; Cải thiện giao tiếp giữa bệnh nhân, người chăm sóc, cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, cơ quan quản lý, hoạch định chính sách và truyền thông; Thúc đẩy nâng cao năng lực sức khỏe và kết quả là có sự phối hợp tốt hơn, hiệu quả hơn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ bệnh tật; Tăng cường tiếp cận nhiều lĩnh vực nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề gánh nặng của năng lực sức khỏe thấp với các bệnh không lây nhiễm; Thúc đẩy phát triển con người bền vững và khỏe mạnh trên quy mô toàn cầu.
(Nguồn: Hội nghị quốc tế: Năng lực sức khoẻ và chất lượng dịch vụ y tế//Báo Sức khỏe & Đời sống. - ngày 07/11/2016)

79. Mất cân đối Quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế 93 tỷ đồng
Sáng 9-11, Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam chủ trì buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội thành phố về công tác quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT)
năm 2016.
Theo báo cáo, hết tháng 9-2016, BHXH thành phố tổ chức giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT cho hơn 1,4 triệu lượt người với tổng số tiền 1.121 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước gần 75.000 lượt người bệnh với số tiền 262 tỷ đồng. Quỹ KCB BHYT được sử dụng trong 9 tháng là 1.027,7 tỷ đồng, toàn thành phố mất cân đối quỹ KCB BHYT với số tiền hơn 93 tỷ đồng, trong đó, số chi quý III/2016 tăng so với quý II/2016 hơn 60 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, BHXH thành phố lý giải về tình trạng bội chi quỹ BHYT thời gian qua. Đại diện Sở Y tế, Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Tài chính… tham gia, đóng góp ý kiến, đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển người tham gia BHYT, hạn chế tối đa tình trạng trục lợi quỹ BHYT…
Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch Lê Khắc Nam đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của BHXH thành phố trong việc phát triển người tham gia bảo hiểm; thu, chi BHXH, BHYT, BHTN. Nhằm kiểm soát, quản lý chặt chẽ quỹ BHYT, ông đề nghị BHXH thành phố khắc phục hạn chế, khó khăn; thường xuyên kiểm tra, thanh tra cơ sở KCB BHYT trên địa bàn thành phố, kịp thời nắm bắt tình hình sử dụng quỹ BHYT; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông dữ liệu giưa cơ sở KCB với cơ quan BHXH.
Đối với Sở Y tế: tập trung nâng cao chất lượng KCB, thái độ phục vụ người bệnh; linh hoạt phối hợp với cơ quan BHXH quản lý các phòng khám tư nhân, phát hiện các biểu hiện trục lợi. Sở Lao động thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Thanh tra thành phố chủ động vào cuộc, rà soát, kiểm tra các trường hợp các lực lượng chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đề xuất thành phố có hướng hỗ trợ phù hợp, đồng thời, đôn đốc thu nợ tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm...
(Nguồn: Mất cân đối Quỹ KCB BHYT 93 tỷ đồng//Báo An ninh Hải Phòng. – ngày 10/11/2016)

80. Các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở huyện đảo Cát Hải: Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là mục tiêu sống còn
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải Hoàng Trung Cường, trên địa bàn huyện có 54 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, trong đó 4 doanh nghiệp lớn, còn lại sản xuất nhỏ và tư nhân. Hằng năm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn và đều đánh giá các sản phẩm nước mắm bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tăng sản lượng, chuẩn chất lượng:
Với mục tiêu sản xuất 5.260 lít sản phẩm nước mắm trong năm 2016, huyện Cát Hải tăng cường công tác quản lý, yêu cầu các cơ sở sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vì sức khỏe người tiêu dùng là mục tiêu sống còn để tồn tại và phát triển. Một số doanh nghiệp có sản lượng sản xuất lớn như Công ty CP Chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải, với thương hiệu “Nước mắm Cát Hải” sản xuất hơn 4 triệu sản phẩm/năm; Công ty TNHH Quang Hải với thương hiệu “Nước mắm Quang Hải” đạt từ 700 nghìn đến 800 nghìn lít nước mắm mỗi năm; Công ty TNHH Nguyễn Hoàng với thương hiệu “Nước mắm Cát Bà”, đạt 300 nghìn đến 400 nghìn lít/năm…
Hằng năm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản kiểm tra các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống trên địa bàn Hải Phòng nói chung, huyện Cát Hải nói riêng. Theo kết quả kiểm tra đợt 1 của Chi cục hoàn thành tháng 6-2016, tất cả cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn huyện Cát Hải đều đạt chất lượng, được đánh giá xếp loại B theo Thông tư số 45 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Loại B (loại đạt) áp dụng đối với các cơ sở cơ bản đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; còn một số lỗi nhưng chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, an toàn thực phẩm...
Tuân thủ quy trình sản xuất:
Tại khu bể làm chượp, công đoạn rất quan trọng của quá trình sản xuất mắm truyền thống, công nhân Công ty CP Chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải tranh thủ những ngày nắng đanh, hanh khô để khuấy chượp. Các công nhân thừa nhận, việc tuân thủ quy trình sản xuất truyền thống là yêu cầu bắt buộc, trong đó để có sản phẩm mắm đạt chất lượng cao thì quy trình làm chượp phải qua thời gian 12 tháng. Giới thiệu các quy trình sản xuất mắm Cát Hải của công ty tại khu xí nghiệp làm chượp, nấu cô, kiểm nghiệm mẫu và dây chuyền đóng gói sản phẩm, Phó giám đốc Công ty CP Chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải Vũ Văn Cao cho biết, bảo đảm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là nhiệm vụ trọng tâm mà công ty thực hiện. Công ty đặc biệt chú trọng khâu lựa chọn mua nguyên liệu sạch không qua bảo quản, sơ chế bằng hóa chất hoặc lẫn tạp chất khác; bảo đảm chế biến chượp được chín, thủy phân của cá chuyển hoàn toàn sang axitamin. Đó là công đoạn bắt buộc để nước mắm tránh tác động khác, có độ an toàn rất cao. Công ty kiểm soát công đoạn nấu cô bảo đảm độ chín và vệ sinh nguyên liệu sản xuất nước mắm. Bao bì chứa đựng sản phẩm phải tuyệt đối sạch, cùng với nâng cấp nhà xưởng tiêu chuẩn thoáng sạch, không tạo ra môi trường phát triển vi sinh gây hại. Thường xuyên đào tạo công nhân có kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và duy trì kiểm tra sức khỏe người lao động hàng năm...
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, qua kiểm tra, các cơ sở sản xuất mắm vẫn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng có cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, diện tích mặt bằng sản xuất kinh doanh chật hẹp, trang thiết bị dụng cụ sản xuất còn lạc hậu. Tỷ lệ người được khám sức khỏe, xác nhận kiến thức về ATTP thấp. Hồ sơ nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu đầu vào chưa đầy đủ; chưa xây dựng chương trình quản lý chất lượng theo quy định… Thực tế trên đòi hỏi các cơ quan quản lý và chính các cơ sở sản xuất nâng cao trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, bổ sung các tiêu chuẩn, hướng dẫn khắc phục những hạn chế để sản phẩm nước mắm truyền thống Cát Hải luôn giữ được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, xứng đáng với thương hiệu “nước mắm Cát Hải” nổi tiếng trong và ngoài thành phố.
(Nguồn: Các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở huyện đảo Cát Hải...//Báo Hải Phòng. - ngày 10/11/2016)

81. Xử nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm
Đó là yêu cầu của Thanh tra Bộ Y tế đối với Sở Y tế Hải Phòng qua thanh tra công tác
quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) tại Sở Y tế Hải Phòng.
Theo Sở Y tế Hải Phòng, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP tại Hải Phòng hiện nay chủ yếu do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện.
Kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Y tế cho thấy, công tác thẩm định, cấp các loại giấy liên quan ATTP và việc xử lý vi phạm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều tồn tại.
Trong phiếu kiểm nghiệm tại hồ sơ công bố các sản phẩm nước mắm, chả cá, bánh dẻo, bánh mỳ tươi, ô mai không có chỉ tiêu kim loại nặng (hồ sơ số 06, 08, 16, 36 và 60/2016). Theo báo cáo của Chi cục, do chưa có quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm này nên không quy định chỉ tiêu bắt buộc. Sau khi có ý kiến của đoàn thanh tra, Chi cục đã rà soát và yêu cầu các đơn vị thực hiện kiểm nghiệm đầy đủ.
Bên cạnh đó, hồ sơ công bố đã được duyệt còn thiếu nhãn của sản phẩm. Chi cục đã nhận thấy đây là thiếu sót trong việc kiểm soát thủ tục sau công bố. Hiện tại, Chi cục đã có văn bản gửi tất cả các đơn vị thực hiện nộp nhãn chính theo quy định và đã có một số đơn vị khắc phục, nộp nhãn chính sản phẩm về Chi cục.
Dù có triển khai thanh tra, kiểm tra song việc lấy mẫu kiểm nghiệm tại labo để đánh giá các chỉ tiêu ATTP Chi cục thực hiện còn ít (năm 2015 có 6 mẫu được lấy để kiểm nghiệm phục vụ thanh tra, 8 tháng đầu năm chỉ có 2 mẫu). Theo báo cáo của Chi cục, do không có nguồn kinh phí để lấy mẫu, kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm thực phẩm nên Chi cục đã phải tự cân đối để thực hiện lấy một số ít mẫu trong quá trình thanh tra, kiểm tra.
Ngoài ra, khi xử phạt chỉ áp dụng đối với một số hành vi vi phạm đã được ghi nhận tại biên bản kiểm tra, thanh tra. Một số hành vi vi phạm còn lại không bị xử phạt.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT/BYT-BNNPTNT-BCT việc cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATTP đã được loại bỏ, thay vào đó là việc cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP và tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP không có quy định hành vi vi phạm, hình thức và mức phạt đối với cơ sở không có giấy xác nhận kiến thức ATTP. Tuy nhiên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang xử phạt với hành vi không có giấy xác nhận kiến thức ATTP bằng mức phạt đối với hành vi không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP được quy định tại Nghị định số 178/NĐ-CP. Ngay sau khi phát hiện, Chi cục đã dừng việc xử phạt đối với hành vi không có giấy xác nhận kiến thức ATTP chờ đến khi Chính phủ có quy định mới.
Kết quả kiểm tra tại Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng cho thấy, công tác kiểm tra Nhà nước về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu, kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý Nhà nước về ATTP còn một số thiếu sót trong hoạt động chuyên môn và việc quản lý hóa chất. Một số biên bản lấy mẫu chưa thể hiện được địa điểm lấy mẫu chỉ ghi địa chỉ là kho công ty.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng phiếu đánh giá cảm quan ghi không thống nhất về tên gọi của sản phẩm. Đã thực hiện thu phí theo đúng mức quy định nhưng không thể hiện chi tiết giá tiền của từng chỉ tiêu kiểm nghiệm trên phiếu báo thu…
Theo đoàn thanh tra, mặc dù Sở Y tế Hải Phòng và các đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý ATTP song tình trạng vi phạm các quy định về ATTP còn chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, số cơ sở có vi phạm bị xử phạt còn ít. Đặc biệt, hiện tại có một số sản phẩm đặc sản của địa phương chưa có quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn cụ thể để áp dụng, các chỉ tiêu vệ sinh ATTP chủ yếu dựa vào Quyết định 46/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế nên có một số chỉ tiêu chưa thực sự phù hợp.
Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hải Phòng nhanh chóng khắc phục những tồn tại được chỉ ra trong quá trình thanh tra. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP. Thanh tra Bộ Y tế cũng lưu ý việc tăng cường lấy mẫu, kiểm nghiệm đánh giá các chỉ tiêu ATTP, kịp thời cảnh báo mối nguy mất ATTP, nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP.
(Nguồn: Xử nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm//Tạp chí Thanh tra. - ngày 15/11/2016)

X – Giao thông, vận tải
82. Dự án nút giao thông đường Lê Hồng Phong - Nguyễn Bỉnh Khiêm Bảo đảm an toàn công trường và an toàn giao thông
Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố tại cuộc kiểm tra đột xuất dự án đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức giữa đường Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (sáng 2-11).
Theo báo cáo của Sở Giao thông-Vận tải (GTVT), hiện nhà thầu là tập đoàn HJC đang thi công dự án đúng tiến độ, hoàn thành các hạng mục cọc khoan nhồi, xén vỉa hè bảo đảm giao thông, các mố, trụ thi công xong. Riêng hạng mục tường chắn thực hiện hơn 80% khối lượng và hoàn thành toàn bộ trước ngày 30-11-2016 . Về lao dầm, đến nay cơ bản hoàn thành phía từ nút giao về hướng cầu vuợt Lạch Tray và chuẩn bị triển khai bên phía từ nút giao hướng về ngã ba Đình Vũ. Hiện toàn dự án đạt 84% khối lượng công việc và dự kiến kết thúc vào ngày 15-1-2017.
Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình đánh giá cao và hoan nghênh Sở GTVT, BQL dự án, nhà thầu cùng các cơ quan chức năng phối hợp tốt, đưa dự án hoàn thành theo tiến độ. Đồng chí yêu cầu các đơn vị tiếp tục phát huy trong giai đoạn thi công quan trọng sắp tới là tiếp tục lao dầm và thi công dầm vòm. Sở Giao thông-Vận tải và BQL dự án giao thông đường thủy, đường bộ Hải Phòng bám sát tiến độ, chất lượng, bảo đảm an toàn công trường, an toàn giao thông, hạn chế ảnh hưởng đến người dân tham gia giao thông qua khu vực thi công.
(Nguồn: Dự án nút giao thông đường Lê Hồng Phong - Nguyễn Bỉnh Khiêm Bảo đảm an toàn...//Báo Hải Phòng. - ngày 03/11/2016)

83. Tuần qua, CATP xử lý 2.412 trường hợp vi phạm giao thông
Trong tuần, trên địa bàn thành phố xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 3
người thuộc địa bàn các xã Đại Bản, xã Bắc Sơn (An Dương) và xã Văn Phong (Cát Hải). Các lực lượng chức năng CATP đã tích cực tham mưu, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều nội dung nhằm bảo đảm tình hình TTATGT.
Đặc biệt, CATP đã tham mưu cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và UBND TP quán triệt, chỉ đạo các đơn vị chức năng phòng ngừa tình hình TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn. Cụ thể như: bổ sung chuông cảnh báo tự động, biển báo hiệu, vạch sơn dừng chờ tàu, gờ giảm tốc; đầu tư nâng cấp, lắp đặt mới các cần chắn; bố trí nhân viên thường ứng trực làm nhiệm vụ đóng mở chắn 24/24h tại một số đường ngang dân sinh thuộc địa bàn xã Lê Thiện và xã Tân Tiến, huyện An Dương.
Đồng thời, các lực lượng công an đã làm tốt công tác tuyên truyền về Luật an toàn giao thông đường bộ và đường thuỷ nội địa với nhiều hình thức phong phú như phát tờ rơi, triển lãm pano, áp phích cảnh báo. Phòng PC67 đã tổ chức tuyên truyền cho 1.200 học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, 600 giáo viên và học sinh Trường THCS An Hưng; phát tờ rơi cho 550 giáo viên, học sinh, phụ huynh Trường THCS An Dương. Phòng PC68 đã tổ chức tuyên truyền cho 170 lượt người dân thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính…
Các lực lượng chức năng CATP đã kiểm tra, xử lý 2.412 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, đường sắt và thuỷ nội địa, tạm giữ để xử lý 27 ôtô, 219 xe máy, 18 xe đạp điện, 3 bằng thuyền trưởng; tước 159 giấy phép lái xe…
Trong đó, đã kiểm tra xử lý 111 trường hợp phương tiện chở hàng cồng kềnh, xe thô sơ, xe gắn máy tự chế, phạt tiền theo lỗi 59.360.000 đồng, tạm giữ 20 phương tiện vi phạm; tập trung giải quyết tốt nhu cầu đăng ký xe của công dân, tổ chức và doanh nghiệp; cụ thể, đã tổ chức đăng ký mới cho 309 ôtô, 943 môtô, 112 xe máy điện.
(Nguồn: Tuần qua, CATP xử lý 2.412 trường hợp vi phạm giao thông//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày 07/11/2016)

84. 6 loại xe ô tô tải được phép lưu thông vào đường cấm
Các loại xe được cấp phép bao gồm: xe ô tô sửa chữa công trình điện chiếu sáng, truyền tải, phân phối điện; xe phục vụ sửa chữa hệ thống thông tin của bưu điện thành phố, sửa chữa các công trình thông tin liên lạc, kinh doanh viễn thông và mạng viễn thông; xe phục vụ sửa chữa điện chiếu sáng công cộng và cấp, thoát nước; xe tải có tải trọng từ 3,5 tấn trở xuống chở hàng chuyên ngành bưu điện; xe có trọng tải dưới 3,5 tấn dùng chở tiền, vàng bạc, đá quý của các doanh nghiệp; xe của các ngành phục vụ kiểm tra an toàn thực phẩm, đo lường chất lượng phục vụ phòng chống dịch bênh, trung tâm y tế.
Đây là nội dung của Quyết định 2589/2016/QĐ-UBND ngày 27-10-2016 của UBND thành phố ban hành về Quy định phân luồng giao thông và giờ hoạt động của một số phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng (có hiệu lực ngày 7-11-2016).
(Nguồn: 6 loại xe ô tô tải được phép lưu thông vào đường cấm//Báo Hải Phòng. - ngày 05/11/2016)

85. Hoàn thành sửa chữa các "điểm đen" giao cắt trong tháng 11-2016
Chiều 9-11, đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố kiểm tra hiện trường một số vị trí đường sắt giao cắt với đường bộ bị xuống cấp gây mất an toàn giao thông trên các trục đường QL5 cũ, đường Lê Thánh Tông, đường Ngô Quyền…Cùng đi có các cơ quan liên quan.
Theo Sở Giao thông- Vận tải (GTVT), các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt tại khu vực khảo sát xuống cấp nặng nề, có nơi tạo thành vũng trên mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đối với người tham gia giao thông. Mặt khác, do là các tuyến đường huyết mạch, nên lượng xe trọng tải lớn qua lại hằng ngày rất lớn, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Sở GTVT tổ chức khảo sát, lập danh sách chuẩn bị tổ chức thi công, khắc phục.
Đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình nhấn mạnh, việc nâng cấp, xóa bỏ các điểm đen nguy cơ gây TNGT là một trong những yêu cầu của HĐND, UBND thành phố, được cử tri quan tâm. Những điểm đen do hạ tầng giao thông xuống cấp cần khẩn trương sửa chữa, bảo đảm an toàn cho nhân dân, và phương tiện, bảo đảm mỹ quan thành phố. Đồng chí yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo tổ chức thi công nâng cấp ngay, đến cuối tháng 11-2016 phải hoàn thành.
(Nguồn: Hoàn thành sửa chữa các "điểm đen" giao cắt trong tháng 11-2016//Báo Hải Phòng. - ngày 10/11/2016)

86. VJA khai trương đường bay Hải Phòng – Bangkok
Ngày 10-11, Hãng hàng không VietJet Air (VJA) cho biết, tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, VJA đã khai trương đường bay Hải Phòng – Bangkok (Thái-lan) và chào đón những hành khách đầu tiên.
Đường bay mới sẽ đáp ứng nhu cầu di chuyển, du lịch của người dân và du khách, góp
phần thúc đẩy giao thương và hội nhập trong khu vực.
Đường bay Hải Phòng – Bangkok được khai thác khứ hồi vào các ngày thứ 2, 4, 6 và chủ nhật, thời gian bay mỗi chặng khoảng 1 giờ 50 phút. Chuyến bay sẽ khởi hành từ Bangkok lúc 15 giờ 20 phút và tới Hải Phòng lúc 17 giờ 10 phút; chiều ngược lại khởi hành từ Hải Phòng lúc 17 giờ 40 phút và đến Bangkok lúc 19 giờ 30 phút.
Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm của vùng kinh tế, xã hội khu vực Đông Bắc nước ta, Hải Phòng có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm và dịch vụ hướng đến du khách quốc tế.
Tính đến hiện tại, VJA đã thực hiện hơn 10 nghìn chuyến bay, vận chuyển gần hai triệu lượt hành khách với tám đường bay đi và đến TP Hải Phòng. Cạnh đó, Thái-lan được mệnh danh là đất nước của những nụ cười, là “thiên đường” mua sắm, du lịch đậm văn hóa truyền thống được đông đảo hành khách yêu thích. Đường bay mới sẽ kết nối hai thành phố trọng điểm, mang đến nhiều cơ hội đi lại, du lịch cho du khách với mức chi phí thật hấp dẫn.
(Nguồn: VJA khai trương đường bay Hải Phòng – Bangkok//Báo Nhân dân. - ngày 11/11/2016)


87. Nguy cơ phá sản vì bến xe Thượng Lý "ế" xe khách
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng TTĐT Chính phủ, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng tiếp tục phản ánh khó khăn liên quan đến hoạt động tại bến xe Thượng Lý và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết để Công ty tránh được nguy cơ phá sản.
Trước đó, theo phản ánh của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng, Công ty đã đầu tư xây dựng bến xe khách Thượng Lý thay thế bến xe Tam Bạc theo chủ trương xã hội hóa của TP. Hải Phòng.
Nhưng sau khi bến xe Thượng Lý đi vào khai thác, Sở Giao thông vận tải TP. Hải Phòng lại có văn bản cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động tại bến xe Tam Bạc được lựa chọn giữa bến xe Niệm Nghĩa và bến xe Thượng Lý. Do vậy, hàng loạt doanh nghiệp đã chuyển về bến xe Niệm Nghĩa thay vì bến xe Thượng Lý.
Liên quan đến kiến nghị này của Công ty, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP. Hải Phòng xem xét, giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay Công ty vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn.
Công ty tiếp tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ, có biện pháp giải quyết để tránh được nguy cơ phá sản và tạo lòng tin cho các nhà đầu tư.
Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp, UBND TP. Hải Phòng đã có Văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ như sau:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hải Phòng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 196/BC-UBND ngày 29/9/2016 về việc xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng.
Hiện nay, UBND TP. Hải Phòng đang chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tiếp tục vận động các doanh nghiệp vận tải điều chuyển, bổ sung một số tuyến vận tải khách về hoạt động tại bến xe khách Thượng Lý.
Đồng thời, yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng chủ độngphối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải TP. Hải Phòng và các doanh nghiệp vận tải
để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh bến xe phát triển nhanh hơn.
(Nguồn: Nguy cơ phá sản vì bến xe Thượng Lý "ế" xe khách//Tạp chí điện tử giao thông vận tải. - ngày 15/11/2016)

88. Hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/tháng, hãng mở đường bay mới
Ngày 10-11, UBND thành phố ban hành công văn số 2613/UBND-DL về việc triển khai thực hiện Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở các đường bay mới đi và đến Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Hải Phòng.
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp cùng các sở, cơ quan liên quan tổng hợp hồ sơ đề nghị hỗ trợ của các hãng hàng không khi mở các đường bay mới đi và đến Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; hướng dẫn và kiểm tra các hồ sơ để thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ các hãng hàng không.
Theo quy định của thành phố, các hãng hàng không mở đường bay mới đi và đến Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được hỗ trợ kinh phí thuê văn phòng làm việc trong thời gian 12 tháng, tối đa là 10 triệu đồng/tháng/hãng; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, quảng cáo trên Đài PTTH Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Cổng thông tin điện tử thành phố và các hình thức khác trên địa bàn thành phố. Các hàng hàng không được hỗ trợ khai thác đường bay mới trong năm đầu tiên, theo đó mức hỗ trợ chi phí từ 15% đến 30% số lượng ghế trên mỗi chuyến bay trong năm đầu tiên, tùy theo tần suất chuyến bay và số năm khai thác mà hãng hàng không cam kết triển khai ở Hải Phòng. Đối với đường bay nội địa, mức hỗ trợ là 650 nghìn đồng/ghế đối với đường bay dưới 1.200km và 850 nghìn đồng/ghế đối với đường bay từ 1.200 km trở lên. Đối với đường bay quốc tế, mức hỗ trợ tối đa không quá 2 triệu đồng/ghế đối với các đường bay khu vực Đông Nam Á; 3 triệu đồng/ghế đối với các nước khác.
(Nguồn: Hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/tháng, hãng mở đường bay mới//Báo Hải Phòng. - ngày 15/11/2016)

89. Điều chỉnh dự án Phát triển giao thông đô thị Hải Phòng
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án "Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng".
Dự án ”Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng” có tổng mức đầu tư là 276,61 triệu USD, trong đó vốn IDA tài trợ là 112,100 triệu SDR (tương đương 175 triệu USD).
Dự án được gia hạn thực hiện đến ngày 31/8/2018 theo Hiệp định Tài trợ
Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các Bộ: Ngoại giao,Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn tất các thủ tục pháp lý để gia hạn thời hạn thực hiện Dự án theo Hiệp định trên.
Đồng thời, UBND thành phố Hải Phòng triển khai các biện pháp phù hợp để hoàn thành Dự án theo đúng thời gian được gia hạn, không để phải tiếp tục gia hạn; có trách nhiệm bố trí nguồn chi trả toàn bộ các chi phí phát sinh liên quan đến việc gia hạn thời gian thực hiện Dự án và Hiệp định kể cả phí cam kết.
(Nguồn: Điều chỉnh dự án Phát triển giao thông đô thị Hải Phòng//Báo ĐT Thông tấn xã Việt Nam. - ngày 16/11/2016)

90. VietJet khai trương đường bay Hải Phòng - Bangkok
Hãng hàng không VietJet Air (VJA) chính thức mở đường bay Hải Phòng - Bangkok (Thái Lan) từ ngày 9/11.
Theo đó, chặng bay từ Hải Phòng - Bangkok được khai thác vào các ngày thứ 2, 4, 6 và chủ nhật, thời gian bay mỗi chặng khoảng 1 giờ 50 phút từ 17 giờ 40 phút. Chặng bay ngược lại từ Bangkok - Hải Phòng sẽ khởi hành 15 giờ 20.
Đại diện VietJet cho biết, nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm của vùng Duyên hải Bắc bộ, Hải Phòng có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm và dịch vụ hướng đến du khách quốc tế. Tính đến hiện tại, VietJet đã thực hiện hơn 10.000 chuyến bay, vận chuyển gần 2.000.000 lượt hành khách với 8 đường bay đi và đến thành phố cảng Hải Phòng.
(Nguồn: VietJet khai trương đường bay Hải Phòng – Bangkok//Báo Gia đình & Xã hội. - ngày 17/11/2016)

XI – Xây dựng Hải Phòng thành TP cảng biển xanh, văn minh, hiện đại

91. Hải Phòng mong muốn học tập kinh nghiệm của Vương quốc Bỉ trong phát triển đô thị
Chiều 2- 11, đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố tiếp và làm việc với ông Wouter Vanhees, Tham tán Thương mại và Đầu tư, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ngành GTVT, Xây dựng, Ngoại vụ, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch…
Ông Wouter Vanhees cho biết, Vương quốc Bỉ và Việt Nam, đặc biệt là thành phố Hải Phòng có mối quan hệ hợp tác bền chặt trong nhiều năm nay. Hiện dự án đầu tư lớn nhất của Bỉ tại Việt Nam được thực hiện ở Hải Phòng. Vương quốc Bỉ luôn muốn mở rộng thêm nữa các mối quan hệ hợp tác tại Việt Nam, trong đó có Hải Phòng. Ông Wouter Vanhees thông báo, Phái đoàn kinh tế vùng Flanders- Brussels với 40 doanh nghiệp sẽ tới Việt Nam từ ngày 5 đến ngày 9- 12- 2016.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, ĐSQ Vương quốc Bỉ phối hợp với Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo “Đô thị hóa và phát triển bền vững- Công nghệ của Bỉ về đô thị hóa, tăng trưởng xanh và phát triển hạ tầng”. Đại sứ quán Vương quốc Bỉ nhận thấy chủ đề của hội thảo có nhiều điểm thích hợp với sự phát triển của Hải Phòng và mong muốn được mời lãnh đạo UBND thành phố, các ngành thành phố cùng tham dự và đóng góp ý kiến tại hội thảo. Sau hội thảo, các doanh nghiệp Việt- Bỉ sẽ cùng giao lưu, gặp gỡ, kết nối quan hệ hợp tác.
Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn khẳng định, chủ đề của hội thảo rất hấp dẫn, thiết thực, phù hợp với mong muốn của thành phố Hải Phòng trong phát triển đô thị hiện nay. Thành phố sẽ cử đoàn cán bộ tham gia hội thảo. Đồng chí Phó chủ tịch thể hiện sự quan tâm tới kinh nghiệm của Vương quốc Bỉ trong các vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch; bảo tồn khu đô thị cũ, kết nối đô thị cũ với đô thị mới cũng như xây dựng chính quyền cảng, quản lý cảng biển và mong muốn các chuyên gia của Bỉ sẽ hỗ trợ hoặc tư vấn để góp phần khắc phục bất cập, xây dựng đô thị thành phố theo hướng phát triển xanh và bền vững.
(Nguồn: Hải Phòng mong muốn học tập kinh nghiệm của Vương quốc Bỉ trong phát triển đô thị//Báo Hải Phòng. - ngày 03/11/2016)

92. Dự án đầu tư xây dựng cầu-đường ô tô Tân Vũ- Lạch Huyện: Dồn sức về đích
Thời điểm này, dự án đầu tư xây dựng đường ô tô Tân Vũ- Lạch Huyện qua giai đoạn khó khăn nhất và đang băng băng tiến về đích. Cả công trình cầu, đường và đường dẫn đều được các nhà thầu triển khai rất nhanh, phấn đấu đến cuối tháng 5-2017 kết thúc dự án. Theo cam kết của chủ đầu tư, cuối năm 2016 này, cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á sẽ chính thức hợp long…
Tốc độ thi công bám sát yêu cầu:
Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công khi kiểm tra thực địa dự án. Tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban quản lý Dự án 2 thường xuyên đôn đốc các nhà thầu tận dụng thời tiết thuận lợi để tập trung cao độ phương tiện, thiết bị, vật tư, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục dự án. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương quận Hải An và huyện Cát Hải trong giải phóng mặt bằng. Từ đó, nhà thầu sớm nhận mặt bằng sạch, thuận lợi triển khai thi công công trình cũng như dễ dàng tập kết vật liệu phục vụ thi công. Bên cạnh đó, BQL 2 hợp tác tốt với đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát quá trình thi công bảo đảm chất lượng công trình đúng thiết kế, đồng thời kịp thời Tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong xây dựng, phát huy tối đa năng lực nhà thầu. Đây là
cơ sở quan trọng để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Với những nỗ lực trên, sau gần 30 tháng thi công liên tục, dự án đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn hoàn thiện của các phân đoạn: đường dẫn 2 đầu cầu và cầu. Đến thời điểm này, phần cầu chính là hạng mục được thi công nhanh nhất. Theo nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản), tổng giá trị sản lượng thi công đạt 98% gồm: hoàn thành cơ bản các mố cầu, cọc ống thép, cọc vây, lao lắp đốt dầm và trước ngày 15-11, toàn bộ nhịp cầu sẽ hoàn thành. Hiện nay, ngoài tiếp tục đưa dầm, quây cọc, nhà thầu thi công cuốn chiếu bê tông thành cầu và lan can tay vịn. Dự kiến đến tháng 12-2016, kết thúc hợp long, bước vào giai đoạn hoàn thiện các phần việc còn lại.
Tiếp sau hạng mục cầu, đường dẫn ở phía bờ huyện Cát Hải được Tổng công ty công trình giao thông 4 (Cienco4) –CTCP thi công tích cực, hoàn thành 72% giá trị khối lượng công việc. Nhà thầu hoàn thành 100% phần việc bóc hữu cơ, đắp trả, xử lý đất yếu, đắp nền K95, đắp gia tải và đang chờ lún cố kết; một số đoạn đang tiến hành dỡ gia tải. Tham gia vào gói xây cầu, nhà thầu này thi công kết cấu dưới cầu dẫn và cầu chính, đúc hãng tại đỉnh trụ P77,78- cầu chính, hoàn thành hợp long 2 nhịp từ ngày 15-10-2016.
Tại khu vực thi công đường phía bờ quận Hải An, nhà thầu Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đã hoàn thành 63% giá trị khối lượng công việc. Đối với công việc xử lý nền đất yếu, nhà thầu hoàn thành thi công 750.000m cọc cát D400, 106.000m cọc D700 và 2,8 triệu m bấc thấm; 191.000 m2 vải địa kỹ thuật. Việc thi công đắp nền và bù lún giai đoạn 2, nhà thầu hoàn thành 100% và đang triển khai giai đoạn 3. Dự kiến, giai đoạn 3 kết thúc trong tháng 11-2016. Hiện, nhà thầu tập kết vật liệu thi công các lớp móng, mặt đường và lắp đặt trạm trộn bê tông nhựa số 1 và số 2…
Theo đánh giá của liên danh tư vấn giám sát, đến nay, tổng giá trị sản lượng của cả 3 nhà thầu gồm: Sumitomo Mitsui-Cienco4-Tổng công ty Trường Sơn đạt 88% giá trị hợp đồng.
Tập trung cao giai đoạn “nước rút”:
Theo liên doanh tư vấn giám sát, từ tháng 11-2016, dự án đầu tư xây dựng cầu - đường ô tô Tân Vũ- Lạch Huyện chính thức bước vào giai đoạn nước rút (giai đoạn hoàn thiện), tập trung cao những hạng mục còn lại. Đối với phần cầu, phần quan trọng nhất là hợp long toàn bộ 5,44km cầu sẽ được tiến hành vào cuối tháng 12-2016. Theo nhà thầu Sumitomo, sau khi hợp long xong, đơn vị tiến hành các bước hoàn thiện như: đổ bê tông, thảm át-phan, lắp lan can cầu, điện chiếu sáng…Đối với 2 tuyến đường dẫn ở bờ Hải An và bờ Cát Hải, tháng 5-2017 sẽ kết thúc theo đúng cam kết, đúng với kế hoạch tiến độ 36 tháng của toàn công trường.
Hạng mục thi công khó khăn nhất là cầu sông Cấm (trên đường dẫn thuộc quận Hải An) do ảnh hưởng đến bến tàu Lương Xâm của người dân, Bộ GTVT cho phép điều chỉnh, nâng cao tĩnh không của cầu để không ảnh hưởng đến việc ra vào của tàu thuyền làm nghề đánh bắt hải sản. Đồng thời, tổ chức xây dựng bến tạm phục vụ bà con trong quá trình thi công cầu. Hiện, quận Hải An triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng công trình bến tạm, phục vụ nhu cầu tránh trú bão tại vị trí cầu vượt sông Lạch Tray trên trục đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Đồng thời, vận động bà con chia sẻ khó khăn trong quá trình xây dựng cầu. Nhờ làm tốt công tác vận động và hỗ trợ, đến nay, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn hoàn thành 100 cọc khoan nhồi mố A1, A2, trụ P1,P2, đổ bê tông thân mố A2, trụ P2; hoàn thành thi công 13.200m cọc tại sàn giảm tải mố A1, A2, hoàn thành đúc dầm cầu; tháng 12-2016 tiến hành lao, lắp dầm cầu.
Trong giai đoạn nước rút hiện nay, các nhà thầu, tư vấn giám sát cần tập trung cao hoàn thành đúng tiến độ cam kết. Việc dự án về đích đúng kế hoạch có tác động lớn đến Dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Khi dự án hoàn thành, sẽ kết nối và thúc đẩy hoạt động hệ thống cảng biển Hải Phòng cũng như các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ.
(Nguồn: Dự án đầu tư xây dựng cầu-đường ô tô Tân Vũ- Lạch Huyện: Dồn sức về đích//Báo Hải Phòng. - ngày 04/11/2016)
93. Xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh
Hải Phòng cần tập trung từng bước đầu tư xây dựng thành phố trở thành một đô thị thông minh...Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.
Ngày 6-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn
Thiện Nhân đã làm việc với TP Hải Phòng về tình hình kinh tế- xã hội, triển khai thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng bộ thành phố lần thứ XV; kết quả và định hướng cải cách hành chính; định hướng mô hình xây dựng Hải Phòng thành đô thị thông minh (ĐTTM).
Từ đầu năm đến nay, TP Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tăng vượt bậc các chỉ tiêu kinh tế- xã hội; công tác cải cách hành chính được chú trọng và đã có hai quận đưa mô hình
chính quyền điện tử vào hoạt động.
Thành phố đã phê duyệt Đề án chính quyền điện tử và đang triển khai thực hiện một số dự án lớn: phát triển hệ thống quản lý giao thông thông minh, nâng cấp Cổng thông tin điện tử thành phố, xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống cơ sở dữ liệu kinh tế- xã hội của thành phố…
Trong thời gian tới, Hải Phòng tập trung từng bước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông minh: hệ thống mạng công nghệ thông tin điện tử phục vụ cho việc hình thành chính phủ điện tử; phát triển hệ thống thủ tục hành chính một cửa hiện đại cho tất cả các quận, huyện, sở, ban, ngành; hệ thống giao thông thông minh...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với sự phát triển của công nghệ, ĐTTM đang là xu hướng của các thành phố lớn trên thế giới. ĐTTM như là một công cụ để thành phố phát triển nhanh, bền vững với các mục tiêu: kinh tế năng động, hiệu quả hơn; môi trường sống ngày một tốt hơn, tình trạng ô nhiễm giảm; người dân được phục vụ tốt hơn; người dân tham gia quản lý, giám sát hoạt động của chính quyền.
Do đó, Hải Phòng với vị trí là một đô thị lớn, một trọng điểm phát triển kinh tế không chỉ thực hiện quản lý đô thị thông thường, mà cần xây dựng ĐTTM với việc nâng cao khả năng dự báo sự cố thay vì để xảy ra rồi mới xử lý. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lưu ý bốn giải pháp nền tảng của ĐTTM và để xây dựng ĐTTM cần sự quyết tâm chính trị của cả hệ thống...
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đánh giá cao những đề xuất, phương án của VNPT về giải pháp, mục tiêu, lộ trình thực hiện ĐTTM tại Hải Phòng và lưu ý việc xây dựng ĐTTM cần thực hiện hiện song cùng ở cấp thành phố và quận để tạo sự đồng bộ, chú ý đến đặc thù sinh thái, văn hoá địa bàn và MTTQ VN cam kết tích cực cùng các bộ, ngành làm tốt công tác kết nối, dự báo, hỗ trợ các địa phương xây dựng ĐTTM.
(Nguồn: Xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh//Báo điện tử Chính phủ. - ngày 06/11/2016)

94. Otofun Hải Phòng ra mắt Đội Cứu hộ tình nguyện
Với hơn 300 thành viên, Đội Cứu hộ tình nguyện sẽ triển khai trợ giúp các xe gặp sự cố
trên đường.
Hôm 6/11, Otofun Hải Phòng – thành viên diễn đàn mạng xã hội Otofun.net tổ chức lễ ra mắt Đội trợ giúp Cứu hộ tình nguyện với hơn 300 thành viên. Đây là lần đầu tiên trong cả nước, diễn đàn Otofun tổ chức đội trợ giúp cứu hộ tình nguyện, tạo tiền đề cho các đội cứu hộ tiếp theo.
Với tinh thần tình nguyện “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, trợ giúp miễn phí xe gặp sự cố, tai nạn trên đường, đội trợ giúp thuộc cộng đồng mạng Otofun Hải Phòng được thành lập. Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, đội trợ giúp này đã có hơn 300 thành viên đăng ký tham gia, cứu hộ được hơn 10 vụ xe gặp sự cố điện, lốp, thủy kích….
Đại diện diễn đàn Otofun Hải Phòng cho biết: Chúng tôi thành lập nên một ban điều hành trợ giúp trên tinh thần tình nguyện. Kênh thông tin là địa chỉ facebook mang tên “Team trợ giúp OFHP”, tại đó có số điện thoại, nick name của các thành viên đăng ký trợ giúp. Khi có thông tin người cần trợ giúp cứu hộ, cứu nạn, Ban điều hành sẽ có trách nhiệm điều phối, kết nối với các thành viên Đội trợ giúp ở gần khu vực xe gặp nạn.
Qua 2 tháng hoạt động, nhiều sự cố, tai nạn đã được các thành viên Đội trợ giúp nhiệt tình hỗ trợ trong thời gian rất nhanh chóng. Thời gian tới chúng tôi sẽ liên lạc với ngành Y tế để phối hợp tập huấn về công tác sơ cứu để các thành viên trong hội kịp thời hỗ trợ đối với các vụ TNGT, đồng thời, liên kết với các chi hội otofun phía Bắc để hình thành mạng lưới trợ giúp cứu hộ, cứu nạn trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, miễn phí.
Tại lễ ra mắt Đội trợ giúp cứu hộ tình nguyện, các thành viên Otofun Hải Phòng đã tổ chức thi cứu hộ giữa các thành viên. Cùng với đó, Otofun Hải Phòng cũng tổ chức trao giải Cuộc thi ATGT giữa các thành viên diễn đàn. Mục đích cuộc thi là nâng cao kiến thức, Luật Giao thông đường bộ cũng như kỹ năng xử lý các tình huống giao thông.
(Nguồn; Otofun Hải Phòng ra mắt Đội Cứu hộ tình nguyện//Trang thông tin ĐT “Tin mới”. - ngày 05/11/2016)


95. Hải Phòng khởi công xây dựng lại chung cư cũ đầu tiên
Ngày 9-11, TP Hải Phòng đã khởi công xây dựng lại khu chung cư U19 Lam Sơn tại phường Lam Sơn (quận Lê Chân). Đây là khu chung cư cũ, được xếp vào loại đặt biệt nguy hiểm đầu tiên tại Hải Phòng được xây dựng lại.
U19 Lam Sơn là lô nhà tập thể ba tầng do Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng (nay là Công ty đóng tàu Bạch Đằng) xây dựng từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX. Ngôi nhà đã từng bị hư hại do bom Mỹ bắn phá năm 1972. Hiện, U19 Lam Sơn trong tình trạng hư hỏng nặng và được xếp hạng cấp độ D - cấp đặc biệt nguy hiểm theo Tiêu chuẩn Việt Nam và cần phải phá đi xây dựng lại.
TP Hải Phòng đã có chủ trương về phát triển nhà ở xã hội, góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện điều kiện sống của người dân đang sinh sống ở các khu chung cư cũ và cải tạo, xây
dựng lại U19 Lam Sơn là lựa chọn đầu tiên thực hiện.
Theo thiết kế, U19 Lam Sơn được xây dựng lại với năm tầng. Trong đó, tầng một là nơi để xe, khu vực công cộng và kinh doanh dịch vụ. Từ tầng hai trở lên là các căn hộ để ở. Theo đó, sẽ có 56 căn hộ sau khi xây dựng xong bố trí cho các hộ hiện đang sinh sống tại đây. Tổng diện tích xây dựng là 757m2, tổng diện tích sàn xây dựng 3.909 m2.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 36,4 tỷ đồng, do Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng thực hiện thi công trong thời gian một năm. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào quý 4 năm 2017.
(Nguồn: Hải Phòng khởi công xây dựng lại chung cư cũ đầu tiên//Báo Nhân dân. - ngày 10/11/2016)

96. Tu bổ đê điều thường xuyên năm 2016: Khẩn trương thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng
Năm 2016, bằng nguồn vốn Trung ương, địa phương, trên địa bàn thành phố có 11 hạng mục công trình đê, kè, cống được phê duyệt nâng cấp, tu bổ. Để các công trình hoàn thành đúng kế hoạch năm 2016, ngành Nông nghiệp-PTNT cần tăng cường đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công đê kè, cống đồng thời bảo đảm chất lượng công trình.
Chậm do chờ vốn…:
Năm 2016, qua rà soát thực tế tại các huyện Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên cho thấy đoạn đê tả sông Cấm, đê tả sông Hóa, đê hữu sông Mía hiện trạng mặt đê xấu, cao trình đê thấp hơn quy chuẩn chung, cỏ dại mọc cao ảnh hưởng hoạt động giao thông trên mặt đê, nếu xảy ra lũ lớn, triều cường, nguy cơ nước tràn qua đê khó tránh. Đáng chú ý, một số cống dưới đê ở huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Thủy Nguyên, Cát Hải xây dựng đã lâu, hiện xuống cấp nghiêm trọng, gây rò mang cống, nguy cơ sập, bục cống khi xảy ra mưa bão lớn.
Trước thực tế trên, các địa phương, ngành Nông nghiệp-PTNT đề xuất các hạng mục đê, kè, cống cần được tu bổ, nâng cấp trình UBND thành phố phê duyệt thực hiện trong năm 2016, theo đó tập trung nâng cấp các cống dưới đê. Trên cơ sở đó, 11 hạng mục đê, kè cống được Trung ương, thành phố đồng ý phê duyệt tu bổ, nâng cấp. Trong đó, nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ tu bổ 2 tuyến đê và 2 cống xung yếu tại các huyện Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, được triển khai từ tháng 5-2016.
7 hạng mục công trình đê và cống dưới đê còn lại, trong đó có 2 đê, 5 cống tại Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Hải được thực hiện bằng nguồn vốn thành phố. Mặc dù, thành phố có chủ trương phê duyệt các hạng mục công trình tu bổ đê, thay thế cống mới từ tháng 3- 2016, nhưng đến tháng 9-2016, mới hoàn thành phê duyệt thủ tục theo quy định để phân khai thi công. Theo ông Lê Hồng Đạt, Trưởng Phòng Quản lý đê điều (Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão): các công trình đê điều cần tu bổ trong năm 2016 không triển khai sớm như mọi năm bởi nguyên nhân khách quan, vì đây là năm đầu thực hiện theo Luật Đầu tư công. Do việc thay đổi cơ chế, quy trình thủ tục trải qua nhiều khâu, kéo dài thời gian bố trí vốn. Sau khi được bố trí vốn, các ngành chức năng mới có cơ sở lập thiết kế dự án, đăng thông báo duyệt hồ sơ, lựa chọn nhà thầu...Khi hoàn thiện các thủ tục, các ngành chức năng, đơn vị thi công phải lựa điều kiện thời tiết thuận lợi mới triển khai. Thực tế việc cắt đê để thi công cống dưới đê không thể làm trước tháng 9-2016, do quãng thời gian này mưa bão nhiều, dễ ảnh hưởng xấu tới chất lượng công trình, đồng thời đây cũng là cao điểm sản xuất nông nghiệp, sẽ ảnh hưởng đến việc tưới tiêu cho các địa phương. Vì vậy, việc triển khai thi công chỉ phù hợp sau mùa mưa bão.
Đẩy nhanh tiến độ gắn với bảo đảm chất lượng:
Chính thức triển khai các hạng mục công trình khi đủ các điều kiện, từ cuối tháng 9 đến nay, các hạng mục tu bổ đê bằng nguồn vốn của thành phố tại các khu vực đê tả sông Hóa (Vĩnh Bảo), đê hữu sông Mía và đê tả Thái Bình (Tiên Lãng) được các nhà thầu thực hiện, hiện đạt 20% khối lượng. Đối với thi công các cống, nhà thầu hoàn thành đắp đê quai xanh, một số cống chờ UBND thành phố cho phép cắt đê để thi công. Cống Cái Cụ (huyện Cát Hải) đang thi công, sửa chữa. Đối với các công trình tu bổ đê bằng nguồn vốn Trung ương, hiện các nhà thầu gấp rút thực hiện. Đến cuối tháng 10 hoàn thiện mặt đê bằng đất núi, chuẩn bị rải cấp phối mặt đê với khối lượng đạt 30%; công trình tu sửa cống đạt 70% khối lượng thi công.
Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Văn Hợi cho biết: Mặc dù có ảnh hưởng bởi nguyên nhân khách quan, các công trình phải chờ hoàn thiện các thủ tục mất khá nhiều thời gian mới được thi công, nhưng ngành Nông nghiệp-PTNT và chính quyền các địa phương đôn đốc các đơn vị khẩn trương thực hiện công trình khi đã được bố trí vốn và đủ các điều kiện thuận lợi thực hiện. Theo cam kết của ngành chức năng, đơn vị thi công, đến trước ngày 31-12-2016, các hạng mục tu bổ đê điều trên địa bàn Hải Phòng sẽ hoàn thành đúng tiến độ được phê duyệt.
Với quyết tâm về đích đúng kế hoạch, trên công trường tu bổ đê điều, các nhà thầu tập trung huy động máy móc, phương tiện, nhân lực thực hiện thi công các hạng mục công trình đê, kè, cống. Ngành Nông nghiệp-PTNT phối hợp các địa phương giám sát chặt chẽ tại công trường, kịp thời tháo gỡ vướng mắc giúp nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, mỹ thuật công trình, phấn đấu nghiệm thu trước ngày 31-12-2016.
(Nguồn: Tu bổ đê điều thường xuyên năm 2016...//Báo Hải Phòng. - ngày 10/11/2016)

97. Xây dựng thành phố thông minh, hướng tới phát triển bền vững
Chiều 10-11, UBND thành phố phối hợp Viện chiến lược thông tin và truyền thông, Công ty CP tiến bộ quốc tế (AIC) tổ chức hội thảo “Giải pháp tổng thể xây dựng thành phố thông minh”. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì hội thảo.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố; đại diện các ngành, địa phương và chuyên gia đến từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh ưu điểm của thành phố - đô thị thông minh và nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) gắn với các giải pháp thông minh về giáo dục, dạy nghề-đào tạo nhân lực, hệ thống quản lý y tế, quản lý công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; giao thông; hệ thống quản lý môi trường; nông nghiệp, an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thông minh; phát triển ngành du lịch thông minh... Trên cơ sở này, các chuyên gia đề xuất 10 giải pháp đồng bộ để xây dựng thành phố thông minh (TPTM); đề xuất công tác tổ chức thực hiện.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ của Viện chiến lược thông tin và truyền thông cũng như Viện chiến lược thông tin và truyền thông AIC, các chuyên gia quốc tế đề xuất các giải pháp tổng thế xây dựng đô thị-TPTM, giúp lãnh đạo thành phố và các ngành ở Hải Phòng tiếp cận những vấn đề, kiến thức mới trong xây dựng phát triển đô thị. Tới đây, thành phố tiếp tục tổ chức các hội thảo xây dựng đô thị thông minh, TPTM, cơ quan thông minh...
Đánh giá cao các chuyên đề trình bày tại hội thảo, các nội dung cụ thể từng lĩnh vực,
cũng là những vấn đề lãnh đạo thành phố và người dân quan tâm vì sự phát triển bền vững của thành phố, hướng tới sự hài lòng cho người dân, đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định, xây dựng TPTM để Hải Phòng phát triển bền vững, an toàn, đời sống nhân dân được cải thiện. Đây là chương trình lớn đòi hỏi các cấp, ngành triển khai tích cực. Theo đó, UBND thành phố cùng các ngành tập trung cao phối hợp với AIC, chuẩn bị xây dựng kế hoạch tổng thể, đặc biệt quan tâm kết nối, phối hợp tiếp nhận các gói hỗ trợ cho các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, giáo dục-đào tạo. Đồng thời, ưu tiên nghiên cứu thí điểm việc “thu thuế thông minh” để sớm phát huy nguồn lực của thành phố. Đồng chí giao Ban cán sự đảng UBND thành phố phối hợp chặt chẽ AIC xây dựng kế hoạch tổng thể để trình HĐND thành phố vào tháng 6-2017.
(Nguồn: Xây dựng thành phố thông minh, hướng tới phát triển bền vững//Báo Hải Phòng. - ngày 11/11/2016)

98. Xây dựng đô thị thông minh Xu hướng và sự lựa chọn tất yếu của Hải Phòng
Kỳ 1: Trong cuộc làm việc tại Hải Phòng ngày 6- 11, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu về “ ta xi bay” để giải quyết những vấn đề của đô thị hiện đại và đồng chí tin tưởng trong một tương lai không xa sẽ trở thành hiện thực. Từ câu chuyện này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn dắt và truyền cảm hứng tới lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, lãnh đạo các ngành, các cấp của thành phố về xây dựng đô thị thông minh như một xu hướng và sự lựa chọn tất yếu trên con đường phát triển của Hải Phòng, cũng như của các thành phố lớn trên cả nước.
Hải Phòng có đầy đủ yếu tố xây dựng đô thị thông minh:
Vị thế thành phố lớn thứ 3 cả nước, một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị loại 1 cấp quốc gia, thành phố cảng biển lớn nhất phía Bắc, một trọng điểm phát triển của cả vùng duyên hải, một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng- an ninh… là những yếu tố cơ bản để Hải Phòng xây dựng đô thị thông minh.
Thực tế, trong những năm qua, nắm bắt rõ xu hướng phát triển của thời đại, thành phố có định hướng và triển khai nhiều công việc là nền tảng, cơ sở cho đô thị thông minh sau này. Điều đó được thể hiện ở một loạt các lĩnh vực như xây dựng và hoàn thiện hệ thống cổng thông tin điện tử thành phố gồm 1 cổng chính, 33 cổng thành phần tại các sở, ngành, quận, huyện, 43 cổng của các đơn vị trực thuộc sở, ngành, 106 cổng tại các xã, phường, thị trấn; bước đầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin KTXH ở một số lĩnh vực cơ bản; xây dựng chính quyền điện tử với 2 địa phương đi đầu là quận Hồng Bàng và quận Ngô Quyền; ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào việc xây dựng quy hoạch, số hóa toàn bộ bản đồ quy hoạch trên nền tọa độ và địa hình chuẩn; công bố rộng rãi tất cả các bản đồ quy hoạch; có nhiều dịch vụ công được thực hiện trực tuyến ở mức độ 4; các ngành Công Thương, Nông nghiệp, Tài chính- Ngân hàng, Thuế, Kho bạc Nhà nước, Hải quan, Y tế, Bảo hiểm xã hội, Khoa học Công nghệ, Thông tin Truyền thông, Giáo dục Đào tạo… đều đã triển khai các phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý và CCHC, giảm thiểu thủ tục, thời gian cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, thành phố đang triển khai một số đề án như giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, quản lý an ninh trật tự thông minh; xây dựng Cát Hải trở thành đảo thông minh…
Thế nhưng, tất cả những điều đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Theo đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, mới chỉ so sánh với các tiêu chí của đô thị loại 1 cấp quốc gia, Hải Phòng còn rất nhiều điểm chưa đạt chứ chưa nói tới việc so sánh với các tiêu chí của đô thị thông minh ( hạ tầng đô thị, tỷ lệ đất giao thông, cây xanh, tỷ lệ tăng dân số; rồi nhiều vấn đề khác như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…). Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng chỉ rõ: Hải Phòng cần có sự so sánh giữa yêu cầu phát triển, giữa các tiêu chí cần có của một đô thị hiện đại với thực tế hiện nay của thành phố trong mối tương quan với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước để nhận diện rõ mặt mạnh, mặt yếu để có những giải pháp phù hợp.
Cụ thể, theo phân tích của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, so sánh trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 2 tỉnh đang phát triển là Bình Dương và Đồng Nai, Hải Phòng xếp thứ 6/7 về năng suất lao động; thứ 6/7 về GDP bình quân đầu người; thứ 3/7 về cường độ hoạt động kinh tế; thứ 3/ 7 về thu ngân sách; 3/7 về mật độ lao động; xếp thứ 28 cả nước về chỉ số PCI và thứ 6/7 trong số 7 tỉnh, thành phố kể trên… Đáng chú ý khi bình quân 2 năm 2014- 2015, Hải Phòng ở dưới mức trung bình của 5/10 tiêu chí thuộc loại quan trọng nhất của thể chế kinh tế thị trường như tiếp cận đất đai 4,99/ 10; chi phí không chính thức 4,66/10,3; tính năng động 3,78/10; thiết chế pháp lý 4,74/10; cạnh tranh bình đẳng 4,2/10 và chỉ ở mức trung bình của tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp 5,65/10… Từ đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề, bao giờ Hải Phòng mới đạt được mức khá, lớn hơn 6/ 10 ở 6 tiêu chí này; bao giờ PCI được xếp hạng nằm trong top 10/63 hoặc thậm chí phải vươn lên nằm trong top 7…? Tất cả là nhờ vào những hoạch định chính xác và sự chuyển biến, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị mà xây dựng đô thị thông minh là xu thế tất yếu. Đồng chí cũng giải thích rõ, chính quyền điện tử không đồng nghĩa với đô thị thông minh vì chính quyền điện tử chỉ là một bộ phận cấu thành của đô thị thông minh và đô thị thông minh là những giải pháp mang tính tổng thể.
(Nguồn: Xây dựng đô thị thông minh Xu hướng và sự lựa chọn tất yếu của Hải Phòng//Báo Hải Phòng. - ngày 11/11/2016)

99. Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ nát
Ngày 14/11, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng đã họp với các ngành, các đơn vị, địa phương liên quan để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ nát, nguy hiểm trên địa bàn.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Lê Văn Thành yêu cầu các đơn vị liên quan đến việc triển khai cải tạo, xây dựng lại toàn bộ chung cư hư hỏng, cũ nát trên địa bàn Hải Phòng thực hiện và hoàn thành trong thời gian từ nay đến năm 2020.
Theo đó, các hộ dân sống trong các khu chung cư cũ nát sẽ được di dời ra các khu tạm
lánh để giao mặt bằng cho các nhà đầu tư xây dựng lại thành các khu chung cư cao tầng, hiện đại. Khi hoàn thành, các căn hộ sẽ hoàn trả lại cho người dân. Tiền để xây nhà chung cư đến từ 2 nguồn: Thành phố đầu tư kinh phí giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư sẽ thu vốn và lợi nhuận từ kinh doanh các căn hộ của số tầng tăng thêm. Đối với một số khu chung cư nhỏ, độc lập (nhà tự quản của các doanh nghiệp trước đây), không thuận tiện cho giao thông đi lại, có thể di dân và lấy đất để làm sân chơi, vườn hoa và các công trình phúc lợi công cộng.
Từ nay cho đến hết năm 2016, các khu chung cư U1, U2, U3 Lê Lợi và một số khu chung cư nguy hiểm khác sẽ được triển khai di dời người dân, phá bỏ và khởi công xây dựng lại. Trước đó, ngày 9/11, Hải Phòng đã xây lại khu chung cư đầu tiên là khu nhà U19 Lam Sơn. Khu chung cư này dự kiến hoàn thành vào quý IV/2017 và sẽ dành 43 căn hộ cho các hộ đang sinh sống ở khu nhà cũ này, 13 căn hộ còn lại thành phố ưu tiên, tạo điều kiện cho các đối tượng là người có công với cách mạng, cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp mua hoặc thuê, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thực hiện Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của Chính phủ, Chỉ thị 05 ngày 15/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra già soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình cũ tại đô thị và chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Hải Phòng đã lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư và nhà tập thể xuống cấp. Theo kết quả rà soát của ngành xây dựng thì Hải Phòng hiện có 169 khu chung cư trong diện nguy hiểm, xuống cấp cần phải cải tạo, nâng cấp hoặc phá bỏ, trong đó có 64 khu chung cư trong tình trạng hư hỏng nặng và được xếp hạng cấp độ D - cấp đặc biệt nguy hiểm theo Tiêu
chuẩn Việt Nam và cần phải phá đi xây dựng lại. Phần lớn các khu nhà này được xây dựng
từ những năm 60 của thế kỷ trước.
(Nguồn: Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ nát//Báo Xây dựng . – ngày 15/11/2016)

100. Sôi động các dự án đầu tư tại Hải Phòng
Theo số liệu thống kê, tổng vốn đầu tư 9 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố được thực hiện khoảng 35.210,8 tỷ đồng, tăng 13,15% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó vốn ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài có mức tăng trưởng ngoạn mục, hứa hẹn sự thay đổi ấn tượng diện mạo thành phố.
Nguồn đầu tư trọng điểm:
Một trong những công trình thể hiện sự thay da đổi thịt từng ngày, đem lại niềm háo hức cho người dân mỗi khi qua lại bến phà Đình Vũ có lẽ chính là dự án cầu đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện. Với tổng mức đầu tư 11.849 tỷ đồng, công trình có chiều dài 15,63km, được khởi công từ quý I/2014.
Sau 2 năm thi công, giờ đây cây cầu đã thành hình hài, nếu giữ tiến độ như hiện nay,
công trình sẽ hoàn thành vào tháng 5-2017, sớm hơn 1 năm so với dự kiến. Nhận xét về dự án này, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành ví như “gạch nối”, kết liền các khu vực kinh tế đang phát triển tại phía đông thành phố với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Vươn xa hơn nữa là tính theo chiều dài của hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Vân Nam (Trung Quốc).
So với cùng thời điểm năm 2015, trong 9 tháng đầu năm, nguồn vốn nhà nước trên địa bàn thành phố do địa phương quản lý là 3.177,7 tỷ đồng, tăng 8,15% (trong khi nguồn vốn trung ương quản lý giảm 7,85%).
Ngoài dự án cầu Tân Vũ, một phần lớn nguồn đầu tư này đang được tập trung cho dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Theo kết quả báo cáo, đến nay hợp phần A của dự án với tổng vốn khoảng 18.624 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, khối lượng thực hiện 9 tháng đầu năm đạt trên 770 tỷ đồng.
Hợp phần B gồm 2 bến khởi động dài 750m cho tàu container đến 100.000 DWT, các công trình kiến trúc và mạng kỹ thuật, với tổng vốn 321 triệu USD, các gói thầu cũng đang triển khai đúng tiến độ. Dự kiến toàn bộ công trình sẽ về đích trong năm 2019.
Cải thiện diện mạo đô thị:
Bước vào năm 2016, năm đầu tiên Hải Phòng thực hiện Nghị quyết đại hội 15 Đảng bộ thành phố, với mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo sự phát triển đột phá, xây dựng thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại. Thực tiễn đã phản ánh quyết tâm của thành phố, với nhiều công trình được khởi công, điều nổi bật là lần đầu tiên có sự xuất hiện của các nhà đầu tư quy mô lớn trong nước. Nguồn vốn ngoài nhà nước được đầu tư trên địa bàn thành phố khoảng 16.856,4 tỷ đồng, tăng tới 27,92%, là con số ấn tượng khẳng định nỗ lực vận động của Hải Phòng.
Đáng kể là dự án khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên của Tập đoàn Vingroup với tổng mức đầu tư 19.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, tổng diện tích mặt bằng đã được bàn giao cho dự án là 706,7ha, đạt 81%, các nhà thầu đã hoàn thành san lấp, xây dựng các hạng mục kỹ thuật và móng công trình Club House; đồng thời hoàn thành tạo hình sân golf, thi công 36 đường golf, dự kiến hoàn thành trong tháng 11 này và chính thức đưa vào sử dụng trong quý I/2017.
Một dự án khác cũng đến từ nhà đầu tư Vingroup, tạo điểm nhấn cho diện mạo đô thị phía tây thành phố, là khu đô thị phức hợp Vinhomes River side Hải Phòng. Với tổng vốn 10.000 tỷ đồng, hiện các nhà thầu đang khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng trên phần mặt bằng được bàn giao, đã ép 2.000 cọc móng, thi công 6 đường nội bộ, đào móng 20 biệt thự. Đây là nỗ lực rất lớn của nhà đầu tư, tính từ ngày khởi công 4-3-2016.
Cùng với các dự án của các tập đoàn Vingroup, Him Lam, Sun Group… đã và đang được xúc tiến, thành phố cũng đang tập trung quyết liệt chỉ đạo thực hiện dự án phát triển giao thông đô thị, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn đối ứng. Đến nay đã có 7 gói thầu xây lắp, trong đó 2 gói thầu đã hoàn thành, phần còn lại đang được các nhà thầu tích cực triển khai thi công, đạt khoảng trên 45% tổng giá trị.
Đối với dự án phụ (phục vụ dự án chính) bao gồm 14 khu tái định cư nằm trên địa bàn huyện An Dương và các quận Kiến An, Lê Chân, Hải An, đã có 9 khu tái định cư hoàn thành, 5 khu còn lại đều cơ bản đạt trên 95% khối lượng.
Ấn tượng đầu tư nước ngoài:
Tính từ đầu năm, đầu tư vốn nước ngoài (FDI) được cấp phép mới trên địa bàn thành phố đạt 2.432,02 triệu USD, đưa Hải Phòng đứng đầu cả nước trên bảng xếp hạng về lĩnh vực này. Nhưng quan trọng hơn, thành phố đã triển khai hiệu quả mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, vận động thu hút đầu tư vào lĩnh vực sạch, đi vào chiều sâu, với các đối tác có tiềm lực mạnh và công nghệ tiên tiến.
Điều đó thể hiện rõ, trong tổng số 39 dự án mới được cấp phép mới, có 19 dự án đến từ Hàn Quốc, 5 dự án của Nhật Bản, 4 dự án của Hồng Kông (TQ), 3 dự án của Đài Loan (TQ)... Lớn nhất là dự án LG Display (Hàn Quốc) với tổng vốn 1,5 tỷ USD tại khu công nghiệp Tràng Duệ, đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ấn nút khởi công vào tháng 5-2016.
Tương tự như dự án cũng có tổng vốn 1,5 tỷ USD của LG Electronics đã thực hiện trước
đó, tốc độ thi công trên công trường của LG Display rất nhanh, dự kiến có thể đi vào sản xuất từ quý I/2017. Gần đây nhất, một dự án khác cũng của Hàn Quốc với tổng vốn 20 triệu USD mang tên Ohsung Display, chuyên sản xuất linh kiện điện tử cũng đã đi vào hoạt động tại khu công nghiệp Tràng Duệ.
Không chỉ sôi động với bước khởi đầu của năm 2016, Hải Phòng sẽ có những bước đi tự tin vào năm 2017 bằng hàng loạt dự án mới. Tương lai gần nhất sẽ là dự án cầu Hoàng Văn Thụ dài 1.197,3m, rộng 33,5m dự kiến khởi công vào cuối năm nay.
Tiếp theo đó sẽ là các dự án du lịch sinh thái biển trên quần đảo Cát Bà của nhà đầu tư Sun Group và nhiều dự án khác. Với việc trở thành địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trực thuộc UBND TP, Hải Phòng tiếp tục khẳng định tư duy sáng tạo, bằng cuộc cách mạng về cải cách hành chính, mở rộng cửa cho tương lai phát triển bền vững.
(Nguồn: Sôi động các dự án đầu tư tại Hải Phòng//Báo An ninh Hải Phòng. – ngày 15/11/2016)

101. Hải Phòng bứt phá về cải cách hành chính
Đã 3 năm liên tiếp Hải Phòng giữ vững thứ hạng 2/63 tỉnh, thành cả nước về chỉ số cải cách hành chính (CCHC). Năm 2016, với quyết tâm vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nền hành chính công lại tiếp tục có những bứt phá mới, tạo được lòng tin trong dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trực tiếp thúc đẩy sự phát triển KT-XH của thành phố.
Thu hút làn sóng đầu tư:
Tại buổi tiếp đoàn công tác TW kiểm tra công tác CCHC năm 2016 vào cuối tháng 10 vừa qua, Phó chủ tịch UBNDTP Nguyễn Xuân Bình đã khẳng định: Đối với Hải Phòng, CCHC chính là nguồn lực để phát triển. Năm 2016, Hải Phòng xác định chủ đề năm: “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách - Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” mà thực chất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chính là CCHC.
Quán triệt quan điểm đó, từ đầu năm đến nay, thành phố đã tập trung cao cho việc khắc
phục các chỉ số đạt thấp. Điều này rất có ý nghĩa đối với người dân, doanh nghiệp trong điều kiện nền hành chính nhà nước còn hạn chế.
Song song với việc thường xuyên tổ chức đối thoại trực tuyến về CCHC nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố đã nhìn nhận rõ tính bức thiết phải tạo ra bước đột phá
mới trong cải cách thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy. Và sự ra đời, đi vào hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch chính là sự cụ thể hóa chủ trương đó.
Với tính năng ưu việt là đầu mối duy nhất giải quyết mọi thủ tục hành chính (TTHC) mà trước đây thuộc thẩm quyền giải quyết của 4 sở (KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, TN&MT) như: tiếp nhận, trả kết quả TTHC, cấp giấy chứng nhận về đầu tư, GPMB, triển khai dự án..., khi đi vào hoạt động, trung tâm đã trở thành mô hình “một cửa, một cửa liên thông” trong cấp phép đầu tư mới, đáp ứng yêu cầu giải quyết nhanh chóng các thủ tục về đầu tư cho doanh nghiệp.
Ngay trong hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Hải Phòng đã thu hút sự tham gia của gần 500 đại biểu đại diện cho khoảng 300 doanh nghiệp trong, ngoài nước, tiến hành ký các biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, hợp đồng tín dụng lên tới 12,8 tỷ USD.
Hiện, 100% sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” giúp người dân, doanh nghiệp chỉ phải đến một cơ quan để giao dịch giải quyết TTHC thay vì phải đến 2, 3 cơ quan như trước đây. 100% các sở, ngành, quận, huyện có Cổng thông tin điện tử trong hệ thống Cổng thông tin điện tử thành phố. 100% dịch vụ hành chính công được cung cấp trên cổng đạt mức độ 2 trở lên; trong đó có tới 131 dịch vụ công đạt mức độ 3 và 39 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4. Cổng thông tin điện tử đã phát triển thêm 149 cổng thành phần cấp 3; thêm 4 chuyên trang tiếng nước ngoài (Nhật, Hàn, Anh, Trung).
Các cơ quan TW trên địa bàn thành phố cũng nỗ lực, chủ động trong việc cắt giảm những TTHC không cần thiết. Đơn cử: Cục Hải quan, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển Quốc tế. Cục Thuế cắt giảm tổng mức thời gian làm thủ tục thuế cho doanh nghiệp xuống còn 117h/năm. CATP triển khai thí điểm cấp căn cước công dân; trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh cho triển khai hệ thống lấy số thứ tự, xếp hàng, giao giấy hẹn tự động.
Cấu trúc “Chính quyền điện tử”Qua đó, yêu cầu tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư được đáp ứng tốt vừa bảo đảm tiến trình hội nhập quốc tế. Môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố cũng được cải thiện đáng kể, nhiều dự án quan trọng được khởi công, khánh thành, đưa Hải Phòng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI...
Không chỉ đi đầu trong xây dựng mô hình “một cửa về đầu tư”, Hải Phòng còn được cả nước biết đến là địa phương tiên phong trong xây dựng mô hình “Chính quyền điện tử”. Cấu trúc “Chính quyền điện tử” đang dần hình thành tại 2 quận Hồng Bàng, Ngô Quyền...
(Nguồn: Hải Phòng bứt phá về cải cách hành chính/Khánh Chi//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày16/11/2016)

XII – Xây dựng Nông thôn mới
102. Cấy lúa theo phương pháp "hiệu ứng hàng biên" cho năng suất cao
Tại vùng sản xuất tập trung cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn các xã Nhân Hòa và Cộng Hiền của huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng đã áp dụng cấy lúa theo phương pháp “Hiệu ứng hàng biên” cho năng suất cao, giảm chi phí lao động được nông dân áp dụng nhiều trên diện rộng.
Cấy lúa theo phương pháp “Hiệu ứng hàng biên” là phương pháp cấy lúa thưa, cấy một hàng sông hẹp lại cấy một hàng sông rộng. Mật độ cấy tùy thuộc vào các loại giống, thường hàng sông lớn cách khoảng 45cm, hàng sông nhỏ cách 24cm, cây cách cây 21- 24cm là đạt. Cấy lúa theo phương pháp trên để nhằm mục đích tận dụng được ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá kích thích các chồi mắt phát triển cho cây lúa khỏe, ít sâu bệnh cho năng xuất cao, chất lượng tốt. Ngoài ra, còn tạo lợi thế về chăm bón vì khi bón phân sẽ bón theo hàng sông con, không bón phân theo hàng sông rộng để tiết kiệm được phân bón và tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tránh tình trạng lãng phí phân bón trải rộng khắp ruộng, nhiều chỗ cây lúa không hấp thụ được hết.
Mô hình này được áp dụng tại xã Cộng Hiền bắt đầu từ vụ xuân năm 2013, lúc đầu triển khai cũng vấp phải một số khó khăn nhất định bởi lẽ tập quán của nông dân đã quen với việc cấy dày nên khi cấy thưa bà con rất hoang mang, lo lắng, thậm chí còn phản đối gay gắt vì cho rằng cấy như vậy rất lãng phí đất. Tuy nhiên, sau 3 năm áp dụng phương pháp này bà con đã hoàn toàn yên tâm phấn khởi vì hiệu quả kinh tế mang lại đáng kể. Theo ông Nguyễn Văn Lý - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Cộng Hiền, nếu cấy lúa theo phương pháp thông thường, bà con nông dân đã vô tình chống lại quy luật đẻ nhánh của cây lúa dẫn đến sự kiềm chế năng suất, không phát huy tận dụng tối đa các lợi thế. Nhưng từ khi chuyển sang cấy lúa theo phương pháp mới, nông dân đỡ được 40-50% tiền giống ban đầu, năng xuất lại cao hơn từ 20 – 30%, tiết kiệm được 10 - 15% lượng phân bón. Với thời tiết như mùa năm nay, không bị gió bão va đập thì năng xuất lúa sẽ rơi vào khoảng 2,5 -3 tạ/sào. Đến thời điểm này, xã Cộng Hiền đã nhân rộng diện tích cấy lúa lên đến 100ha trên toàn xã.
Hầu hết nông dân cho rằng cấy lúa theo phương pháp mới, cây lúa sinh trưởng phát triển
tốt hơn, bông lúa dài, hạt sáng, số lượng bông nhiều từ 12-16 bông/khóm lúa, bộ lá ít sâu bệnh nhất là bệnh khô vằn, đạo ôn, vàng lá… cây lúa có thời gian trỗ nhiều hơn, sức chống đổ của cây tốt hơn do cây cứng, bộ rễ khỏe, số hạt chắc trên bông cao nên năng suất cao hơn khi cấy thông thường.
Các xã khác của huyện cũng đã lần lượt học tập áp dụng phương pháp trên như: Nhân Hòa, Tam Đa, Vĩnh Long, Cao Minh… Ông Nguyễn Văn Chiến - chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nhân Hòa tiết lộ, vụ mùa năm nay, Nhân Hòa áp dụng kỹ thuật mới này là vụ thứ 2, đang cho thu hoạch đạt từ 62-63 tạ/ha. Phương pháp này đã được áp dụng hầu hết trên các diện tích.
Có được những kết quả này, phải kể đến sự chỉ đạo của thành phố và việc triển khai của các cán bộ khuyến nông địa phương. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuân- Trạm trưởng Trạm khuyến Nông huyện Vĩnh Bảo cho biết: “Vĩnh Bảo là huyện cách xa trung tâm thành phố, các xã ở đây nông dân chủ yếu là thu nhập từ hoạt động nông nghiệp và cây lúa là cây chủ đạo. Vì thế cần phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào đồng ruộng nhằm thúc đẩy nâng cao đời sống cho nhân dân. Với việc cấy lúa bằng phương pháp “Hiệu ứng hàng biên” đã tạo ra một tâm lý mới cho nông dân, làm thay đổi tập quán sản xuất cũ phát huy hết khả năng sáng tạo trên đồng ruộng cho nông dân”
Đây là bước chạy đà thuận lợi cho TP.Hải Phòng thực hiện thành công mục tiêu “Xây dựng nông thôn mới đồng thời gắn với phát triển nông nghiệp toàn diện; xây dựng vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn được coi là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp….” như đã nêu trong Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 16.7.2012 “về xây dựng nông thôn mới Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”.
(Nguồn: Cấy lúa theo phương pháp "hiệu ứng hàng biên" cho năng suất cao//Báo ĐT Dân việt. - ngày 04/11/2016)

103. Xây dựng NTM Hải Phòng: Phấn đấu 100% các xã đạt chuẩn vào năm 2020
Xây dựng nông thôn mới (NTM) trở thành nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong nhiệm vụ của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể tại các xã, thôn trên địa bàn Hải Phòng.
Các địa phương đã tổ chức quán triệt nội dung Chương trình xây dựng NTM đến các
thôn, xóm và người dân.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng: Địa phương có 139/143 xã thuộc 7 huyện triển khai Chương trình xây dựng NTM; 4 xã của huyện Cát Hải chưa triển khai vì nằm trong quy hoạch công nghiệp và dịch vụ hậu cần cảng. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM bình quân các xã trên địa bàn đạt 14,5 tiêu chí; 48 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí (34,5%), 11 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí ( 7,9%); 80 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí (57,56%).
Ông Nguyễn Ngọc Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng cho biết: Xây dựng NTM trở thành phong trào rộng khắp toàn thành phố và NTM ở Hải Phòng cũng đã dần hình thành rõ nét hơn với những đặc trưng hạ tầng nông thôn nâng cấp toàn diện, làm thay đổi bộ mặt nông thôn; điều kiện sống về vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao. Ruộng đất được tích tụ phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao, định hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế cao; góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn… Đó là những thành tựu được ghi nhận trong việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015 trên địa bàn Hải Phòng.
Sở dĩ có được kết quả nêu trên là do có sự lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực với vai trò chủ thể của người dân; Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân; chủ động khai thác tốt các nguồn lực; tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời bổ khuyết giải pháp khả thi…
Bên cạnh đó ông Hưng cũng chỉ ra những mặt hạn chế như: Việc thực hiện quy hoạch tại các xã có sự trùng lặp, cắt dán và sao chép của nhau; việc xây dựng quy mô chưa đồng đều hoặc quá lớn so với khả năng của địa phương. Cụ thể, có những xã mỗi thôn xây 1 nhà văn hóa cách nhau chưa đầy 100m là chưa phù hợp, gây lãng phí; về tiêu chí lưới điện nông thôn, hệ thống điện lực ổn định, an toàn bao gồm cả yếu tố hệ thống dây dẫn sau công tơ. Và hệ thống dây dẫn này là do chủ hộ sử dụng công tơ có trách nhiệm. Để đảm bảo tiêu chí này, các địa phương nên chú trọng tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân…
Về tiến độ các xã, huyện đạt chuẩn NTM theo kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 cụ thể như sau: Năm 2016, công nhận 41 xã đạt chuẩn NTM; năm 2017 công nhận thêm 26 xã; 2018 là 20 xã; 2019 là 22 xã; phấn đấu năm 2020 là 23 xã đạt chuẩn NTM nâng số xã đạt chuẩn trên địa bàn thành phố lên 139 xã.
(Nguồn: Xây dựng NTM Hải Phòng: Phấn đấu 100% các xã đạt chuẩn vào năm 2020//Báo ĐT Dân việt. - ngày 05/11/2016)

104. Xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng: Đầu tư 3 khu vực sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trọng điểm
Hơn 12.254 tỷ đồng là số tiền ước đạt trong huy động các nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Hải Phòng 5 năm (2011-2015). Đây là tiền đề vững chắc cho việc đẩy mạnh xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Hải Phòng cuối tuần có cuộc trò chuyện với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Hà về lộ trình xây dựng NTM Hải Phòng trong giai đoạn tới.
... Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn thấp:
- Mặc dù có nhiều cách làm sáng tạo, cơ chế đặc thù trong thực hiện chương trình, song thực tế xây dựng NTM tại các địa phương vẫn có những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Vậy những khó khăn đó là gì và có ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu xây dựng NTM tại Hải Phòng?
- Đúng là trong quá trình thực hiện, cùng với những kết quả đạt được khá tích cực, một số "rào cản" về chính sách chưa cụ thể từ trung ương và việc khó huy động nguồn lực xây dựng NTM ảnh hưởng tới việc hoàn thành các tiêu chí tại các địa phương. Nguồn lực đầu tư từ trung ương cho chương trình xây dựng NTM còn thấp. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành; chính sách xã hội hóa thu hút vốn đầu tư cho nông nghiệp còn yếu; cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự hấp dẫn, còn thiếu, chưa hiệu quả. Trong 2 năm 2012-2013, các địa phương hụt thu ngân sách nên không bố trí được phần vốn đối ứng. UBND huyện, xã phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tăng cao so với mức được UBND thành phố quyết định trong khi nguồn đối ứng của các địa phương còn hạn chế. Đây là nguyên nhân làm tăng nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Một số địa phương quá chú trọng đầu tư cho các tiêu chí cơ sở vật chất, chưa dành quan tâm thực hiện các tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân...
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là quy mô gia đình, chưa ứng dụng khoa học công nghệ cao, sản xuất hàng hóa tập trung còn hạn chế, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất không cao; thiếu cơ chế đủ mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực cho tái cơ cấu... Người sản xuất, nhất là nông dân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về sản xuất hàng hóa, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp ngày càng chịu tác động rất lớn do hội nhập quốc tế và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thu nhập không cao. Quan hệ sản xuất chưa phù hợp, công tác đổi mới hình thức tổ chức sản xuất chưa đạt hiệu quả, việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX còn chậm, chưa có nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Chưa xác định được sản phẩm chủ lực để tổ chức sản xuất; việc hỗ trợ để phát huy lợi thế từng địa phương đối với các sản phẩm chủ lực chưa được chú trọng... Những vấn đề khó khăn trên đang là nguyên nhân khiến tiến độ xây dựng NTM ở Hải Phòng chững lại, nếu không có giải pháp khắc phục mang tính đột phá, mục tiêu đến năm 2020, 100% số xã và 100% số huyện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM khó thành hiện thực.
Nâng cao thu nhập của người dân:
- Vậy chìa khóa tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để Hải Phòng về xây dựng đích NTM vào năm 2020 là gì?
- Mục tiêu lớn nhất khi thực hiện chương trình xây dựng NTM là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho người dân. Khi đó người dân cùng chính quyền địa phương đóng góp sức người, sức của đẩy nhanh tiến độ thực hiện NTM. Do đó, cần chú ý thực hiện các tiêu chí về sản xuất, xây dựng những vùng sản xuất nông sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị nông sản, sản xuất gắn với thị trường, theo chuỗi giá trị. Muốn đạt mục tiêu này, Hải Phòng phải thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp đang xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp với việc ưu tiên xây dựng 3 khu vực sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trọng điểm. Một là vùng trung tâm. Vùng này ứng dụng công nghệ cao, do các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có uy tín đầu tư khép kín từ sản xuất đến chế biến, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, tiêu thụ sản phẩm (như mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn VINGroup tại xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo), chiếm 5- 10% diện tích sản xuất nông nghiệp. Mỗi huyện và cụm huyện có 1 vùng trung tâm ứng dụng công nghệ cao. Thứ hai là vùng chuyển tiếp cho vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các trang trại sản xuất theo quy trình VietGap, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia. Vùng này dự kiến quy hoạch khoảng 30- 35% diện tích đất nông nghiệp. Vùng thứ 3 là khu vực còn lại, mở rộng, do nhóm các gia trại, hộ nông dân liên kết gia công sản phẩm cho 2 khu vực trên. Tại vùng này, sẽ phát triển các mô hình về liên kết sản xuất giữa hộ nông dân - HTX - doanh nghiệp nhằm tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua các HTX để mở rộng quy mô sản xuất và hình thành các quy trình sản xuất khép kín (từ sản xuất đến tiêu thụ), qua đó từng bước tạo sự ổn định, bền vững trong hoạt động sản xuất khu vực nông thôn.
Để tạo ra 3 vùng sản xuất nông sản hàng hóa trọng điểm này, ngành sẽ hướng vào 2 giải pháp đột phá. Đó là, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách tạo mặt bằng thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ kinh phí các tổ chức, cá nhân thuê đất, liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa tập trung; những chính sách hỗ trợ nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ bảo vệ sản xuất, hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, cơ sở chế biến nông sản hàng hóa... Tập trung hóa tư liệu sản xuất (tích tụ đất đai) để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Ngành đang phối hợp các huyện nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện thí điểm tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại các vùng trọng điểm, xác định, lựa chọn các sản phẩm, các cây - con chủ lực, thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển sản xuất hàng hóa.
(Nguồn: Xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng: Đầu tư 3 khu vực sản xuất...//Báo Hải Phòng. - ngày 07/11/2016)

105. Chậm tiến độ làm đường nông thôn
Thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, theo kế hoạch, năm nay thành phố hỗ trợ 178,5 nghìn tấn xi măng cho các địa phương làm đường giao thông nông thôn. Nhưng tính đến thời điểm này, toàn thành phố mới tiếp nhận gần 24,4 nghìn tấn, đạt 13,7% kế hoạch, làm được 179,2km/1.171km đường giao thông nông thôn, bằng 15,31% kế hoạch.
Trong đó, có 106,5km là đường giao thông thôn xóm, khu dân cư; 72,7km là giao thông nội đồng. Kết quả nàu là quá thấp so với kế hoạch đã đề ra. Ước đến hết năm, các địa phương cũng chỉ tiếp nhận được khoảng 58 nghìn tấn, thực hiện 380,4km đường giao thông nông thôn.
Được biết, khó khăn trong việc triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn mà các địa phương đang vấp phải là do mức đóng góp của nhân dân để làm đường gồm đường giao thông thôn xóm, nội đồng, nội bộ nghĩa trang nhân dân là rất lớn; các tuyến đường chưa làm chủ yếu là đường nội đồng, nền đường thấp, cốt đường yếu, yêu cầu mức đầu tư cao nên cùng một lúc người dân khó có thể đóng góp triển khai...
(Nguồn: Chậm tiến độ làm đường nông thôn//Báo An ninh Hải Phòng. - ngày10/11/2016)

106. Hải Phòng xây dựng 3 vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm
Theo ông Phạm Văn Hà - Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố, Hải Phòng đang hướng tới xây dựng 3 khu vực trọng điểm sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Trong đó, xác định rõ vùng trung tâm, vùng chuyển tiếp và vùng mở rộng. Vùng trung tâm chiếm khoảng 5-10% diện tích sản xuất nông nghiệp toàn thành phố, dành cho các doanh nghiệp lớn, đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Mỗi huyện và cụm huyện sẽ có một vùng trung tâm như vậy, áp dụng quy trình sản xuất khép kín từ đầu vào đến đầu ra, sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Vùng chuyển tiếp dự kiến quy hoạch khoảng 30-35% diện tích đất nông nghiệp, dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các trang trại sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia. Vùng còn lại là vùng mở rộng, gồm nhóm các gia trại, hộ nông dân liên kết gia công sản phẩm cho 2 vùng trên. Ở đây sẽ phát triển các hình thức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua các HTX, từ đó hình thành các quy trình sản xuất khép kín, mở rộng quy mô sản xuất. Để xây dựng được 3 vùng sản xuất trọng điểm trên, Hải Phòng sẽ tăng cường thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố sẽ nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách thuận lợi cho đầu tư, hỗ trợ kinh phí thuê đất, hỗ trợ lãi suất vốn vay... Cùng với đó, đẩy mạnh tích tụ đất đai cho các vùng sản xuất lớn. Ngành nông nghiệp thành phố đang phối hợp với các huyện nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện thí điểm tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, tại mỗi vùng sản xuất, sẽ xác định, lựa chọn sản phẩm chủ lực là thế mạnh của mỗi địa phương để sản xuất hàng hóa.
(Nguồn: Hải Phòng xây dựng 3 vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm//Báo Nông nghiệp Việt Nam. - ngày 15/11/2016)

107. Xác định 4 nhóm cây trồng, 2 sản phẩm chủ lực
Sáng 17- 11, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị xác định các sản phẩm, chủ lực trồng trọt, chăn nuôi của Hải Phòng giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo định hướng phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến 2030, Hải Phòng xác định 4 nhóm cây trồng chủ lực. Đó là: lúa chất lượng cao (giai đoạn 2016- 2020, diện tích 54.200 ha; giai đoạn 2021- 2030: 45 nghìn ha); Rau củ quả an toàn (đến năm 2020 đạt 15 nghìn ha, sản lượng 375 nghìn tấn quả. Quy hoạch vùng chuyên canh rau quả quy mô 5.700 ha áp dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ); Cây hoa, cây cảnh (giai đoạn 2016- 2020 đạt diện tích 680 ha. Đến năm 2020, hình thành khu sản xuất hoa cắt cành ứng dụng công nghệ cao, nhà kính, nhà có mái che trên diện tích 100 ha. Giai đoạn 2021-2030, diện tích cây cảnh và hoa đạt 1.100 ha, sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao đạt 200 ha); Cây thuốc lào (giai đoạn 2016- 2020 đạt diện tích 2.650 ha, giai đoạn 2021- 2030 là 3000 ha).
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành tập trung vào 2 sản phẩm chủ lực lĩnh vực chăn nuôi là chăn nuôi lợn và chăn nuôi gia cầm. Việc chăn nuôi lợn sẽ tiến tới mở rộng quy mô đàn lợn cao sản, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, chuồng trại theo hướng chăn nuôi công nghiệp và công nghệ cao. Phân đấu tăng tỷ lệ đàn lợn trong trang trại chăn nuôi tập trung đạt 50% tổng đàn lợn năm 2020, năm 2030 đạt 55%. Đối với lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, phấn đấu năm 2020 tổng đàn gia cầm đạt 8,28 triệu con, năm 2030 đạt 9,5 triệu con; tăng tỷ lệ cơ cấu đàn gia cầm trong trang trại tập trung chăn nuôi đạt 55% tổng đàn gia cầm năm 2020, năm 2030 đạt 60% tổng đàn gia cầm.
(Nguồn: Xác định 4 nhóm cây trồng, 2 sản phẩm chủ lực//Báo Hải Phòng. - ngày 18/11/2016)

Facebook zalo

Các tin đã đưa